Đức tin mới
Một số không nhỏ những người trẻ hiện nay nói rằng họ tin vào một đấng quyền năng hay Thượng đế.
Theo một cuộc khảo sát gần đây với những người trẻ, tuổi từ 18 đến 25, có khoảng một phần ba trong số đó nói rằng họ tin tưởng – hơn là nghi ngờ – về sự hiện hữu của một đấng quyền năng, tăng cao hơn so với con số một phần tư vào năm 2021. Kết quả nói trên là dựa trên kết quả cuộc thăm dò được thực hiện vào tháng 12 năm ngoái, là một phần của bản phúc trình thường niên về tình trạng tôn giáo và giới trẻ của Viện Nghiên cứu Springtide, một tổ chức phi lợi nhuận và phi đảng phái.
Những người trẻ trong cuộc khảo sát, một số nhà thần học và lãnh đạo tôn giáo cho rằng sự gia tăng nói trên một phần là do nhu cầu người ta muốn đặt niềm tin vào điều gì đó vượt xa hơn chính bản thân họ sau ba năm phải đối diện với nhiều mất mát do trận đại dịch gây ra.
Đối với nhiều người trẻ, trận đại dịch được cho là cuộc khủng hoảng đầu tiên trong cuộc sống mà họ đã phải đối diện. Nó ảnh hưởng đến tất cả mọi người ở một mức độ nào đó, từ việc mất đi người thân trong gia đình và bạn bè đến tình trạng bất ổn trong công việc và trong cuộc sống hàng ngày. Trong nhiều khía cạnh, trận đại dịch đã khiến những người trẻ ở Mỹ trở nên già dặn hơn và nay họ đang tìm đến những niềm an ủi mà các thế hệ trước đã tìm đến những khi phải trải qua những bi kịch trong đời sống để được chữa lành và an ủi ở phần tâm hồn.
Như cô Becca Bell, một sinh viên 18 tuổi sống ở Peosta, Iowa, cho biết lòng tin vào Thượng đế mang đến cho cô lẽ sống và hy vọng.
Cô Bell, giống như nhiều bạn trẻ khác đồng trang lứa với cô, không thường xuyên dự thánh lễ ở nhà thờ như khi cô còn nhỏ là vì bận bịu chuyện học hành và công việc. Nhưng cô tìm thấy đức tin của mình bằng cách theo dõi một số người trẻ khác trên mạng xã hội, trong đó có một phụ nữ trẻ nói chuyện một cách cởi mở và bộc bạch về cuộc sống và niềm tin của chính cô ta, điều mà cô Bell, một người được sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công giáo, cho biết cô thấy kiểu đức tin đó có ý nghĩa và phù hợp với cô.
Cuộc khảo sát của viện Springtide sử dụng danh từ “đấng quyền năng”, hàm ý bao gồm Thượng đế nhưng không hẳn chỉ giới hạn trong khái niệm Kitô giáo hay bất kỳ một tôn giáo cụ thể nào, để cố tìm hiểu một cách bao quát hơn về niềm tin của những người trẻ. Nhiều người trẻ nói rằng họ không nhất thiết phải tin vào một vị Thượng đế được mô tả bằng hình ảnh mà họ nhớ từ thời thơ ấu hoặc được mô tả trong các đoạn Kinh thánh, nhưng họ tin rằng có một đấng quyền năng đầy nhân từ.
Các cuộc thăm dò khác, trong đó có Gallup, đặt câu hỏi một cách cụ thể về việc tin vào Thượng đế và cho thấy có sự suy giảm về số người trẻ tin vào Thượng đế. Nói cách khác, những người trẻ thời nay tin vào một đấng quyền năng của chung mọi người chứ không riêng cho một tôn giáo nào,
Trong mấy năm qua đã xảy ra nhiều sự kiện: đại dịch, những cuộc biểu tình tranh đấu vì chủng tộc, nỗi lo sợ mất việc làm và những lo lắng khác – đã khiến cho nhiều người trẻ cảm thấy bất an, bơ vơ, yếu đuối, và do đó họ hướng về Thượng đế để tìm sự che chở, bảo bọc.
Đồng thời, nhiều người trẻ nói rằng họ cảm thấy không còn sự gắn kết với các tổ chức tôn giáo về các vấn đề xã hội như công bằng chủng tộc, bình đẳng giới tính và quyền nhập cư. Và niềm tin vào Thượng đế hay một đấng quyền năng không nhất thiết có nghĩa là phải đi nhà thờ hay gia nhập một tổ chức tôn giáo. Ở đây chúng ta có thể hiểu người trẻ muốn có sự tự do lựa chọn hơn về đức tin của họ.
Một cuộc thăm dò được thực hiện bởi nhật báo Wall Street Journal hồi đầu năm nay cho thấy 31% người trẻ Mỹ, tuổi từ 18 đến 29, nói rằng tôn giáo rất quan trọng đối với họ, là tỷ lệ thấp nhất trong tất cả các nhóm người trưởng thành. Một cuộc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew cũng hồi đầu năm nay cho thấy có 20% những người trẻ tuổi từ 18 đến 29 đi lễ một lần mỗi tháng hoặc nhiều hơn, giảm từ 24% vào năm 2019.
Anh Desmond Adel, 27 tuổi, tự cho mình là một “người theo thuyết bất khả tri”, tức là người tin vào một hoặc nhiều vị thần nhưng không biết chắc chắn liệu các vị thần đó có hiện hữu hay không. Anh cho biết khi còn nhỏ anh vẫn thường xuyên đến nhà thờ vào mỗi ngày Chủ nhật, nhưng không nhớ nhà thờ đó thuộc nhánh nào của Ki tô giáo, và đã thôi đi nhà thờ khi còn ở tuổi thiếu niên. Anh Adel nói rằng anh không tin chắc 100% rằng có một đấng quyền năng, nhưng niềm tin của anh nghiêng về sự hiện hữu của một đấng quyền năng không ràng buộc với một giáo phái nào.
Theo giáo sĩ Nicole Guzik tại giáo đường Do Thái giáo Sinai Temple ở Los Angeles cho biết bà quan sát thấy có nhiều người trẻ đến tham dự các buổi lễ tối thứ Sáu tại giáo đường cũng như các sinh hoạt được tổ chức hàng tháng như đi bộ đường dài và tập yoga trong công viên. Và bà cho rằng những người trẻ hiện nay đang có nhu cầu để kết nối về mặt xã hội và tinh thần. Nói cách khác, họ đang cần sự hướng dẫn để hội nhập vào với tập thể.
Anh Christian Camacho, 24 tuổi, lớn lên trong một gia đình Công giáo bảo thủ và nói rằng anh đã nghi ngờ Thượng đế khi cha mẹ anh ly hôn và khi anh phải đối mặt với chứng trầm cảm. Anh tự hỏi: “Làm sao Thượng đế có thể để cho những chuyện như thế xảy ra với anh?”
Và rồi trải qua nhiều năm, hình ảnh và nhận thức của anh về Thượng đế đã thay đổi, từ một Thượng đế hay phán xét và đưa ra sự trừng phạt trong thời thơ ấu của anh thành một Thượng đế dễ chấp nhận hơn. Anh Comacho cho rằng niềm tin này phổ biến trong thế hệ của anh, là những người trẻ không liên kết Thượng đế với một tôn giáo có tổ chức cụ thể nào.
Cô Courtney Farthing, 26 tuổi, sống tại Richmond, Kentucky, vẫn thường xuyên đi lễ nhà thờ Tin lành khi còn nhỏ và tự nhận mình là một Ki tô hữu. Cô Farthing tin vào Thượng đế nhưng cho biết ở tuổi thiếu niên cô đã từng đặt nghi vấn về niềm tin đó.
Nhưng nay thì cô chọn niền tin đó và nói rằng nếu cô bỗng dưng bắt đầu nghi ngờ hoặc tin rằng không có Thượng đế thì suy nghĩ đó sẽ đẩy cô rơi vào tình trạng bất an và mất phương hướng, là những điều mà cô không muốn vướng vào vì không có lợi cho đời sống tinh thần của cô.
Riêng cô Alora Nevers, 29 tuổi, là một bà mẹ nội trợ trẻ sống ở Sidney, Montana, thì vẫn luôn tin vào Thượng đế. Nhưng cô không đi đến nhà thờ nữa vì theo lời cô kể thì ở đó người ta hay nói tới việc quyên góp tiền bạc và cô không thích. Thay vào đó, cô chọn cách cầu nguyện Thượng đế cùng với gia đình ở nhà. Và cô cầu nguyện hằng đêm.
Đức tin là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh đối với tất cả mọi người, kể cả những người trẻ tuổi. Người ta thường nói khi cuộc sống chao đảo thì con người lại tìm đến chỗ dựa tôn giáo, và theo như những câu chuyện vừa kể, thì đó là chỗ dựa tâm linh. Mà cuộc sống thì không thiếu chao đảo và những người trẻ cần có một Thượng đế hay một đấng quyền năng để hướng dẫn họ và cho họ một nơi nương tựa cho tâm hồn, cho dù quan điểm của họ về tôn giáo có thay đổi hay có khác nhau thì vẫn có một Thượng đế ở đâu đó dành cho họ.
Huy Lâm