CHUYỆN GIAO THÔNG KHÔNG GIỐNG AI
Giao thông trong thành phố thật phức tạp. Theo lẽ luật giao thông đã được đề ra. Lỡ vi phạm thì chịu phạt hoặc hai bên va quệt sơ sơ thì… xin lỗi rồi bồi thường theo thỏa thuận một cách ôn hòa. Ở nhiều xứ khi xe đụng nhau, cả hai bên đều đứng yên đợi cảnh sát đến giải quyết mà không cần phải phân bua, giải thích. Mọi việc đều được hành xử theo luật có sẵn nên lại trở nên mau chóng và đơn giản.
Thế nhưng xứ ta đất chật người đông nên giữ bình tĩnh để tôn trọng luật lệ giao thông xem chừng hơi khó.
Người ta có thể chờ vài giây, vài phút để tránh đường, chứ chờ hoài, đi khúc nữa lại chờ nữa thì quả khó chịu, bực mình. Thời gian đối với nhiều người không phải là vàng, nhưng cũng không thể phí phạm đứng giữa đường, hít khói bụi, đầy tiếng ồn ào trong khung cảnh chung quanh chẳng lấy gì làm thích thú: Phố xá chật chội, đường hẹp và xấu chứa một đám đông sốt ruột làm sao không dễ nổi nóng. Khó mà kiên nhẫn chịu đựng tình trạng bực bội đó diễn ra hàng ngày, hàng tháng, hàng năm…
Bởi đất đã chật lại thêm buôn bán lấn vỉa hè, cao ốc mọc tua tủa chen chúc nhau… làm giao thông trở nên chật vật. Luật lệ lại không hợp lý. Ở ngã tư, cùng lúc xe này quẹo phải, xe kia rẽ trái. Số lượng xe cộ ngày xưa ít thì không sao nhưng với mật độ lưu thông như hiện nay thì chỉ trong giây lát nạn kẹt xe rất dễ xảy ra. Đó là không kể người đi bộ dù băng ngang qua đường đúng chỗ vẫn phải canh chừng đám xe quẹo đúng luật này. Việc xử phạt không công bằng và nghiêm túc. Thêm người này không rành và không giữ luật lệ. Người kia nóng nảy vì thời tiết quá nắng nóng, vì tất bật công kia chuyện nọ… gộp lại đủ thứ lý do khiến giao thông ngày càng hỗn loạn, rối rắm.
Vi phạm luật lệ là chuyện thường nên không vi phạm thì mới là… chuyện lạ. Hễ đèn đỏ bật rồi nhưng sẵn đà, xe vẫn chạy luôn; lỡ có chiếc xe nào ngừng chắn lối, lập tức xe sau lưng bấm còi thúc hối, hoặc nhào lên trước vượt đèn đỏ, không quên quay lại mắng luôn người đợi đèn xanh:
– Bộ khùng hả?
Chưa kể chú bé nói với ông già:
– Muốn chết hả?
Ý là nếu vẫn cứ dừng yên trong lúc chú đi thẳng thì…. coi chừng cái mạng (!). Nhất là vào đêm khuya hay sáng sớm, xe cộ thưa thớt, đèn giao thông ở ngã ba, ngã tư vẫn hoạt động nhưng thiên hạ sẵn coi đường vắng ngang như đường cao tốc. Xanh đỏ gì cũng vọt thẳng. Người ta quen với sự giành giật, dù là giành lấy việc tiến lên nửa vòng xe ở chỗ kẹt xe, giành vài giây khi đèn đỏ chưa kịp qua xanh.
Nếu kẹt xe thì xe máy lấn trái qua làn xe hơi, hoặc leo phải lên lề đường để trộn lẫn giữa xe cộ, người đi bộ và người bán hàng vào nhau. Khách bộ hành vừa rảo chân theo hình zích zắc tránh chiếc xe sẵn sàng đâm vào sau lưng mình, vừa tránh sạp bán báo, xe thuốc lá, bếp than nướng thịt của hàng cơm tấm… Người bán hàng bịt mũi lắc đầu vì khói xe phả mù mịt và không còn chỗ cho khách hàng ghé mua. Thành thử nhiều vỉa hè mới làm nhưng xe nhảy lên nhiều quá khiến gạch lề đường vỡ vụn. Hư hỏng đâu có sửa ngay được nên vỉa hè lở lói cứ phơi ra bộ mặt xấu xí với đời. Nếu lề đường chật quá thì xe máy vốn lợi thế dễ luồn lách, nhào ngay qua lấn nửa đường ngược chiều bên kia để tiếp tục xấn tới. Biện minh cho hành động này, mọi người than đứng đó đợi biết chừng nào hết kẹt xe, thời giờ là vàng bạc, ai cũng phải đi làm, đưa con đi học. Và trong khung cảnh kẹt cứng ngắc đó, một số người đẩy mạnh căng thẳng bằng cách nhấn còi inh ỏi. Một thanh niên cho biết:
– Tôi biết nhấn còi vô ích, đâu còn chỗ trống nào để tiến hay lùi. Nhưng đợi lâu quá thì nhấn còi cho… vui!
Để thoát kẹt xe, mọi người xoay xở bằng đủ cách. Hễ một người xé rào là những người khác ùn ùn bắt chước đua theo với tâm lý hễ người ta vi phạm được thì mình cũng vi phạm. Cảnh sát chỉ có thể phạt một vài người chứ chắc chắn không thể phạt cả đám đông. Thật ra khi đã kẹt xe rồi thì những cố gắng luồn lách chỉ khiến đám xe cộ càng bao vây, co thắt chặt cứng vào mà thôi.
Dễ kẹt xe nhất là ở các bùng binh. Nhiều khi nguyên nhân đầu tiên không hẳn do lượng xe cộ quá đông mà do các xe không nhường nhau. Những chiếc xe cồng kềnh: Xe buýt, xe vận tải, xe ô tô giành nhau. Các giao lộ mới làm sau này xây cầu cạn để xe cộ có thể lưu thông nhiều phía mà không cần phải băng ngang nhưng ở nhiều bùng binh, xe vẫn phải nương theo vòng xoay để tạt ra lối ngang nên rất dễ gây kẹt xe. Thà kẹt cứng cùng kẹt chứ chẳng ai muốn nhường nhau một chút. Ngay cả xe cứu thương vốn là loại xe được ưu tiên ngang với xe cứu hỏa, nhưng trong giao thông hiện nay, quyền ưu tiên ấy bị coi thường, thậm chí bị quên mất…!
Ngắm cảnh kẹt xe thật vui khi thấy mọi người cố gắng thoát thân bằng mọi cách. Xe lớn kiên nhẫn nhích từng chút hoặc đành đứng ỳ ra nhưng thỉnh thoảng thị uy bằng những hồi còi thúc giục, xe nhỏ lấn đường, xe gắn máy tuôn lên lề, người đi bộ len lỏi giữa những khe nhỏ hẹp, khói xịt mù mịt nám cả mặt… Sau một hồi nhúc nhích, lắc qua lắc lại đi đến kết quả là cái khối xe cộ đó nhích từng chút hay vón cục, đông cứng lại…
Xe cộ đậu tùm lum. Xe máy nhỏ bé nên muốn đậu đâu thì đậu: Xếp dài dài trên vỉa hè, ngừng khơi khơi gác chân lên lề đường hay ngang xương bận bịu đứng nói chuyện điện thoại. Lề đường và cả lòng đường nghiễm nhiên là bãi đậu xe tự do của xe máy. Đèn đỏ xe không dừng đúng vạch mà vẫn tìm cách lấn tới từng xăng ti mét.
Nhất là trước cổng trường, phụ huynh đón con đậu xe ngang dọc lan ra tới giữa đường hẹp. Hầu hết học sinh đều được gia đình đưa đón thì có thể tưởng tượng số người và xe máy tụ tập trước cổng trường đông chừng nào. Nếu là trường quốc tế trong khu vực nội thành thì kẹt xe càng ác liệt vì xuất hiện rất nhiều xe ô tô đưa đón học sinh. Học sinh vừa ngồi lên xe thì phụ huynh tha hồ chạy xuôi, đảo ngược, quẹo ngang, bang tới, không kể đột ngột dừng lại vỉa hè giữa cái đống lộn xộn đó để mua quà cho con em. Đợi một lúc khá lâu để bà hàng làm món bánh tráng trộn xong lại quay sang nước mía… Thế là lại kẹt xe tới nỗi thành phố từng đưa ra đề nghị thay đổi giờ học giữa các trường, thậm chí giữa các lớp trong một trường. Dù sao đó vẫn là một biện pháp bất khả thi.
Xe buýt phát triển dồn dập mấy năm nay với mục đích may ra giảm thiểu lưu lượng xe máy. Tuy nhiên xe máy chẳng thấy bớt đâu, còn xe buýt, do phải đối phó với chỉ tiêu thời gian đưa ra cho một vòng xe quá ngắn nên chạy gấp rút, ẩu tả cộng với nhân viên nhà xe: tài xế và phụ xe bị áp lực căng thẳng, đâm ra cộc cằn tới mức mang chết biệt danh “hung thần của đường phố”.
Ô tô nhỏ hơn xe buýt nên cũng mặc tình xoay trở trên đường phố. Lúc thì lấn qua làn xe hai bánh, lúc đột ngột tấp vào lề. Nếu kẹt xe thì ô tô cũng ráng tả xung hữu đột, không thì kiên nhẫn nối đuôi nhau dài dằng dặc. Giá ô tô hiện nay khá rẻ nên loại xe này đã góp phần không nhỏ vào tình trạng kẹt xe.
Các xe ba bánh, xích lô chở vật liệu xây dựng dài ngoằng, cồng kềnh sau mấy lần gây tai nạn nặng nề, giờ ít thấy.
Khách bộ hành cũng tỏ ra tự do không kém. Đầu tiên họ đi bộ dưới lòng đường với lý do rất chính đáng là vỉa hè đã bị chiếm đoạt bởi hàng quán buôn bán, bởi trở thành bãi đậu xe của cả xe máy và ô tô. Tiếp theo họ băng ngang qua đường bất cứ chỗ nào mà không cần tới đúng vạch trắng dành cho người đi bộ. Dù trên xa lộ hoặc đại lộ vẫn băng ngang bất cứ chỗ nào. Đôi khi con lươn dựng hàng rào cao, họ vẫn khoét lỗ để chui qua hoặc leo lên tường rào rồi hiên ngang băng qua vun vút đủ loại xe hạng nặng. Coi nhẹ tính mạng chỉ để lợi thêm chút ít thời gian. Một chị tay xách nách mang trèo con lươn để hối hả băng ngang đường xe cộ chạy như mắc cửi, tỏ vẻ ngạc nhiên:
– Tôi đâu có biết băng qua đường như vậy là trái luật. Tất cả công nhân làm việc ở đây mỗi ngày đều băng qua đường như tôi. Đi làm tấp nập băng qua, tan ca thì tấp nập băng về. Mà cũng đâu thấy ai nhắc nhở hay xử phạt gi đâu!
Thật ra số không am hiểu luật rơi vào giới bình dân. Viên chức, sinh viên, học sinh đều hiểu luật giao thông nhưng dù hiểu rõ luật, giới trẻ vẫn ưa vi phạm: Đua xe, chạy đường cấm… hầu hết bị phạt đều là giới trẻ. Tài xế xe buýt và taxi vi phạm cũng nhiều. Câu giải thích của họ giống nhau là áp lực thời gian.
Xảy ra đụng chạm trên đường thì ghê lắm vì ai cũng dễ nổi nóng. Thay vì xin lỗi bỏ qua hay bồi thường thích đáng thì luôn xảy ra các vụ cãi vã. Người ta ít nhờ đến cảnh sát phân xử mà thường giải quyết với nhau đầy nóng nảy. Nạn nhân dĩ nhiên muốn ăn vạ, bắt đền tối đa. Người gây tai nạn rất sợ bị lấn lướt dẫn tới những rắc rối không biết sẽ kéo dài đến đâu nếu tỏ ra mềm yếu. Vì thế tốt hơn hết ai nấy nên tìm cách phủ đầu át đi. Rất nhiều ẩu đả xô xát gây thương tích và án mạng xảy ra: Tài xế dùng ống sắt tấn công người đi đường, hai xe đụng nhau rút dao đâm liền gây tử vong… Tất cả bắt nguồn từ những va chạm trên đường phố. Tài xế xe khách và xe tải luôn thủ hung khí trong xe để đối phó với những vụ va chạm trên đường.
Ngay cả khi có mặt cảnh sát, nhiều người vẫn không kềm chế cơn hỏa bốc lên. Hà Nội xảy ra mấy vụ cãi cọ, xung đột, húc cảnh sát lên nắp ca pô xe. Nguyên nhân một phần cảnh sát bị cho là ưa thích xử phạt, gây khó dễ hơn là chịu khó giải thích, hướng dẫn luật lệ giao thông cho người dân.
Thường thì luật lệ giao thông chỉ được chấp hành nghiêm chỉnh khi có mặt… cảnh sát giao thông. Thấy bóng cảnh sát từ xa, ai nấy xem chừng ngoan ngoãn: Đèn xanh đếm lui tới số 3,2 là từ từ giảm tốc độ hoặc đang bon bon ngược chiều, bỗng thắng gấp rồi hối hả quẹo đầu lại ngay.
Mà phải đúng là cảnh sát giao thông mới ngại. Đôi khi là quản lý đô thị hay sinh viên trong đợt phong trào… thì coi như không do những người này chỉ nhắc nhở chứ không có quyền xử phạt.
Bị coi thường như vậy nên những anh chị này lắm khi cũng tự thấy chán. Vả không thể thay thế cảnh sát giao thông để điểu chỉnh lưu thông một cách thông thạo nên công việc của những anh chị này chỉ đơn giản là đứng ngã tư một cách đơn điệu. Nếu đèn xanh thì phất chiếc cờ nhỏ ra hiệu cho xe chạy, mà đèn công lộ rõ ràng như vậy thì không hiểu một người chỉ đứng đó làm nhiệm vụ phất cờ làm chi. Những vụ vi phạm giao thông trước mắt như lấn vạch trắng dành cho người đi bộ, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều… thì các anh chị cũng chỉ biết đứng nhìn, nhắc hoài chẳng ai nghe. Chẳng lẽ đứng đó nhìn mãi thì… buồn ngủ lắm nên những người gác ngã tư xoay qua tìm bạn chuyện gẫu cho qua thời giờ mặc kệ xe cộ muốn đi sao tùy ý.
Cứ thỉnh thoảng lại có đợt phong trào rầm rộ xuống đường tuyên truyền đầy tốn kém nhưng kết quả chẳng thu được là bao. Nói chung hễ phạt nghiêm thì xe cộ mới sợ. Còn không thì các vụ vi phạm như cơm bữa khiến giao thông đường phố hỗn loạn cũng chỉ là “chuyện thường ngày ở một huyện”.
SGCN