CHỮ HIẾU

Việt Nam cũng như các xứ Á Đông, chữ Hiếu đặc biệt được coi trọng. Trẻ con từ bé đã được dạy học câu: 

Công cha như núi Thái Sơn.

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha.

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con 

Một trong những cách giữ gìn nguồn cội, không quên gốc gác của người Việt xa quê là luôn dạy con cái đặt chữ Hiếu lên đầu. Một số cuộc thi Hoa hậu của người Việt, bên cạnh các vấn đề cao xa, thế nào cũng có câu hỏi về lòng hiếu.

Trước 75, chương trình học lớp đệ Lục cũ còn học cổ văn “Nhị thập tứ hiếu”. Nhiều người lớn tuổi bây giờ vẫn nhớ bài song thất lục bát do Lý Văn Phức diễn âm, học sinh đều phải thuộc lòng khi ấy: 

Thầy Mẫn Tử rất đường hiếu nghĩa

Xót nhà huyên quạnh quẽ đã lâu

Thờ cha sớm viếng khuya hầu  

Chẳng may gặp phải mẹ sau nồng nàn…

Báo chí từng đưa tin một thợ điện Ấn Độ, 42 tuổi, đã gánh người cha chín mươi lăm tuổi, mẹ tám mươi đi suốt quãng đường 216 cây số từ Uttar Pradesh đến thủ đô Delhi để họ được thỏa ước nguyện tắm nước sông Hằng, hay một cô gái Trung Quốc mỗi ngày đưa người cha ốm yếu cùng lên giảng đường đại học ngồi bên cạnh. Bằng cách đó, cô có thể chăm nom cho cha tốt hơn. 

Việt Nam cũng thế. Hiếu thuận là đạo lý thông thường, là thái độ, hành động đương nhiên trong đời sống, trong sinh hoạt của từng gia đình. Từ xưa đến nay, ở đâu và bất cứ lúc nào cũng đều có những câu chuyện hiếu thảo. Gương hiếu thảo đầy dẫy khắp nơi.

Lòng hiếu thảo dù ở bất cứ xứ nào, nền văn minh nào cũng đều được coi trọng. Nhưng tùy từng nơi mà thể hiện như ra sao. 

Ở Tây phương, trẻ em được dạy tính tự lập từ rất sớm, sự độc lập của cá nhân được đề cao. Đến tuổi trưởng thành, con rời cha mẹ tạo lập nên cuộc đời riêng, chứ không sống chung với cha mẹ cho đến già. Mọi người chấp nhận chuyện ấy, cha mẹ không đòi hỏi con cái phải “trả công” dưỡng dục. Cha mẹ khi đau ốm, khi già cả được chăm sóc tại bệnh viện cũng như viện dưỡng lão theo chế độ an sinh xã hội. Con cháu chỉ đến thăm chứ không cần phải túc trực hầu hạ. 

Vì thế, nhiều gia đình Việt Nam e ngại ảnh hưởng văn minh Tây phương, không dám cho con du học hay sinh sống ở ngoại quốc vì sợ “mất” con, sợ tình cảm giữa cha mẹ với con cái không còn khắn khít.

Tại Việt Nam, nếp sống tam đại đồng đường của người Á Đông vẫn được coi là một giá trị cổ truyền kiểu mẫu. Trong đó ba đời: Ông bà, cha mẹ, con cái đều sống cùngvới nhau dưới một mái nhà. Mọi sinh hoạt ăn ở trong gia đình đều hoà hợp, thống nhất.

Với cách sống như thế thì vui buồn, may rủi đều gắn chặt các thành viên trong đại gia đình với nhau. Ý nghĩa về chữ Hiếu được lưu truyền từ nhiều đời, khiến con cháu cảm thấy cuộc sống của chính họ tồn tại do nương dựa vào gia đình, cha mẹ, nhận từ cha mẹ công ơn sinh dưỡng và vì thế, đương nhiên phải có sự báo đáp, đền ơn. 

Ngược lại với Âu Mỹ, khi con cái từ tuổi thiếu niên đã có ý hướng tách riêng ra, thì ở Việt Nam, cha mẹ vẫn luôn luôn sát cánh song hành với con suốt thời thơ ấu, thời thanh niên và ngay cả cho tới khi lập gia đình, có con cái thì vị trí, ảnh hưởng của cha mẹ vẫn bao trùm lên con cháu. Chữ hiếu trong đa số trường hợp được coi là ở những người biết vâng lời và chiều chuộng cha mẹ tuyệt đối. 

Bởi vậy lắm gia đình tan vỡ vì con trai có hiếu với mẹ quá, bà mẹ can thiệp quá sâu vào gia đình con cái khiến cảnh mẹ chồng nàng dâu xung đột cho tới giờ vẫn diễn ra. Với quan điểm mẹ chỉ một, vợ có thể nhiều nên con trai giữ đạo hiếu chọn mẹ mà bỏ vợ cho dù bà mẹ có tai quái đến mấy!!!

Viễn cảnh về tuổi già cô đơn, đau yếu không người chăm sóc, khi mà hệ thống an sinh xã hội chưa được tổ chức tốt. Viện dưỡng lão không nhiều và chi phí quá cao so với thu nhập trung bình của người dân nên khó phát triển rộng rãi.

Vì thế ở Việt Nam, cha mẹ giữ đứa con như một thứ sở hữu, như “của để dành” bảo đảm tương lai cho những năm tháng cuối đời. Khi chân yếu tay mềm, ai nấu dùm chén cơm khi đói, ai rót dùm ly nước khi khát.

Ngay cả khi người già có được một số tiền nhờ dành dụm cả đời dành cho những năm tháng cuối cùng thì khi đau ốm nằm bệnh viện và sau đó nằm liệt thì ai giữ số tiền dành dụm đó để trả cho các chi phí.

Công ơn cha mẹ luôn được đề cao và sự báo đáp là đương nhiên. Sự báo đáp không những nằm ở tinh thần mà còn rõ ràng ở vật chất.

Ở những miền quê nghèo xa xôi, khi đứa con thoát đi kiếm ăn phương xa, thường có bổn phận gửi tiền về giúp cha mẹ gia đình, một số địa phương, hiện nay người ly hương kiếm ăn như thế rất nhiều. Ngay cả những người chỉ làm công nhân với số lương ít ỏi, phải xoay xở vất vả với cuộc sống đắt đỏ thành phố, đều ráng dành dụm mỗi tháng chút ít để gửi về cha mẹ.

Rất thấu hiểu điều này nên Phương, một thanh niên học xong đại học, sau khi cố gắng xin được việc làm ở thành phố, đã thực thi ngay bổn phận của mình. Một đứa con làm việc ở thành phố, nơi được coi là nhiều cơ hội, chẳng khác gì đặt được chân vào cái… ngân hàng. Cứ kêu lên là có tiền gửi về ngay cho nên giữa phồn hoa đô hội, Phương không ăn không mặc, không dám nghĩ tới có bạn gái chứ đừng nói lấy vợ, nhắm mắt cặm cụi kiếm tiền gửi về quê.

Chỉ có điều cha mẹ Phương chưa lấy gì làm già lắm nhưng từ khi con trai gửi tiền về hằng tháng thì người cha cho phép mình về hưu sớm, dẹp luôn cái quán hớt tóc dưới gốc cây để mỗi ngày khề khà với mấy ông bạn cà phê từ sáng tới trưa, và nhậu từ chiều đến tối. Bà mẹ trước kia chăm chỉ chằm lá kiếm tiền chợ nay chỉ làm cho vui, thời gian rảnh gặp hàng xóm nói chuyện chơi. Theo như cách khoe với chung quanh thì họ bắt đầu hưởng trái từ cây trồng.

Người chị kêu đau ốm, người anh chạy xe ôm muốn đổi chiếc xe khác, em út vào niên học cần quần áo, sách vở. Đến nỗi Phương phát sợ mỗi khi khi nghe tiếng điện thoại reng. Ban ngày Phương là nhân viên văn phòng quèn, tối vẫn chạy bàn cho nhà hàng đám cưới vốn là công việc kiếm thêm thời sinh viên. Tất cả để rót về báo hiếu gia đình dưới quê như cái túi không đáy.

Trường hợp này rất đúng với nhiều người có con cái đi nước ngoài. Trong nước tình cảnh như Phương không hiếm huống hồ đối với ngoại quốc vốn được xem như nơi dễ kiếm tiền, nơi người ta có thể nhặt tiền rơi vương vãi ngoài đường như nhặt đá sỏi, nhặt lá cây.

Chị Tuyến, một Việt kiều Anh cho hay rất khổ tâm vì không thể xin tiền người chồng ngoại kiều để gửi về cha mẹ thường xuyên. Đối với người Việt, đó là chuyện bình thường nhưng Tây thì không tán thành. Mỗi người có cuộc sống riêng và con rể tây chỉ muốn vợ gửi quà về gia đình nhân lễ tết lớn hoặc giúp đỡ vào những dịp đặc biệt thôi chứ không phải bổn phận hằng tháng.

Chị Tuyến than làm đầu tắt mặt tối, mỗi ngày chỉ ngủ bốn năm tiếng để có thể kiếm tiền gửi  về cha mẹ một bước ra khỏi nhà kêu taxi, cuối tuần đi ăn nhà hàng. Một lần về quê, chị mới phát giác nhiều sự thật bị che giấu. Cũng như gia đình Phương, cuộc sống dư dả nên cha chị Tuyến giải trí bằng cách đánh bài và mẹ chị nuôi số đề… 

Chị Tuyến quá mệt mỏi nhưng dù sao chị vẫn còn có thể tự đi làm, lãnh lương do công sức mình gửi về giúp cha mẹ. Trường hợp đáng thương là các cô gái quê ít học lấy chồng Đại Hàn, Đài Loan… Khi được hỏi về nguyên nhân lấy chồng ngoại cho dù nhiều chuyện bất trắc đã xảy ra sờ sờ với những người đi trước, hầu hết các cô đã trả lời ngay là “trả hiếu” cho cha mẹ, giúp đỡ gia đình.

Số tiền đầu tiên nhận được từ phía chú rể, sau khi bị bọn cò ăn bớt, chẳng còn lại bao nhiêu, lắm khi chỉ còn hai, ba trăm đô được cô gái trao hết cho cha mẹ. Khi ra đến xứ người làm vợ, không nghề nghiệp, không quen biết, ngôn ngữ và văn hóa bất đồng, nhiều cô vẫn chỉ đau đáu một việc là xin tiền chồng hoặc bớt xén tiền chợ gửi về cho cha mẹ cho dù trong số đó, không ít các bậc cha mẹ dùng số tiền trả hiếu để xây nhà nở mặt với bà con, để nhậu nhẹt hay mua vàng đeo đỏ tay… Những ông chồng ngoại quốc, dù cùng giống Á Đông, đã không tài nào hiểu được chuyện ấy và đó cũng là một trong số các nguyên nhân mâu thuẫn dẫn tới nhiều thảm kịch gia đình.

Lấy chồng để giúp gia đình dù sao cũng được tiếng là bước vào một cuôc hôn nhân hợp pháp. Thế nhưng không phải ai cũng “may mắn” như vậy. Bởi nhiều thanh niên bán xác nơi mỏ quặng lậu, các cô gái sa chân vào hang ổ cũng chỉ nhằm mục đích kiêm tiền gửi về gia đình, gửi về cha mẹ “trả hiếu”. Y như Thúy Kiều ngày xưa. Ngày nay vẫn không hiếm những cô gái bán thân trả nợ cho cha mẹ như cô Kiều cách đây hàng ngàn năm.

Những trường hợp trên không phải là tất cả nhưng hiện nay khá phổ biến. Cho nên ở một số trường hợp, quan niệm về chữ hiếu cần xét lại.

SGCN