Bên ly cà phê
Khác với miền Bắc thích uống trà. Dân Sài Gòn ưa cà phê nên thành phố đi đâu cũng thấy quán cà phê.
Mở đầu cho một chuyện làm ăn, hùn hạp, tình cảm yêu đương, thậm chí hối lộ… thường là bên tách cà phê. Nếu bắt đầu bằng một bữa ăn thì có thể… tốn kém vô chừng. Từ bữa ăn bình dân và chục ngàn đến bữa tiệc trong nhà hàng vài chục triệu. Còn uống cà phê chỉ từ mười lăm ngàn ở quán cóc đến hơn trăm ngàn đồng trong quán máy lạnh.
Ở quán lại có đủ các loại cà phê cho người nặng đô đến các cô thiếu nữ sợ mất ngủ sinh ra nổi mụn ở mặt. Chàng uống cà phê đen, nàng uống “pạc xỉu” là ly sữa pha chút xíu cà phê cho có màu… cà phê!!!
Cả nhóm bàn chuyện làm ăn, hội họp… ra quán cà phê có thể ngồi cả buổi. Nhưng một người cô đơn cũng cả buổi ngồi đồng ngắm từng “giọt sầu” rơi tí tách.
Nên chi quán cà phê mở ra dày đặc. Gần như đầu con hẻm nào cũng có một quán. Một con đường cũng vài quán. Góc đường nào không phải tiệm thức ăn nhanh thì cũng quán cà phê. Có những con đường quanh các cao ốc văn phòng dày đặc quán cà phê mở từ sáng sớm đến tối mịt hoặc thâu đêm, suốt sáng 24/7.
Chữ “cà phê” cũng có nhiều ngụ ý.
Chồng xin vợ tiền cà phê để dằn túi phòng khi xe hư dọc đường. Anh chàng xin phép mẹ bạn gái đi uống cà phê để đi… xem xi nê. Hoặc là người đòi tiền uống cà phê bồi dưỡng.
Từ quán “cóc” vỉa hè cho tới cửa hàng sang trọng nằm trên đại lộ hay trong các cao ốc…. Dù ở cà phê nhà có thể ngon hơn, người ta vẫn rất thích ra quán vì không khí ở quán chứ không hẳn vì cà phê ngon hay dở.
Qua thời gian, quán cà phê nhiều thay đổi để phù hợp với cuộc sống thay đổi từng ngày. Mặc dù trương bảng quán cà phê đàng hoàng và luôn luôn hẹn nhau đi “uống cà phê” nhưng thực chất nhiều người đến quán không chỉ để uống cà phê mà thường chọn một thứ giải khát nào đó trong menu dài dằng dặc, vô số thức uống đặc biệt là thức uống thời thượng như trà sữa và cả ăn nữa. Để thu hút khách tối đa thì các quán cà phê bây giờ thường kèm theo bánh ngọt và thức ăn.
Buổi sáng ở quán cà phê kèm xôi, hủ tíu, bánh mì…; buổi trưa thêm “cơm trưa văn phòng” gồm cơm với món mặn, món xào và canh; tối súp, mì, nui… Thức uống ngoài cà phê còn các loại nước giải khát khác, mỗi loại lại pha chế cả chục kiểu.
Như vậy, cà phê chính là quán giải khát cộng thêm ăn uống nhẹ, buổi tối có nơi thêm ca nhạc hay “hát với nhau”. Từ khi karaoke ra đời, nhờ kiểu hát theo đó mà xuất hiện nhiều ca sĩ nghiệp dư. Một số quán cà phê đặt chiếc bục nho nhỏ để ban tối, trở thành nơi trình diễn văn nghệ hay khách đến uống nước lên cầm micro hát vài bài.
Mức sống Sài Gòn được coi là cao nhất nước. Vì thế dần dần thành phố đã mọc ra nhiều quán cà phê sang trọng với nhiều phong cách khác nhau. Một số thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới đã đặt chân vào VN. ·
Giới Việt kiều, ngoại kiều, doanh nhân chọn ngồi quán ở những vị trí có cảnh đẹp tại khu trung tâm thành phố. Chỗ ngồi lý tưởng tha hồ ngắm ngã tư rộng rãi, với khung cảnh sinh hoạt đặc trưng của khu du lịch thành phố. Những vỉa hè đẹp đều được tận dụng mở cà phê terrace ngắm xe cộ giăng mắc, người người trên phố tản bộ…
Từ lâu, Sài Gòn còn xuất hiện “cà phê sân vườn”. Sở dĩ gọi sân vườn vì không gian dành cho cây cối thật ra không nhiều, không đủ để gọi vườn, thực chất chỉ là những khoảnh sân nhỏ được bày biện cây cỏ khéo léo, dây leo mọc sát tường hay bò trên mái nhà, các chậu cây nhỏ treo khắp nơi, rải rác các lối đi và vài cây tán rộng mặt tiền tạo nên cảm giác um tùm xanh mát. Thoạt tiên quán cà phê lót nền gạch tàu, chậu cây chỗ này nhúm cỏ chỗ nọ, thác nước nhân tạo hay hồ non bộ, trang trí chiếc chum đặt nghiêng trên nền đất, thêm cây đèn dầu, trang báo cũ hay lọ gốm… chưng trên kệ thì đó là Lối Cũ, Gợi Nhớ, Vườn Trang… Cảnh trí VN thuần túy, cảnh quê chăm chút lạc giữa phù hoa tạo cho khách cảm giác là lạ, nhẹ nhàng hoài cổ.
Cuộc sống trong thành phố ô nhiễm bức bối quá nên loại cà phê sân vườn này phát triển mạnh mẽ. Tản ra ven đô, ngoại ô do đất rộng hơn nên trở thành cà phê vườn thật sự với lối đi quanh co, thảm cỏ mịn nhung, dòng nước như con suối nhỏ uốn lượn, và hoa và đá… Trụ trong thành phố dĩ nhiên không có đất để phóng tay trang trí, một loạt quán mới xây sau này có hầm giữ xe nên nền được đôn khá cao, một nửa lộ thiên chăng dù che mát nhìn xuống đường qua hàng cây làm rèm che mặt, một nửa phía trong lên lầu máy lạnh.
Kiếm được chút sân trong thành phố không dễ dàng nên hầu hết quán cà phê sang trọng trong thành phố đều lắp cửa kính nhìn ra ngoài. Thay cho chút xanh cây cối mang vẻ thiên nhiên là máy lạnh mát mẻ trốn được cơn nắng nóng chang chang nhiệt đới từ tám chín giờ sáng đến ba bốn giờ chiều. Trang trí đẹp mắt, thức uống ngon, nhạc hay và phục vụ chuyên nghiệp là đặc điểm của những quán này.
Quán cà phê mang nhiều sắc thái mới mẻ, không đặc biệt chỉ cà phê như xưa mà mở rộng hoạt động rất nhiều. Cà phê thú cưng, cà phê sân bay… Cà phê bar có bartender tung ly trình diễn hầm rượu sôi động điệu nhạc flamenco…, cà phê buổi tối ca nhạc sống café-phòng trà, không chỉ trình diễn nhạc trẻ, nhạc trước 75 trở đi. Ngoài ra còn café & restaurant bên trong nhà là restaurant, ngoài hàng hiên là cà phê; café & ice cream nguồn gốc là những quán kem. Napoli vốn nổi tiếng kem Ý đã từng đổi bảng hiệu thành “Restaurant-Café-Kem Ý”. Ly kem ăn liền kẻo chảy, sau đó muốn ngồi lâu phải uống trà đá hoài sao bằng kết hợp cà phê níu chân khách ngồi bao lâu cũng được. Đặc điểm của cà phê là không thể nốc một hơi. Cà phê giống như trà uống thong thả từng ngụm nhưng hương trà thanh đạm quá, vị cà phê mang tới cảm giác đắm say…
Nhà có con trẻ chọn quán có góc sân chơi như Giggle Beans Cafe… Nhóm bạn yên tâm ngồi nhâm nhi ly cà phê vừa trông chừng lũ trẻ có đùa ngịch suốt mấy tiếng đồng hồ. Hoặc cửa hàng bán vật dụng trẻ em cũng thiết kế góc sân chơi kế góc cà phê… Rồi thêm Cà phê sách… Cà phê vỉa hè ở phố đi bộ Bùi Viện đông khách Tây ba-lô.
Cà phê không chỉ cà phê đen hay nâu, cà phê nóng hay lạnh mà còn pha chế vào đấy nhiều cách: capuccino, cà phê kem, cà phê rhum… phá cách thành cà phê trứng, cà phê muối, cà phê dừa… Thật ra cà phê không nhiều loại bằng các thứ nước giải khát khác nhưng trong menu, bao giờ cà phê cũng được xếp đứng vị trí trang trọng đầu bảng, sau đó mới tới nước ngọt, cocktail, sữa, trà, sinh tố, nước ép trái cây, kem…, thức ăn xếp hàng trang sau.
Nhu cầu ngồi quán cà phê thật cao, thành phần nào cũng vào quán. Từ sinh viên học sinh, nhân viên, doanh nhân, khách du lịch,… thậm chí học bài, làm thơ, viết nhạc… đều bị hút vào quán cà phê. Saigon có những con đường quán cà phê san sát. Như đường Ngô Văn Nămm, Trần Cao Vân, Phạm Ngọc Thạch nằm giữa các cao ốc văn phòng. Khu vực Hồ Con Rùa có Highland, Phúc Long… Qua phố đi bộ Nguyễn Huệ có Z café, CIAO…
Khách sạn lớn thường có quầy cà phê ở tầng trệt. Khu trung tâm thành phố rải rác quán cà phê trên các tầng lầu chung cư cũ.
Mỗi quán cà phê có phong cách khác nhau phù hợp với ý thích của các loại khách khác nhau. Quán xá thay đổi nhiều quá nên Việt kiều về nước muốn tìm lại “cảnh cũ, người xưa” cũng khó. Cà phê trên đường Nguyễn Huệ và Tự Do cũ nhìn ra ngoài phong cảnh chung quanh vẫn giữ không khí cũ, như một góc Saigon cũ qua biển dâu vẫn yên ả nằm đó… Việt kiều cũng thích ngồi hai quán nước nằm ở vị trí bưu điện quận 1 cũ nhìn qua bên kia đường Lê Lợi, dãy nhà quét màu vôi đặc trưng của nhà Tây muôn năm vàng nhạt, vẫn chưa bị phá bỏ xây cao ốc. Nhưng phía bên Tax thì bị xóa sổ rồi…
Mỗi quán cố gắng tìm cho ra một chiêu nào đó tạo đặc điểm nhằm thu hút khách riêng. Đa số quán đều có wifi miễn phí, dễ dàng nhận thấy giới doanh nhân trẻ, nhân viên văn phòng ưa cắp laptop vào đó, rất nhiều quán mở cơm bữa, không kể mấy quán thêm mấy chiếc gối cho khách tạm nghỉ lưng…
Riêng thực chất của ly cà phê vì toàn nằm trong quán cao cấp, hương vị có thể khác nhau một chút tùy tay khác nhau pha chế nhưng chất lượng thơm ngon na ná, không thể xê xích nhau nhiều.
Highlands, The Coffee House, Phúc Long… đưa chiến lược đúng đắn khi đóng đô ở những vị trí đẹp nhất. Nhiều người thích vào nếu không phải phòng máy lạnh thì đều là góc đường có thể phóng tầm mắt ra ngã ba, ngã tư lớp lớp người xe. Ngồi nơi đó vừa thưởng thức ly cà phê vừa ngắm cuộc sống, trầm tư lắng lòng một chút theo từng ngụm chất nước sóng sánh đậm đà ấy.
Cà phê vườn khác một chút, người ta thường vào đấy để trò chuyện, Khung cảnh sân vườn có vẻ gần thiên nhiên nhưng tầm nhin lại hẹp hơn. Có thể từng nhóm bạn tha hồ thảo luận hay «tám» chuyện gì đó. Nhất là những sân vườn trong trung tâm thành phố, cây cỏ tạo ảo tưởng um tùm trong một không gian chật hẹp, rất nhiều người có thói quen nóí lớn nơi công cộng nên lắm khi vào một số quán nghe rào rào bầu âm thanh tạo nên bởi hàng loạt tiếng nói hỗn độn.
Nhỏ nhẹ trầm lắng là quán cà phê máy lạnh, đèn mờ mờ, nhạc Việt hay ngoại quốc, nhạc du dương hay lôi cuốn tùy gu của chủ nhân. Ngoài kia mưa to nắng gắt mặc kệ, ghế salon thấp và êm ả dành cho các cặp ngồi tâm tình hoài chẳng muốn đứng lên là Hi-End, Piano… Có quán còn dành ra một hai phòng nhỏ để mở rộng ra ngoài lãnh vực một quán cà phê theo nghĩa thông thường là kiêm luôn tổ chức họp mặt, sinh nhật, thậm chí đặt tiệc bàn hay buffet cho gia đình hay khách khứa…
Cà phê nhạc sống vừa nghe hát, vừa hát với nhau để giải trí để nghe hát, được hát…
Quán bình dân giá trung bình một ly khoảng ba mươi mấy ngàn, nhạc sống cả trăm ngàn. Givral không chỗ tốt, lại có thể bước ngay sang hàng bánh bên cạnh chọn mấy chiếc bánh ngọt nhâm nhi với ly cà phê thật tuyệt hảo. Đặc biệt cà phê trong các khách sạn ở Equatorial, New World nơi tổng thống Bush cha, Bush con và Clinton từng ở hay Park Hyatt là chỗ cặp Brangelina ghé qua dạo phố scooter…
Những quán này chỉ tập trung ở khu trung tâm thành phố nơi mức sống cao cũng như nhiều khách ngoại quốc lai vãng. Càng xa trung tâm, giá cả càng rẻ hơn. Một ly cà phê ở quán sân vườn quận 1 giá hơn sáu, bảy chục ngàn nhưng ra ven đô, bài trí có phần đẹp hơn do đất rộng hơn giá lại hạ xuống còn ba chục thôi. Dù sao những quán này cũng đáp ứng kịp thời cho những nhu cầu đa dạng của thành phố.
Hàm Anh