Giải khát mùa hè

Saigon nóng quá. Thông thường nóng nhất trong năm vào cuối mùa khô, khi sang mùa thời tiết mát hơn, nhưng Saigon đâu có mưa phùn như miền Bắc hay mưa dầm như miền Trung. Bây giờ dù đang mùa mưa, vẫn xen kẽ nhau hôm mưa hôm ráo, hôm nào trời khô thì nắng gắt rất nóng. Nóng quá nên con nít nổi rôm xảy, các bà mẹ không còn dùng bài thuốc nấu lá ổi cho trẻ tắm nữa, thành phố muốn mua lá thuốc nam phải tìm đến các ngôi chợ lớn mới có: chợ Bến Thành, Hòa Hưng, Ông Tạ… cũng mất công lắm nên chi tốt hơn hết uống các loại nước giải nhiệt. Bà nội trợ mua mía lau, rễ tranh, mã đề… bó sẵn ngoài chợ về nấu nước mát, hay xay rau má, ngâm bông cúc… đều là những thức uống hạ nhiệt mùa hè. Sắn dây là thức uống rất tốt khiến mụn nhọt, lở miệng, rôm xảy… lặn rất nhanh. Loại này thường được bán ở khu người Bắc di cư hoặc mang từ miền Bắc vào, có hai loại: không ướp và ướp hoa nhài có thể uống nóng, nguội hay lạnh đều được. Hoặc mua mớ chè xanh, tức là lá trà tươi về vừa là thức uống quanh năm và theo lời các nhà bác học hàng đầu thế giới thì còn đề phòng được bệnh ung thư.
Tuy nhiên hầm nấu, xay vắt… mất công quá. Hầm một nồi nước mát mấy tiếng đồng hồ tốn dầu, tốn điện, may là sau này có nồi hầm, nồi ủ đỡ mất công nhiều. Xăng vừa tăng lên, dầu, gaz… đều tăng nhất loạt. Không kể ai nấy mắc đi làm bận rộn suốt ngày, phụ nữ bình đẳng với đàn ông nên ra ngoài xông pha mưu sinh ngang hàng như nam giới, hơn nam giới rất nhiều ở chỗ sau giờ làm, đàn ông đi nhậu giải trí còn đàn bà tiếp tục lăn mình vào núi việc nhà. Đâu thể chuyên tâm nội trợ như trước kia, phụ nữ làm gì còn thời giờ ngồi canh nồi nước mát, quấy sữa đậu nành hay ép trái cây, xay sinh tố, vò sương sâm… Người ta mua nước giải khát sẵn ngoài đường uống cho tiện.
Bởi nếu không có người giúp việc, chẳng ai sẵn sàng pha phách các thứ nước nôi ở nhà nên nước sâm vỉa hè bán chạy không hở tay. Nhiều ngã tư đều thấy đậu xe nước sâm. Và không chỉ có sâm ngọt và sâm đắng như xưa mà bây giờ có nhiều loại khác: bí đao, ác ti sô, la hán quả, củ sen, rong biển,… Người uống rành truyền miệng chỉ nhau xe nước sâm nằm trên đường Hải Thượng Lãn Ông gạt không hết khách, một xe khác nằm ở góc Huỳnh Thúc Kháng chỉ sang chai nhựa cho khách xách về chứ không bán ly uống liền tại chỗ, xe máy ghé liền liền đợi mua. Một công đôi chuyện, vừa đỡ khát nước, hoa cúc lại khiến sáng mắt, ác ti sô mát gan làm nước da…mịn màng… cũng như uống sinh tố cà chua, cà rốt, dâu tây… vừa ngon vừa bổ.
Nước mía vẫn là “đặc sản” Saigon. Chỗ nào cũng có xe nước mía. Sau này xuất hiện nhiều hàng “nước mía siêu sạch”. Không phải là các xe nước mía cổ truyền lề đường mà dưới hình thức các cửa tiệm nho nhỏ sơn phết đẹp đẽ. Tiền thuê cửa hàng trang trí tân kỳ và nhân viên đồng phục đẩy giá một ly “nước mía siêu sạch” khoảng 15 ngàn so với nước mía thường 10 ngàn một ly. Đa số cho rằng không ngon lắm vì để có hương, cửa hàng chỉ rót thêm si rô bạc hà, nho, cam… từ chai trong khi xe nước mía vỉa hè ép trái tắc hoặc dâu Đà Lạt dậy mùi và vị thơm trái cây thực sự. Có điều nước mía “siêu sạch” thì sạch hiển nhiên, không có ruồi bu vo ve trước đống bã mía thiên niên như xe nước mía lề đường. Cửa hàng nước siêu sạch thường đầu tư cao, chứ không phải mấy ông bà chủ nhân bình dân chung vốn cho xe nước mía thường vài triệu là hết mức.
Riêng trước các cổng trường học bán thêm dừa tắc tức là nước dừa tươi vắt thêm trái tắc, sữa tươi, si rô đá nhận… Thứ này không “nhận” vào ly để có hình dáng đơn sơ như xưa mà người bán nhận đá bào thành hình ngôi sao, quả bầu, trái tim, thú vật… “Nội dung” vẫn không thay đổi tức là xi rô đủ màu, thêm chút xíu sữa đặc, ăn vừa ngon, ngắm lại vui mắt hơn xưa.
Trước cổng trường còn có sữa tươi, sữa bắp, sữa đậu nành… Trời mát những thức này uống ấm nhưng trời nóng thì tất cả đều bỏ bịch đá. Một bịch toàn đá cục, hút vài ba hơi là hết nước, xong, ném bịch xuống… mặt đất hay gốc cây. Cho nên mùa nóng nhiều bịch rác nylon vứt bừa bãi lắm.
Một số con đường bán rau má mix, trà sữa, nước cam vắt. Chắc chắn làm gì có nước trái cây bán lề đường với giá bình dân mà chỉ là si rô, nước đường pha màu và hương liệu. Một thứ bán rất chạy cho trời nóng là kem bao giờ cũng xuất hiện khắp nơi. Yogurt không còn bán hũ như xưa nữa, khỏi mất công rửa hũ mà chỉ bán trong hộp giấy. Thạch dừa khi mới sản xuất rất được ưa chuộng vì lạ nhưng nay không còn hấp dẫn nữa, món này ít ai ăn nguyên ly mà chỉ pha thêm vào các chè hay cocktail. Sau này có “dừa Mã Lai” tức là rau câu nấu với nước dừa tươi đổ vào trái dừa ướp lạnh.
Nói tới rau câu là phải nhắc đến họ nhà “sương” gồm sương sa là thạch, sương sáo là phục linh bán nhiều ở xe đẩy rong và hàng quán, người Tàu gọi phù đình cấu. Riêng sương sâm phải mua ngoài chợ về nhà ăn chứ không hiểu tại sao những cửa hàng giải khát hầu như không có. Ở hàng bán “sương” bao giờ cũng bày thêm mủ trôm, mủ gòn, hột é, lười ươi. Những thứ này đều phơi khô sẵn có thể mua ở các ngôi chợ to… gửi mang đi xa được. Có cả sương sa, hột lựu đóng bịch sẵn, mua về bỏ tủ lạnh ăn liền khỏi cần pha chế. Hạt lựu hồi đó làm bằng bột năng dai dai, còn bây giờ vẫn “áo” bột năng nhưng bên trong là củ năng xắt hạt ăn dòn dòn ngon hơn. Một tiệm ăn ở trung tâm Saigon một trong những lý do nổi tiếng, nhiều người biết đến chính nhờ thực đơn tráng miệng có ly sương sa hột lựu bọc củ năng đó
Chanh dây thơm ngon và có thể giải khát quanh năm. Trái dừa lên xuống thất thường, cứ trời mưa mát mẻ thì giá hạ, trời khô nóng nực giá tăng lên. Hai loại khác đập đá vào ly ăn tương tự dừa là dừa nước nhai hơi sần sật nhưng phải pha thêm nước đường bên ngoài trộn vào và thốt nốt thường bán bịch các xe đẩy rong đậu trên đường…
Tàu hũ một chén, sữa chua một hũ đâu có giải khát nổi nên sinh ra món tàu hũ đá, da-ua đá cả ly to mới đã. Sâm bảo lượng, nhãn nhục, cocktail… đều đắt khách. Nói chung món nào ướp lạnh được đều có vẻ làm đã cơn khát. Ở các ngã tư đông đúc ưa có nhân viên của các nhãn nước giải khát đứng cạnh thùng ướp lạnh để bán nước ngọt đóng chai hay đổ sẵn ra bịch. Riêng các siêu thị luôn có quầy khuyến mãi nước giải khát bày ở mặt tiền. Trời khô rang nên thiên hạ xúm đông lại để uống nước khuyến mãi, mỗi người một ly nhỏ, không ít người cứ quay đi quay lại uống mấy lần đến đã khát mới thôi. Nước giải khát đóng chai rất nhiều nhãn hiệu gas nhẹ.
Sau này, Saigon xuất hiện xe nước ép trái cây. Nói là trái cây nhưng thực ra chỉ có cam và bưởi thôi. Nhiều khi cũng chẳng có xe mà bà bán hàng ngồi xệp dưới đất cạnh rổ cam chín, bao đựng ly nhựa và dụng cụ vắt cam vắt mỏi cả tay. Ngoài ra còn trái cây đĩa, không phải xe trái cây đẩy rong ngoài đường mà là các tủ kính cửa tiệm nhỏ. Một đĩa nhiều loại trái cây xắt miếng cùng mứt dừa, trên rải đá bào xi rô và sữa đặc. Các xe bán sinh tố đều bán thêm trái cây đĩa. Nhóm bạn trẻ thường rủ nhau đi ăn vì cũng giải khát nhưng không uống một hơi như nước mà có thức lai rai nhấm nháp vui miệng. Có hẳn một con đường từng được coi là khu phố trái cây đĩa vì đường không dài lắm mà có đến hai chục hàng bán trái cây dĩa. Khách khắp nơi nườm nượp đến nhất là vào buổi tối, xe gắn máy, xe đạp đậu xếp hàng dài dài đông nghẹt hai lề đường, chỉ trừ dân địa phương hiếm khi vào các quán hàng xóm này khi mỗi ngày chứng kiến dừa làm mứt trước miệng cống lớn và trái cây dập, xấu, thối hỏng được vạt bỏ, làm hàng vào buổi sáng lúc chưa có khách.
Cao cấp hơn là nước yến. Ngày xưa nghe nói yến là nghĩ ngay tới bậc đại gia đau ốm sắp ngủm tới nơi mới dám rớ tới. Còn nay mỗi tối cậu bé học thi được mẹ cho nhâm nhi lon nước yến giải khát ngọt khé cổ với vài ba sợi gì không biết, chắc lông chim yến rớt vào, cho thông minh sáng láng. Bà hàng xóm móm mém tu lon nước yến cho trôi tô cơm nguội. Bổ quá chừng mà giá cũng chỉ bằng chai nước ngọt. Duy mấy nhà khoa học rỗi hơi bỏ công phân chất tầm bậy rồi tuyên bố yến sào thiệt có đâu rẻ mạt như vậy. Trong lon nước yến, vật tưởng sợi như lông chim chính là nấm tuyết xé nhỏ còn chất nước nhớt không phải là nước dãi (???) chim yến mà chính thực… rau câu.
Dù sao lon nước yến cũng còn có lương tâm, chỉ dùng nấm tuyết và rau câu giả mạo chứ nhiều món giải khát khác mới thực sự độc địa hơn.
Học sinh thích rủ nhau vào “trà sữa” lôi cuốn người trẻ tuổi, cả người lớn đến trẻ em, từ nhân viên văn phòng đến học sinh sinh viên uống rất dễ ghiền. Từ quán đã ra tới xe vỉa hè. Nhiều người uống mỗi ngày, có khi hai, ba ly mặc kệ lời cảnh báo thức uống này dễ gây béo phì và thiếu dinh dưỡng.
Sữa đậu nành bán ngoài đường làm bằng bột béo với hương hóa học. Uống béo béo, thơm thơm, uống ly sữa đậu nành béo ngậy thấy hình như người mình cũng có phần… nở ra.
Nói chung muốn bán bất kỳ nước giải khát nào đều dễ dàng. Điều quan trọng là tìm địa điểm tức là nơi bán hàng thuê được giá rẻ hay vị trí ngoài lề đường không bị đuổi bắt. Sau đó tìm hỏi mua nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu, hương liệu… Người bán vừa bán hàng kiêm luôn chỉ dẫn công thức, cách pha chế thế nào. Đủ các màu xanh đỏ tím vàng, đủ các mùi dâu, nho, cam, táo, trà, cà phê… đủ vị ngọt, béo, chua, đắng… Xách mớ nguyên liệu từ về pha chế theo đúng lời chỉ dẫn của người bán là ra hàng được ngay rất thơm ngon nhưng chắc chắn là không… bổ dưỡng.
Cứ từ chợ hóa chất mà hình thành đủ thứ, từ nước sâm, đá me, ca cao… cho tới nước trái cây.
Hay là uống nước đóng chai cho chắc ăn. Úi trời, tới nước khoáng, nước tinh khiết đóng bình “theo công nghệ tiên tiến” đã “được kiểm nghiệm” chỉ là nước giếng khoan, nước robinet may mắn được lọc than than hay sỏi.
Cuối cùng cứ quay về “cổ điển” nước đun sôi lọc kỹ tại nhà là chắc ăn nhất.
Nhưng giải khát như vậy thì “lạc hậu”, lạt miệng quá, chẳng muốn uống chút nào.
SGCN