CHUYỆN CÔ TẤM

Con Tấm Con Cám, Cây Tre Trăm Đốt, Trầu Cau… không biết xuất hiện từ khi nào, lưu truyền từ nhiều đời nay, lại nằm trong chương trình học ở nhà trường nên tất cả người Việt Nam đều biết.

Cổ tích luân lý điển hình bao giờ cũng có hai phía nhân vật đối nghịch nhau. Đặc điểm của loại truyện này là tính cách nhân vật được xây dựng một chiều. Hoặc thuần ác, hoặc thuần thiện chứ không diễn biến phức tạp như tiểu thuyết tâm lý. Tấm Cám cũng thế. Phe chính diện là Tấm, phản diện là mẹ con nhà Cám. 

Tấm xinh đẹp, hiền lành, ngoan ngoãn. Bảo bắt tép thì chăm chỉ bắt tép, sai nhặt thóc thì kiên nhẫn nhặt thóc, kêu trèo cây cau thì nhanh nhảu trèo cây cau… Ngược lại, mẹ con Cám tham lam, độc ác, lập mưu hại Tấm nhiều lần và đủ kiểu. Tấm biến thành chim vàng anh thì Cám cho mèo ăn chim, Tấm biến thành cây xoan thì Cám đốn cây… 

“Ở hiền gặp lành”, “Trời cao có mắt”… là lẽ công bằng ở đời. Kẻ thủ ác không thể bình chân như vại sau khi gây ra từng ấy tai họa. Nếu không bị trừng phạt chẳng khác nào tội ác được cổ súy.

Thành thử bao giờ quan niệm “Ác giả ác báo” cũng được tôn trọng như một răn đe cho người đời. Người anh trong Cây Khế Trả Vàng bị rơi xuống biển vì ôm túi vàng nặng, mẹ con Lý Thông bị sét đánh chết… 

Ở cuối truyện, Cám tưởng Tấm nói thật nên nhảy vào nồi nước sôi để mong có làn da trắng trẻo và mẹ Cám khi biết ăn mắm con đã hóa điên rồi bị sét đánh. Như vậy, tội ác đã được trừng trị xứng đáng… Ai nấy hài lòng không thắc mắc.

Tuy nhiên về sau, người ta bắt đầu nhận thấy đoạn này có vẻ… ghê quá nên nhiều sách thiếu nhi đã bỏ phần trừng phạt. Câu truyện ngưng ở chỗ nhà vua nhận ra vợ qua miếng trầu têm khéo ở quán bên đường, đã đón Tấm về cung. 

Câu truyện của Tấm kết thúc ở đó thật tốt đẹp, không có gì để bàn cãi. Học sinh tiểu học thỏa mãn khi thấy trải qua nhiều cuộc hóa thân hấp dẫn, Tấm lại trở về ngôi hoàng hậu sống hạnh phúc với nhà vua đến suốt đời. Còn Cám ra sao thì… mặc kệ!

Cổ tích là một phần quan trọng trong văn học Việt Nam. Ngay từ bậc tiểu học, học sinh đã học nhưng là những câu truyện ngắn, đơn giản như Nàng Tiên Ốc… Những truyện có gắn kết với sự kiện lịch sử hay sự vật như Thánh Gióng, Sự Tích Trầu Cau, Quả Dưa Hấu… đều có yếu tố hoang đường. Riêng Tấm Cám được coi là truyện quan trọng trong số các truyện cổ tích vì dài nhất, ly kỳ nhất với nhiều tình tiết lôi cuốn từ đầu chí cuối bay bổng trí tưởng tượng. 

Tấm Cám được coi là đầy đủ với cái kết hũ mắm nhà Cám. Mặc dù có những dị bản cho hai mẹ con bị sét đánh hoặc mẹ Cám tự lăn ra chết nhưng xem chừng hành động sét đánh… thường quá. Chi tiết mắm muối có vẻ táo bạo hơn, đẩy mạnh cao trào hơn nên được mọi người ưa chuộng, được chọn làm kết chính của truyện.

Sau này Tấm Cám từng có dịp gây ra dư luận ầm ĩ.  Bởi vì theo cái nhìn hiện nay, Tấm Cám đang được đưa ra mổ xẻ theo chiều hướng “xét lại”!

Các nhân vật trong truyện xưa đối lập nhau rõ ràng như trắng với đen. Hiền lành thì hiền ơi là hiền. Ác độc thì ác ơi là ác. Hiền không thể ác và ác không thể hiền. Cho nên Tấm là nhân vật đại diện cho phe Thiện thì hà cớ thay biến đổi thành ác tới mức lừa mẹ Cám ăn thịt con. Lẽ ra Tấm nên tha thứ, bao dung mới đúng?!

Chắc là thời hiện đại nhiều vụ án mạng kinh hoàng xảy ra. Xã hội lắm tội ác quá. Ngày nào cũng có chuyện giết người. Vợ đốt chồng, chồng đâm vợ, cha chém con, cháu đập bà… Nhẹ nhất là các vụ học sinh đánh nhau như cơm bữa… 

“Xét lại” bởi tội ác tràn lan hàng ngày. Bao nhiêu cảnh bạo lực qua tin tức, phim ảnh, game online, sách báo… Đủ kiểu giết người man rợ chưa tởn mà còn thêm hình ảnh cách lấy xác làm… mắm từ một cô Tấm ngoan hiền. Cùng motif mẹ ghẻ con chồng, đánh rơi giày… nhưng nàng Lọ Lem trời Tây kết thúc câu truyện của mình ngay sau khi thử vừa chiếc giày đánh rơi. Còn Tấm đáng thương, đáng yêu lại xuống tay đẩy cuộc báo thù, trả oán đi quá xa, hoàn toàn ngược với bản tính vốn thiện của mình. 

Thế là có câu hỏi đặt ra. Với cách xử sự tàn bạo như vậy, liệu Tấm có xứng đáng là đại diện cho phe Thiện như từ trước tới giờ không? 

Bài học được rút ra là không nên hoàn toàn trông cậy ở việc hiền đương nhiên gặp lành! Đây là minh chứng rõ ràng cho việc ở hiền chưa chắc gặp lành. Tấm hiền quá nên bị Cám ăn hiếp hoài. Đó là không kể người hiền lành giờ đây không được tán thưởng ở mặt thụ động thái quá. Cứ hiền lành rồi ở đó chờ chẳng biết Trời có cho sung rụng không, sao bằng Cám nhanh nhảu, tháo vát chủ động đi tìm cơ may bằng bất cứ giá nào! Tấm bị cướp tài sản là chiếc yếm đỏ, bị hất khỏi dịp đi dự hội vui chơi. Tấm ầu ơ ví dầu quá nên đã phải ôm mãi khát vọng hạnh phúc…! Mọi người nhao nhao lên sao Tấm không tìm đến luật pháp, sao Tấm không phản ứng mạnh mẽ ngay từ đầu… 

Ý kiến khác được đẩy đi xa hơn khi cho Tấm giả dối. Đừng nhìn bề ngoài tưởng hiền hậu mà lầm to. Tuy bị hại nhiều lần nhưng khi Tấm ra tay trả thù thì thực sự đích đáng, sự tàn bạo vượt hẳn Cám.

Truyện cổ tích các nước na ná nhau. Các chi tiết chị em con dì ghẻ, thử giày và ngay cả nhúng nước sôi… đều thấy ở nhiều nước, cả châu Á và châu Âu.

Tuy nhiên, suốt mấy chục năm nay, kết luận Tấm Cám vẫn thu hút nhiều tranh cãi không ngưng nhằm tìm ra giải thích hợp lý. Đáng lẽ phải thống nhất một cách đơn giản thiện hay ác tuyệt đối như kết cấu muôn đời của cổ tích, thì cuối truyện bỗng lòi ra một hũ mắm tréo ngoe. Tự dưng ba hồi thiện, bốn hồi ác làm độc giả cả trẻ em lẫn người lớn trở nên bối rối.

Tấm dần thoát khỏi vai trò của một nhân vật cổ tích giản đơn mang tính biểu tượng thời xưa, để đảm nhiệm nhiều ý nghĩa khác.

Thành thử người đọc được dẫn dắt cho thấy quá trình thay đổi tâm lý của Tấm. Thoạt tiên chịu đựng bảo sao nghe vậy. Từ từ Tấm bắt đầu có phản ứng khi vàng anh đòi rạch mặt Cám giặt áo không sạch, khi con ác trên khung cửi đe dọa “Dám tranh chồng chị, chị khoét mắt ra”… để cuối cùng tiêu diệt hậu họa, “nhổ cỏ tận gốc”! 

Song song đó, Tấm Cám cũng chứa bài học: Đó là… ta nên bắt chước Tấm. Khi con Cám đánh thì mình là con Tấm hiền lành, sau một thời gian bị đè nén đã vùng lên phản kháng. Diệt được quân thù rồi sẽ… hiền trở lại! Mặt khác cũng nên phần nào rút kinh nghiệm, học hỏi thái độ “năng nổ” trong cuộc sống của Cám!

Tấm đành trốn luôn, nằm chịu trận trong cổ tích, chứ lỡ có bà Tiên nào hóa phép sống dậy thế nào cũng hết hồn vì không ngờ nổi bỗng nhiên phải mang vác bao nhiêu trọng trách lớn lao đến thế. Mấy truyện anh hùng như Thánh Gióng xem chừng gây ảnh hưởng kém xa Tấm Cám. 

Tấm Cám đang đợi ra tòa. Tấm là nạn nhân hay bị cáo. Tấm vẫn thuộc phe Thiện đối nghịch với Cám Ác hoặc sẽ đổi vai chăng. Từng bị một ý kiến kết án “tội ác nhân danh cái thiện” khiến Tấm nguy cơ có ngày trở thành mụ Tấm và Cám thành nàng Cám cũng nên. Biết đâu được…

Dù sao do mọi ý kiến vẫn giữ nguyên sự đối lập. Vả lại, khi câu chuyện đã bị lôi kéo khỏi vị trí cổ tích mang tính khái quát, ẩn dụ để bị soi rọi sợi tóc chẻ tư theo quan điểm thời nay, khiến các giá trị tưởng chừng bất biến trong cổ tích bị đảo lộn, thì cái ngày xử minh bạch đó còn xa.

Theo chiều hướng này e phải rà soát lại hết chuyện cổ tích, nghiên cứu cải biên lại các chi tiết hoặc tìm kiếm cho ra cách giải thích mới mẻ thuận tai mọi người. Đại khái Tấm nên đề phòng cao độ mọi lúc mọi nơi thì đâu có chuyện gì xảy ra. Cứ lơ là, thiếu cảnh giác thì đương nhiên dẫn tới hậu họa không tránh khỏi như Nỏ Thần. Hay là Ông Táo “một bà hai ông” chẳng hạn, vi phạm luật hôn nhân “một vợ một chồng”. Riêng truyện này không ai đề cập tới vì rõ ràng nan giải. Bếp lò, dù bếp than, bếp củi, bếp ga, bếp điện… đều rành rành ba đầu rau ngồi ngay ngắn nghiêm chỉnh, không thể bắt bà Táo ly dị một ông!

Cũng lạ là không ai thắc mắc giải quyết theo kiểu hiện đại hóa đó thì đâu còn gì để nói nữa, tin vặt cũng không có chứ đừng nói đến truyện, lại là truyện cổ tích.

Rắc rối quá. Hay là tạm thời nên cấm phổ biến truyện cổ tích đợi ai nấy họp bàn, nghiên cứu, tranh luận, phân tích tỉ mỉ… Tới chừng nào xong, thống nhất ý kiến giữ nguyên, sửa lại hay chặt đuôi các câu truyện rắc rối rồi mới tiếp tục phổ biến. Có khi nhờ trong lúc trống vắng, chờ đợi vậy mà ra đời những câu truyện cổ tích mới phù hợp giai đoạn thời mới, đỡ mất công cãi cọ.

Dù sao với những ý kiến trái chiều tranh luận sôi nổi không ngưng, cộng thêm với những “vật chứng” vẫn hiện hữu ngoài đời. Bên cạnh trầu têm cánh phượng kiêu sang hoàng hậu, quả thị không còn là loại trái cây tầm thường, bình dị, ăn không ngon lắm, mà khoác trên mình vẻ đẹp cổ tích đầy mê hoặc.

Thì Tấm Cám đã vượt hẳn các cổ tích khác để trở thành một câu truyện quá sức đặc biệt. 

SGCN