P
hóng sinh là một tập tục lâu đời. Người ta có thể phóng sinh rải rác suốt trong năm vào các ngày lễ lớn, cúng tuần, chung thất, mãn tang, giỗ chạp hoặc đơn giản chỉ để cầu phước. Một bà có thói quen mỗi tháng phóng sinh hai lần vào đầu và giữa tháng đều đặn mà không cầu xin gì cả. Chỉ phóng sinh vì muốn phóng sinh vậy thôi. Chị bán chim phóng sinh rong đội lồng chim trên đầu cứ đúng ngày ghé nhà bán cho bà vài con chim, giúp bà thả chim ngay tại chỗ.
Rằm tháng Bảy vừa là ngày xá tội vong nhân vừa là Vu lan báo hiếu, kết thúc giai đoạn an cư kết hạ tức là thời gian các tu sĩ tập trung một chỗ để tu tập. Đó cũng là lúc nhờ thần lực chú nguyện ấy mà các vong hồn nơi cõi âm được xá tội ngõ hầu siêu sinh tịnh độ, cũng như cầu phúc thọ cho người sống. Vì thế, nổi bật trong năm, việc phóng sinh trở thành một hoạt động không thể thiếu vào dịp Thượng Nguyên và lễ Vu Lan, nhưng trong hai dịp lễ lớn này, dĩ nhiên rằm tháng Giêng kém rộn rịp hơn rằm tháng Bảy nhiều vì cái lễ giữa năm này có liên quan cúng bái đền cửu huyền thất tổ, tổ tiên đã khuất nên được coi trọng hơn.
Thật ra có nhiều hình thức phóng sinh. Người ta có thể ra chợ mua các loại ốc, cá, rạm nhỏ để thả sông. Việc này xem vậy chứ lắm khi cũng nhiêu khê chứ không đơn giản thả là thả do các kênh rạch trong thành phố đều bị ô nhiễm trầm trọng. Cá mú thả xuống chết liền chứ sao sống nổi Đa số cẩn thận phải mang ra cầu Saigon, cầu Kinh ở Thanh Đa, cầu chữ Y, còn không thì sang các con rạch ở ngoại thành nơi còn ít ruộng lúa, đợi con nước lên, rồi thuê đò ra tận giữa dòng nước để thả cho chắc ăn.
Như vậy may ra đám cua còng ốc hến còn ngáp được, chứ sát bờ nơi các chân cọc nhà sàn ngập rác lưu niên, nước đen xì đặc quánh lại tới còn không muốn chảy được thì chỉ là đài hóa thân mau chóng cho lũ sinh vật nhỏ bé đó thôi chứ sống sót sao nổi mà cầu phúc. Khi nhà sàn bị giải tỏa thì nhà dân gần đó vẫn có thói quen mang rác ra sông đổ. Sau này nhà nước có chính sách thả cà xuống sộng. Thả nhiều quá cũng không lợi vì cá không đủ oxy thở, nhất là sau các trận mưa lớn, chất thải từ cống trôi ra và sình dưới lòng sông bị khuấy lên khiến cá ngợp, chết hàng loạt. Ngay cả thả cá ra sông rạch thì tại những nơi nhiều người thả, lại chực sẵn một số người dùng vợt điện bắt cá phóng sinh rồi mang đi bán lại,
Rắc rối thế nên thông dụng nhất vẫn là thả chim vì giản dị, nhanh chóng, sạch sẽ và có chút gì… lãng mạn nữa. Nếu nhà không gần sông nước thì chẳng ai mất công làm chi na mấy bọc ốc bươu, cá lòng tong… ướt nhem tìm xe, tìm đò tìm đúng nơi để thả. Còn như có thời giờ thuận tiện rong thuyền lênh đênh trên những con rạch nhỏ vắng vẻ giữa hai bờ xanh um dừa nước và cỏ dại thì việc phóng sinh trở nên thật vô cùng thú vị. Chim cũng vậy, thông thường người ta phóng sinh sau các buổi lễ, bận rộn thì thả tại nhà. Tuy vậy cũng có đôi người mơ mộng chịu khó ra tuốt công viên hay chạy xe tận ven đô, ngoại thành để chắc chắn lũ chim thoát lồng sẽ được bay giữa trời cao, đồng rộng, cây xanh và cỏ biếc chứ không phải lạc giữa những ngôi nhà cao tầng bê tông cốt thép. Nếu mua chim để một, hai ngày mới thả, người mua thường phải cho chim ăn uống đầy đủ để khi sổ lồng, chim có sức vỗ cánh bay cao.
Trước cổng các đền chùa lớn đều có người bán chim phóng sinh quanh năm suốt tháng, nhưng vào lễ tết thì lượng mua cao vọt nên người bán cũng đột ngột gia tăng. Các đình miễu như đình Bình Đông, đình Khánh Bình, đền Ngọc Hoàng… với đông đảo dân chúng đi lễ lạt, dĩ nhiên không thể thiếu mục này. Đó là không kể đến số người bán rong. Những người phụ nữ đội lồng chim trên đầu lang thang trên đường phố, len lỏi vào tận các con hẻm nhỏ, các khu xóm bình dân chật chội. Chịu khó đi rong kiểu này thường có mối quen dành cho những bà nội trợ không có thời giờ đi lại, nhất là các bà già không thể đi xa. Mua bán như vậy rất tiện lợi vì tùy theo sự dặn trước, cứ mỗi tháng một hay hai lần chim được mang đến rất đúng ngày. Người bán cứ lặng lẽ bước, ai thấy thì kêu, không thì thôi. Nếu muốn chào hàng chỉ cần hạ lồng chim, kiếm chỗ nào sáng sủa ngồi xuống một lúc nghỉ chân cho thiên hạ dễ thấy, chứ đặc biệt là không rao mời véo von, lảnh lót như các loại hàng bán dạo khác. Dù sao với nền kinh tế đi xuống, thất nghiệp gia tăng, ai nấy lo thắt chặt chi tiêu, nghề bán chim rong từ sau Covid hầu như không còn thấy nữa.
Cũng đừng khinh thường những chỗ bán chim cố định trước đình miễu, khung cảnh thường thấy là vài lồng chim cũ kỹ chồng lên nhau, người bán hàng da dẻ đen thui vì dang nắng suốt ngày ngoài lề đường, ngồi mệt mỏi dưới đất, trên chiếc ghế đẩu nhựa hoặc xích đu nhỏ, thế nhưng khi hỏi tới, chưa thực sự cần gì cả thì khách đã được dúi ngay vào tay một tấm card-visit với số điện thoại di động. Nếu khách hàng có yêu cầu, người bán sẽ chở đủ chim đến giao tận nhà, đồng thời cho mượn luôn cả lồng, chừng nào xong, phone một cú sẽ có người đến tận nhà thu lồng lại.
Việc đáp ứng khách hàng thật chu đáo, mau lẹ vì coi vậy mà thị trường này chẳng hề đìu hiu chút nào. Người ta mua từ vài trăm đến cả ngàn con, bình thường cũng dăm chục, chẳng ai thả vài con tượng trưng làm chi. Sau này việc mua chim chóc hay cua cá phòng sinh trở nên ngày càng dễ dàng khi các chợ online họp rộn rịp với các dịch vụ ngày càng phong phú.
Vì nhu cầu lớn như thế nên chim phải được thu từ nhiều nguồn. Mùa bắt chim thường vào lúc lúa trổ đòng, hạt thóc mới tượng còn mềm và ngậm sữa thơm ngon nên chim rất thích, bù nhìn canh bao nhiêu cũng chẳng ngăn cản được. Chim được bẫy bằng lưới hay bằng chim mồi ở Củ Chi, Hóc Môn là nơi còn ruộng rẫy.
Thành phố có tốc độ đô thị hóa chóng mặt, giống như ngôi nhà của Aladin trong Ngàn Lẻ Một Đêm, nhiều chỗ mới hôm trước hãy còn là đám ruộng rẫy, đất hoang cỏ lác mọc đầy, ngủ dậy một đêm mở mắt ra đã thấy chia lô bán nền, đã xén đường thành mặt tiền, thành lối ngang, ngõ dọc; chung cư, villa mọc lên tua tủa như nấm. Vì thế chim chóc cũng phiêu dạt, tìm đường “di tản” đi nơi khác sinh sống, muốn tìm bắt chúng phải lần xa hơn nữa, là Tây Ninh nhiều rừng núi, là tận Long An, Bình Dương… Chim được mang vào nội thành, tập trung ở các chợ bán sỉ. Qua mấy lần dịch cúm gia cầm, những ngôi chợ bán sỉ không còn họp chợ chim trong thành phố nữa mà rút vào chợ online. Trên mạng đầy các số điện thoại quảng cáo bán chim, cá phóng sinh. Cứ bấm liên lạc, người bán sẽ hướng dẫn tường tận mua bao nhiêu, loại nào, cách thức phóng sinh ra sao…
Thông thường chim phóng sinh bán các nơi chỉ gồm bốn loại có thể phân biệt được ngay bởi các đặc điểm dễ nhận thấy: Chim én có hình dạng cánh và đuôi chẻ đặc biệt không thể lầm lẫn vào bất kỳ loại chim nào khác, sẻ có bộ lông màu vàng, sắc ô màu đen. Riêng sắc ô còn mang cái tên vô cùng dễ thương là manh manh, một tên trong bài đồng dao quen thuộc ai cũng biết: Con chim manh manh mà đậu cành chanh. Tôi lấy hòn sành tôi văng phải nó. Đem về nấu nướng được ba lưng đầy. Ông thầy ăn một bà cốt ăn hai. Còn một đùi đưa biếu ông cai. Ông cai hỏi thịt gì. Tôi rằng thịt con chim manh manh. Cuối cùng là chim bà vãi dĩ nhiên khoác áo màu nâu. Chắc vì được mang cái tên đầy ấn tượng như vậy nên loại chim này mắc hẳn hơn sẻ và sắc ô. Riêng én rẻ nhất, lý do con chim này khá yếu, bắt buộc phải bán hết nội nhật trong khi những loại kia khỏe hơn, có thể cầm cự cả tuần trong lồng. Do vậy, én chỉ hiện diện ở những nơi đông khách bảo đảm không bị tồn đọng qua hôm sau. Đó là ngày thường, còn gần đến lễ lớn, giá cứ nhích lên từ từ mà vẫn hết sạch hàng.
Sau khi trò chuyện hồi lâu với người bán chim lâu năm trên lề đường, trước cổng miễu bà lúc nào cũng đông khách du lịch, tôi hỏi mua vài con én để có thể rút lui. Dù sao tôi cũng thú thật không thích phóng sinh lắm vì như thế có vẻ vô tình khuyến khích việc bẫy chim. Nghe thế, anh bán hàng đâm áy náy ra mặt trước lý lẽ dường như “lên án” nghề nghiệp của mình. E ngại bị xếp vào thành phần “tòng phạm” trong việc ruồng bố chim chóc nên anh phân bua cuộc đời phải vậy mà, ai mua cứ mua, ai bán phải bán… Tôi cười thêm vào ai thương cứ thương. Quả vậy, cầm gọn con chim bé bỏng trong lòng bàn tay, nghe rõ mạch đập yếu ớt hối hả dưới lớp lông vũ mà thấy mềm lòng gì đâu. Chẳng biết thả như vậy có được phước gì không nhưng chắc chắn ai từng cầm con chim tung lên trời cao trong ý niệm phóng sinh, sẽ cảm thấy lòng thanh thản trong phút chốc, và niệm ác hẳn nhiên khó bị khởi.
Chim bắt để thả là đương nhiên nhưng nhiều người lại nói bị giam lâu ngày nên chúng đâm ra yếu ớt không thể bay cao được, la đà đáp xuống tàng cây, bị bắt lại mang bán vòng hai, đến khi không còn vỗ cánh nổi thì cho đậu thẳng vào quán ăn. Toàn bộ những người bán chim đều cực lực phủ nhận chuyện này. Họ cho biết bao giờ cũng chỉ lấy chim đủ bán, lễ chạp còn bán không kịp, đâu có thừa nhiều, chim yếu đâu ra ế đủ để cung cấp cho vô số vừa tiệm ăn vừa quán vỉa hè, tập trung nhiều nhất dài dài dọc theo bờ kênh Nhiêu Lộc đã giải tỏa.
Vả lại chim phóng sinh là chim hạng hai nên nhỏ xíu, làm sạch sẽ xong xuôi, chiên lên nhỏ nhít không được góc miếng, trong khi chim xuất hiện trên đĩa mồi nhìn lớn con rõ ràng vì toàn những chim to đã được chọn lựa ngay từ đầu ở chợ. Truy nguyên, nhiều người cho hay con chim nướng nhỏ xíu trong hàng ăn chẳng dính líu chút nào đến chim phóng sinh mà chỉ là chim cút nhỏ nuôi công nghiệp mà thôi. Vậy mới có thể nằm trong thực đơn mỗi ngày dành cho thực khách.
Đầu bếp mua chim thẳng từ chỗ bán sỉ chứ đâu thể mua lẻ tẻ dăm con. Thế nhưng vì chim dành cho thị trường phóng sinh khá nhiều, thành thử số nằm trên bàn nhậu lắm khi bị gán lầm cho một “lý lịch” đầy tai tiếng là chim phóng sinh rẽ ngang. Chẳng biết có ai nhặt được dăm ba con bỏ vô chảo hay không, nhưng những người bán lẻ quả quyết do ngồi trước cửa đình miễu, làm sao họ dám lượm chim cho hàng ăn tội chết. Còn tất cả thực khách cho hay nếu biết nguồn gốc là chim phóng sinh, họ cũng không bao giờ dám đụng vô luôn vì sợ… tội!
Hàm Anh