Đủ thứ chuyện linh tinh nhưng có thật

Thảm án vì tình!

Cơ quan công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, phòng Cảnh sát hình sự công an tỉnh này đang lập thủ tục khởi tố bị can đối với Phan Thanh Hoàng, 19 tuổi, thường trú tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang để làm rõ tội “giết người”.

Theo công an, do mâu thuẫn với người yêu cũ là cô Nguyễn Thị B. (cũng 19 tuổi, thường trú tại huyện Yên Sơn nhưng khác xã), chiều 24/10/2022 vừa qua, Hoàng đăng lên Facebook về ý định giết người rồi xuống Bắc Ninh cách Tuyên Quang khoảng 170 km, mua một con dao bầu – loại dao chọc tiếi heo – rồi tìm đến tiệm cắt tóc gội đầu, nơi cô B. làm việc, ra sức đâm, chém cô B. cùng người bạn trai của cô tên Hoàng Xuân Duy, 21 tuổi, là thợ hớt tóc ở đây.

Cô B. tử vong tại chỗ, người bạn trai của cô bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện chưa biết sống chết thế nào, liệu có qua khỏi được không.

Ngay sau khi gây án, hung thủ ngồi ghi lại việc giết người của mình, xin lỗi mẹ (không thấy nói đến bố, có lẽ bố đã mất .- ĐD), từ biệt bạn bè, đưa lên Facebook rồi thản nhiên đợi công an đến bắt. “Hôm nay sẽ là ngày cuối cùng của mày, mạng tao đổi mạng mày…, số mày chỉ sống được đến 19 tuổi thôi…” – Đó là những lời đầy căm hận của Phan Thanh Hoàng gửi trên Facebook cho bạn gái cũ là Nguyễn Thị B. trước khi từ Tuyên Quang xuống Bắc Ninh sát hại cô B.

Sau những lời đầy căm hận trên, Hoàng đã gửi lời xin lỗi mẹ, anh trai, em gái. Hoàng cũng nhắn nhủ đến anh trai, em gái đừng làm mẹ buồn, phải yêu thương mẹ, anh trai sớm lấy vợ, em gái ngoan ngoãn, học giỏi… Dù tỏ ra là người có hiếu biết, yêu thương gia đình nhưng Hoàng gây ra tội ác ghê gớm không thể tha thứ được như vậy.

Lời khai của kẻ sát nhân 19 tuổi
Tại cơ quan công an, Phan Thanh Hoàng khai nhận trước đó có quan hệ tình cảm với cô B. Khoảng 3 tháng gần đây, do mâu thuẫn nên cô B. chia tay Hoàng và xuống Bắc Ninh (cách Tuyên Quang khoảng 170 km, gần Hà Nội) làm nghề cắt tóc, gội đầu phụ nữ. Tại đây, cô quen và có tình cảm với anh Hoàng Xuân Duy, thợ hớt tóc phái nam, cùng làm tại quán.

Không chấp nhận việc người yêu cũ có bạn trai mới, Hoàng nhắn tin, chửi bới cô B. nhiều lần, B. cũng nhắn tin chửi lại. Đặc biệt là B. có những lời lẽ mà Hoàng cho là xúc phạm tới gia đình mình như mẹ Hoàng nuông chiều, không biết dạy con nên Hoàng là đứa chẳng ra gì, học hành kém cỏi… Hoàng tức giận nên ngày 24/10 đi xe khách từ Tuyên Quang xuống Bắc Ninh và sau đó mua hung khí để gây án.

 

Hoàng (bị thương bên tay trái), bị bắt

Tại trụ sở điều tra, Hoàng tỏ ra bình thản khi khai với lực lượng chức năng. “Cháu giết B. vì bị nói là không có ăn học, không được dạy bảo. Cháu xác định sẵn ở nhà là đi xuống đây (Bắc Ninh) mới mua dao vì sợ khi đi đường mà mang theo dao sẽ bị công an bắt, không kịp hành động”.

Đến tối 24/10, biết B. và Duy đang ở trong quán cắt tóc Vũ Huyền trên phố Nguyễn Gia Thiều, TP Bắc Ninh, Hoàng xông vào truy sát hai người.

Về vụ án mạng này, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng trước khi xuống Bắc Ninh mua dao giết người, đối tượng đã đưa ý định của mình lên Facebook. Điều này cho thấy đối tượng đã suy tính, “đặt kế hoạch” từ trước nên khó có thể được châm chước, giảm nhẹ hình phạt như do tuổi trẻ bồng bột, nóng giận nhất thời chẳng hạn. Ông nói: “Theo tôi, đối tượng Phan Thanh Hoàng sẽ phải đối mặt với hình phạt tử hình hoạc ít nhất là tù chung thân về tội giết người theo điều 123 bộ Luật Hình sự”.

Ngoài ra, nghi can này phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với những nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, thu nhập bị mất, bị giảm sút và bồi thường tổn thất về tinh thần. Nạn nhân tử vong thì còn phải bồi thường chi phí về mai táng và nghĩa vụ cấp dưỡng cho người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng.

Đồng quan điểm với luật sư Cường, luật sư Hoàng Tùng (Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa, TP. Hà Nội) cũng cho rằng Hoàng có thể bị kết án tù từ 12 – 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Theo luật sư Tùng, việc liên tiếp xảy ra các vụ sát hại người tình thời gian gần đây là do vấn đề nhận thức, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác. Nhận thức này được hình thành trong một quá trình lâu dài do sự tác động ảnh hưởng từ gia đình, nhà trường và xã hội. Nhận thức biểu hiện ra bên ngoài thường xuyên bằng những hành động như sẵn sàng chửi bới, đánh đập người khác; cũng có thể tiềm ẩn trong những suy nghĩ và khi có cơ hội thì sẽ bùng phát, sát hại người khác một cách hết sức lạnh lùng.

Từ những phân tích nêu trên, luật sư Hoàng Tùng khuyến cáo: “Nếu xác định đối phương là kẻ muốn kiểm soát và chiếm hữu bản thân mình, trước tiên người muốn chia tay chuẩn bị trước một kế hoạch cẩn trọng. Hãy nghĩ về những gì đối phương có thể làm nếu bạn nói lời chia tay, nên đầu tiên bạn phải học thuộc những số điện thoại khẩn cấp, tìm đến pháp luật để đảm bảo an toàn cho bản thân.

Còn để đối phó với kẻ lụy tình, người muốn từ chối phải hết sức mềm mỏng, khéo léo, tôn trọng, nếu không sẽ kích động đối tượng, có thể dẫn đến những phản ứng khó lường.
Chuẩn bị kỹ rồi hãy bình tĩnh nói lời chia tay. Nên cắt đứt liên lạc, chuyển chỗ ở và không để đối phương biết được thông tin về mình. Sau đó, tìm kiếm sự giúp đỡ của người thân, bạn bè, thậm chí từ pháp luật nếu cảm thấy bị đe doạ.

Còn khi đã phát hiện đối tượng có manh nha về khả năng gây tổn thương, trả thù thì phải chủ động nhắn tin, gọi điện để xoa dịu tâm lý uất ức, dồn nén của đối tượng. Tuy nhiên, nếu đối tượng vẫn giữ trạng thái hung hăng và động cơ xấu, người bị hại cần chủ động lên kế hoạch bảo vệ an toàn cho bản thân.

 

Ôi, chồng ơi là chồng, chán quá đi thôi!

Chồng tôi 40 tuổi, quần áo thay ra không biết bỏ vào máy giặt mà vứt bừa bãi trên giường, đợi vợ vào dọn.

Đó chỉ là một trong những hành động thường ngày mà một người vợ như tôi cảm thấy chán chường về chồng mình. Tôi 39 tuổi, có hai con. Ngoài việc phải lo đủ thứ từ cơm nước, con cái, còn phải chạy theo hầu hạ “người đàn ông không lớn trong nhà”. Chồng tôi là người Hà Nội, từ nhỏ anh đã được bố mẹ chiều chuộng vì là con trai duy nhất trong nhà. Khi lấy tôi, một cô gái tỉnh lẻ, mẹ chồng thường nói phúc nhà tôi lớn lắm mới bước được chân vào nhà bà. Tôi biết điều, không cãi, cũng tự nhận gia cảnh nông dân của bố mẹ đẻ không thể sánh với điều kiện gia đình cán bộ như nhà anh.

Chuyện gì chồng tôi cũng kể với các cô em ruột. Chúng tôi mua đồ gì anh đều khoe với các cô và nói giá tiền, lương tháng hay tiền làm thêm của anh các cô cũng biết.

Tôi được ăn học đàng hoàng, đi làm ngân hàng rồi từ từ thăng chức, giờ lương cao gấp ba chồng. Anh là nhân viên nhà nước, dù lương thấp nhưng chẳng cần làm thêm, sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, cuối tháng lĩnh vài triệu đồng tiền lương. Anh có sở thích nuôi chó cảnh. Dù công việc nhàn hạ nhưng anh chẳng bao giờ giúp tôi bất kỳ việc gì trong nhà. Tôi bận tối mắt nhưng hàng ngày vẫn phải cơm nước, giặt giũ, lo bài vở con cái. Chồng về đến nhà là cầm riết điện thoại, nằm dài trên ghế chờ cơm, muộn tý là cáu gắt. Nhiều lúc cự cãi, anh lại bỏ sang nhà mẹ đẻ cách vài dãy phố. Theo đúng quy luật, tôi sẽ nhận được điện thoại từ mẹ chồng, nghe lời răn của bà về cách làm vợ thế nào để chồng được hạnh phúc. Ban đầu tôi im lặng, sau bà gọi tôi không nghe máy nữa.

 

Anh Quang, bà mẹ và vợ con

Không chỉ không giúp đỡ vợ con, chồng tôi còn chẳng tự lo được cho bản thân. Quần áo thay ra anh vứt bừa bãi, vợ không có nhà thì ăn mỳ gói cả tuần vì chẳng biết nấu cơm. Bóng đèn anh không biết cách thay, quạt điện chẳng biết cách lắp, thậm chí rửa tám cái bát thì rơi vỡ hai cái… Việc duy nhất anh giỏi là nằm ườn trên giường hoặc ghế sofa, mắt dán vào điện thoại, hết xem phim rồi chơi game. Bát ăn cơm anh mang xuống đựng thức ăn cho chó, sau đó cũng đến tay tôi rửa, cốc uống nước của tôi cũng bị biến thành đồ chơi cho chó. Xẩm tối, sau khi anh dắt chó từ ngoài về, thế nào tôi cũng bị hàng xóm réo bởi chó ị và tè bậy giữa ngõ, phải lao ra dọn.

Tôi đau khổ với người chồng mãi chẳng có lớn.
Làm việc lớn không thành, trở về gia đình anh lại cho rằng phải ở nhà phục vụ vợ con là nhục nhã.

Dù nhiều lần tôi góp ý, từ nhẹ nhàng đến gay gắt nhưng anh chưa bao giờ có ý định thay đổi. Nhiều khi tôi cáu quá, dùng những từ ngữ khiến anh cảm thấy bị tổn thương, vợ chồng vì thế mà xưng mày tao, cãi vã, thậm chí có lần đánh nhau. Sau một vài hôm cãi vã, chúng tôi lại làm lành. Mỗi tháng chúng tôi phải cãi nhau đôi ba lần vì tính cách của chồng. Hơn chục năm làm vợ, tôi đã quá ngán ngẩm với người chồng thế này. Liệu tôi có nên ly hôn để giải thoát khỏi cuộc hôn nhân này?
(Tâm sự của người phụ nữ ký tên Hòa,đăng trên VnExpress số ra ngày 27/10/2022)

 

Một gia đình vui vẻ, đầm ấm

Anh Nguyễn Văn Quang, 26 tuổi thường trú tại xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan từ đầu năm 2018. Theo kế hoạch, anh sẽ về nước cuối tháng 9 nhưng muốn tạo bất ngờ nên nói với mẹ là tháng 11 mới về.

Sáng 30/9, khi hạ cánh xuống sân bay Vinh (Nghệ An), anh nhờ người hàng xóm lái xe ra đón. Trên đường về, anh nói muốn tạo bất ngờ cho mẹ và được tài xế gợi ý là bà Hoàng Thị Kim Hoa (mẹ anh) đang xây nhà, bảo Quang “đóng giả nhân viên tư vấn nội thất đến chào hàng”. Anh đồng ý và nhờ người này cầm điện thoại quay lại khoảnh khắc đó làm kỷ niệm.

Khi ôtô về đến cổng, anh Quang mặc áo đen, đeo khẩu trang, cầm quyển sổ bước vào, tự xưng là “bạn của Quang, làm nghề tư vấn nội thất”. Anh trò chuyện với mẹ, liên tục đi lại song bà Hoa không nhận ra đó là con trai mình. Sau khoảng 30 phút, Quang tháo khẩu trang, lúc này người mẹ mới sững người, bất động vài giây rồi chạy đến, ôm chầm con trai, khóc cười nghẹn ngào.

Đoạn video ghi lại cuộc tái ngộ của hai mẹ con được anh Quang chia sẻ lên mạng xã hội và lập tức “gây bão” với hàng nghìn lượt chia sẻ kèm bình luận thể hiện sự xúc động.
“Sau gần 5 năm tha hương, trở về mới thấy gia đình là điều tuyệt vời nhất. Tôi muốn ghi lại khoảnh khắc này để lưu giữ kỷ niệm của hai mẹ con”, Quang nói. Qua video, anh muốn nhắn nhủ những người Việt đang lao động nước ngoài rằng hãy cố gắng làm việc, phấn đấu tích lũy để sớm trở về.

Bà Hoàng Thị Kim Hoa cho biết, Quang tính vui vẻ, hài hước, luôn tìm cách tạo niềm vui và bất ngờ cho mọi người. “Trước nó gầy và đen, nay trắng trẻo, béo ra. Ban đầu tôi nghĩ thầm sao người này giống con mình thế. Nhưng nó đeo khẩu trang và giới thiệu là bạn con nên không dám nhìn lâu cũng không dám nhận vơ, nếu không đúng sẽ ngại lắm”, người mẹ giải thích chuyện không nhận ra con ngay từ đầu.

Nguyễn Văn Quang là con út trong gia đình có ba người chị. Vì gia cảnh khó khăn, đầu năm 2018, anh vay tiền, làm thủ tục đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan với mong ước kiếm tiền về đỡ đần cho mẹ. Trước đó một năm, bố Quang qua đời vì bạo bệnh.

Làm công nhân lắp ráp linh kiện điện tử, sau hai năm Quang đã trả hết chi phí vay lúc xuất ngoại. Đến nay, anh cũng tích lũy được khoản vốn khá để gửi về cho mẹ xây nhà mới, thay cho căn nhà cấp bốn ọp ẹp xây hàng chục năm trước.

Trong thời gian đi lao động, anh Quang quen và kết hôn với một cô gái quê ở Quảng Bình cũng đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Họ có với nhau một con trai hơn 8 tháng tuổi. Dù vợ chồng anh không về nước làm đám cưới nhưng họ hàng hai gia đình đã gặp mặt và tổ chức lễ báo hỷ. Bà Hoa cũng giúp con trai hoàn thiện đăng ký kết hôn, gửi sang Đài Loan để vợ chồng Quang chung sống hợp pháp. Chị cũng bế con cùng về với chồng dịp này nhưng tới cổng, anh bảo chị đợi chút xíu, để anh vào trước “đánh lừa” mẹ cho vui.

Hôm 30/9, Quang về nước cùng vợ con. Với số vốn mà hai vợ chồng tích lũy được, anh dự định sẽ đi học thêm một vài khóa về kinh doanh, sau đó về mở một cơ sở nhỏ tại quê để buôn bán, cùng xây dựng tổ ấm, đỡ đần mẹ lúc tuổi già.

Đoàn Dự