BỮA ĂN SÁNG

Vào buổi sáng, sau giấc ngủ dài, có rất nhiều món ăn đa dạng để người Việt tha hồ chọn lựa cho bữa điểm tâm lót dạ, bắt đầu ngày mới làm việc, học hành.
Từ món thanh đến món đậm. Từ món mặn đến món chay. Từ món nước đến món khô. Từ món Việt đến món Tây, món Tàu. Từ món sang đến món bình dân. Từ món ngồi bàn ăn đến món “tay cầm”… quả là không thiếu thứ gì.
Món nước có phở, hủ tíu, bò kho… khô có xôi, bánh mì, bánh cuốn… Tây có thịt nguội, spaghetti…, Tàu có dimsum, hoành thánh…
Phổ biến nhất, có thể mua để mang theo người ăn ngay, đến sở làm hay đến trường, hoặc học sinh ngồi sau xe gắn máy hoặc sinh viên ngồi trên xe buýt đến trường là gói xôi, ổ bánh mì thịt, hay hộp cơm tấm.
Hầu như khu vực dân cư nào vào buổi sáng sớm cũng có mấy hàng, quán, gánh… bán những món ăn này.
Thông dụng nhất là cơm tấm ăn chắc bụng no lâu hơn những món nhẹ nhàng khác với ba thứ chủ lực là sườn, bì, chả, nói lái nghe đầy vẻ kiếm hiệp là “sà bì chưởng” tức sườn cốt lết heo nướng, chả trứng hấp và bì heo trộn thính. Món phụ nhưng không thể thiếu khiến món ăn béo hơn là mỡ hành, đồ chua để cân bằng vị cho bớt ngấy và nước mắm ớt chua ngọt pha khéo sao để phân biệt hàng này với hàng khác. Giữ chân thực khách nhiều khi chính là chén nước mắm được tôn là “thần thánh” đó.
Cơm tấm hiện diện khắp nơi. Từ xe đầu hẻm, sạp trong chợ và đường hoàng trong các cửa tiệm. Tiệm khá sang chứ không phải lúc nào cũng sàn sàn. Điểm đặc biệt của cơm tấm là bao giờ bếp than cũng đưa ra trước mặt, xuống tận lòng đường, quạt khói bay mù mịt đưa mùi thơm lan xa ai ngửi cũng thấy cồn cào.
Cơm tấm nấu từ gạo tấm vốn là hạt gạo vỡ, xếp hàng đứng sau gạo nguyên hạt nhưng không ngờ lại tạo nên món ăn đặc biệt như vậy. Dầu sao nhiều nơi thêm trứng ốp la, thịt kho… làm thực đơn cơm tấm ngày càng phong phú. Hiện nay đa số quán nấu cơm gạo thường chứ không phải hạt tấm nhưng vẫn được mang danh chung là cơm tấm.
Mọi người mách nhau những địa chỉ cơm tấm ngon. Tiệm nằm ở quận này hay tuốt huyện kia. May là bây giờ có dịch vụ giao thức ăn tận nhà nên một cách mau chóng, ai nấy đều có thể thưởng thức hộp cơm tấm nổi tiếng.
Có một số quán cơm tấm giống như phở là bán suốt ngày đêm chứ không phải đóng cửa sau giờ điểm tâm nữa.
Bà Vui sang Singapore ở với con trai nhưng đều đặn mỗi tháng về nước một tuần để thưởng thức điểm tâm Việt. Bà kêu tôi ráng để dành tiền chỉ để về VN ăn đồ ăn sáng không bao giờ chán.
Thông dụng hơn cơm tấm và rẻ tiền hơn chính là bánh mì, bắt nguồn từ Phú lãng sa, khi vào VN đã thay đổi nhiều tới nỗi dường như trở thành món đặc biệt địa phương và khi ra ngoại quốc, nó được định danh là “banh mi”, giống như “ao dai”, chỉ không bỏ dấu thôi chứ đóng dấu VN rõ ràng.
Bánh mì phổ biến hơn cơm tấm rất nhiều vì không mất công nổi lửa nấu nướng ngay tại chỗ. Các con đường, các ngã tư từ sáng sớm đến đêm khuya lơ khuya lắc, khi không còn hàng quán nào mở cửa, lúc nào cũng đều có thể thấy đứng kiên nhẫn một xe bánh mì nho nhỏ.
Bây giờ xe bánh mì còn chiều khách hơn khi trang bị chiếc bếp gas mini để chiên trứng hay xúc xích nhét vào bánh mì cho khách nóng hổi thơm ngon thay vì chiên sẵn để đó nguội ngắt, đồng thời ổ bánh sẽ được nướng lại cho dòn.
Nhiều xe bánh mì nổi tiếng như Bảy Hổ, Huynh Hoa… Địa phương nào cũng có một xe đông khách hẳn khi ngon va rẻ hơn những xe khác. Một gia đình ở đường Nguyễn Thuật chỉ khởi nghiệp bằng một xe bánh mì nhỏ bé cũ kỹ, thế mà giống như Chợ Cũ, và dần dần cũng giống như Chợ Cũ, gặp thời, trở thành tiệm bán không chỉ bánh mì mà còn rất nhiều loại bánh, giàu có đến mức mở rộng cả một dãy nhà phố liền nhau.
Vài xe bánh mì cải tiến bằng cách đưa vào những món lạ như: xá xíu, gà xé, thịt nướng… kèm theo tăm, khăn giấy nhưng thường không trụ được lâu vì điều đó khiến giá ổ bánh lên một vài ngàn, đa số khách hàng không muốn trả thêm tiền cho phần hình thức như vậy.
Với xu hướng ăn chay ngày càng mở rộng hiện nay thì hàng bánh mì có đủ cả mặn lẫn chay. Chay thì có nhân phô mai, giò lụa chay, bì chay… Mặn thì có cá mòi hộp, xíu mại, xúc xích, dăm-bông…
Ngày trước, ổ bánh mì dài như đòn gánh dựng trong bao giấy dầu giống bao xi măng để giữ dòn lâu. Giờ ổ bánh nhỏ đủ một khẩu phần, đựng trong bao nylon nên mau bị mềm. Lúc mắc mỏ, ổ bánh được cho nhiều bột nổi nở to xù bắt mắt nhưng rỗng ruột. Sau khá hơn, bánh mì được quảng cáo “đặc ruột”. Nay lại rỗng ruột rồi!
Hàng bánh mì có phần nhân rất ngon sẽ nhiều cơ may nổi tiếng. Tiệm của nhà thơ Lê Minh Ngọc với thịt nguội được làm đúng kiểu Tây học từ bếp Tây chính cống thời Pháp, tới bây giờ vẫn rất đông khách dù khung cảnh cũ kỹ của quán hàng mấy chục năm không chút thay đổi.
Banh mì thịt bò Úc, bò nướng theo kiểu Kampuchia hay kebab kiểu Thổ Nhĩ Kỳ cũng khá ngon được giới trẻ yêu thích. Riêng bánh mì bơ tỏi và nướng muối ớt làm mưa làm gió thời gian dài. Tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn được xếp vào món ăn thường xuyên.
Đầu hẻm, đầu ngã tư thành phố thường có mặt thau xôi, nhất là các ngôi chợ to hay nhỏ đều ít nhất một hàng.
Xôi là món không thể thiếu trong cúng bái. Đám cưới, giỗ chạp, thôi nôi… đều không thể thiếu món này. Buổi sáng ăn nếp chẳng những rẻ mà còn lại no lâu.
Xôi có vô số loại vì vô số nguyên liệu có thể kết hợp với nếp thành xôi. Bà ngồi đầu chợ có ba thau xôi to như thau… giặt màn (!) với cả chục loại: Xôi vò, xôi đậu đen, đậu xanh, xôi lá cẩm, xôi đậu phọng, xôi khúc, xôi bắp, xôi lá dứa… Có nơi chỉ chuyên xôi mặn với nhiều topping: patê, bơ đậu phọng, trứng cút, tôm khô, giò lụa, lạp xường, thịt chà bông… Và cả thịt heo kho trứng. Bày bàn thờ luôn là xôi gấc, tặng nhau là xôi vị. Miền Bắc có xôi khúc, miền Nam có xôi cẩm, miền Trung xôi đường. Ngoài ra còn xôi bát bửu của người Hoa, xôi Xiêm của Thái…
Xôi ngon cũng tạo nên thương hiệu khiến nhiều người ở xa nghe tiếng phải tìm tới như xôi Bà Chiểu, Lê Thánh Tôn, xôi Nguyễn Biểu, xôi Tân Định… Trước 75 thì ai cũng biết tiếng xôi vò Bà Ba Bủng ở đường Thủ Khoa Huân tơi từng hạt.
Xôi không chỉ yên vị trong thau, trên sạp, ké xe bánh mì mà còn nằm trong thực đơn nhà hàng và cả chuỗi hệ thống quán xôi khang trang nằm ở mặt tiền các con đường lớn.
Dù sao khó khăn về người bán lẫn chỗ ngồi cố định nên hàng xôi rất nhanh nhạy là chuyển thúng xôi ủ nóng lên sau chiếc yên xe đạp hay xe đẩy tìm đến trường học, khu hãng xưởng hay con đường đông đúc nhiều xe cộ qua lại. Gói xôi rẻ hơn ổ bánh mì thịt một chút và có thể dằn bụng tới trưa nên là món ăn quen thuộc của người ít tiền. Nhờ vậy mà người ta có thể tà tà ăn xôi cả ngày chứ không phải chỉ tập trung vào buổi điểm tâm.
Hồi đó xôi lót lá chuối. Sau này lá chuối đắt quá nên chỉ lót bằng bao nylon hay hộp nhựa. Giờ thì nhiều nơi lại lót lá chuối, thậm chí lá sen khiến hình thức gói xôi được nâng tầm đáng kể.
Xôi vò là loại đặc biệt ăn kèm với chè hoa cau ở miền Bắc hay ăn với cơm rượu ở miền Nam.
Nếu ai thích ăn nước thì có bún bò Huế mà người “Huệ” chính gốc kêu rằng nó đã thay đổi rất nhiều so với bún bò nguyên thủy. Hủ tíu Nam Vang chỗ nào cũng có khô và nước. “Bà con” với nhau là bún nước lèo, bún mắm, bún cá, bún riêu, canh bún… Phở cũng có nước, khô và phở cuốn.
Rồi bánh cuốn với nhánh của nó là bánh cuốn trứng, bánh ướt lòng gà…
Còn hơi muộn chút xíu thì dành cho mấy bà nội trợ là bánh canh, cháo lòng, bánh bèo, bún chả giò, bún nem nướng, bánh tằm, bánh mặn…
Bất cứ ngôi chợ nào dù to như chợ nhà lồng, nhỏ như chợ cóc đều có khu ăn uống.
Bánh xèo, bánh khọt, bột chiên, bò kho…tưởng chừng là món ăn vặt đều có mặt trong buổi điểm tâm.
Rất phổ biến là hai món “Tây” nui và mì xào bò xuất thân từ món nui Ý hay bò né từ beefsteak của Pháp. Các món ăn này lan tràn từ nhà hàng xuống đến quán bình dân. Ra tới lề đường nó giống hệt như thịt bò xào hay bò lúc lắc. Nui, mì xào được cho vào hộp giấy kèm muỗng nhựa.
Người nào có chút thời giờ thì ghé hàng phở, hủ tiếu hay vào tiệm Tàu ăn xôi bát bửu cũng một dạng xôi mặn, dim sum với bình trà Long Tỉnh… đổi món cho lạ miệng.
Xong nhâm nhi ly cà phê thường là đá hơn nóng vì Sài gòn tứ thời bát tiết khí hậu luôn nóng nực.
Dạo này ai nấy ồn ào việc ăn kiêng để giảm cân giữ cơ thể thon gọn đẹp mắt và tránh bệnh hoạn. Vì thế nhiều người bằng cách vừa lướt web vừa bắt đầu bữa ăn ngày mới bằng cách nhấm nháp trái bắp luộc, củ khoai lang, khoai mì, khoai môn, khoai từ, bánh ít… hay nửa quả trứng luộc, một quả chuối và ly trà gừng hoặc nước ép cần tây. củ dền, sau khi đã tính toán kỹ lưỡng lượng calo nhập vào và tiêu đi…
Hay là ăn sáng với yến mạch, quả mọng trộn hạt bí xanh và một ly sữa tươi không đường? Một chị gửi về cho bạn mấy bịch bột yến mạch dặn dò đây là phần ăn sáng của tui. Sáng dậy đi làm chỉ làm một ly này là vừa no nê, vừa đủ chất dinh dưỡng lại nhanh gọn.
Trong siêu thị cũng có bày bán “organic oats” với lời quảng cáo: “100% yến mạch organic nhập khẩu từ Úc”. Có bổ dưỡng, có vệ sinh, có nhanh gọn như các loại thức ăn công nghiệp (mì ly, miến gà, phở ăn liền…) nhưng sao ngon, vui miệng bằng các món lót dạ “truyền thống”!!!
Chỉ có điều Việt kiều về nước than tô phở từ 45 đến 60 ngàn, ở ngoại quốc đâu có chi cho bữa sáng mấy chục ngàn đồng sang như dân Việt!

SGCN