Chuyện của Vịnh Hạ Long

Vịnh Hạ Long (Hạ Long Bay) đẹp, rất đẹp, đã hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vì đẹp vào năm 1994 và vì giá trị địa chất – địa mạo vào năm 2000. 

Tháng 10/2023, OvationNetwork đã chia sẻ độc quyền với Forbes danh sách 24 điểm đến tốt nhất cho năm 2024, trong đó có Vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh. OvationNetwork đã hết lời khen nơi này, gọi là điểm đến cho tất cả mọi người. Và thực tế là không ít người đến Việt Nam vì vịnh Hạ Long.

Vậy mà món quà thiên nhiên ban tặng, đáng để cho Việt Nam tự hào và giữ gìn này được họ xem như con gà đẻ trứng vàng, vắt kiệt để khai thác du lịch nhưng lại đối xử rất tệ bạc, mà gần đây nhất là chuyện lấp biển, xây dựng…

Vùng đệm Vịnh Hạ Long bị “xẻ thịt”

Núi bị quây thành “hòn non bộ”

Mới đây nhất là vụ gây xôn xao công luận: lấp vùng đệm vịnh Hạ Long làm biệt thự, nhà ở. Dự án này nằm bên bờ vịnh Bái Tử Long và gần tuyến đường ven biển Hạ Long- Cẩm Phả với mức đầu tư 1.232 tỷ đồng, có diện tích gần 32 ha; trong đó có 3,88 ha thuộc vùng đệm vịnh Hạ Long, xây dựng 451 căn biệt thự và nhà ở liền kề. Ngoài ra còn có các công trình thương mại dịch vụ, trong đó có các khách sạn bảy tầng.

Dự án đã được chính tỉnh Quảng Ninh chấp nhận cho đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất từ cuối năm 2021. Công ty Đỗ Gia Capital trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.

Theo người dân nơi đây, thời gian gần đây, trên tuyến đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, đoạn đi qua phường Hà Phong – Cẩm Phả, xuất hiện loạt xe tải nối đuôi nhau chở đất đá san lấp cho Dự án Khu đô thị tại khu 10B (Khu đô thị 10B) có dấu hiệu quá tải, không có bạt che phủ khiến bụi đất vung vãi khắp mặt đường.

Để xây dựng Khu đô thị 10B thuộc địa giới phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, chủ đầu tư là Công ty Đỗ Gia Capital đã đổ đất tạo thành con đường dài hơn 1 cây số tính từ đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả ra phía biển. 

Báo chí trong nước cho biết việc san lấp mặt bằng đã lấn ra vùng đệm, gây ảnh hưởng đến nước vịnh. Họ đã đổ đất trực tiếp xuống vùng nước vịnh Hạ Long mà không có giải pháp bảo vệ môi trường.

Tờ Thanh Niên trong nước cho hay, nhiều diện tích rừng ngập mặn xung quanh dự án đang chuyển màu từ xanh sang đen; nước biển nhiều chỗ cũng chuyển màu.

Khi báo chí rầm rộ lên tiếng vụ này, vào ngày 6/11, UBND Thành phố Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) đã yêu cầu chủ đầu tư Khu đô thị 10B dừng việc xây dựng để kiểm tra. 

Sau khi phát giác hàng loạt sai sót khi xây dựng, không thực hiện đúng các biện pháp để bảo vệ môi trường, ngày 7/11, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty Đỗ Gia Capital 125 triệu. Công ty này đã “xin nhận lỗi và khắc phục, có biện pháp xử lý”.

Chỉ có vậy!

Vịnh Hạ Long là thứ di sản đặc biệt. 

Theo quy định của chính phủ Việt Nam, vịnh Hạ Long là vùng cốt lõi, được bảo vệ số 1; còn những chỗ bên ngoài, nhất là khu vực tiếp giáp, gọi là vùng đệm, bảo vệ thứ 2. Chỗ biển đảo lô nhô thuộc phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả bị đổ đất đá làm cho nham nhở biến dạng như kể trên tuy không nằm hẳn trong vịnh Hạ Long nhưng chính là vùng đệm, bảo vệ 2.

Khi Hạ Long liên kết với Cát Bà để trở thành di sản thiên nhiên liên tỉnh đầu tiên tại Việt Nam được UNESCO công nhận. Điều đó cũng có nghĩa là mọi hoạt động ở vịnh Hạ Long phải được đặt trong tương quan với các khu vực lân cận, các vùng đệm…

Không phải chỉ Hạ Long, cả Bái Tử Long và vịnh Cát Bà đều cần được đối xử như thế, bởi đều là di sản cần được bảo vệ.

Vùng đệm vịnh Hạ Long bị xẻ thịt tan nát đâu phải mới đây? Việc “dời núi và lấp biển” ở Quảng Ninh xảy ra hơn chục năm rồi, bắt đầu từ việc lấp biển làm đường ra đảo Tuần Châu, rồi cái đảo đó nở mãi ra. Rồi toàn bộ khu BIM, Marina, Hùng Thắng, cả khu SUN World, , cả nguyên khu bãi tắm ở Bãi Cháy là lấn biển. Cái đảo của Vinpearl cũng là nhân tạo để xây khách sạn. Toàn bộ khu đường bao biển bên Hòn Gai, khu vực bảo tàng Quảng Ninh, cũng là lấp biển mà thành. Người ta còn mới nối dài cái đường bao biển đó tới Cẩm Phả để ra thêm hơn 10,000ha. Và cái Khu Đô thị 10B Quang Hanh vừa bị “lên báo” ở ngay cạnh đó.

Trả lời cho câu hỏi này, nhà báo về hưu Nguyễn Thông nói huỵch toẹt: “Vậy nên rất lạ, sự xâm phạm vào di sản diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, kéo dài năm này qua năm khác nhưng trung ương không biết, quan chức sở tại không biết, hệ thống chính trị con ruồi khó bay lọt cũng không biết. Nói trắng ra là biết, nhưng “cứ để thế xem sao”. Mắt của trung ương, của chính quyền tỉnh nào có mù, nó chỉ bị bịt bởi thứ gì đó thôi. 

Chính quyền Quảng Ninh và Bộ Văn hóa Việt Nam đang vòng vo diễn giải vùng biển bị xâm phạm không phải là vịnh Hạ Long, không phải di sản thiên nhiên thế giới. 

Nhưng cũng chính nhà cầm quyền đã công nhận chỗ bị xâm hại là vùng đệm, khu vực 2 của vịnh Hạ Long, là vùng bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới. Đã là “vùng bảo vệ” thì cũng cần được bảo vệ. Lỗi đâu phải của những kẻ san lấp, đổ đất, đổ đá lấp vịnh, mà của những người đã duyệt, cấp phép cho làm, nhắm mắt làm ngơ cho làm.

Có tiền mua tiên cũng được, huống hồ mua vịnh, mua di sản, mua quan chức. Cứ ngó những vụ Việt Á, bay giải cứu, AIC thì rõ, nếu không thể mua bằng tiền thì có thể mua bằng… rất nhiều tiền.

Người ta phá sờ sờ ra đó hơn cả năm rồi chứ có phải dấm dúi trong buồng đâu mà không thấy. Phạt 125 triệu đồng có khác gì gãi ngứa một con thú hung dữ đang say ăn đất, có khác chi bật đèn xanh mở đường rằng cứ làm đi, không sao đâu”.

Vịnh Hạ Long ngập trong rác

Chính Việt Nam xếp hạng vịnh Hạ Long là di tích quốc gia đặc biệt từ ngày 12/8/2009, UNESCO đã hai lần công nhận đây là di sản thiên nhiên thế giới năm 1994 và năm 2000.

Các nhà bảo tồn ước tính ban đầu có khoảng 234 loại san hô trong vịnh – hiện nay con số này chỉ còn khoảng một nửa. Nhưng trên hết, nhựa, rác thải vẫn đang là mối quan tâm lớn.

Vớt rác trên vịnh Hạ Long – Ảnh: Sức khỏe và Đời sống

Một hướng dẫn viên du lịch nói: “Mình ra rả nói với khách Hạ Long là điểm đến once in a lifetime (điểm đến phải đi trong đời) thế mà lúc đến nơi thì từ mình nghe nhiều nhất từ khách là DISGUSTING (ghê tởm)”.

Chẳng hạn như ông Adrian Halliwell, du khách người Anh, bất bình: “Tôi và gia đình rất háo hức khi xem hình ảnh vịnh Hạ Long trước khi sang Việt Nam. Nhưng chúng tôi quá sốc và choáng váng khi thấy một thắng cảnh đẹp vào bậc nhất thế giới như thế này lại để rác thải trôi khắp nơi như vậy. Môi trường sinh vật biển của các bạn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Tôi không nghĩ tôi muốn ăn hải sản sau khi chứng kiến lượng rác thải biển nhiều như vậy’’.

Cô NTN, một hướng dẫn viên du lịch quốc tế tâm sự: “Bao nhiêu năm nay, rác thải ở vịnh Hạ Long vẫn luôn là vấn đề chưa bao giờ được giải quyết triệt để. Tuy nhiên, những ngày gần đây, tất cả những ai tới vịnh đều khó có thể làm ngơ trước việc bức tranh thiên nhiên này đang bị rác bủa vây. Trong đoàn của tôi, khách nào cũng thắc mắc rác từ đâu ra? Ai chịu trách nhiệm cho vấn nạn này? Tại sao ý thức người dân lại kém như vậy? Chính quyền có vai trò gì trong việc xử lý? Những câu hỏi tôi rất khó trả lời vì nếu trả lời thật thì thấy rất xấu hổ cho ngành du lịch địa phương”.

Theo Ban quản lý vịnh Hạ Long, kể từ đầu tháng 3 năm nay, họ đã vớt khoảng 10,000m3 rác – đủ để lấp đầy 4 hồ bơi tiêu chuẩn Olympic. Ban quản lý này cũng đề nghị nhà chức trách xử phạt nghiêm minh hành vi vi phạm về môi trường đối với chủ đầu tư dự án khu đô thị tại khu 10B. Cũng chỉ có vậy!

Nỗi lo bị UNESCO “thổi còi”

Theo báo Thanh Niên trong nước, các nhà khoa học trong nước, nhà quản lý và thậm chí UNESCO cảnh báo nhiều lần về thực trạng của vịnh Hạ Long.

Năm 2006, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã phải gửi một phúc trình tới UNESCO nói về tác động của nhà máy xi măng Cẩm Phả tới di sản thế giới này. Ông Nguyễn Công Thái, Phó ban quản lý vịnh Hạ Long khi đó, cho biết nhà máy này nằm ở vùng đệm của di sản. Vì thế, khi nhà máy đi vào hoạt động, về lâu dài môi trường vịnh sẽ bị ảnh hưởng. Các chuyên viên UNESCO khi đó cũng cảnh báo về việc xây dựng kiến trúc hạ tầng ven bờ vịnh.

Năm 2012, kỷ niệm 15 năm Vịnh Hạ Long trở thành di sản thiên nhiên thế giới, một hội thảo về điểm đến du lịch lừng danh này được Việt Nam tổ chức. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch của Việt Nam khi đó, ông Nguyễn Văn Tuấn, nói: “Chúng ta đã chứng kiến hệ thống rừng ngập mặn vốn là hàng rào bảo vệ cho Hạ Long ở ven bờ hầu như bị hủy hoại hoàn toàn…, các rạn san hô cũng suy kiệt dần”. Ông Tuấn cho rằng ở Hạ Long lúc ấy các tổ chức hoạt động du lịch vừa bán rẻ tài nguyên du lịch vừa không hiệu quả. Di sản này vẫn là một điểm đến với sự lộn xộn tại cảng tàu, các hành vi lừa đảo, gian lận về phẩm chất dịch vụ chưa được kiểm soát.

Năm 2013, Hạ Long trải qua cuộc kiểm tra thực địa của chuyên viên Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Cơ quan chuyên môn “rà soát” di sản UNESCO này đã đưa 7 khuyến nghị về tình trạng bảo tồn cho vịnh Hạ Long. Hạ Long được đưa vào “danh sách đen” của UNESCO.

Năm 2014, 150 người tham dự buổi hòa nhạc trong khuôn khổ Festival Âm nhạc mới Á – Âu tại hang Đầu Gỗ, thuộc quần thể vịnh Hạ Long, Quảng Ninh. Họ nghe nhạc trong ánh nến của 20 bát nến thắp rải rác, và có cả những bát nến lớn đặt lên chảo tôn lớn để tạo phản xạ ánh sáng. Nghệ sĩ biểu diễn còn kẹp nến vào tay để hát múa. Bà Phạm Thùy Dương, khi đó là Trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long, cho biết: “Hòa nhạc giao hưởng không ảnh hưởng đến cảnh quan và thẩm mỹ gì trong hang cả”.

Tuy nhiên, các nhà khoa học không nghĩ như vậy. Trước đó, một nghiên cứu năm 2010 của Viện Khoa học địa chất và khoáng sản đã đánh giá yếu tố độc hại trong các hang động trên vịnh Hạ Long. Theo đó, trong các hang có tới 4 loại khí không đạt tiêu chuẩn cho phép. Khí O2 thấp hơn so với nồng độ tự nhiên trong không khí khoảng 21%, tuy vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Cộng với lượng CO2 tăng cao cho thấy nguyên nhân là do lượng du khách đông và hang không bảo đảm thông gió. Các khí SO2, Cl2 cũng cần phải có giải pháp xử trí.

Cũng trong năm 2014, Hội nghị về bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam được tổ chức ở Hà Nội. Thông tin từ hội nghị này cho thấy vịnh Hạ Long lúc đó đã rất cố gắng để thoát khỏi “danh sách đen” – danh sách các di sản mà UNESCO khuyến nghị về bảo tồn. Theo đó, UNESCO đề nghị Hạ Long phải thiết lập được một hệ thống quản lý toàn diện, với Ban Quản lý vịnh Hạ Long có mức độ tự chủ và quyền hạn cao hơn.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế cách thức quản lý di sản thế giới này, công chúng không khỏi lo lắng. Nỗi lo UNESCO “thổi còi” di sản Hạ Long không thể nói là mơ hồ được.

Trong bài viết về dự án lấn biển vùng vịnh Hạ Long kể trên, tờ South China Morning Post viết rằng, sự phát triển nhanh chóng của thành phố Hạ Long – nơi hiện có cáp treo, khu vui chơi giải trí, khách sạn sang trọng và hàng nghìn ngôi nhà mới – đã “gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái vịnh”.

***

Vịnh Hạ Long là điểm đến có số lượng du khách lớn nhất Việt Nam, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Khi chính quyền cộng sản Việt Nam thu được hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm từ con gà đẻ trứng vàng này, họ có nhìn thấy vùng vịnh bị biến dạng, họ có nhìn thấy rác nổi khắp gần 2,000km vuông trên mặt vịnh không?

Không thể nói nhà cầm quyền Việt Nam không thấy những gì mất mát khi tận thu từ di sản thiên nhiên trong khi buông lỏng quản lý môi trường, chẳng qua là nói như nhà bảo tồn động vật hoang dã Trang Nguyễn: “Có nơi nào như đất nước này? khi từ lúc đi học lớp “vỡ lòng” đã được dạy nghêu ngao câu “rừng vàng biển bạc”. Và bởi vì rừng vàng biển bạc, nên cứ thế mà bán thôi. Vàng mà, bạc mà, dùng để buôn để bán, để đầu tư chứ giữ làm gì. Ai điên đi ngồi không canh mỏ vàng”. 

Tịnh Khê

(Tổng hợp)