BÂNG KHUÂNG MÙA BỈ NGẠN

… Đã bước vào giai đoạn cuối của mùa bỉ ngạn.

Vâng. Không biết bạn đã từng nhìn thấy những vạt bỉ ngạn rực rỡ bên vệ đường. Nếu bạn gật đầu là bạn đã may mắn đấy. Nhiều người chưa một lần nhìn thấy bỉ ngạn mọc giữa thiên nhiên. Một số khác từng gặp nhưng không rõ nó là thứ gì, giống gì. Thậm chí với nhiều người bỉ ngạn là loài hoa thích chơi trò ú tim, xuất hiện một cách khá đánh úp. Nó đến bất ngờ. Lù lù một đống không ai ngờ đến. Họ chỉ biết một ngày thu đẹp trời nào đó tự nhiên những đóa bỉ ngạn mọc lên từ lòng đất khiến họ giật mình. U là trời, mọc đâu ra mà đẹp dữ vậy ta!

Thực ra bỉ ngạn không đánh úp ai cả. Nó, như bao loại thảo mộc và những sinh thể trên mặt đất này trong hệ DNA luôn chứa đựng những mã di truyền chi phối các hoạt động thuộc thế giới đồng hồ sinh học. Tức những hiện tượng mang tính quan trọng sống còn luôn diễn ra vào những thời khắc nhất định. Cây có mùa, hoa có vụ. Nhiều loài thủy sinh, côn trùng, và những động vật lưỡng cư (như cóc nhái) sinh sản theo mùa, theo lịch thời gian được ấn định trong năm. Câu: Tháng chín mưa rươi, tháng mười mưa ruốc hay: Tháng chín ăn rươi, tháng mười chịu bão phần nào minh họa các khái niệm liên hệ đến vận hành đất trời theo mùa màng trong năm vốn chịu những ảnh hưởng ấn định các chu kỳ thời gian.

Vâng. Bỉ ngạn là một loài hoa đầy ấn tượng. Nhìn nó, bao xúc cảm bâng khuâng gắn liền với những dư âm ngọt ngào ký ức trong cuộc sống chợt ùa đến. Phải chăng cũng vì bởi vẻ đẹp của nó nhiều giai thoại ly kỳ đã xuất hiện? Không tin, hãy lần dở những xúc cảm lần đầu bạn gặp gỡ bỉ ngạn. Hoặc dành lấy ít phút để tìm kiếm những đoạn video clip hoặc những bài viết ngắn về nó; bạn sẽ bất ngờ nhận ra bỉ ngạn chuyển tải nhiều thông điệp cuộc sống thông qua những giai thoại truyền thuyết vừa ngọt ngào lãng mạn song cũng đầy những bi ai thống thiết.

Lá bỉ ngạn

Với không ít người bỉ ngạn có liên hệ đến các câu chuyện của nhà Phật, song đây chỉ là những cảm nhận thói quen khi họ nghe kể về nó rồi nghĩ vậy. Thực ra bỉ ngạn là loài hoa chịu nhiều chi phối từ những áng văn chương đượm màu văn hóa khác nhau, đôi khi vừa tâm linh, vừa rất đỗi huyền thoại. Với những nền văn hóa Á đông như Nhật Bản, Đại Hàn, Trung Quốc, hay với người Việt mình, chân dung một đóa bỉ ngạn mang nhiều sắc thái khác nhau. Tỷ như nó có thể là biểu tượng của chia ly, của những nhắc nhở ái tình là cửa vọng đau thương chất đầy những u uẩn cưu mang, có thể nó là biểu tượng của thủy chung trọn vẹn, là thách đố của những rào cản và tinh thần đầy quyết liệt, dám vì tình mà nổi loạn. Hoặc nó là biểu tượng của thâm tình thân bằng quyến thuộc, là nghĩa tình gia đình gắn bó vượt không gian, thời gian… (Phải chăng) mặc nhiên vì thế bỉ ngạn đã có những dấu ấn rất riêng, rất ngọt lịm. Tuy nhiên không ít lần bỉ ngạn đã hứng chịu những hàm oan vì người đời ngộ nhận, hiểu lầm về nó. Vâng, bỉ ngạn chỉ là một loài hoa hiền lành, không hề đại diện cho những gì đổ vỡ hay tan tác và ích kỷ, càng không thuộc về sở hữu của bất cứ tôn giáo nào. Bỉ ngạn chỉ là một loài hoa với vẻ đẹp độc lạ và thái độ sống tương đối khác thường của nó giữa muôn vàn hình thái sinh động hiện diện dưới một bầu trời luôn đầy ắp đức hiếu sanh và lòng độ lượng.

Tên dân dã trong tiếng Anh của bỉ ngạn là spider lily. Spider là nhện. Lily là hoa huệ. Nói theo cách giải thích xuề xòa dân dã spider lily là huệ nhện. Nó thuộc giống hoa mọc từ củ. Tuy nhiên nhiều loài huệ khác có lá và hoa xuất hiện cùng một lúc còn bỉ ngạn thì không. Khi thấy hoa của nó bạn sẽ không thấy lá. Còn khi có lá lại chẳng thấy hoa. Tuy là hai bộ phận quan trọng của một thực thể, lá và hoa của bỉ ngạn không thể tương phùng. Thực ra điều này không lạ nếu bạn quan sát kỹ chu kỳ sinh hoạt của chúng rồi quen mắt. Nhưng nếu cắc cớ, muốn truy cứu đến tận ngọn tận ngành bạn sẽ ngạc nhiên trước những huyền cơ đất trời dành cho một loài hoa rất đẹp, đầy ấn tượng nhưng cũng phải hứng chịu bao hàm oan, dè bỉu, kiểu nó là thế này, kiểu nó là thế nọ…

Hiếu kỳ về chuyện tại sao bỉ ngạn chỉ có hoa mà không có lá lên mạng Google tìm kiếm ta sẽ có câu trả lời ngay. Thực ra bỉ ngạn có lá nhưng chúng không xuất hiện cùng thời điểm nên tưởng là bỉ ngạn không có lá. Gõ cụm từ leaves of red spider lily vào ô search của Gooogle bỗng thấy một đoạn văn Anh ngữ viết về nó như sau: Strap-like grayish-green leaves appear in fall only after bloom is finished. Leaves overwinter and remain in the landscape before eventually disappearing in late spring. Naked flower scapes emerge from the ground in late summer to early fall, each bearing an umbel of 4-6 showy coral-red flowers. – Ô. Hóa ra là vậy. Lá bỉ ngạn có màu xanh đậm xuất hiện ngay sau khi hoa nở. Tức vừa lúc những đóa bỉ ngạn sặc sỡ lụi tàn là lúc những phiến lá xanh bắt đầu xuất hiện. Lá bỉ ngạn mọc suốt mùa đông và tàn lụi lúc cuối xuân. Sau đó hoa sẽ nở tính kéo dài từ cuối hè cho đến đầu thu. Mỗi khóm bỉ ngạn thường có khoảng 4-6 đóa mọc trên nền đất trống với vẻ đẹp tràn trề bao xúc cảm.

Một trang mạng khác cho biết bỉ ngạn nở rộ trong khoảng 3-4 ngày trước và sau thu phân. Đây là khoảng thời gian bỉ ngạn nở khắp nơi. Nói vậy thôi chứ bỉ ngạn cũng giống bao loài cây cỏ khác, tức cũng có cây trái vụ, cho trái sớm hoặc cho trái muộn. Vì thế mùa bỉ ngạn nở diễn ra trong một khoảng thời gian tương đối khá dài do khóm nở sớm, khóm nở muộn. Mùa bỉ ngạn kéo dài khoảng hai tháng, mỗi lần nở khá bền, tầm khoảng hai tuần; vì vậy những ai gặp nó hẳn là chuyện hữu duyên; có duyên ắt sẽ được gặp.

Tương truyền (trong những câu chuyện liêu trai dễ thương) bỉ ngạn có liên hệ đến Đức Như Lai. Hoặc bỉ ngạn xuất hiện trong vài truyền thuyết khác (như câu chuyện chén canh Mạnh Bà) bạn đọc không lạ. Bất luận xuất phát từ đâu, được kể lại như thế nào, bỉ ngạn luôn đem lại những cảm giác man mác buồn, những cung bậc dùng dằng những bâng khuâng day dứt. Nó là loài hoa đẹp nhưng chất chứa những thông điệp đầy ắp những thang âm tư lự, mênh mang…

Tìm kiếm thêm trên mạng mới biết bỉ ngạn không phải là loại cây bản địa của xứ Mỹ. Nó được du nhập đến đây (bằng cách nào và từ bao giờ không ai rõ). Chỉ biết khi được giới thiệu vào Mỹ nó đã nhanh chóng chọn Texas làm chốn dung thân, đất lành chim đậu. Bỉ ngạn, theo một tác giả up bài lên mạng cho biết sau 18 năm dọn vào căn nhà hiện tại năm nào bỉ ngạn cũng nở đỏ rực sát chân tường. Theo quan sát khá tỉ mỉ của người này, bỉ ngạn trong khu nở vào tầm cuối tháng 08 đến đầu tháng 10. Chúng là loại hoa rất khỏe. Bỉ ngạn có thể chịu hạn rất giỏi. Thời tiết nóng xem ra không hề gây ra bất cứ khó khăn nào cho nó. Bỉ ngạn là loại hoa kiên cường, mẫn cảm và giàu sức chiến đấu dù thoạt nhìn cứ tưởng nó yếu ớt, trói gà không chặt, thư sinh, đào tơ liễu yếu… 

Một chi tiết khá thú vị về bỉ ngạn nó còn có một tên khác trong tiếng Anh là những ả đàn bà lõa thể (naked ladies). Có lẽ bởi nó là hoa đẹp, nở độc lập không có lá đi kèm. Lại thêm phần đầy ắp những nét gợi cảm tràn trề nội lực nên tiện miệng người ta không ngại gán cho nó cái tên hết sức bỗ bã dung tục ấy? Còn khách quan hơn, không quá khắt khe, nhìn nó bằng đôi mắt chân thuần dễ dãi, bỉ ngạn gần gũi hơn thế nhiều. Nó có tên khoa học là Lycoris radiate, thuộc amaryllis family và có nguyên quán xuất thân từ Trung Quốc. Ngoài ra một chi tiết khác cho biết củ bỉ ngạn rất độc. Còn độc như thế nào và tại sao thiên hạ biết nó độc (dù cả đời mình củ bỉ ngạn chỉ nằm sâu dưới đất) khi nào có dịp sẽ kể tiếp!    

Hoa bỉ ngạn

Lãng mạn và hiền hòa, bỉ ngạn cung cấp những tình tiết ngọt ngào cho bao truyền thuyết (bạn vốn có thể tìm thấy trên mạng không mấy khó khăn). Chỉ cần gõ vài cụm từ khóa liên quan lập tức bạn sẽ có nhiều đường link về nó. Những bài viết, những video clip. Thậm chí có cả những bộ phim và những bản tình ca nồng nàn ướt át về nó…

Một truyền thuyết dễ thương xoay quanh bỉ ngạn kể lại như sau: Một đôi uyên ương đang hồi mặn nồng thì anh chồng do đi làm ăn xa đột ngột mất. Trên đường đến bờ Vong Xuyên đi ngang qua con đường dài trải đầy những đóa bỉ ngạn đỏ rực mà lòng anh thương nhớ đến người vợ khôn nguôi. Mạnh Bà trao cho anh bát canh nấu từ nước mắt và những nụ cười (người Việt ta quen gọi là cháo lú – tức ăn xong sẽ quên hết những chuyện đời sống trước đây) bất cứ ai muốn đầu thai đều phải uống. Dù miễn cưỡng phải uống chén canh vong tình nhưng anh đã nói với Mạnh Bà mình quyết không cam lòng quên người vợ thân yêu trên cõi thế. Lại kể thêm, chồng mất, vợ rất buồn nên quyết định tịnh thân sau nhiều lần quyên sinh bất thành. Ngày nọ, chồng đầu thai quay về chốn cũ, gặp lại vợ hiền nhưng không nhận ra, chỉ thấy quyến luyến như đã từng quen rồi lẳng lặng bỏ đi. Vợ đau lòng hóa ốm rồi thác mệnh sau lần tương phùng phũ phàng xót xa ấy. Lại xuống địa phủ, lại qua cầu Nại Hà bắc ngang con Hoàng Tuyền rồi gặp Mạnh Bà tại Vọng Hương Đài. Chị hỏi Mạnh Bà có thấy người đàn ông nào từng hứa mãi mãi sẽ tìm mình vì cả hai đã có những lời thề bồi keo sơn vàng đá. Mạnh Bà gật đầu. Người vợ càng buồn hơn, không cam lòng đầu thai bèn ngỏ ý xin gặp lại chồng cũ thêm lần cuối. Mạnh Bà cảm thương nên đồng ý với điều kiện nàng phải đợi 20 năm khi người chồng chết đi mới gặp được. Chị gật đầu. Nhiệm vụ của chị là nhổ cỏ dại bên bờ Hoàng Tuyền nơi mọc đầy bỉ ngạn đỏ. Thực ra cỏ không có, nhưng trong lòng người quả phụ còn nhiều tâm tư ràng rịt nên cỏ cứ nhổ mãi mà không hết, chỉ có hoa bỉ ngạn là vẫn nhẫn nhịn đón nhận tất cả những tâm sự bẽ bàng tang thương trong lòng người quả phụ. Hai mươi năm đằng đẵng trôi qua. Một ngày Mạnh Bà đưa người vợ đến Vọng Hương Đài báo tin người cô đợi 20 năm đang đến. Đó là chỗ giáp với Cửa Luân Hồi. Không lâu sau chồng chị đến. Người vợ vội tiến lại nhưng anh ta dửng dưng không nhận ra. Ta đây, nàng nói, không lẽ chàng không nhận ra ư? Người chồng xưa không biểu lộ chút phản ứng nào, thản nhiên uống chén canh vong tình rồi lặng lẽ bước qua cổng luân hồi. Một câu chuyện liên quan đến bỉ ngạn, minh chứng cho những khổ đau mà ái tình đem lại, nếu không đủ huệ nhãn nhận ra những thuận duyên và nghịch duyên, cố tình sân si giằng níu ắt cả đời sẽ khổ.

Lại kể thêm, trước đó Như Lai đi qua cõi ta bà thấy có loài hoa lạ và đẹp nên đem về cõi Phật. Song vì đây là nơi thanh tịnh nên bỉ ngạn do còn ưu tư tình nồng cõi thế  không thể ở lại. Như Lai bèn giúp bỉ ngạn đỏ gạt bỏ những tâm tư ân oán trở thành bỉ ngạn trắng. Sau Quan Âm thấy bỉ ngạn tuy đổi thành màu trắng nhưng trong lòng còn đỏ hực những ưu tư giằng xé bèn cảm động bứt một đóa rồi ném xuống dòng Hoàng Tuyền. Lập tức đóa bỉ ngạn đỏ rực trở lại, mọc lan tràn trên bờ Hoàng Tuyền với hy vọng sẽ tiếp tục hóa giải ân oán bằng cách lắng nghe những nỗi đau nhân tình thế thái. Cứ thế, qua bao đời, vì chưa dứt được căn nguyên tục lụy sân si mà bỉ ngạn không thể thoát tục, vẫn trầm luân trong bể khổ, khó khăn trong việc chia tay dứt khoát với ân oán để bước vào cõi tịnh.        

Bạn đọc thân mến, bâng khuâng mùa bỉ ngạn, chúng ta đã bước sang cuối tháng 10 rồi đấy. Một loài hoa đẹp nhưng truân chuyên hồng nhan trắc trở. Một mối tình đẹp của đôi uyên ương ngày nào, dám cả gan cãi lại mệnh trời nên bị đày xuống cõi thế, vĩnh viễn không thể gặp nhau. Sau khi chết vẫn bị phạt, hóa thành loài bỉ ngạn, lá và hoa cùng sống chung một nhà (mọc chung từ một củ dưới lòng đất) nhưng không thể gặp nhau, có hoa thì không lá, có lá thì không hoa…

Ở một góc độ tâm linh hay triết lý nhân sinh nào đó, bỉ ngạn đã dạy ta bài học luân lý nào? Phải chăng chúng ta không thể cùng người thân yêu của mình chia sẻ những niềm vui thanh thản nhẹ nhàng bình thường dù sống chung dưới một mái nhà. Hay nó mãi mãi là một nhắc nhở con người xa cách nhau vì trong lòng họ còn vấn vương quá nhiều những khác biệt tư tưởng và ý thức hệ?

Hay cuộc sống nó vậy, luôn luôn thế, hoa bỉ ngạn cố chấp, lá bỉ ngạn cũng cố chấp nốt, chỉ thương cho củ bỉ ngạn, mẫn cán và ân cần chịu khó, cam chịu trước những nghịch lý cách chia mà không hề than thở?

Ừ. Thôi thì lá cũng được, mà hoa cũng được; miễn là còn cùng chia chung với nhau những giá trị cốt lõi, sẻ chia với nhau cùng một củ (cái tâm) là được. Còn như lá đi đằng lá, hoa đi đằng hoa, rời bỏ cái cốt lõi ân tình đằm thắm của thuận duyên thì ở đời làm gì còn những dư âm đẹp, những hình ảnh khoan hòa, những khoảnh khắc đầy bâng khuâng nhưng luôn đầy ắp chan chứa những yêu thương của một mùa bỉ ngạn…     

Nguyễn Thơ Sinh