Tối thứ Bảy 11 tháng Ba này bạn sẽ phải làm một chuyện bực mình: Đổi giờ!
Bạn sẽ phải vặn tất cả các đồng hồ mà mình có tăng thêm một giờ. Để rồi mấy tháng sau, bạn lại phải làm chuyện ngược lại, vặn lùi đồng hồ lại một giờ.
Mà chỉnh đồng hồ tăng/giảm một giờ để làm gì?
A! DST, chữ tắt của Daylight Saving Time, dịch sát là giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày. Thực ra, phải dùng chữ “tận dụng”. Người Việt nói gọn lại là “đổi giờ”, nghe gọn gàng hơn tuy không nói lên được đầy đủ ý nghĩa của biện pháp đó. Ở Canada và Hoa Kỳ, ngày đổi giờ mùa hè năm nay là 12 tháng 3, và đổi giờ mùa thu (thực tế là trả lại giờ) là 5 tháng 11. Và nên/phải đổi giờ là vì ngày – thời gian có ánh sáng mặt trời, dài ngắn khác nhau theo mùa.
Ngày dài ngày ngắn
Sự thay đổi theo mùa trong độ dài của một ngày đến từ vòng quay lệch của Trái đất. Hành tinh của chúng ta tự quay quanh trục của nó ở một góc 23,4 độ tương đối không đổi so với quỹ đạo của nó quanh Mặt trời. Điều này có nghĩa là ở Xích đạo ngày và đêm thường dài bằng nhau quanh năm. Nhưng khi chúng ta ở xa hơn về phía bắc (như ở Bắc Mỹ) hoặc phía nam, chuyện đó không còn nữa.
Những ngày hè ở Bắc bán cầu đầy nắng vì phần bán cầu này nghiêng về phía mặt trời, khiến ngày dài hơn. Ngược lại, cùng thời gian đó ngày ở Nam bán cầu ngắn lại vì phần này của địa cầu nó nghiêng khỏi mặt trời. Sáu tháng sau, mọi chuyện lại đảo ngược, mùa đông bao trùm miền Bắc trong khi ánh sáng tràn ngập miền Nam.
Các quốc gia ở xa xích đạo hơn có sự khác biệt rõ rệt hơn về độ dài ngày giữa mùa hè và mùa đông. Đó là một phần lý do để hầu hết Bắc Mỹ, Âu châu, New Zealand và một số khu vực ở Trung Đông có chuyện đổi giờ. Và đó cũng là lý do tại sao các nước vùng xích đạo – phần lớn châu Phi và châu Á, không thèm quan tâm đến chuyện đổi giờ.
Giờ mặt trời
Ở Tây phương, cứ có cái gì hay hay một chút người ta lại vội vã gán ngay cho văn minh Hy lạp hay La mã. Sách Tây dẫn nhiều tài liệu chứng minh việc sử dụng giờ theo ánh sáng mặt trời đã có từ thời La Mã với cái đồng hồ mặt trời khổng lồ – Solarium Augusti, khoảng năm thứ 10 trước Công nguyên.
Nhưng thực tế, người Ai cập đã có thứ đồng hồ này từ trước Công nguyên 1500 năm, người Tàu 800 năm, người Hy lạp 560 năm.
Còn người Việt? Chẳng rõ là từ bao giờ. Chỉ biết thật chắc rằng nhà nông Việt đã xài đồng hồ mặt trời từ lâu rồi, và cũng chẳng cần đổi tới đổi lui gì hết. Cứ thấy theo mặt trời mà thức dậy, ra đồng, trở về và đi ngủ. Tháng Năm chưa nằm đã sáng, tháng Mười chưa cười đã tối.
Đến DST của thế kỷ 20
Cả ba ông Mỹ, Tân tây lan và Ăng lê đều giành “sáng kiến” này.
Người Mỹ tin rằng Benjamin Franklin – nhà bác học đã sáng chế ra cột thu lôi, là người đầu tiên có ý tưởng dùng giờ mặt trời. Họ dẫn chứng rằng trong một bức thư viết cho tờ Journal de Paris năm 1784, Franklin kể rằng ông ngạc nhiên khi thấy mặt trời mọc vào lúc 6 giờ sáng, rất lâu trước hầu hết người dân Paris thức giấc. Ông viết rằng, nếu họ cùng thức dậy với mặt trời, thành phố có thể tiết kiệm được “một khoản khổng lồ” tiền nến. Tuy nhiên, đa phần bức thư đó là để chọc quê dân Pháp chứ không phải để đề nghị giờ tiết kiệm ánh sáng mặt trời vì Franklin đã đưa ra các giải pháp tiết kiệm khác cho người Pháp: bắn đại bác để đánh thức mọi người, đánh thuế đối với các cửa sổ bị đóng khi trời đã sáng và hạn chế bán nến.
Những người Tân tây lan cho rằng ý tưởng này là của George Hudson, một nhà côn trùng học của nước họ. Năm 1895, nhà côn trùng học George Vernon Hudson phát giác rằng ông có thể có thêm hai giờ đồng hồ để tìm sâu bắt bướm mà không cần phải mò mẫm trong tối chỉ bằng cách vặn đồng hồ sớm lên vào mùa xuân, khi mặt trời lặn muộn hơn. Hudson rất nhiệt tình với khám phá của mình, ông đã viết một bài báo cho Hiệp hội Triết học Wellington, đề xuất việc điều chỉnh giờ theo Mặt trời – và đã thu hút được sự quan tâm. Thật không may, người New Zealand chưa sẵn sàng đón nhận sự đổi mới của Hudson và đề xuất của ông đã không được thực hiện.
Nhân vật người Anh là nhà xây dựng William Willett ở Kent. Ông này trong một lần cưỡi ngựa dạo chơi vào một sáng sớm mùa hè đã nhận thấy rằng còn quá nhiều cửa sổ của các ngôi nhà đóng im ỉm mặc dù mặt trời đã lên từ lâu.
Thế là năm 1907, ông đã soạn và phát hành một tập sách nhỏ đặt tên là “The Waste of Daylight” (sự phí phạm ánh sáng ban ngày). Trong sách, ông Millet đề nghị vặn đồng hồ nhanh thêm 80 phút vào mùa hè: nhưng phải vặn 4 lần, mỗi lần 20 phút vào lúc 2 giờ sáng vào 4 ngày Chủ nhật liên tiếp trong tháng 4 và lùi lại vào tháng 9, cũng bốn lần.
Millet vận động được một nghị sĩ đưa đề nghị này ra Quốc hội. Mặc dầu được những nhân vật nổi tiếng như Winston Churchill và Sir Arthur Conan Doyle tích cực ủng hộ, Nghị viện nước Anh đã bỏ lơ, có lẽ vì quá rắc rối.
Phải đến khi cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, chuyện vặn đồng hồ sớm lên mới được thực hiện và động lực thúc đẩy là…chiến tranh. Âu châu và Bắc Mỹ đã nghĩ đến và áp dụng DST, không phải để đánh nhau sớm hơn vào mùa hè và ngưng bắn sớm hơn vào mùa thu mà vì cạn kiệt tài nguyên phục vụ chiến tranh.
Năm 1916, khi tài nguyên gần cạn, Đức đã trở thành quốc gia áp dụng DST đầu tiên để tiết kiệm năng lượng và hỗ trợ nỗ lực chiến tranh. Hai năm sau, đến lượt Hoa Kỳ.
Canada đã sẵn sàng chấp nhận DST ngay từ năm 1908 nhưng phải mất một thập niên nữa khái niệm DST mới bắt đầu được áp dụng trên toàn quốc.
Không phải tất cả mọi quốc gia trên thế giới đều hào hứng với việc vặn lui vặn tới cái đồng hồ. Vào năm 2022, có 64 quốc gia áp dụng DST, 9 nước áp dụng DST ở một vài vùng trên đất nước họ (trong đó có Hoa Kỳ), và 175 quốc gia không xài DST.
Tuy nhiên, không phải là những nơi đang áp dụng DST đều chịu cứ để yên như thế, từ Âu châu sang Mỹ châu.
Vào năm 2019, Liên minh Châu Âu đã bỏ phiếu chấm dứt sự thay đổi thời gian bắt buộc, trước đó kéo dài từ tháng 3 đến tháng 10. Nhưng kế hoạch đó hiện tại dường như đang bị đình trệ: Các quốc gia thành viên dự kiến sẽ quyết định vào năm 2021 nên ở lại vào mùa hè hay mùa đông nhưng các cuộc đàm phán đã bị đình trệ do khối phải giải quyết hậu quả từ cả Brexit và đại dịch COVID-19.
Ở Mỹ, 48 tiểu bang áp dụng DST. Hai tiểu bang, Hawaii, Arizona (ngoại trừ Navajo Nation) và các lãnh thổ Guam, Puerto Rico, Samoa thuộc Mỹ, Quần đảo Virgin thuộc Hoa Kỳ và Quần đảo Bắc Mariana không áp dụng DST.
Ở Canada, việc sử dụng DST thuộc thẩm quyền của tỉnh bang. Thí dụ như tỉnh bang British Columbia áp dụng DST, một số nơi trong tỉnh bang lại không, như Chetwynd, Creston, Dawson Creek, Fort Nelson, và Fort St. John. Tỉnh bang Saskatchewan, lại ngược, hầu hết tỉnh bang đều không áp dụng DST, trừ một số nơi như Creighton và Denare Beach. Từ ngày 8 tháng 3, 2020, Yukon quyết định xài giờ DST vĩnh viễn. Ngày 1 tháng 11 năm 2020, dân Yukon chấm dứt việc vặn đồng hồ tới lui nữa. Hôm đó, cư dân Yukon chỉnh đồng hồ nhanh hơn một giờ theo Giờ Ánh sáng ban ngày Thái Bình Dương (Pacific Daylight Time/PDT) và sẽ không vặn lùi trở lại Giờ chuẩn Thái Bình Dương (Pacific Standard Time/PDT) nữa.
Hồi năm 2019, Alberta đã tham khảo công chúng và định dẹp bỏ DST. Hơn 140.000 người dân Alberta đã trả lời câu hỏi có muốn đổi thành Giờ ánh sáng trời miền núi (Mountain Daylight Time/MDT) vĩnh viễn hay không. Theo Thông tấn CBC, trong số được hỏi cứ 10 người thì có 9 người nói rằng họ muốn kết thúc việc thay đổi đồng hồ hai lần một năm. Nhưng cuộc trưng cầu dân ý tháng 10 năm 2021, lại ghi nhận một đa số tối thiểu – 50,2% số người đi bỏ phiếu, bày tỏ họ muốn vặn đồng hồ tới lui hai lần một năm. Dầu chỉ có 0.2% nhưng vẫn là đa số!
Vào tháng 9 năm 2019, hơn 93% trong số khoảng 220.000 cư dân British Columbia đã trả lời ủng hộ việc duy trì tỉnh ở “chế độ” DST vĩnh viễn. Tuy nhiên, chính quyền BC vẫn ngần ngừ, họ cần phải xem các khu vực láng giềng – Washington, Oregon và California có tiếp tục đề xuất loại bỏ DST hay không. Mặc dù các tiểu bang của Hoa Kỳ đã thực hiện các bước hướng tới DST quanh năm, nhưng họ vẫn cần sự chấp thuận của Quốc hội để có thể thông qua các dự luật thành luật.
Trong số các nơi ở Canada không xài DST còn có một vài điểm ở Québec phía đông 63° kinh độ tây – như Blanc Sablon.
Ở những nơi khác trên thế giới, mức độ phổ biến của việc đổi giờ cũng khác nhau.
Châu Âu, New Zealand và một số khu vực ở Trung Đông đều tiến hành đổi giờ hàng năm, nhưng mỗi nơi có ngày bắt đầu và ngày kết thúc khác nhau.
Úc châu giống Canada, quyền quyết định giờ giấc là của các tiểu bang. Thế nên DST đến Úc từ năm 1916 nhưng nhiều tiểu bang tà tà đi sau và đến nay, các tiểu bang Queensland, Northern Territory và Western Autralia vẫn không chịu. Cần phải nói thêm rằng vì ở Nam bán cầu, nên ngày đổi giờ của Úc ngược với Bắc Mỹ và Âu châu. Những tiểu bang áp dụng DST của Úc sẽ vặn đồng hồ nhanh lên một giơ vào lúc 2 giờ sáng ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 10, và lùi lại vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng Tư.
Ngược lại, phần lớn châu Phi và châu Á không có chuyện đổi giờ. Dễ hiểu thôi, mức độ thay đổi của giờ có ánh sáng mặt trời ở những nơi đó không nhiều.
Trung Quốc đã từng áp dụng DST cho đến năm 1991 nhưng sau đó quyết định xài Giờ Chuẩn Trung hoa (China Standard Time/CST). Mặc dù là một quốc gia rộng lớn, trải rộng đến ba bốn múi giờ, Trung cộng chỉ xài một giờ duy nhất, CST, với lý do để “thống nhất cả nước”.
Cùng giống như Trung cộng, Nga cũng đã từng áp dụng DST nhưng nay đã quyết định bãi bỏ. Năm 2014, Putin đã công bố cả nước sẽ chuyển sang giờ mùa đông từ ngày 26 tháng 10 năm đó.
Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc là những cường quốc kỹ nghệ duy nhất không tuân theo một số hình thức tiết kiệm ánh sáng ban ngày.
Bàn tới bàn lui
Trong khi đổi giờ là chuyện vặn tối vặn lui thì những tranh cãi về đổi giờ, gồm, đổi giờ có lợi hay có hại nhiều hơn, và có nên đổi giờ luôn hay có cần dẹp luôn chuyện đổi giờ không là chuyện bàn tới bàn lui.
Đối với nhiều người, sự thay đổi này có vẻ phiền phức, dẫn đến việc lỡ các cuộc họp và khiến người dân buồn ngủ. Thậm chí có thể có những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Một số nghiên cứu đã xác định sự gia tăng các cơn đau tim xảy ra đồng thời với việc nhanh thêm một giờ và giảm nhẹ khi lùi lại một giờ. Các nghiên cứu khác cho thấy sự thay đổi thời gian có thể liên quan đến sự gia tăng các vụ tai nạn xe hơi chết người, mặc dù tác động này là nhỏ so với tổng số vụ va chạm mỗi năm. Vẫn còn những lo ngại khác bao gồm tác động đến hệ thống miễn dịch do mất ngủ không thể tránh khỏi.
Hơn nữa, nhiều nghiên cứu đã đặt câu hỏi liệu có bao giờ tiết kiệm năng lượng hay không. Một nghiên cứu năm 2008 của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho thấy rằng ở Hoa Kỳ, thêm bốn tuần tiết kiệm ánh sáng ban ngày đã tiết kiệm được khoảng 0,5% tổng lượng điện mỗi ngày. Nhưng những người khác kết luận rằng lượng điện tiết kiệm được đó sẽ chẳng bù được cho lượng điện mà máy điều hòa không khí chạy thêm nhiều hơn vào buổi tối hoặc lượng điện tốn nhiều hơn để thắp sáng những buổi sáng khi trời còn tối.
Mặc dù vậy, những tác động đó có thể là tùy vào từng địa điểm cụ thể. Một nghiên cứu cho thấy rằng thời gian tiết kiệm ánh sáng ban ngày làm tăng nhu cầu năng lượng và phát thải ô nhiễm ở Indiana, trong khi một nghiên cứu khác cho thấy nó dẫn đến việc giảm nhẹ mức sử dụng năng lượng ở Na Uy và Thụy Điển.
Các lý lẽ ủng hộ và chống đại khái như thế này, điều buồn cười là họ cùng dẫn ra những điểm để ủng hộ hoặc chống, chỉ lý luận ngược nhau.
Phe ủng hộ:
DST đem lại sự an toàn: Thời gian ban ngày dài hơn giúp lái xe an toàn hơn, giảm tỷ lệ tai nạn xe và giảm nguy cơ người đi bộ bị xe đụng.
Các nhà kinh tế học Jennifer Doleac và Nicholas Sanders nhận thấy rằng vào buổi tối sau khi đổi giờ vào mùa xuân các vụ cướp giảm chung khoảng 7% và 27%. Hầu hết tội phạm đường phố xảy ra vào buổi tối, khoảng thời gian đi làm thông thường từ 5 giờ đến 8 giờ tối, hai nhà khoa học nói, nên khi ánh sáng chung quanh nhiều hơn trong những giờ tội phạm cao đó “giúp nạn nhân và người qua đường dễ dàng nhìn thấy các mối đe dọa tiềm ẩn và sau đó xác định được những kẻ phạm tội.”
Ngoài ra, thêm giờ có ánh sáng vào buổi tối sẽ an toàn hơn cho những người chạy bộ, những người dắt chó đi dạo sau giờ làm việc và trẻ em chơi bên ngoài nhà, và nhiều người khác, vì người lái xe có thể nhìn thấy mọi người dễ dàng hơn và khiến hoạt động tội phạm giảm xuống.
DST có lợi cho kinh tế: Trời sáng muộn hơn có nghĩa là nhiều người mua sắm hơn sau giờ làm việc, tăng doanh số bán lẻ và nhiều người lái xe hơn, tăng doanh số bán xăng và đồ ăn nhẹ trong tám tháng của năm (thời gian chúng ta dành cho DST).
Theo kỹ nghệ golf, một tháng DST có giá trị từ 200 đến 400 triệu đô la vì những người tay golf có thể chơi lâu hơn vào buổi tối. Kỹ nghệ BBQ ước tính lợi nhuận của họ tăng 150 triệu đô la trong một tháng DST.
Ngành xăng dầu cũng có lợi vì mọi người lái xe nhiều hơn nếu trời vẫn còn sáng sau giờ làm việc hoặc trường học.
DST thúc đẩy lối sống năng động: Khi trời sáng hơn, mọi người có xu hướng tham gia nhiều hoạt động ngoài trời hơn sau giờ làm việc.
Theo Hendrik Wolff, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Simon Fraser, DST giúp “người ta tham gia vào các hoạt động giải trí ngoài trời nhiều hơn và ít xem TV trong nhà hơn… Thêm 3 phần trăm những người tham gia vào các hành vi ngoài trời lẽ ra sẽ ở trong nhà.”
Phe chống đối:
DST có hại cho sức khỏe: Thay đổi giờ giấc đi ngủ, dù chỉ tiếng đồng hồ, đi ngược lại nhịp sinh học tự nhiên của một người và gây ra những hậu quả tiêu cực cho sức khỏe. Một nghiên cứu cho thấy nguy cơ đau tim tăng 10% vào thứ Hai và thứ Ba sau khi chuyển giờ.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự gia tăng các cơn đau đầu “cluster headaches” (đau đầu đột ngột và làm suy nhược) sau khi thay đổi thời gian mùa thu.
James Wyatt, Giáo sư tại Trung tâm Y tế Đại học Rush, tin rằng rõ ràng có “sự gia tăng các tai nạn xe cộ và tại nơi làm việc vào thứ Hai hoặc thậm chí có thể kéo dài suốt tuần đầu tiên của ca làm việc mùa Xuân.”
Trong những tuần sau khi thay đổi giờ DST vào mùa xuân, tỷ lệ nam giới tự tử ở Úc đã tăng lên so với những tuần sau khi quay trở lại thời gian tiêu chuẩn vào mùa thu.
DST cũng làm tăng nguy cơ chết người do tai nạn xe hơi từ 5 đến 6,5% hàng năm.
DST làm giảm năng suất: Ngày Thứ Hai sau khi đổi giờ vào mùa xuân được gọi là “Sleepy Monday” (Thứ Hai buồn ngủ), bởi vì đó là một trong những ngày thiếu ngủ nhất trong năm. Trong tuần lễ sau khi đổi sang giờ DST mùa xuân, hiện tượng “cyber loafing” (lãng phí thời gian trên internet) gia tăng ở các nôi làm việc chỉ vì các nhân viên mệt mỏi.
Till Roenneberg, một nhà sinh vật học người Đức, nói rằng đồng hồ sinh học của con người không điều chỉnh theo DST và “hậu quả của điều đó là phần lớn dân số đã giảm năng suất nghiêm trọng, giảm phẩm chất sống, tăng khả năng mắc bệnh và chỉ đơn giản là mệt mỏi.
DST gây tốn kém: William F. Shughart II, nhà kinh tế học tại Đại học Utah, tính rằng chỉ riêng hành động giản dị vặn đổi đồng hồ đã khiến người Mỹ mất 1,7 tỷ đô la chi phí cơ hội dựa trên mức lương trung bình mỗi giờ, nghĩa là mười phút hoặc lâu hơn dành để vặn/chỉnh đồng hồ, đồng hồ đeo tay và các thứ máy móc tới và lui có thể được chi cho một cái gì đó hiệu quả hơn.
Hiệp hội Vận tải Hàng không ước tính rằng DST đã làm ngành hàng không hao mất 147 triệu đô la trong năm 2007 do nhầm lẫn lịch trình thời gian với các quốc gia không áp dụng đổi giờ.
Theo Chỉ số Kinh tế Mất giờ, việc vặn nhanh đồng hồ một giờ gây hao tốn cho nền kinh tế Hoa Kỳ là 434 triệu đô la trên toàn quốc, bao gồm các vấn đề sức khỏe, giảm năng suất và thương tích tại nơi làm việc.
Và chủ trương vặn tới luôn, khỏi vặn lui
Ở Châu Âu, một cuộc khảo sát cho thấy khoảng 80% trong số 4,6 triệu người được hỏi phản đối việc tiết kiệm thời gian ban ngày. Và một số tiểu bang của Mỹ cũng đang bắt đầu kêu gọi phải có thay đổi.
Thí dụ như ở Âu châu, nơi từ năm 1980 các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đã cùng thỏa thuận về DST để tránh sự khác biệt về các múi giờ khác nhau ảnh hưởng đến thị trường chung. Họ đồng ý vặn lui (giờ mùa đông) vào tuần cuối tháng 10, và vặn tới (giờ mùa hè) vào cuối tháng 3. Thế nhưng, Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu vảo tháng 3 năm 2019 ủng hộ dự thảo luật chấm dứt việc đổi giờ bắt buộc đó. Tuy nhiên kế hoạch đàm phán để đi đến quyết định cuối cùng – giữ hay bỏ, vào năm 2021 đã bị đình trệ do khối EU phải giải quyết hậu quả từ cả Brexit và đại dịch COVID-19.
Ở Hoa Kỳ, 55% người Mỹ cho biết họ không bị gián đoạn bởi sự đổi giờ, 28% cho biết có sự gián đoạn nhỏ và 13% cho biết sự thay đổi này là một sự gián đoạn lớn.
Một cuộc thăm dò năm 2022 của Đại học Monmouth cho thấy 61% người Mỹ muốn kết thúc việc phải đổi giờ hai lần một năm, trong đó 44% muốn giữ DST và 13% muốn giữ nguyên giờ tiêu chuẩn cả năm. 35% muốn tiếp tục đổi giờ hai lần một năm.
Vào năm 2020, tỉnh bang Ontario đã thông qua luật chấm dứt các thay đổi về giờ giấc theo mùa, giữ DST vĩnh viễn. Tuy nhiên, dự luật sẽ chỉ có hiệu lực nếu các khu vực lân cận, Quebec và Tiểu bang New York cũng làm như vậy. Nhưng điều này đã không/chưa xảy ra.
Năm 2019, B.C. cũng đã thông qua luật chấm dứt thay đổi giờ theo mùa, và sẽ giữ giờ mùa hè DST vĩnh viễn. Nhưng cũng giống như ở Ontario, sẽ chỉ có hiệu lực nếu các khu vực lân cận—Washington, Oregon và California—cũng làm như vậy.
Hồi tháng Ba năm 2022, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật giữ giờ DST vĩnh viễn kể từ ngày 20 tháng 11 năm 2023. Dự luật này sẽ có hiệu lực nếu được Hạ viện thông qua và được Tổng thống Biden ký. Nhưng cho đến nay, dự luật vẫn nằm yên ở Hạ viện chưa nhúc nhích.
Và Canada, nằm bên cạnh anh Mỹ và lệ thuộc quá nhiều vào chuyện làm ăn với Mỹ, đang nhấp nhổm chờ xem anh Mỹ sẽ làm gì để cho đồng bộ.
Trong khi chờ đợi (không biết đến bao giờ) chuyện bàn tới rồi bàn lui đó kết thúc, Chủ nhật này, bạn sẽ tiếp tục vặn tới – mất cả giờ để vặn hết các đồng hồ trong nhà, và mất thêm một giờ ngủ.
Để rồi đến tháng 11 sẽ…vặn lui.
Đỗ Quân