Bệnh viện “tự chủ”

Cả ngàn bệnh nhân cần được khám và chữa bệnh mỗi ngày trong khi hàng loạt máy móc hiện đại phải dừng hoạt động, đang là thực tế tại Bệnh viện Bạch Mai – bệnh viện hạng đặc biệt 

Bệnh viện ‘bó tay’ nhìn đống thiết bị kỹ thuật cao ‘đắp chiếu’

Hệ thống Gamma knife (dao gamma, sử dụng tia gamma để chữa cực kỳ hiệu quả các thương tổn trong não mà không cần mổ), là một trong mũi nhọn về kỹ thuật của Bệnh viện Bạch Mai và của cả nước. Năm 2007 thiết bị này về đến Bạch Mai, đến 2018 đã điều trị cho hơn 6.000 ca. Nhưng bây giờ thì “đắp chiếu” ”.

Hệ thống PET CT chẩn đoán kịp thời, định bệnh chính xác trong chữa ung thư. Tại Bệnh viện Bạch Mai lúc trước, trung bình mỗi năm chẩn đoán khoảng 2.000 ca.

Nếu chỉ để không đó thì nguồn phóng xạ của máy vẫn bị tiêu hao, không dùng được nữa. Khi đó phải mua nguồn mới hàng tỉ đồng rất tốn kém. 

Tài sản lớn và cần thiết trong điều trị ung thư đang để phí phạm. Mà máy móc thì không có tội!

Do vướng các quy định pháp lý nên tại bệnh viện, hầu hết các thiết bị “xã hội hóa” ( tức liên kết với tư nhân) đã dừng hoạt động. Toàn bộ hệ thống máy chẩn đoán ung thư, phẫu thuật không chảy máu đều ngưng từ nhiều tháng qua. Hệ thống robot trong phẫu thuật thần kinh, cột sống cũng đã dừng luôn.

Bạch Mai cần hàng ngàn tỉ đồng để mua máy móc và nâng cấp bệnh viện vốn là các tòa nhà đã tồn tại vài chục đến cả trăm năm tuổi. Sau thời gian “tự chủ” vì không nhận được tiền nhà nước rót xuống, bệnh viện hiện cạn kiệt, không còn tiền mua máy móc. Lương lậu của nhân viên cũng giảm nặng.

Nhiều bác sĩ giỏi không thể chờ đợi chính sách thay đổi, đã rời sang làm việc cho Bệnh viện tư nhân nơi họ nhận lương 200 đến 300 triệu đồng/tháng.  Thật ra, thu nhập chỉ một phần, quan trọng hơn là họ có đủ phương tiện máy móc để làm việc.

 

Bệnh viện “tự lo” hơn là “tự chủ”

 “Tự chủ” hiện nay chủ yếu chỉ “tự lo” hơn là “tự chủ” và chứa đựng nhiều mâu thuẫn dẫn đến vướng mắc, trở ngại.

Bởi một chính sách mà đòi hỏi lúc nào cũng phải tự lo mọi thứ, tự bươn chải kiếm tiền thì đương nhiên biến một nhà khoa học, một hiệu trưởng trường đại học, một giám đốc bệnh viện thành nhà doanh nghiệp. Thành thử, họ chỉ lo cơm áo, gạo tiền cho hàng nghìn người mà quên mất chức năng là bác sĩ, nhà khoa học …

Cứ tiếp tục theo cơ chế này thì sau một số năm sẽ có một số giám đốc bệnh viện, hiệu trưởng trường đại học phải ngồi tù.

Chính sách “tự chủ” chứa đựng sự mâu thuẫn khi một mặt cung cấp dịch vụ công thiết yếu cho người dân. Mặt khác lại phải tự lo, tự cổ phần hóa. Trong khi 2 sứ mệnh này hoàn toàn khác nhau vì một mặt kêu giá theo thị trường, một bên nhà nước đưa biểu giá kềm lại.

Những bệnh viện chuyên môn cao như Bạch Mai, Việt Đức tập trung nghiên cứu khoa học để chuyển giao cho các bệnh viện cấp dưới. Nhưng vì tự chủ, tự lo nên họ phải “vơ bèo gạt tép”, đành kiếm tiền bằng cách xoay ra khám những bệnh thông thường mà những bệnh viện khác có thể làm được.

Trong khi nhà nước chi nhiều nghìn tỉ vào các bệnh viện huyện, tỉnh để dãn bớt bệnh nhân thì không hiểu sao lại xây thêm 2 bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai ở Hà Nam khiến toàn bộ bệnh viện huyện, tỉnh coi như chết!

Nếu nhà nước vẫn can thiệp thô bạo bằng các mệnh lệnh hành chánh thì các bệnh viện công vẫn luẩn quẩn “tự lo tài chính” chứ không phải “tự chủ”.

Bệnh viện Ung Bướu chẳng những thiếu thuốc, vật dụng y tế điều trị cho bệnh nhân, mà nguồn quỹ trả lương cho nhân viên cũng đã cạn kiệt.

Âm 91 tỷ đồng, Bệnh viện Ung bướu TP hết tiền trả lương

Mỗi ngày, Bệnh viện Ung bướu TP nhận hơn 3.700 bệnh nhân tăng gần 2% so với trước dịch Covid-19.

Hiện nay, Bệnh viện có thêm 1 chi nhánh mới ở Thủ Đức với khoảng 50% nhân viên chuyển về đó.

Trong 9 tháng đầu năm, bệnh viện không thể trả phần “thu nhập thêm” cho nhân viên. Nhân viên hiện nay lãnh khoảng 8,8 triệu đồng/tháng (gồm lương cơ bản và thu nhập tăng thêm), nhờ vào việc dùng tiền tích lũy của năm trước để chi cho 3 năm gần đây.

Bệnh viện Ung bướu TP, cơ sở 2

Nguồn quỹ này đã hết. Năm ngoái, bệnh viện không có tiền Tết, phải dùng các nguồn khác để chia đểu từ giám đốc cho đến hộ lý, điều dưỡng, mỗi người 7,5 triệu đồng.

Cụ thể, năm 2021, nguồn thu của bệnh viện giảm nặng do Covid-19. Bệnh viện đã tiết kiệm tối đa, ngưng mua các thiết bị y tế để dành duy trì các hoạt động cấp thiết khác.

So với cùng kỳ năm ngoái. Quỹ đã thâm hụt 91 tỷ đồng nhưng chỉ được cấp bù 19 tỷ.

Ngoài ra, Bệnh viện còn cần khoảng 158 tỷ đồng để bảo trì máy móc cho năm 2023. Nếu không sẽ không đủ tiền trả lương cho các bác sĩ. Tuy nhiên Sở Tài chính nói bệnh viện “tự chủ” rồi nên không được cấp tiền nữa.

Bệnh viện mới (cơ sở 2) xây khang trang bắt đầu hoạt động từ 2020, nhưng tiền thu không đủ để chi cho điện, nước, vệ sinh, sân vườn, bảo trì thiết bị… Nếu không được bảo trì kịp thời sẽ nhanh chóng xuống cấp, rất uổng phí và ảnh hưởng đến việc chữa bệnh. 

Bệnh viện đã tiết kiệm tối đa, ngưng mua các thiết bị văn phòng và y tế. Tuy nhiên, hệ thống kỹ thuật như điều hòa không khí, hóa chất hệ thống lạnh, thang máy, hệ thống Chiller… đã hoạt động hết công suất. Máy móc, thiết bị y tế như hệ thống xạ trị, thiết bị xét nghiệm, hệ thống cộng hưởng từ, máy siêu âm… đã đến hạn cần bảo trì.

Vì thế, Bệnh viện cần 158 tỷ đồng cho việc bảo trì này.

Chưa dừng tại đó, máy móc tại cơ sở 2 dù đã sử dụng nhưng chưa được chính thức bàn giao nên vẫn chưa được coi là tài sản công. Vì thế bệnh viện không thể xác lập thời gian bảo hành để xin tiền.

Bệnh viện cũng thường xuyên không có thuốc hiếm trị ung thư.

Bệnh viện hiện có 1.596 nhân viên, trong đó có 432 bác sĩ và 640 điều dưỡng.Lương trung bình của nhân viên Bệnh viện chuyên khoa ung bướu hàng đầu của TP cũng như của phía Nam chỉ khoảng 8 triệu đồng/tháng. Hơn 60 người xin nghỉ việc từ đầu năm 2022 đến nay khi bị chuyển qua cơ sở 2.

Trong năm 2021, thu nhập bình quân của nhân viên Bệnh viện là 8.098.642 đồng/tháng. Dịp Tết Ta năm 2022, mỗi người được thêm 7.500.000 đồng. Như vậy tính trung bình cũng chưa được nổi 9 triệu đồng/tháng.

Bệnh viện Ung bướu phải đối mặt với nhiều khó khăn: từ tài chính, thuốc men, máy móc,  chi phí vận hành, bảo trì… và cá nhân sự,

Theo đó, năm 2021, bệnh viện có 70 người nghỉ việc, hết 8 tháng năm 2022 có thêm 61 người. Nguyên nhân chính là do phải chuyển chỗ làm việc tới cơ sở 2 tại Thủ Đức.

Một số nhân viên nhà xa như tại huyện Củ Chi, đi lên cơ sở 1 mất 30km, đi thêm 20km nữa mới tới cơ sở 2 – thực sự quá vất vả. 

Việt Nam đang ngày càng rơi vào nguy cơ “mất công bằng trong y tế”. Nghành y tế bị thương mại hóa và nằm trong vòng xoắn công tư lẫn lộn. Chi phí gia tăng cả ngân sách nhà nước và tiền người dân đổ vào trong khi chất lượng y tế lại không tương xứng.

Ngành y tế đang đứng trước ‘đại dịch kép’

Y tế công, hay y tế nhà nước, được lập ra để làm nền móng cho chất lượng y tế cơ bản toàn dân. Nếu thuộc tính này không bảo đảm, thì tính nhân đạo của toàn hệ thống bị phá vỡ.

Mất y tế công thì “công bằng trong chăm sóc y tế” chỉ là lời nói suông!

Sự việc bắt đầu khi kinh tế thị trường được phép xâm nhập của vào địa hạt y tế khiến chưa đầy một thập kỷ, hệ thống y tế Việt Nam đã nằm gọn trong vòng xoắn “công – tư lẫn lộn”.

Trong y tế công, chính sách “tự chủ một phần”, thực chất đã tạo cơ sở pháp lý cho “thương mại” vượt qua mục tiêu “khoa học, nhân đạo, vì dân”. Để rồi, khi tiến tới “tự chủ toàn diện” cho 4 bệnh viện đầu ngành: Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy và Bệnh Viện K, thì khối bệnh viện công đã chuyển mình mạnh mẽ. Phần “công” chỉ là hạ tầng cơ sở cùng giá trị lịch sử để lại, còn phần “tư” đã ngấm triệt để, toàn diện trong mọi hoạt động y tê` trên cơ sở “hạch toán lỗ lãi” đong đếm sòng phẳng bằng tiền.

Mâu thuẫn sâu sắc lộ ra khi giá trị nhân đạo của cơ sở y tế, giá trị đạo đức của người thầy thuốc, thay vì y học nhân bản hướng tới người dân, thì lại bị thế chỗ bởi “kinh tế thị trường”.

Hoạt động hàng ngày của bệnh viện được đong đếm bằng “cân đối thu chi”. Dễ hiểu tại sao mức thu lại được khoán tới từng khoa, từng phòng. Việc chữa bệnh được chuyển thành “dịch vụ hàng hóa” bán – mua đúng nghĩa “chạy theo túi tiền người bệnh”. Y tế công biến hình chạy theo mục đích thương mại.

Trong thực tế, y tế công của Việt Nam vẫn còn đó, vẫn phát triển, thậm chí ngày một khang trang hơn về hạ tầng cơ sở và giàu có hơn với những con số học hàm, học vị cùng các thiết bị máy móc và kỹ thuật chữa bệnh “hấp dẫn” bệnh nhân. Nhưng thực chất, sự tồn tại không còn chính danh như trước nữa, mà đúng hơn, đã thành dạng “public health in private hand” – tức “xác công – hồn tư”.

Lợi ích cho ai?

Hệ thống y tế công của Việt Nam đã đi chệch hướng. Sự phát triển có được trong những năm qua của nghành y tế, thực ra, đã mang tính chất “thương mại” rồi.

Bất luận thế nào khi y tế công chạy theo thương mại do “công – tư lẫn lộn”, chi phí y tế (từ quỹ nhà nước hay tiền túi người dân) sẽ tăng. Điều này tất sẽ dẫn đến hậu quả thay vì “giảm nghèo, tạo sự công bằng, động lực phát triển xã hội”, thành ngược lại, “tạo thêm gánh nặng, đầu vào của nghèo đói.

Nói y tế công bị thương mại hóa gây nguy cơ “nghèo đi vì chữa bệnh” là vì thế. Tư nhân hóa, thương mại hóa y tế công “gây đau đớn cho toàn xã hội” là vì thế!

Thiếu y tế nhân đạo 

Hệ thống y tế trong nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, phải tồn tại đồng thời 3 khối: y tế công – y tế tư – y tế ngoài nhà nước phi lợi nhuận (còn gọi là y tế cộng đồng) ví như “kiềng 3 chân” bổ sung cho nhau, cùng phát triển đáp ứng mọi nhu cầu y tế của người dân.

Y tế cộng đồng do các tổ chức nhân đạo, phi vụ lợi lập ra nhằm phục vụ cho các nhóm yếu thế, hỗ trợ sự thiếu hụt của y tế công, đặc biệt ở những vùng nghèo khó, xa xôi, những lĩnh vực chuyên môn đòi hỏi sự chăm sóc có tâm là trên hết.

Bệnh viện Saint-Paul, nhà thương Quy Hòa (nơi Hàn Mạc Tử được chăm sóc lúc cuối đời), là những ví dụ điển hình của loại hình y tế này bám rễ ở Việt nam ngay từ những ngày đầu hình thành hệ thống y tế.

Cho đến nay, VN đã không thừa nhận y tế cộng đồng, không thấy sự cần thiết của khối này. Khi môi trường y tế chỉ toàn “công tư hợp tác”, thì giá dịch vụ y tế cứ tăng và tăng ngoài sự kiểm soát (của người dân và nhà nước) là không thể nào tránh khỏi.

Giám sát y tế chỉ dừng ở hình thức

Hệ thống y tế VN bị thương mại hóa vì thiếu sự giám sát độc lập, khoa học và khách quan. Bởi đến tận thời điểm này, luật Khám, chữa bệnh cũng vẫn chưa cụ thể tính độc lập của hội đồng y khoa các cấp.

Sự tham gia của bệnh nhân lại càng xa vời. 

Các tổ chức thiện nguyện không chỉ tự bơi với nguồn viện trợ nhân đạo, mà còn phải chống chọi với các tập đoàn hùng mạnh cả trong và ngoài nước đang “thương mại hóa y tế công” để giành giật và khai thác tối đa “thị trường người bệnh” Việt Nam.

Thiếu tiếng nói phản biện và chất lượng y tế độc lập, khoa học, nền y tế Việt Nam bị can thiệp thường xuyên bởi những thế lực thủ lợi đẩy sang cực thương mại hóa.

Dịch bệnh thúc đẩy gia tăng chi phí y tế (ngân sách nhà nước và tiền túi người dân), lạm dụng dịch vụ y tế tăng theo hướng “tận thu”, chữa trị người bệnh chạy theo thiết bị y tế hiện đại mà “bỏ quên những phương thức phòng và điều trị căn bản, hiệu quả, rẻ tiền, vì dân, xem nhẹ chăm sóc sức khỏe ban đầu”, khiến chất lượng y tế thực chất bị kéo lùi rất nhiều so với nguồn lực bỏ ra.

Dịch lây lan rộng khắp không trừ ai, từ nhân viên y tế cơ sở, tới lãnh đạo hệ thống y tế các cấp. Hậu quả là xói mòn lòng tin xã hội vốn từ ngàn đời trao gửi cho ngành y: thầy thuốc (đâu còn) như mẹ hiền!

Ngành y tế Việt Nam đang đứng trước “đại dịch kép”. Một mặt, vẫn phải gánh vác trách nhiệm chống dịch, mà Covid-19 là một trong số đó, đồng thời đứng trước một thách thức lớn hơn bao giờ hết từ sự kết hợp của 3 “tử huyệt” kể trên tích tụ suốt trong hai thập kỷ, để rồi khi gặp Covid-19 mới bộc lộ ra trên toàn hệ thống y tế: sự tha hóa nhân cách, y đức. “ngành y tự đánh mất mình”, là hiện hữu và ngày càng lớn dần hơn bao giờ hết.

Hiện nay, nhân viên y tế chỉ mong được tập trung điều trị cho bệnh nhân, chứ không phải hàng ngày đối phó với các quy định tài chính chồng chéo và nguy cơ bị xử lý cả hành chính lẫn hình sự.

Nhân viên y tế phải đối phó ‘nguy cơ bị xử lý hành chính lẫn hình sự’

Ngành y tế rất thiếu thốn và yếu ớt, Thế mà sau 1 năm vẫn không có gì chuyển biến, chưa có chính sách cụ thể nào để “cứu” y tế cơ sở, tiêu biểu là đồng lương của nhân viên y tế quá thấp đến nay vẫn chưa có gì thay đổi.

Hiện nay ngoài y tế cơ sở, tình trạng rất nghiêm trọng với cả y tế điều trị và cung ứng. Luôn có lời phàn nàn về việc khám chữa bệnh, đặc biệt là bảo hiểm y tế. Tại các bệnh viện, từ lãnh đạo đến nhân viên đều kêu ca “lực bất tòng tâm”, Họ thiếu tất cả, từ thuốc men đến thiết bị và cả máy móc hiện đại điều trị.

Mặc dù đã có chính sách “xã hội hóa” (kết hợp với tư nhân), “tự chủ”, nhưng thật khó để tự chủ và khi thực hiện thì lệch hướng. Tự chủ không nên hoàn toàn cắt đi phần chi viện của nhà nước. Đầu tư cho y tế “lẽ ra phải ngày càng tăng, đồng thời mở ra các nguồn tiền khác để tăng chất lượng y tế”, thế nhưng thực tế, nhà nước đã cắt hầu hết các khoản chi cho bệnh viện tự chủ.

Điều này dẫn đến bệnh viện không tự chủ được cả về nguồn thu và nhân lực, cả thuốc men, máy móc, nên không thể hoạt động tốt nhất.

Việc chi đã giảm thiểu tối đa. Ép từ giá y tế, giá thuốc, vật tư… Ép càng rẻ càng tốt nên rất không thể bảo đảm chất lượng. Dù đã ép giá như thế nhưng tình hình vẫn không dễ hơn. Từ năm 2020 đến nay, các bệnh viện TP bị bảo hiểm y tế từ chối thanh toán 1.400 tỉ đồng vì vượt mức quy định.

Một ước mơ bình thường của bất kỳ cán bộ y tế nào trên thế giới, không chỉ Việt Nam, là làm sao chỉ tập trung vào điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất, chứ không phải hàng ngày đối phó với quy định thanh toán và nguy cơ bị xử lý cả hành chính lẫn hình sự.

San Hà (tổng hợp)