CÙNG TRONG MỘT TIẾNG TƠ ĐỒNG

Kẻ thù của con người là con người. Khi nghe nói thế, bạn có thấy nó đúng? Nếu đúng, nó sẽ đúng bao nhiêu phần? Đúng nhiều hay đúng ít? Và bạn có thấy câu nói ấy không quá đáng, không ngoa ngôn; rằng ít nhiều gì mệnh đề này đã phản ảnh được một góc khuất thực tế khi con người chính là kẻ thù của con người. 

Khi chứng kiến cảnh đồng loại tàn sát giết hại lẫn nhau, tỷ như chuyện Putin ra lệnh cho quân đội Nga xâm lược Ukraine hay chuyện Trung Quốc từng có những hành động đàn áp dã man ngay cả với những công dân của họ bạn có thấy xót xa. Vâng. Thiên An Môn và Hong Kong chúng ta không lạ. Nay mai sẽ đến lượt Đài Loan. Rồi ngó sang Mỹ, những tư tưởng thù hận, những vụ bắn người tập thể xả cảng, những hằn học đố kỵ, chiến tranh văn hóa, những ngòi nổ tư tưởng, những gay gắt chính trị… Vâng. Kẻ thù của con người có lẽ không sai cũng chính là con người; bẽ bàng và chua xót nhưng đó là một thực tế khá nhức nhối.

Tác giả Rick Newman đã viết trong bài báo With Roe v. Wade defunct, a ‘poverty shock’ is coming của mình phần nào khắc họa được một thực tế khá chua xót với tầng lớp lao động nghèo, họ là nạn nhân của những tư tưởng bảo thủ? Với không ít phán quyết của Tòa Tối Cao cuối tháng 6 trao cho tiểu bang quyền việc định đoạt 100% luật phá thai là một quyết định gây tranh cãi. Với bạn, phán quyết này có ý nghĩa hay không hẳn tùy thuộc vào ảnh hưởng trực tiếp của nó. Rất có thể với không ít đây là chuyện hoàn toàn chẳng ăn nhập dính dáng gì đến hòa bình thế giới! Song với không ít đây là chuyện quan trọng. Chẳng thế mà người ta lăn xả vào nó, giằng co những đấu đá hậm hực, gầm ghè cay cú, không quan trọng người ta đã không quỡn để bận tâm đến nó.

Ở đây ta không luận phá thai đúng sai. Đèn nhà ai nấy rạng. Chăn nhà ai nấy đắp. Càng không luận chuyện từ khi nào khái niệm phá thai (cụ thể hơn là hành vi phá thai) xuất hiện trong lịch sử nhân loại. Chỉ biết hơn lúc nào hết đây là chuyện quan trọng đối với không ít gia đình tại Mỹ. Đời sống hiện đại hiển nhiên quá rõ với biết bao lo toan chồng chất. Tỷ lệ sinh giảm hẳn (ắt có lý do riêng) bởi không còn mấy người có đủ can đảm sinh đông con. Còn với người có điều kiện họ sẽ tranh thủ áp dụng triệt để các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Tất nhiên phá thai là chọn lựa sau cùng bởi một khi câu chuyện đã đến nước này mọi cái sẽ không đơn giản dễ dàng nữa.

Với những chị em trực tiếp bị ảnh hưởng bởi quyết định của Tối cao Pháp viện khai tử luật Roe V. Wade hồi cuối tháng 06, đây là một cú sét đánh ngang tai. Thừa biết Tối cao Pháp viện hiện nay do lề phải kiểm soát, họ vẫn nuôi hy vọng nhóm này sẽ không đụng chạm đến Roe V. Wade bởi đây là vụ kiện có tầm lịch sử quan trọng – không thế mà sau 50 năm từ khi trở thành luật, chưa lần nào Tối cao Pháp viện nghĩ đến chuyện khai tử nó. Lần này thì khác. Hố sâu ngăn cách và bức tường tư tưởng văn hóa đã can thiệp quá sâu vào mọi ngõ ngách sinh hoạt đời sống của người Mỹ những năm gần đây, thậm chí cơn áp thấp phân rẽ chính trị đã len lỏi vào mọi cơ quan của Mỹ, bao gồm cả ba nhánh: Lập pháp – Hành pháp – Hiến pháp (thế mới đẻ ra chuyện Tối cao Pháp viện đưa ra phán quyết trả lại quyền quyết định phá thai cho các tiểu bang).

Bản đồ sân khấu đảng phái chính trị Mỹ phân rẽ sâu sắc dạo gần đây ai cũng thấy dù bận rộn cách mấy. Quả nhiên thế, đi đâu người ta cũng nghe nói về những câu chuyện đả phá, chỉ trích, nên án, bêu riếu. Rằng thế nọ. Rằng thế kia. Nào là Nội các của Biden bất lực trong mọi lĩnh vực. Rằng kết quả mùa phiếu 2020 do Đảng Dân chủ giỏi trò bịp bợm nên cướp không Bạch Cung của Cựu Tổng thống Trump. Rằng Trump đã hành xử quá đáng vụ mùng 06/01. Rằng Biden nên về vườn sớm… 

Ôi thôi đủ thứ cả. Nếu gán ghép cho đối phương được tội gì người ta sẽ lập tức chộp ngay cơ hội. Thậm chí người ta còn bươi móc để bôi nhọ đối phương. Lạm phát tăng cũng bị lèo lái và cho rằng do chính phủ quản lý kém. Dẫu có đi chăng nữa, song, gẫm kỹ, phải chăng đây là hiệu ứng toàn cầu(?), lạm phát tăng khắp nơi trên thế giới chứ không phải chỉ ở Mỹ. Hơn nữa do chính phủ bơm tiền vào các tầng lớp xã hội Mỹ để cứu nguy kinh tế do Covid-19 gây ra dẫn đến cảnh tiền mặt nhiều như vỏ don. Chính sách đổ vào nền kinh tế quá nhiều tiền bắt đầu được thực hiện từ thời Cựu tổng thống Trump. Lúc đó thiên hạ ngửa tay nhận tiền chẳng thấy ai ca thán. Thậm chí nhiều người còn hả hê, rung đùi, tiêu pha rủng rẻng. Không ít người chê việc vì nằm nhà nhận trợ cấp ngó bộ ngon lành hơn. Những lỗ hổng này, gẫm kỹ, liệu ai dám vỗ ngực nói mình có tài kinh bang tế thế chế ngự chúng? 

Vâng. Con người thường dễ nhìn thấy cái lợi của mình bị ảnh hưởng qua những tính toán thiệt hơn và thường chậm chạp trong việc chịu khó tìm hiểu những nguyên nhân mang tính cội rễ, mầm gốc. Thay vào đó, thật đáng buồn, người ta dễ chỉ tay năm ngón và vội vã quyết định do chính quyền quản lý kém cỏi. Nếu như họ hiểu rằng sản lượng dầu thô trên thế giới giảm hẳn do Nga (dưới sự trừng phạt kinh tế do Mỹ và Tây phương khi Putin hạ lệnh tấn công Ukraine) đã thay đổi nhiều lĩnh vực sinh hoạt kinh tế đời sống hẳn họ sẽ nghĩ khác về tình trạng lạm phát hiện nay.

Cái khổ ở đây là nếu để Nga tha hồ tự tung tự tác, lộng hành bá đạo, trật tự kỷ cương của thế giới nghiễm nhiên coi như vứt! Nếu có dịp xem TV bạn sẽ thấy Ukraine là một đất nước yêu hòa bình, một dân tộc hiếu hòa, một xứ sở giàu lòng nhân ái. Song chỉ vì mộng bá quyền của Putin quá lớn nên khi Ukraine muốn quan hệ gần gũi với Phương Tây lập tức khiến Putin hoảng hốt. Từ đó Putin đã lồng lộn với tư tưởng độc tài. Nga sẽ luộc chín Kyiv trong vòng ba hôm, vỗ mặt thế giới: Đấy. Đừng hòng nghĩ đến chuyện láo cá vặt với Kremlin dù hiện nay nó chỉ bằng 1/3 của Liên Xô cũ!

Thế là giá xăng tăng vọt khắp nơi. Đâu riêng gì Mỹ mới lâm cảnh lạm phát tại các chợ và tại các cây xăng. Châu Âu cũng tê tái cõi lòng bởi lệnh cấm vận do Mỹ đề xuất. NATO càng không thể không ủng hộ Mỹ dù đây là một bát mật gấu đắng ngắt. Còn những nước chân trong, chân ngoài như Ấn Độ hay Trung Quốc và Trung Đông là ngư ông đắc lợi. Họ chẳng mất mát gì. Song chỉ cần khôn khéo thậm thụt qua lại, nửa mù, nửa lòa với lương tâm; vừa chẳng phải bỏ ra đồng nào trong nỗ lực bênh vực nền tự do dân chủ thế giới và các giá trị độc lập chủ quyền (vốn bất cứ quốc gia nào còn chút lương tri sẽ cảm thấy mình có trách nhiệm), thay vào đó họ tha hồ hưởng lợi từ các khoản chênh lệch do mua được dầu thô của Nga với giá rẻ, hoặc những giao kèo mua bán vũ khí, những móc nối, những món thơm, những quả bở do Nga hứa hẹn.

Thế là tại Mỹ sân khấu chính trị càng có dịp tạo ra những tranh cãi trái chiều. Đảng con voi đã không ngần ngại gì trong việc vạch mặt sỉa trán Đảng con lừa đã vụng về yếu kém trong quản lý điều hành đất nước. Không những thế, với ba vị thẩm phán tại Tòa tối cao do Cựu tổng thống Trump đề cử thành công đều mang óc bảo thủ đã khiến thế giới giật mình. Tại Mỹ thôi khỏi bàn. Với Đảng Cộng hòa đây là một thắng lợi vô cùng lớn lao, công của Cựu tổng thống Trump sẽ được ghi vào sử sách chói lòa hiển hách. 

Nhắc lại chuyện cũ. Mấy ai còn nhớ Cố thẩm phán Antonin Gregory Scalia mất hồi tháng 2 năm 2016 (tức Cựu tổng thống Barack Obama vẫn còn tại nhiệm 11 tháng) nhưng do Thượng viện lúc đó Đảng Cộng hòa nắm thế nên Cựu Tổng thống Obama không thể đề cử vị thẩm phán nào được. Lúc đó Thượng viện đã khóa tay Mr. Obama, chẳng ai có thể làm gì được. Kết quả là thẩm phán Neil Gorsuch được Cựu tổng thống Trump đề cử được Thượng viện do Đảng Cộng hòa làm chủ nhanh chóng phê duyệt, nhậm chức vào tháng 4 năm 2017. 

Cú sốc thứ hai, khi Cố thẩm phán Joan Ruth Bader Ginsburg mất hồi tháng 09 năm 2020 (tức chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là bầu cử tân tổng thống Mỹ) nhưng Thượng viện vẫn do Đảng Cộng hòa nắm quyền nên chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi hơn 60 ngày họ đã biểu quyết bật đèn xanh cho Thẩm phán Amy Coney Barrett ngồi vào ghế thẩm phán Tòa tối cao bất chấp sự phản kháng kịch liệt của Đảng Dân chủ.

Chuyện gì sẽ xảy ra với nước Mỹ sau đó có lẽ bạn đọc đã có tám phần minh định. Với số các vị thẩm phán áp đảo nghiêng về lề phải, những vụ án trước đây được coi là thắng lợi của Đảng Dân chủ (nay mai) sẽ bị đưa lên đoạn đầu đài. Nhân đây, nhắc thêm, Cựu tổng thống Trump và Đảng Cộng hòa căm thù Obamacare lắm nhưng không thể giết chết nó được. Tuy nhiên sau ngần ấy những băm bổ xâu xé tấn công, Obamacare dù thoát chết nhưng không thể phát triển bình thường được nữa, y như câu người xưa để lại: Có sống cũng thành tật!

Trở lại vấn đề Roe V. Wade bị trao cho một bát thạch tín bởi các quan đại thần của Bộ Hình Mỹ, tuy không hẳn phá thai trở thành bất hợp pháp tại Mỹ vì chính quyền các tiểu bang sau này sẽ có những quyết định riêng. Như đã bàn, bản đồ phân bổ tư tưởng chính trị Mỹ phân ra hai màu xanh-đỏ rõ rệt. Các tiểu bang xanh sẽ buồn (vì theo họ đây là một hành động đi ngược bánh xe lịch sử). Các tiểu bang đỏ, ngược lại, vỗ tay reo hò như sấm dậy bởi đây là một chiến thắng vinh quang họ chờ đợi gần nửa thế kỷ qua. Chính xác như thế, khi Roe v Wade trở thành luật của toàn nước Mỹ tháng 01 năm 1973, không ít những bộ óc bảo thủ đã thù ghét nó tận xương tủy. Âm ỉ sau bao năm cay cú và những nỗ lực miệt mài, kết quả của bao lần nếm mật nằm gai của họ đã có ngày nhìn thấy vinh quang vòng nguyệt quế!   

Vâng. Vì thế, khi tác giả Rick Newman viết trong bài báo With Roe v. Wade defunct, a ‘poverty shock’ is coming của mình ông đã tiên tri giới nghèo (phần đông thuộc Đảng dân chủ) sẽ gặp nạn. Cái tít của bài báo có hai chữ “poverty shock” bỏ trong ngoặc kép, đây không phải là lời tiên tri cảnh báo, song nó là một thực tế ám ảnh nhức nhối đáng sợ nhất.

Vâng. Tại sao người nghèo sẽ gặp phải những tai họa trước tiên? Bởi kế hoạch hóa gia đình (một khái niệm từ vựng dân dã bình dân quen gọi là phòng tránh thai) bắt đầu từ khâu chặn đứng quá trình thụ tinh xảy ra (vì nó sẽ dẫn đến một bào thai). Tất nhiên nhiều biện pháp được áp dụng song đâu phải biện pháp nào cũng khả thi, an toàn. Một trong số những biện pháp tạm coi là hiệu quả đó là thuốc ngừa thai uống mỗi ngày nhưng loại thuốc này không hề rẻ. Một số không chịu được phản ứng phụ của thuốc nên đâm lười. Một số hết thuốc quên mua, có người mua lại quên uống. Thế là khi biết mình trễ kinh, đặc biệt khi họ biết mình trễ kinh được 2 tuần tới chừng đó thai nhi đã được sáu tuần. 

Và rồi mọi cái sẽ không còn đơn giản như người ta vẫn nghĩ.

Trước tiên muốn điều hòa kinh nguyệt phải lấy hẹn. Mà hẹn đâu phải muốn có là có liền. Một số phải dựa vào các phòng mạch chịu nhận bảo hiểm y tế bèo. Một số phải đi làm. Người nghèo có khi phải làm hai, ba jobs, nên chuyện đặt hẹn mới thật khó khăn, nhiêu khê. Đã vậy một tuần ở Mỹ (thời hiện đại) trôi qua cái vèo nên quay qua quay lại đã hết tuần. Rồi phương tiện đi lại nữa, với nhiều chị em nghèo đây là một khó khăn rất thực tế. Với các bà mẹ đơn thân có con nhỏ, vứt con cho ai trông đây? Rồi khi điều trị (nếu tạm coi phá thai là một mảng của chăm sóc sức khỏe) người phụ nữ cần phải nghỉ ngơi. Tiền phải có. Thành ra đâu phải cứ nói đến phá thai là có thể coi nó đơn giản như order một cái hamburger hay mua một cốc Starbuck! Hơn nữa quá trình “điều hòa kinh nguyệt” – một cách nói nhẹ nhàng của phá thai là một quyết định hết sức ray rứt, nhức nhối nên nhiều chị em cứ chùng chình, lần lữa, vô tình đã trễ rồi lại càng thêm trễ hơn nữa.

Và phán quyết của Tòa tối cao đã được ban ra.

Miễn luận các ca “phá thai” chính đáng như bị hiếp dâm, loạn luân, nguy hiểm tánh mạng đối với sản phụ, hoặc những thai nhi xét nghiệm có những đột biến gene, nguy cơ gặp phải những căn bệnh khuyết tật sau này… sẽ bị ngăn cấm tại những tiểu bang hừng hực đỏ. 

Vâng. Bản đồ sân khấu tư tưởng chính trị tại Mỹ nhất định sẽ tưng bừng với những niềm vui chiến thắng của phe Cờ đỏ và những hậm hực cay cú của phe Cờ xanh. Câu kiến ăn cá, cá ăn kiến tự nhiên có đất dụng võ. Kết quả là với những chị em phụ nữ Mỹ, người nào có điều kiện “ngừa thai” tốt sẽ không phải lo đến nỗi cay đắng “phá thai”. Còn những ai nghèo, thiếu điều kiện thuận lợi để “ngừa thai” buộc phải trông đợi vào “phá thai” như cái phao cứu nguy lúc sắp chết đuối sẽ vô cùng thất vọng.

Chợt nhớ đến Hoạn Thư, đến Thúy Kiều, tuy ngữ cảnh có khác, song vẫn là thái độ hả hê của người đàn bà thừa mứa điều kiện và nỗi đau chết lịm của người đàn bà trong tình cảnh không lối thoát khi đối diện với cái gọi là quyền được ăn, được nói được cụ Nguyễn Du kể lại một cách hết sức thâm thúy hôm nào:

Cùng trong một tiếng tơ đồng,

Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm.

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Nguyễn Thơ Sinh