Bẫy nợ Trung Quốc

Trong báo cáo Chiến lược Quốc phòng Quốc gia năm 2018, Hoa Kỳ cảnh báo Trung Quốc đang sử dụng chính sách “cưỡng đoạt kinh tế” nhằm đạt mục tiêu bành trướng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng như toàn cầu. Một trong những hình thức “cưỡng đoạt kinh tế” là chính sách “ngoại giao bẫy nợ” xâm lấn các nước đang phát triển.
Chính sách “ngoại giao bẫy nợ” được một số nhà kinh tế tại Đại học Harvard giải thích: “Nó là kỹ nghệ đang được Trung Quốc gia tăng tận dụng các khoản nợ cộng dồn lại, nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược”. Đó là:
* Thiết lập chiến lược nhằm chi phối khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
*Làm suy yếu mạng lưới đồng minh của Hoa Kỳ để nắm ưu thế tại Biển Đông.
*Hỗ trợ Hải quân Trung Quốc vươn ra khu vực Thái Bình Dương.
Cách thức thực hiện chính sách “ngoại giao bẫy nợ” này được Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Rex Tillerson, tóm tắt: “Khuyến khích sử dụng các hợp đồng không rõ ràng, thực hiện các khoản vay mang tính chất cưỡng đoạt, đi đến các thoả thuận bằng các phương cách tham nhũng, từ đó đẩy các quốc gia vay mượn lún sâu vào nợ nần, phải bán rẻ chủ quyền của chính họ…”.

Dùng bẫy nợ khống chế một số nước Châu Á
Năm 2018, The Australian Financial Review, tạp chí thương mại và tài chính nổi tiếng ở Úc Đại Lợi, loan tin, một cơ quan nghiên cứu độc lập công bố bản báo cáo dày 40 trang, cho biết, một số nước bị Trung Quốc coi là đối tượng của chiến lược “bí kíp ngoại giao nợ” và khống chế. Trong đó có Việt Nam, Vanuatu, Philippines, Cam Bốt, Lào, Thái Lan, Mã Lai, Sri Lanka, Tonga và Micronesia …
Tờ tạp chí đó còn loan tin, một trong những trường hợp điển hình là Papua New Guinea, một đảo quốc nằm trong ảnh hưởng lịch sử của Úc, nhưng vì nợ nần Trung Quốc không trả được, phải chấp nhận trở thành một địa điểm chiến lược của Bắc Kinh, nhường tài nguyên thiên nhiên cho Trung Quốc khai thác. Trung Quốc cũng đang tiến hành thương lượng sơ bộ với đảo quốc Vanuatu lập căn cứ hải quân cách Úc Đại Lợi 2000 km.
Trong số các nước Đông Nam Á, Cam Bốt và Lào đã trở thành “chư hầu 100% của Trung Quốc”. Các tác giả bản báo cáo lo ngại Trung Quốc sử dụng Cam Bốt, Lào và Phi Luật Tân như những “lá phiếu phủ quyết ủy nhiệm”, làm tê liệt Hiệp hội Đông Nam Á (ASEAN) trong nỗ lực chống Trung Quốc tranh đoạt chủ quyền tại Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn báo chí Úc, ông Sam Parker, một trong những tác giả bản báo cáo dày 40 trang cho biết: “Trung Quốc sẵn sàng bỏ ra hằng trăm tỷ đô la, cho các nước không có khả năng thanh toán, vay mượn với dụng ý ‘có đi có lại’”.
Để đối phó với chiến lược bành trướng sức mạnh của Trung Quốc, bản báo cáo trên kêu gọi, trong chiến lược hợp tác khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, bốn nước Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ, nên tăng cường vai trò của mình giữ gìn trật tự khu vực.
Theo tạp chí The Australian Financial Review, bản báo cáo mới của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có nhiều điểm tương đồng với chiến lược an ninh quốc gia Tổng thống Donard Trump công bố tháng 12/2017.
Hoa Thịnh Đốn cảnh báo, Trung Quốc đang thi hành một chính sách “gài bẫy tín dụng” nhằm thực hiện tham vọng bá quyền.

Một trong những thủ đoạn thực hiện Chính sách ngoại giao bẫy nợ

Việt Nam vướng vào “bẫy nợ”?
Mặc dù báo chí Việt Nam không được phép nhắc tới, nhưng … có thể tìm hiểu để thấy được thực sự Việt Nam đã và đang trở thành “nạn nhân” của chính sách ngoại giao bẫy nợ.
Là quốc gia có bờ biển chạy dọc Biển Đông, Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong các quốc gia dọc Biển Đông, các quan hệ ngoại giao hay kinh tế giữa Việt Nam – Trung Quốc không thể tách ra khỏi bối cảnh này. Bởi vậy, Trung Quốc không chỉ áp dụng chính sách “ngoại giao bẫy nợ” với các quốc gia khác, Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Sau chiến tranh Trung Việt năm 1979, Trung Quốc hiểu rằng, khó có thể dùng biện pháp quân sự với Việt Nam, nếu dùng “biện pháp kinh tế cưỡng đoạt” có thể dễ hơn nhiều.
Báo chí Việt Nam gần đây xôn xao một loạt sự kiện liên quan đến các khoản đầu tư từ Trung Quốc, tiêu biểu là tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông ở Hà Nội. Dự án đường sắt Lào cai – Hà Nội – Hải Phòng. Nhà máy phân đạm Ninh Bình và Nhà máy gang thép Thái Nguyên …

1.Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Tuyến đường sắt này thực hiện từ khoản vay 250 triệu Mỹ kim từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, do Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc làm tổng thầu thi công. Dự án này khởi công từ năm 2011, tuy nhiên, đến nay (2020) vẫn chưa thể vận hành, đến hạn phải trả tiền lãi cho Ngân hàng Trung Quốc khoảng 200 triệu đô mỗi năm.

2. Dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải phòng
Cuối tháng 11/2019, dư luận Việt Nam rộ lên việc Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đã lập kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Thông tin từ báo chí cũng cho biết là Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng tài trợ số tiền 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 150.000 Mỹ kim) để khảo sát lập quy hoạch cho dự án này. Các nhà nghiên cứu cho rằng, tuyến đường sắt này thực sự không đáp ứng nhu cầu đi lại cùa người dân mà chiếm vốn đầu tư ban đầu lên tới khoảng 100.000 tỉ đồng việt nam là quá phung phí.

Lào là một trong những nước Châu Á sa vào bẫy nợ của Trung Quốc

3. Nhà máy phân đạm Ninh Bình
Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, nhà máy phân đạm Ninh Bình đang phải gồng mình trả khoản nợ 5.000 tỷ đồng Việt Nam (Khoảng 216.000 Mỹ kim) với lãi suất 4% một năm cho Ngân hàng Eximbank Trung Quốc. Nguồn vốn chính phủ Trung Quốc cho phía Việt Nam vay đầu tư nhà máy Phân đạm Ninh Bình thông qua Eximbank không phải là vốn ODA (Official Development Assistance).
Theo thông lệ quốc tế, ODA là hình thức cho vay đặc biệt do lợi nhuận không cao, nó là quan hệ hỗ trợ nhau trong quá trình phát triển. Các nước đi tiên phong thường viện trợ hoặc cho các nước chậm phát triển vay ưu đãi, hỗ trợ họ nhanh chóng ngang bằng với các nước khác ở nhiều phương diện nhằm tạo ra một hệ thống phát triển tương đồng hơn.
Nhưng khi vay tiền của Exim bank Trung Quốc, một trong những điều kiện của họ là Việt Nam phải sử dụng nhà thầu của họ.
Tờ Đất Việt cho biết: Ban đầu phía Việt Nam tưởng có lợi khi được vay với lãi suất 4%, dù không thấp nhưng vẫn rẻ hơn so với vay thương mại, tuy nhiên nó lại đi kèm với điều kiện phải sử dụng nhà thầu Trung Quốc, dùng máy móc, thiết bị thay thế của Trung Quốc…
Đó là những ràng buộc khiến bên đi vay «sập bẫy”, sau đó, công cụ tài chính của Trung Quốc vượt khỏi mục tiêu kinh tế đơn thuần. Đằng sau đó là vấn đề chính trị, nền móng của sự phát triển. Quan hệ giữa hai bên cũng không phải hợp tác bình thường, sòng phẳng và bình đẳng trong nền kinh tế thị trường, giữa người cho vay và bên đi vay nữa mà nó đã mang tính chất giữa hai chính phủ, hai quốc gia.

Nhà máy Gang thép Thài Nguyên

4. Dự án nhà máy Gang thép Thài Nguyên giai đoạn 2
Báo chí từng loan tải dự án này như sau: “Dự án này được Thủ tướng Công sản Việt Nam phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2005. Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) là chủ đầu tư.
Tổng mức đầu tư được phê duyệt là 3.843 tỉ đồng việt nam, gồm hai gói thầu chính:
1) Gói thầu mỏ sắt Tiến Bộ đã hoàn thành đưa vào sử dụng với giá trị thanh toán là 224 tỉ đồng.
2) Gói thầu EPC (Engineering Procurement and Construction) dây chuyền công nghệ luyện kim trị giá 143 triệu Mỹ kim, sau là 160,9 triệu đô, đấu thầu rộng rãi, Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu với giá 160,9 triệu Mỹ kim.
EPC tên đầy đủ là Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình. Đó là một loại hợp đồng xây dựng nhà thầu thực hiện toàn bộ các công việc từ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, cung ứng vật tư, thiết bị đến thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình và chạy thử bàn giao cho chủ đầu tư.
Sau khi ký hợp đồng, MCC đã được tạm ứng 35,6 triệu Mỹ kim, tiếp đó TISCO và MCC ký 10 phụ lục điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng của hợp đồng EPC đã ký.
Ngày 15/05/2013, chủ tịch Hội đồng quản trị TISCO ký quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là hơn 8.100 tỷ đồng (tăng 4.200 tỉ đồng), thời gian thực hiện đến hết năm 2014 đi vào hoạt động. Thực tế, gói thầu EPC đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay, các hạng mục đều chưa hoàn thành.
TISCO đã thanh toán thay MCC tiền thuế là 11,6 triệu Mỹ kim, thanh toán chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị là 4,737 tỉ đồng Việt Nam, vượt giá trị hợp đồng, trong khi MCC chưa chuyển đủ thiết bị, cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật, không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam với giá trị xác định bước đầu là 38,8 triệu đô Mỹ …

Trung Quốc thâu tóm cảng của Kenya nhờ bẫy nợ

Kết luận
Qua khảo sát các trường hợp trên cho thấy, các cảnh báo từ phía các nhà nghiên cứu về “chính sách ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc hoàn toàn có cơ sở thực tế. Tất cả các dự án sai phạm lớn của Việt Nam đã nêu đều có bóng dáng của Trung Quốc với những vấn đề như hợp đồng không rõ ràng, lãi suất cao, các điều kiện kèm theo như sử dụng nguyên liệu và bên thi công từ Trung Quốc…Tất cả những yếu tố này được Trung Quốc triển khai trong bối cảnh thiếu minh bạch, công khai và không loại trừ việc các bên ký kết các hợp đồng như vậy có bóng dáng của tham nhũng.
Nhiều người lo ngại chính phủ Cộng sản Việt Nam nhượng bộ hoặc “vướng vào” tham nhũng với phía Trung Quốc, sẽ dẫn đến những nhượng bộ về chủ quyền như trường hợp Srilanka, Pakistant là hoàn toàn có lý do. Chính vì vậy, nếu Việt Nam thực tâm muốn vượt qua “bẫy nợ” này, chỉ có công khai, minh bạch các thông tin, tôn trọng sự phản biện từ các nhà nghiên cứu mới có thể thực hiện được.
Tuy nhiên, đây là điều rất khó đối với Việt Nam Cộng sản do ý thức hệ của tầng lớp “chóp bu” 2 nước Trung – Việt có quan hệ mật thiết, đặc biệt Đảng Cộng sản Việt Nam lệ thuộc vào ĐCS Trung Quốc … đó là điều khiến nhiều người Việt Nam quan tâm đến vận mệnh của đất nước lo ngại.
Ngoài Châu Á, Trung Quốc còn dùng tiền khiến nhiều nước Châu Phi, Nam Mỹ, thậm chí một số nước ở Châu Âu sa vào “bảy nợ kinh tế” …
Bảo Quốc