Chiếc đầu máy tivi, món đồ vật thân thiết ngự trị trong phòng khách của mọi gia đình từ nhiều thập niên qua, có nhiều dấu hiệu đang dần biến mất.
Được chế tạo lần đầu tiên tại Hoa Kỳ năm 1927 và đến năm 2016 có khoảng gần 2 tỷ gia đình trên khắp thế giới có ít nhất một chiếc tivi trong nhà.
Năm 1946, cả nước Mỹ có khoảng 6,000 máy tivi. Tuy nhiên, nhờ kinh tế phát triển sau Thế chiến II và những phát minh mới về kỹ thuật, đến giữa thập niên 1950 đã có khoảng 50% gia đình ở Mỹ có trong nhà ít nhất một máy tivi. Sau đó, loại tivi màu hiệu RCA xuất hiện, được thiết kế như một món đồ nội thất và nhanh chóng trở thành tâm điểm trong phòng khách để mọi người cùng quây quần trước chiếc máy sau mỗi bữa cơm tối chăm chú theo dõi những chương trình truyền hình được yêu thích.
Đến thập niên 1960, gần 90% gia đình ở Mỹ có ít nhất một máy tivi. Nhiều gia đình, ngoài phòng khách, trong mỗi phòng ngủ còn có gắn thêm một máy tivi nữa. Có thể nói, tivi là một trong những thiết bị điện tử được tiêu thụ nhiều nhất. Nhưng thời của nó đã qua và dường như đang tiến gần tới ngày tàn của nó.
Sau nhiều thập niên tăng đều đặn, con số tivi hiện diện trong các gia đình ở Mỹ đã giảm xuống và chỉ còn trung bình 2.3 chiếc cho mỗi gia đình năm 2015, so với năm 2009 là 2.6 chiếc.
Một trong những lý do chính số tivi đã giảm trong các gia đình Mỹ là vì những người trẻ hiện nay họ coi các chương trình trên máy điện toán và trên điện thoại thông minh, và không bao lâu nữa những chiếc máy tivi cũng sẽ cùng chung số phận với những máy hát cassette, máy tính bỏ túi, và gần đây hơn là chiếc điện thoại bàn –biến mất trên cõi đời này.
Sự biến mất dường như không thể tránh khỏi đó của tivi trong nay mai đặt ra một câu hỏi khá thú vị: Thế còn những thứ gì khác có thể bỏ đi nữa hay không?”
Rất có thể cái kệ sách rồi sẽ nằm trong số những thứ phải bỏ đi đó. Là vì một nửa nước Mỹ nay đọc sách, đọc báo bằng những thiết bị điện tử. Và con số này ngày một tăng thêm và không bao lâu nữa người ta sẽ không còn cần đến cái kệ để sách nữa, và vì vậy nó không có lý do gì để tồn tại.
Rồi đến chiếc ghế sofa cũng sẽ phải ra đi thôi. Đây là một vật hết sức cồng kềnh và thường chiếm tới một nửa phòng khách. Thế nên không có một góc phòng nào đủ chỗ để đặt nó ngoài một nơi duy nhất là giữa phòng khách làm cản đường cản lối, và mỗi khi đi qua đi lại thế nào cũng có lúc đụng vào nó. Mà chiếc sofa nào cũng ngồi được ba tới bốn người, mà thường thì người ta chỉ cần hai chỗ thôi để tâm tình thủ thỉ. Thế nên các bác thợ mộc mới làm ra một loại ghế sofa nhỏ hơn có khoảng cách thân mật gần gũi vừa đủ cho hai người ngồi và gọi nó là “love seat” với tất cả ý nghĩa của nó.
Trong khoảng hai ba thập niên qua chúng ta đã lần lượt chứng kiến biết bao loại máy hát đã từng được gọi là hiện đại cứ biến mất dần ra khỏi phòng khách của nhiều gia đình, kể luôn cả những chiếc loa một thời to như cái tủ, và những giá gỗ đựng những đĩa CD cũng đã trở thành quá khứ. Đương nhiên là vẫn còn một thiểu số hoài cổ vẫn đang giữ lại những chiếc máy hát chơi đĩa nhựa, nhưng đây có lẽ chỉ là những món đồ chơi dùng để trưng bày nhiều hơn là để nghe nhạc nếu người chơi thật sự coi âm thanh là phần phẩm chất ưu tiên hàng đầu. Thậm chí những máy hát iPod nhỏ gọn cỡ hai ngón tay chập lại nay cũng đã lỗi thời rồi. Để cập nhật cùng với kỹ thuật hiện đại thì nay ở trong mỗi nhà phải có những máy hát, hay nói cách khác, là những loa thông minh như Alexa của Amazon hoặc Google Assistant – người nghe chỉ cần lên tiếng ra lệnh là máy sẽ lục tìm trong kho chứa bất tận của thế giới ảo đúng bài hát của người vừa yêu cầu. Và những chiếc máy này cũng rất nhỏ gọn, có thể giấu ở bất cứ đâu – sau khung ảnh hay một chậu cây cảnh nhỏ nào đó.
Những loại đèn treo ngày càng được ưa chuộng hơn và nay đã thay thế những loại đèn chân cao hoặc những loại đèn chân thấp thường thấy đặt trên những chiếc bàn vuông nhỏ trong một góc của phòng khách. Những loại đèn có chân nay đã bị đẩy ra khỏi căn phòng khách nữa, và do đó, những chiếc bàn nhỏ kia cũng không có lý do gì để tồn tại. Và những chiếc bàn cà phê thường được đặt ở trung tâm phòng khách sớm muộn cũng phải cho đi thôi. Từ bao lâu nay, chiếc bàn cà phê này chỉ là vật trang trí và cùng lắm là chỗ để người ta xếp những tờ tạp chí gọn gàng trên đó cho đỡ trống chứ không hẳn là để phục vụ cho người uống cà phê. Người uống cà phê ở nhà buổi sáng, theo thói quen, thường không uống trong phòng khách mà trong khu vực nhà bếp cho tiện, hay ngoài sân sau để được nghe tiếng chim hót líu lo thú vị hơn. Thế nên chiếc bàn cà phê cũng không còn lý do để tồn tại trong phòng khách nữa.
Cho đến khi người ta phát minh ra được phương cách mới để giữ cho thức ăn tươi lâu và người máy biết giặt giũ quần áo thì chiếc tủ lạnh và máy giặt có lẽ vẫn còn là những vật nội thất cần thiết trong nhà. Nhưng chiếc bàn ăn và ghế ngồi là những vật chiếm quá nhiều chỗ. Trừ phi chủ nhân của căn nhà thích tổ chức tiệc tùng đông người, nhưng ngay cả trong trường hợp này, người chủ vẫn có thể phục vụ khách theo kiểu tự lấy thức ăn (self-serve) – mỗi người tự đi lấy cho mình một đĩa rồi ra ngồi ăn trên những chiếc ghế xếp được đặt trong phòng khách hay bất cứ chỗ nào trong nhà. Loại ghế này rất tiện, sau khi khách ra vể rồi thì chủ nhân có thể xếp chúng lại rồi cất trong phòng quần áo hay đưa ra ngoài garage, và thế là căn nhà lại rộng rãi trở lại.
Những đồ nội thất cần phải bỏ không chỉ là những thứ trong phòng khách và phòng ăn mà còn kéo tới phòng ngủ nữa. Những chiếc giường không cần phải rộng bao la bát ngát loại King size hay thậm chí Queen size sẽ chỉ tổ chiếm hết diện tích của phòng ngủ và thực sự không cần thiết. Nếu chỉ cần một chỗ nằm êm ái để ngả lưng thì nay người ta có thể dùng những loại nệm futon của Nhật – gọn, nhẹ và có thể xếp lại được. Những bàn tủ với cả chục ngăn kéo trong trương lai sẽ bị cho là những đồ nội thất phản tiến hoá của thời hiện đại. Tại sao người ta không tận dụng phòng quần áo để làm nơi cất giữ mọi thứ đồ đạc khác?
Một khi đã vất bỏ đi những đồ nội thất cồng kềnh tốn chỗ kia đi, và nếu có thì giớ ngồi ngẫm nghĩ lại, người ta bỗng nhận thấy là căn nhà đang sống thật sự cũng quá rộng và trên thực tế người ta có thể sống một cuộc sống hoàn toàn vui vẻ hạnh phúc trong một căn chung cư nho nhỏ với một phòng ngủ, một phòng khách, một nhà bếp cũng nho nhỏ là vừa đủ chứ không cần chi nhiều. Phải chăng các nhà đầu tư bất động sản ở Mỹ đã nhìn thấy trước điều này mà trong mấy năm vừa qua người ta đã không xây nhà nhiều mà cho xây khắp nơi những khu chung cư rộng lớn với hàng trăm đơn vị, kiến trúc hiện đại, địa điểm thuận tiện, gần các khu mua sắm và xa lộ. Giá thuê nhiều khi ngang bằng với giá thuê những căn nhà riêng rộng rãi hơn mà hầu như khu chung cư mới nào cũng chật người đến nỗi xây không kịp cho người ta thuê mướn.
Xu hướng này lại cũng rất thích hợp với lối sống của những người trẻ trưởng thành hiện nay. Những người trẻ này không thích mua nhà mua xe mà chỉ thích đi thuê mướn. Họ không thích sở hữu nhiều đồ đạc ngoài những thứ cần thiết như quần áo, giầy dép. Những thứ vật chất được xem như những dấu ấn thành công này đối với người trẻ ngày nay không còn mang nhiều ý nghĩa như trước đây nữa. Họ thích sống cuộc sống trải nghiệm hơn thay vì sở hữu tài sản vật chất. Họ thích được đi du lịch đây đó hay cắm trại ngoài trời thay vì đi tới các khu mua sắm để tiêu xài thoả thích như những thế hệ đi trước.
Lý do gì những người trẻ thời nay coi giá trị cuộc sống trải nghiệm cao hơn là được sở hữu vật chất? Là vì điều này mang hạnh phúc đến cho họ, và họ không hề sai. Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy tiêu xài tiền bạc cho cuộc sống trải nghiệm mang lại niềm vui lâu dài hơn là tiêu xài tiền bạc cho vật chất. Mà sự trải nghiệm cá nhân còn có thể chia sẻ được với người khác và là điều quan trọng đối với thế hệ trẻ ngày nay. Việc chia sẻ những tấm ảnh chụp và những câu chuyện kể về một cuộc leo núi hay một buổi đi bộ trong rừng lúc nào cũng dễ dàng và mang lại sự cảm thông hơn là khoe những tấm ảnh chụp về chiếc máy tivi vừa mới mua.
Thế nên, không cứ sở hữu nhiều đồ đạc trong nhà thì mới mang lại niềm vui mà ngược lại là khác. Vậy hãy cố gắng bỏ bớt đi những thứ vật chất không cần thiết mà ta đang có để cho đời sống được nhẹ nhàng thanh thản hơn.
Huy Lâm