Chuyện một giờ
Ngày 12 tháng 3 năm nay rơi vào ngày chủ nhật. Lúc 2 giờ sáng hôm đó nhiều thiết bị điện tử bạn xài trong nhà sẽ tự động đổi giờ. Duy chỉ có chiếc đồng hồ treo tường xài pin (hoặc cắm điện) phải do bạn đích thân đổi giờ cho nó mới được.
Chà. Chuyện thay đổi một giờ khi cả nước vặn đồng hồ ngó bộ có phần khá quan trọng?
Hay đây thực chỉ là chuyện một giờ.
Vâng. Cắc cớ nhàn đàm cho vui, một giờ theo nghĩa đen chỉ là một đơn vị đo thời gian chứa 60 đơn vị nhỏ hơn gọi là phút (minute). Nhưng hiểu theo nghĩa bóng nó sẽ khác. Bạn sẽ cười: Lại lý sự cùn chứ gì? Thực ra không phải lý sự, lý siếc gì cả, chỉ là đang chiết tự về “một giờ” nhân ngày Daylight Savings Time để giết thời gian. Bạn đã biết. Chẳng mong nó cũng đến. Quên đi vẫn bị nó réo gọi mình. Phải đấy. Một giờ chỉ là sáu mươi phút, thoạt nghe cứ tưởng thế, nhưng trong cách nói khá thâm thúy của người Việt mình, không hẳn là chơi chữ, “một giờ” bỗng trở thành khái niệm trừu tượng, một khung thời gian không cố định, dài ngắn, nhanh chậm không còn bị bó buộc vào các yếu tố vật lý (như ta vừa thảo luận – 1 giờ có 60 phút) song chúng co giãn, chuyển biến hết sức linh hoạt, sống động.
Tỷ như chúng ta có câu: Kiếm củi ba năm thui một giờ. Đọc câu tục ngữ này bạn có suy nghĩ gì về nó? Tất nhiên nó hàm ý nhắc nhở nhiều sự việc trong cuộc sống chỉ cần sơ sểnh, lơ đễnh là có thể biến mất, có thể là hỏng việc, hoặc đối diện với những thay đổi ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Vâng. Nghe ai đó nói câu: Kiếm củi ba năm thui một giờ mà không nghĩ ngay đến chuyện nhiều người ky cóp, dè sẻn, tiện tặn từng li từng tí nhưng vào một lúc (khá bất ngờ) do tính toán sai lệch những ky cóp dè sẻn trước đó bỗng trở thành công cốc. Trong bối cảnh này câu: “Ky cóp cho cọp nó xơi” gẫm lại không cách xa với câu “Kiếm củi ba năm thiêu một giờ” là mấy!
Hiện tượng “thui một giờ” ở đây có thể là một phút, hoặc một ngày, một tháng, hay một năm. Phải chăng theo cách nói dân dã của người Việt xưa thì “một giờ” ở đây đối nghịch với khoảng thời gian dài “ba năm”; nếu không biết tính toán cẩn thận, lo xa, những công lênh thành tựu vất vả mới có được rất có thể sẽ tan biến, những dành dụm tích lũy sau đó không giữ được, cuối cùng kẻ vụng tính không có duyên phước thọ hưởng những phúc lộc do chính mình vất vả dày công gầy dựng.
Hoặc chúng ta nghe một câu tục ngữ khác có chứa khái niệm “một giờ” khá phổ biến: Khôn ba năm, dại một giờ. Vâng. Nghe câu này mới thấy thâm thúy uyên bác làm sao? Tức nó có thể sử dụng trong nhiều bối cảnh tình huống khác nhau. Tuy nhiên (công tâm) nghĩa đen phổ biến nhất của câu này cốt ý nói đến sự dại dột mềm yếu của người phụ nữ; chỉ một phút mềm lòng mà mọi chuyện tan tành như bọt nước. Hóa ra khái niệm “gìn vàng giữ ngọc cho hay” tưởng là dễ làm, chỉ cần cẩn thận nằm lòng là có thể cổng khóa then cài, song chỉ vì một phút mất cảnh giác mà bao công lênh túm buộc cuối cùng sổ tuột, tâm tình vì thế mà ngổn ngang bao tiếc nuối khi mọi chuyện đã vượt qua vạch kẻ “nghĩ lại vại vỡ” hay “tay trót nhúng chàm”… Không thể quay lại được nữa.
Một câu chuyện khôi hài kể lại như sau. Người mẹ khi nghe con gái thổ lộ chuyện mình đã thất tiết với giai làng mặt tái xanh rồi cay đắng nói: Khổ cho cái thân tôi, sao mà con lại cạn nghĩ thế hở con. Đúng là khôn ba năm, dại một giờ… Vụng dại như thế có đáng không hả con? Cô con gái nghe thế liền ngơ ngác nhìn mẹ: Ôi, làm gì mà được những một giờ hả mẹ, chỉ được mỗi vài phút là xong rồi!
Nghiệm lại, vài phút hay một giờ hiểu theo nghĩa khôi hài ở trên thực ra chỉ là những phạm trù vật lý của khái niệm thời gian. Còn trong bối cảnh “gìn vàng giữ ngọc cho hay” vốn rất tinh tế ý nghĩa của khái niệm “một giờ” mới sâu lắng và linh thiêng hơn nhiều. Dại một giờ là cái dại của phút giây mềm yếu. Nó là sự bất cẩn, bị đánh úp bất ngờ khi cảm xúc lý trí bị phong tỏa bởi những bủa vây mềm yếu nhất thời. Cuối cùng dù đã biết cái “nghìn vàng” ấy phải trao đúng người, đúng lúc mới có ý nghĩa cuối cùng đã bị nẫng đi trong một bối cảnh hết sức đáng tiếc, không đáng chút nào.
Ấy là chuyện ngày xưa thôi. Thời nay làm gì còn chuyện gọt gáy bôi vôi, thả bè chuối trôi sông. Ngược lại. Thời buổi bây giờ… Vâng. Chao ôi. Các cụ một thời từng răn: Khôn chết, dại cũng chết, biết thì sống. Hóa ra ở đời có được khả năng xác định rõ đâu lúc thức thời để hành động xem ra vẫn tốt hơn cả. Trong bối cảnh đời sống buông thả dễ dãi hiện đại hôm nay chuyện người ta sẵn sàng “dại một giờ” không hề hiếm bởi lý lẽ “khôn ba năm” là chuyện xa vời của vương quốc cổ tích? Thiên hạ hôm nay sống thức thời hơn, nhiều lúc cơm đưa đến miệng là ăn (chẳng cần đợi kẻng) hóa ra lại được việc. Còn cứ gàn bướng khư khư giữ cái “khôn ba năm” hay thậm chí “khôn ba chục năm” cuối cùng ngó lại hẳn sẽ thấy mình thua thiệt? Rồi thì lâm cảnh gái già, gái phòng không, là bà cô, là mốc meo, là ế ẩm…
Vâng. Trong bối cảnh Daylight Savings Time, trò chuyện bông lông về chuyện “một giờ” thực ra vẫn không đi ngoài vạch kẻ của cái gọi là đơn vị thời gian (cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Sinh hoạt buôn bán kinh doanh, những công việc làm ngoài trời, hoặc chúng ta đang nói đến một thời điểm các doanh nghiệp tranh thủ kiếm chác. Giữa những tất bật xô bồ có liên quan đến thời gian, chuyện vặn đồng hồ để một ngày dôi ra một giờ lợi (hại) ra sao có lẽ chỉ người trong cuộc mới hiểu hết những giá trị thực dụng rất đỗi khách quan của nó.
Có thêm một giờ trong ngày bạn có thấy nó lợi ích thực sự hay không?
Chợt nhớ đến cuốn “Lợi Mỗi Ngày Được Một Giờ” (do Nguyễn Hiến Lê chuyển dịch từ cuốn How To Gain An Extra Hour Every Day: New Time Strategies That Work. của Tác giả Ray Joseph xuất bản năm 1955). Chỉ nghe cái tên không thôi bạn đã hình dung ra nội dung ý nghĩa của cuốn sách. Và như thế trong chu kỳ 24 giờ/ngày nếu ta biết khéo léo thu xếp một cách có tổ chức tất sẽ dư ra một giờ thật hữu ích? Rồi trong một giờ dôi ra đó bạn sẽ làm được những gì? Phải chăng tên của cuốn sách đã ngụ ý: Lợi thêm “một giờ” mỗi ngày sẽ giúp ta sống nhiều hơn, ý nghĩa hơn, làm được nhiều việc hiệu quả hơn? Quả là một ý tưởng thật ăn khách đúng không thưa quý vị? Hèn gì sách của cụ Nguyễn Hiến Lê cuốn nào biên soạn xong đều bán đắt như tôm tươi!
Vâng.
Đó là chuyện “một giờ” nhân ngày Daylight Savings Time năm 2023 chúng ta nói đến. Chỉ là sáu mươi phút nhưng với bạn (tùy theo nghề nghiệp và thói quen sinh hoạt cuộc sống sẽ kéo theo những nhận định đánh giá khác nhau?) Câu hỏi được đặt ra: Với “một giờ” dôi ra ấy bạn có làm thêm được điều gì đáng kể. Trong khoảng thời gian hơn bảy tháng trời, gần 200 giờ chứ đâu ít, bạn có nghĩ mình sẽ làm thêm được nhiều việc có ý nghĩa (cho bản thân cũng như cho người khác)?
Hay cuối cùng mọi cái sẽ vẫn thế. Vẫn là những sinh hoạt tẻ nhạt đều đặn không hơn không kém. Bạn vẫn khởi động một ngày bằng những điệp khúc quen thuộc và kết thúc một ngày bằng những thói quen đã trở thành lề thói? Thậm chí bạn không làm thêm được điều gì đáng nói trong cái gọi là “một giờ” dư ra ấy. Ngược lại bạn vẫn bị giam hãm, bị cuốn vào thói quen “từ từ tính” vô tình dẫn đến những lần hóa đơn trả trễ hoặc quên khuấy, căn bệnh làm biếng mãn tính vẫn không thấy những dấu hiệu đổi thay nào tích cực…
Tại sao?
Phải chăng cuối cùng Daylight Savings Time chỉ là những can thiệp mang tính thói quen được giới thiệu vào các sinh hoạt đời sống con người. Được ngủ nướng thêm một giờ (vào mùa thu) bạn có thấy sung sướng? Chuyện phải thức sớm hơn “một giờ” mỗi ngày vào mùa xuân so với bình thường có khiến bạn bực mình? Hay nó chẳng là cái gì cả? Chỉ khó chịu mấy ngày đầu. Sau đó bạn không quan tâm đến nó nữa. Gần như (có thể nói) bạn đã khá quen thuộc với chuyện Daylight Savings Time? Tình trạng cơ thể chỉ mất vài hôm khó chịu rồi quen dần với “khung thời gian mới” hóa ra vẫn là chuyện mỗi năm đến hẹn lại lên (hai lần). Mọi cái sau đó sẽ bình thường trở lại, đâu đóng đấy. Có thể bạn rất thích Daylight Savings Time vì một lý do nào đó. Có thể bạn không ưa gì nó. Hoặc bạn chẳng quan tâm đến; có Daylight Savings Time cũng được, không có cũng không sao, chẳng chết thằng… Tây nào cả!
Vâng. Bất luận trong khung tâm trạng xúc cảm nào về Daylight Savings Tim có lẽ “một giờ” dư ra có lợi với người này song sự xuất hiện của nó lại chẳng mấy lợi ích với người khác. Nhưng thôi. Bàn mà làm gì. Phải chăng nó là dịp đến hẹn lại lên, một thứ cột mốc được ấn định giúp bạn xác định tiến trình các kế hoạch (ngắn hạn hoặc dài hạn trong năm) một cách thuận lợi hơn. Chủ tiệm nails. Chủ nhà hàng. Cắt cỏ. Làm vườn. Sửa nhà… Có thêm một giờ dư ra sẽ giúp bạn chủ động hơn, tận dụng những ngày nghỉ thực hiện các kế hoạch riêng sao cho hiệu quả, tối ưu hơn.
Còn khái niệm “một giờ” như đã bàn trong ca dao tục ngữ Việt chúng ta, dù là “kiếm củi ba năm đốt một giờ” hay “khôn ba năm, dại một giờ” gẫm lại nó có phần rất khác với 60 phút phải thức sớm hay ngủ nướng có liên quan đến Daylight Savings Time. Dù là nghĩa đen, nghĩa bóng, chơi chữ hay bù khú nhàn tản; mong là bạn sẽ thấy “một giờ” có thể rất bạch thoại và cụ thể, song nó cũng có thể mông lung, huyền thoại, bất biến và dàn trải… thú vị đến không ngờ.
Mà thôi. Dù mang ý nghĩa nào đi chăng nữa, chiết tự về chuyện “một giờ” cốt nhắc nhở mỗi chúng ta hiểu rằng lắm lúc mỗi đơn vị thời gian chỉ là một khoảnh khắc, một hiện tượng, một thói quen… song cũng có lúc nó là một biến cố để lại những ảnh hưởng quan trọng trong cuộc sống. Tỷ như chỉ cần bạn thiếu sáng suốt trong một phút (chứ không phải một giờ) mà lâm cảnh trớ trêu rồi buột miệng: Đúng là mình dại thật, “kiếm củi ba năm thiêu một giờ” hay sao mình ngốc nghếch hết cỡ, “khôn ba năm, dại một giờ”!
Nguyễn Thơ Sinh