Người bán khoai nướng vỉa hè bên hồ Gươm “chém” du khách 80.000 đồng/củ không phải là chuyện hiếm hoi. Những cái bẫy chém vẫn giăng khắp nơi, bủa vây du khách.
Rất nhiều ‘bẫy’ củ khoai 80.000 đồng
Một nhóm bạn trẻ đi ăn khoai nướng tại vỉa hè hồ Gươm, khi trả tiền thì ngã ngửa vì bị chém thẳng tay.

Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như chủ quán không hét giá 580.000 đồng cho 10 quả trứng nướng, 4 củ khoai nướng và 3 bắp ngô, trong đó khoai nướng có giá 80.000 đồng/củ, trứng nướng giá 20.000 đồng/quả và ngô nướng giá 20.000 đồng/bắp.
Câu chuyện này khi được chia sẻ đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Đa số đều cho rằng cô gái và nhóm bạn đã bị “chém”.
Chị N.T.M.H (20 tuổi, quê Quảng Ninh) cho biết khoảng 1 giờ sáng 2.11, chị cùng các người bạn vào hàng ngô nướng trên vỉa hè phố Lê Thái Tổ (P.Hàng Bạc, Q.Hoàn Kiếm; gần khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục) ăn uống.
“Nhóm chúng tôi gồm 7 người, sau khi ăn xong 10 quả trứng nướng, 4 củ khoai nướng và 3 bắp ngô nướng thì chủ quán đòi 580.000 đồng khiến chúng tôi giật mình. Tôi nói không ở đâu bán khoai nướng đắt như thế và được chủ quán đáp lại “khoai này chị nhập ở lò, 30.000 đồng chưa mua được 1 củ, nếu không tin em vào mua là biết”. Tuy nhiên, nhập ở lò nào thì chị không dám nói”, chị H. kể lại.
Chị H. cũng tự cho là có thiếu sót khi không hỏi giá trước khi ăn. Sau khi to tiếng với chủ quán trong hơn 1 tiếng đồng hồ, chị H. và nhóm bạn đành ngậm ngùi trả số tiền bất đắc dĩ này.
“Thực sự thì số tiền đó không phải nhiều nhưng thái độ và cách bán hàng của người chủ này khiến chúng tôi rất bức xúc. Sau khi ra về, chúng tôi sang quán bên cạnh hỏi giá thì mới biết bị chặt chém gấp 3 – 4 lần”, chị H. nói và cho biết do lúc đó đã muộn nên không đi báo.
Người bán khoai cho biết phải mua khoai qua trung gian, từ một lò bánh mì với giá 40.000 đồng/củ. Kết thúc, công an phường Hàng Bạc chỉ lập biên bản người bán lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, phạt 2 – 3 triệu đồng là mức phạt cao nhất đối với vi phạm này. Còn việc “chặt chém” du khách cần xác minh để có căn cứ xử lý sau!
Những chiếc bẫy giá…
Giá khoai mật loại 1 xuất khẩu cao nhất 35.000 đồng/kg, bình thường giá chỉ 25.000 đồng/kg. Nếu tính luôn tiền vận chuyển, giao hàng… khoảng 45.000 đồng/kg (loại 4 củ/1 kg). Cao nhất 45.000 đồng/4 củ khoai, bán giá 320.000 đồng/4 củ đã nướng là ăn trên đầu trên cổ người ta rồi.
Trong thực tế, tình trạng “chặt chém” khách lạ đến Hà Nội của một số người bán hàng rong, vỉa hè diễn ra từ rất lâu, không phải đến lúc này mới bị phản ánh.
Khi một nhóm dừng hỏi mua trái cây gọt sẵn tại lề đường cạnh vòng xoay Hàm Cá Mập (Q.Hoàn Kiếm). Chị Phương, một thành viên trong nhóm hỏi giá cả trái cây? Người bán nhanh nhảu trả lời 15.000 đồng. Chị chọn một quả dứa, 1 quả ổi, 3 quả roi, 2 quả mận. Người bán tay thoăn thoắt cắt nhỏ trái cây cho vào bịch, lấy muối, que xiên… báo giá 320.000 đồng. Nghe nhầm là 62.000 đồng, chị Phương lấy ra tờ 100.000 đồng nhưng người bán nhắc lại 320.000 đồng và giải thích… 15.000 đồng cho một lạng. Cả nhóm tá hỏa nhưng không muốn mất vui, trả tiền nhanh để đi tìm quán nước ngồi uống “nhâm nhi” cú lừa ngoạn mục ngay buổi đầu bước chân đến thủ đô. Dù vậy chị Phương vẫn ấm ức, giá các loại trái cây trên nếu có bán cho khách du lịch đi chăng nữa, cao nhất chỉ từ 50.000 – 60.000 đồng, giá chị mua cao gấp 5 – 6 lần.
Người lạ dễ bị chặt chém

Rút kinh nghiệm từ vụ trái cây vỉa hè, tại điểm bán “trà chanh chém gió” đầu phố Lương Văn Can, chị Nguyên – người sinh ra lớn lên tại Hà Nội – dặn cả nhóm hãy để chị hỏi giá bằng giọng Bắc để tránh bị chém. Vì dù là người Bắc gốc, vào Nam hơn 20 năm nhưng chị Nguyên không ít lần bị chém đẹp khi đi cùng bạn bè người Nam ra Hà Nội. “Cứ nghe khách nói giọng miền Nam hay vùng miền khác là bị “chém đẹp”. Quả đúng như vậy. Chị Nguyên gọi 10 ly nước, 2 gói hạt hướng dương ngồi “tám” cùng cả nhóm, người bán chỉ lấy tổng 230.000 đồng (20.000 đồng/ly trà chanh). Thế nhưng, chiều hôm sau, cũng tại điểm bán đó, vẫn là 3 người phụ nữ lớn tuổi bán hàng của ngày hôm trước, cũng chỗ ngồi đó… khách nói giọng miền Nam kêu tính tiền, người bán nghiễm nhiên tính… 30.000 đồng/ly trà chanh, cao hơn 50% so với giá hôm qua.
Taxi đi lòng vòng để tính tiền cao
Không chỉ hàng rong “chặt chém”, khu vực ven bờ Hồ còn nổi tiếng taxi tính “giá lậu” (không mở đồng hồ tính tiền), đi lòng vòng tính tiền cao. Anh Nhân (Q.3) cho biết, anh và bạn ăn tối tại nhà hàng Lục Thủy (Hàng Trống) xong về khách sạn phố Tạ Hiện. Vì có uống vài ly bia nên anh cùng bạn gọi taxi chứ lúc đi, họ đi bộ vì đoạn đường chỉ khoảng 1 km. Thấy anh Nhân giọng Nam, lên xe, tài xế không cần hỏi đi đâu, cứ chở lòng vòng rồi dừng bên đường giải thích ngắn gọn: Phố đó đi bộ, cấm xe vào và tính cước… 100.000 đồng. “Tài xế biết rõ là phố đi bộ, không chạy xe vào được, mình từ xa đến, họ không giải thích, cứ tống khách lên xe chạy được đoạn rồi thả tại điểm còn xa hơn nếu đi bộ về. Chỉ biết lấy tiền và mặc kệ khách thế nào”, anh Nhân kể.
Tương tự, chị Quốc Khánh (Q.12) kể đi lang thang phố Đinh Lễ, quên xem bản đồ, lại hỏi bác xích lô lối đi đến phố Hàng Ngang, Hàng Đào (thực tế là sát bên cạnh), người chở xích lô giục lên xe đi, đến đó chỉ trả 60.000 đồng cho 2 khách. Chị Khánh từ chối, bác tài hạ xuống 50.000 đồng nhấn mạnh đoạn đường xa lắm. Nhưng vừa ngồi lên xe, đi đoạn tầm hơn 100 m, bác tài trả khách ngay đầu phố Hàng Đào và lấy tiền.
Nhóm chị Nguyên đặt xe từ đầu phố Tạ Hiện tới Nguyễn Du giá trên app hiển thị 67.000 đồng. Nhưng xe huỷ liên tục vì đường cuối tuần đông, họ đành vẫy taxi ngoài đường. Tài xế báo 150.000 đồng, đành chấp nhận,
Những chuyện này không phải mới, nhưng tồn tại nhiều năm nay. Trên các blog, trang tin du lịch nước ngoài, nhiều khách du lịch liệt kê ra một số điều lưu ý tránh bị “rip off” (chặt chém) khi lang thang Hà Nội, khu vực ven hồ Gươm.
Trang itourvn.com lưu ý: “Có những người chuyên lừa đảo du khách ‘lén lút’ bằng cách bán hàng rong như bánh rán, trái cây, đánh giày… luôn chào mời bạn chụp hình chung, hãy từ chối nếu không sẽ bị buộc mua hàng sau đó. Nếu không mua phải trả… phí chụp ảnh, những số tiền phải tốn không đáng có”. Đã có rất nhiều người vào comment đồng ý với những chia sẻ này.
Trang Theculturetrip.com lại lưu ý “đậu phộng không đậu phộng” khi uống bia có kèm đĩa đậu phộng, cứ sau 1 ly bia lại có đĩa đậu mang ra cho dù bạn không yêu cầu. “Tuy nhiên, hãy biết rằng chúng (đĩa đậu phộng) hầu như luôn đắt như bia, vì vậy hóa đơn bạn có thể cao gấp đôi mức bạn dự kiến phải trả”, Matthew Pike viết trên trang này.
Chuyện lạ ở Quảng Trị: Nhận đất giá “bèo” rồi được lãnh đạo xã mua lại
Trong giai đoạn 2016 – 2019, xã Triệu Thành (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) đã lập hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp đất cho 123 gia đình. Những đất này nằm trong vùng đã được quy hoạch tại các thôn Cổ Thành, An Tiêm…
Theo quy định, đất sẽ được giao cho các gia đình thường trú ở địa phương chưa từng được nhà nước giao đất, cấp đất lần nào.

Vì đất ít, không đủ cho nhu cầu của người dân nên xã đưa thêm điều kiện “phụ” là “người dân có hộ khẩu thường trú ở địa phương, đã tách hộ; các hộ trong gia đình có đông người, chưa được nhà nước cấp đất lần nào và sau khi được cấp đất, người dân phải sử dụng đúng mục đích, yêu cầu, không được chuyển nhượng”.
Tuy nhiên, việc giao đất xảy ra nhiều vi phạm, có dấu hiệu tội phạm.
Trách nhiệm thuộc về ông Nguyễn Thế Phương – nguyên Bí thư Đảng ủy (nay là Chủ tịch xã) và ông Trần Thế Nhân – nguyên Chủ tịch xã (nay là Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ) và công chức địa chính giai đoạn 2016 – 2019.
Lúc đó, Chủ tịch xã đã giao đất cho một số trường hợp không đúng người, đất giao xong người dân không dùng mà bán lại sai quy định.
Cụ thể, có một trường hợp đã có nhà ở rồi +vẫn được giao đất; một trường hợp được giao đất xong mới tách hộ khẩu thường trú; 3 trường hợp có hộ khẩu thường trú chưa đúng thủ tục hoặc có hộ khẩu thường trú nhưng không sinh sống và làm việc tại địa phương.
Mua lại đất cấp của người dân là… dại!
“Mỗi lô đất được nhà nước giao, người dân phải đóng thuế, phí khoảng 20 triệu đồng nhưng sau đó ban lại 530 triệu đồng. Việc mua bán của người dân xã không hề hay biết, xã không ký hồ sơ công chứng mà họ đi nơi khác làm”, ông Nhân nói.
23 hộ dân sau khi được giao tổng diện tích 3.871m2 đất và đóng tiền đất (tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ nhà đất) hơn 165 triệu đồng đã bán lại cho người khác với giá 530 triệu đồng/lô để hưởng chênh lệch hàng trăm triệu đồng.
Đồng thời, việc thu tiền hàng triệu đồng của các gia đình để giao đất, để đóng cọc phân lô, giải tỏa mặt bằng; xét hồ sơ cho một số trường hợp không đúng người, không sinh sống ở địa phương là sai quy định, gây thất thoát về tài sản của nhà nước.
Điều đáng nói, mặc dù yêu cầu người dân nhận đất không được bán lại cho người khác nhưng chính Chủ tịch xã Nguyễn Thế Phương và Phó Bí thư Trần Thế Nhân lại mua 2 lô đất được cấp của người dân.
“Tôi không biết anh Phương mua lại của ai nhưng bản thân tôi thì nhận chuyển nhượng lại từ vợ chồng ông Lê Võ Mạnh Cường với giá 350 triệu đồng. Đất tôi mua cho con gái nhưng vì cháu đi làm trong Đà Nẵng, đi lại khó khăn nên tôi đứng tên.
Nhiều khi nghĩ lại tôi thấy mình dại. Trước đó đã đề nghị người dân không chuyển nhượng đất được nhà nước cấp nhưng chính bản thân mình lại dính vào. Giờ cấp trên chỉ ra sai sót, tôi chỉ biết tiếp thu, ghi nhận”, ông Nhân chia sẻ.
Đồng thời, có 12 trường hợp được giao đất là người thân của cán bộ, là cán bộ công chức, bán chuyên trách xã. Ngoài ra, xã Triệu Thành cũng sai phạm trong việc thu tiền của người dân để đóng cọc phân lô, giải tỏa mặt bằng.
Con đường sa ngã của đội trưởng chống buôn lậu
Tòa án tỉnh Đồng Nai vừa xử 74 bị cáo trong vụ án buôn lậu gần 200 triệu lít xăng dầu. Ngô Văn Thụy, nguyên Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu Khu vực miền Nam (Đội 3, trực thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan) gây ngỡ ngàng vì những lời khai của mình.
Tự tin nên… không báo cáo
Ngô Văn Thụy đã nhận hơn 800 triệu đồng của 2 chủ mưu buôn xăng lậu là Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty Phan Lê Hoàng Anh) và Nguyễn Hữu Tứ (ngụ TP Cần Thơ) để họ đưa tàu chở xăng từ Singapore về Việt Nam.
Sau khi nhận tin tố giác, Ngô Văn Thụy đã trực tiếp đi điều tra khu nhà nuôi yến ở sông Hậu, tỉnh Vĩnh Long thì thấy có tàu nhưng không có hàng. Tuy nhiên, Thụy tin rằng tin báo mình nhận là chính xác vì có cả hình ảnh.
Tàu xăng chở từ ngoài biển vào sông Hậu đến nhà nuôi yến phải qua cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, cảnh sát giao thông đường thủy. Theo kinh nghiệm, Thụy nhận thấy đường dây này có mối liên hệ rộng, quen biết các lực lượng có thẩm quyền mới làm ăn trót lọt được như vậy.
Đêm 25 rạng sáng 26-1-2021, khi không thấy tàu chở xăng từ ngoài biển vào cửa sông, Thụy linh cảm chắc có người báo nên vụ việc đã bị đánh động. Vì vậy, Thụy cho đội mật phục rút lui, qua Tết Nguyên đán tính tiếp.
Không theo nguyên tắc là phải báo lên cấp trên, Thụy cho rằng sẽ tự giải quyết được và cần giữ bí mật tuyệt đối để theo dõi. Trước đây, Thụy cũng đã phá nhiều vụ thành công theo cách này nên nghĩ “càng ít người biết càng tốt”.
Gặp “trùm” vì muốn tìm hiểu nguyên nhân “lộ án”
Có người quen giới thiệu nên Ngô văn Thụy đồng ý gặp Nguyễn Hữu Tứ là một trong 3 ông trùm của đường dây xăng lậu tại một nhà hàng ở Cần Thơ. Tứ đặt vấn đề nhờ giúp đỡ rồi đưa 10.000 USD và thẻ ATM có 100 triệu đồng nhưng Thụy không nhận.
Khi Tứ gọi điện thoại xin gặp, Thụy biết ngay tin đánh buôn lậu đã bị lộ. Tuy vậy, Thụy vẫn nhận lời gặp vì muốn biết về đường dây này và tìm xem ai là người làm lộ bí mật.
Tứ cùng bạn gái là Trần Ngọc Thanh đến nhà Thụy tại quận Phú Nhuận, đưa một phong bì đựng 10.000 USD và thẻ ATM có 100 triệu đồng nhưng Thụy vẫn không lấy. Sau đó, Tứ mời Thụy đi ăn thì được Thụy mời ăn cơm tại nhà. Trước khi lên lầu ăn cơm, Tứ nói Thanh bỏ tiền và thẻ ATM vào hộc tủ ở cạnh bàn uống nước.
Ít ngày sau, Phan Thanh Hữu đến nhà Thụy, mang theo 500 triệu đồng gói vào túi, nói «gửi quà cho anh em ăn Tết» và để vào hộc dưới bàn.
Thụy không nhận tội hối lộ để tiếp tay buôn lậu mà coi số tiền trên là “quà Tết” vì những người đưa tiền tới nhà cũng không công khai đặt vấn đề giúp bỏ qua các chuyến hàng lậu đang từ nước ngoài về cập bến.
“Lúc Hữu để lại tiền tại nhà. Khoảng 2-3 ngày sau bị cáo mới hay. Nếu biết, đã bắt họ mang về luôn. Do gần Tết nên bị cáo nghĩ để qua Tết sẽ trả lại nhưng chưa kịp trả thì đã bị bắt” – Thụy nói tại tòa.
Thụy khai không biết Hữu là ai, chỉ nghĩ đó là giám đốc một công ty của vụ nào đó mà hải quan đang làm vì khi nói chuyện không hề nhắc đến việc kinh doanh xăng dầu lậu. Thụy nghĩ sau Tết sẽ cho anh em xem người để 500 triệu đồng này là giám đốc công ty nào để trả.
Về số tiền và bọc tiền 500 triệu mà Tứ và Hữu để lại nhà Thụy, sau đó Thụy lấy ra tiêu xài hết 10 nghìn USD và 101 triệu trong thẻ ATM. Thụy khai cận Tết nên lấy tiêu tạm rồi ra Tết sẽ xác minh của ai để trả lại. Thụy cũng thừa nhận việc này phạm pháp vì không báo với cơ quan và công an để trả lại.
Thụy cũng phủ nhận không nói với Phan Thanh Hữu câu “từ giờ đến Tết anh cứ làm, ra Tết em vào thì anh em mình ngồi nói chuyện” như cáo trạng nêu.
Liên quan đường dây xăng dầu lậu này, tháng 7-2022, Tòa án Quân sự Quân khu 7 đã tuyên án 14 bị cáo.
Trong đó có Lê Văn Minh (cựu thiếu tướng, cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4) bị phạt 15 năm tù, Lê Xuân Thanh (cựu thiếu tướng, cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) 12 năm tù, Phạm Văn Trên (cựu đại tá, cựu chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh) 10 năm tù cùng về tội «Nhận hối lộ»…
San Hà (tổng hợp)