Hãy viết xuống lòng biết ơn

Trong sự hối hả và náo nhiệt của cuộc sống hàng ngày như hiện nay, nói một lời cảm ơn hay thậm chí là làm một cử chỉ biểu lộ thôi có thể là điều người ta ít có thì giờ nghĩ tới. Tuy nhiên, đối với những người thường xuyên thể hiện lòng biết ơn này, có thể nói Lễ Tạ ơn đến với họ mỗi ngày chứ không cứ gì phải chờ tới ngày ấy hằng năm.

Để thể hiện lòng biết ơn không khó. Người ta có thể làm điều đó một cách âm thầm, vào những lúc rảnh rỗi nhất trong ngày. Đó có thể là một vài dòng viết ngắn trên một mảnh giấy nhỏ rồi cất đi, hay một lá thư ngắn viết rồi gửi cho ai đó. Những dòng chữ được ghi lại từ những khoảnh khắc của niềm vui và nỗi buồn, của kỷ niệm bi thương và hạnh phúc, của hy vọng và tuyệt vọng.

Như câu chuyện rất dễ thương của bà cụ Nancy Bourcier sống tại Surprise, Arizona.

Sau khi chồng bà mất và con cháu sống tứ tán ở nhiều nơi tại khu vực miền Tây nước Mỹ, thì bà bắt đầu tập thử một thói quen mới là đặt một chiếc bình thuỷ tinh cạnh chiếc ghế bà hay ngồi cùng với một xấp giấy khổ nhỏ đủ màu sắc đặt bên cạnh. Thói quen này bà đã duy trì được năm năm nay.

Cứ mỗi đêm bà lại viết xuống một tờ giấy một điều gì đó mà bà đặc biệt biết ơn trong ngày hôm đó. Và bà thấy chiếc bình cứ ngày một đầy lên với những mảnh giấy nhỏ đầy màu sắc viết về lòng biết ơn của bà trong suốt cả năm. Rồi cứ đến ngày đầu của năm mới thì bà lại đổ chúng ra và đọc lại tất cả từng tờ từng tờ một. Những mảnh giấy không ghi ngày tháng và cũng không được sắp xếp theo thứ tự. Bà cứ nhẩn nha đọc lại từng tờ một và cứ mỗi lần đọc xong một tờ thì bà lại cảm thấy lòng biết ơn đó dâng lên trong lòng thêm một lần nữa.

Riêng câu chuyện của cô Nancy Davis Kho thì khác. Trước khi sinh nhật 50 tuổi, cô đặt ra cho mình một mục tiêu là sẽ viết 50 lá thư để bày tỏ lòng biết ơn, và hầu như cứ mỗi tuần một lá thư trong suốt năm bước sang tuổi 50 đó của cô.

Lúc đầu cô nghĩ đây chỉ là một dự định để làm cho cái năm 50 tuổi đó khác đi so với những sinh nhật khác, là vì đây là năm có vẻ hơi đặc biệt. Nhưng rốt cuộc sau khi hoàn tất 50 lá thư, cô đã cho gom lại và xuất bản thành một tập sách có tên “The Thank-You Project”.

Trước khi bắt đầu, cô Kho nghĩ cứ mỗi tuần cô sẽ chọn ra một người nào đó đã giúp định hình cuộc sống hoặc truyền cảm hứng cho cô.

Trong hai tuần lễ đầu của tháng Giêng, cô viết hai lá thư cho cha mẹ cô. Sau khi gửi thư đi rồi, một hôm cha gọi điện cho cô và bày tỏ sự thích thú, ông nói, “Nacy ơi, cha yêu lá thư đó quá.” Và ông đóng khung lá thư và treo trên tường trước bàn làm việc của ông. Sáu tháng sau, bất ngờ ông được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, và qua đời sáu tuần sau đó. Tất cả thật bất ngờ.

Dự định viết thư của cô Kho nay mang một ý nghĩa rất khác, cái chết của cha cô khiến việc viết thư của cô mang tính cấp bách hơn. Một trong những điều khiến tôi cảm thấy an ủi là cô biết rằng cha cô đã ngồi đó với lá thư, trong đó từng chữ đã được viết ra trên trang giấy, nói cho cha biết là ông đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời cô, về những gì ông đã dạy cô, và đó là lý do vì sao cô mang lòng biết ơn ông.

Cô có hơi thất vọng khi tập sách được phát hành chỉ ít ngày trước khi trận đạt dịch bắt đầu. Cô đã không thể tổ chức những buổi ra mắt sách và gặp gỡ độc giả.

Nhưng rồi kể từ đó cô được nghe phản ứng từ độc giả. Cô nghĩ tập sách đã được phát hành vào đúng lúc, là vì độc giả đã rút ra được một vài ý tưởng từ tập sách trong thời điểm khó khăn của đại dịch, rằng cuộc đời vẫn còn những điều gì đó để chúng ta biết ơn, và những điều đó cho ta cảm giác của hy vọng.

Giáo sư Amit Kumar, dạy môn tâm lý học tại Đại học Texas tại Austin và nghiên cứu về hạnh phúc trong nhiều năm, nói rằng lòng biết ơn là điều mà kết quả nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy có khả năng tạo điều kiện cho hạnh phúc và cải thiện sức khoẻ của con người.

Nhưng có điều giáo sư Kumar và các cộng sự viên của ông nhận thấy rằng dường như người ta không thường xuyên bày tỏ lòng cảm ơn người khác trong cuộc sống hàng ngày của họ. Mặc dù Lễ Tạ ơn đến mỗi năm một lần để nhắc nhở mọi người về lòng biết ơn, nhưng bên ngoài kia còn có rất nhiều cơ hội để người ta bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với người khác và người ta đã không biết lợi dụng những cơ hội đó.

Giáo sư Kumar và người đồng nghiệp là giáo sư Nicholas Epley của Đại học Chicago đã thực hiện một cuộc nghiên cứu khuyến khích những người tham gia viết thư bày tỏ lòng biết ơn tới những người đã tác động đến cuộc sống của họ. Sau đó, các nhà nghiên cứu yêu cầu người tham gia dự đoán người nhận sẽ cảm thấy thế nào sau khi nhận được thư.

Với kết quả là người gửi thường đánh giá quá thấp về điều tích cực mà người nhận cảm thấy khi nhận được những lá thư kia. Theo nhận xét của giáo sư Kumar thì người nhận thường tập trung vào điều thực tế là người gửi đang truyền đạt sự ấm áp, chân thành và làm điều gì đó tốt đẹp cho họ, và người gửi đang thể hiện lòng biết ơn đối với họ.

Giáo sư Kumar cho rằng việc hiểu rõ hơn về cuộc sống hằng ngày của chúng ta, những tương tác hằng ngày mà chúng ta có được với người khác, trong đó có việc bày tỏ lòng biết ơn, có thể khiến cho cuộc sống của chúng ta được cải thiện và là những điều mà có lẽ chúng ta nên làm thường xuyên hơn.

Riêng câu chuyện về lòng biết ơn của ông Daniel DeVries hiện đang sống và làm việc tại Hamilton, New York, là đặc biệt hơn cả.

Ông Devries được nhận làm con nuôi khi mới ba ngày tuổi và chưa bao giờ biết mặt cha mẹ ruột của mình. Ông may mắn có được một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc, nhưng rồi cả hai cha mẹ nuôi của ông lần lượt qua đời trong năm 2020. Cha nuôi mất vì COVID tại một viện dưỡng lão, và mẹ nuôi qua đời ba tuần sau đó.

Giữa sự mất mát to lớn này, ông DeVries quyết định muốn tìm lại người mẹ ruột của mình. Sau một thời gian tìm hiểu, ông đã tìm ra được bà có tên là Pamela Calzadilla, lúc đó là giám đốc điều hành của tổ chức thiện nguyện Meals on Wheels chi nhánh ở West Palm Beach, Florida. Ông bèn viết thư cho bà:

Mẹ Pamela thân mến,

Con biết rằng lá thư này là bất ngờ, nhưng với tình hình thế giới hiện nay, con muốn tìm và liên lạc với mẹ. Con chắc chắn 99% rằng mẹ là mẹ ruột của con. …

Con chỉ muốn nói lời cảm ơn rằng mẹ đã cho con làm con nuôi. Con có một cuộc sống tuyệt vời. … Con có một công việc rất tốt là Giám đốc Quan hệ Truyền thông tại Đại học Colgate, một người vợ tuyệt vời cũng làm việc tại Colgate, và mẹ có hai đứa cháu rất thông minh lanh lợi tên là Lucy (11 tuổi) và Nora (6 tuổi). Mẹ hãy vào xem qua trang Facebook của con để xem khuôn mặt chúng nó trông như thế nào!

Dù gì đi nữa, con vẫn luôn nói rằng con sẽ không tìm cha mẹ ruột của mình cho đến khi cha mẹ nuôi con qua đời, và thật đáng buồn là giờ cả hai đều đã khuất bóng. Mẹ con qua đời vào đêm 19 tháng 5 trong giấc ngủ sau nhiều năm mắc bệnh tim, còn bố con qua đời vì COVID trong viện dưỡng lão ở Warwick vào ngày 1 tháng 5.

Con hoàn toàn hiểu được nếu lá thư này đến như một cú sốc, và con cũng hoàn toàn hiểu được nếu đó là khoảng thời gian trong đời mà mẹ không muốn quay nhìn lại. Con không biết hoàn cảnh lúc đó khi con được cho làm con nuôi và con không muốn mẹ nghĩ rằng có bất kỳ áp lực nào để mẹ phải nói chuyện với con hay bất cứ điều gì, nhưng con muốn để dành sự lựa chọn ở đó và con muốn mẹ biết rằng con đã thành một người đàng hoàng và rằng quyết định của mẹ không chỉ mang lại cho con một tuổi thơ tuyệt vời mà còn cả một chương đời mới với vợ và hai cô con gái của con.

Con đã tìm được mẹ sau khi nhận được bản sao tờ giấy khai sinh gốc của con vài tháng trước sau khi tiểu bang New York cho mở hồ sơ của những người con nuôi. Nếu mẹ muốn nghe giọng nói của con như thế nào, hãy mở nghe chương trình podcast mà con đang thực hiện cho Đại học Colgate.

Con hy vọng chúng ta có cơ hội để nói chuyện! Nếu không được, vậy xin mẹ hãy xem lá thư này như một lời cảm ơn nồng ấm.

Trân trọng,

Dan Devries

Bà Calzadilla rất đỗi bất ngờ khi nhận được lá thứ từ con trai bà. Bà không có thêm người con nào sau đó, và khi bước vào tuổi quá 50 thì bà cảm thấy có điều gì đó trống vắng trong cuộc đời bà và tới lúc đó bà nhận ra rằng bà rất nhớ đứa con mà bà đã cho đi.

Rồi bỗng dưng người con trai tìm đến, và khiến bà cảm thấy như những lời cầu nguyện của bà đã được đáp trả. Bà vẫn luôn tự hỏi về đứa con đó, và liệu bà đã quyết định đúng khi cho đi đứa con lúc trẻ.

Bà đã khóc vì sung sướng khi nhận được lá thư đẹp đẽ đó báo cho bà biết về cuộc sống của đứa con trai và hai đứa cháu nội. Đây thật là một ơn lành khi biết được đứa con nay đã trở thành một người đàn ông tuyệt vời như vậy và được nuôi dưỡng bởi cha mẹ nuôi biết yêu thương. Đó là điều mà mọi phụ nữ đều mong muốn khi cho đi đứa con thương yêu của mình.

Bà Calzadilla cảm thấy rất biết ơn khi được trở thành một phần cuộc sống của con trai bà, và rất hạnh phúc khi người con trai đã lấp vào khoảng trống cuộc đời bà mà chẳng ai có thể làm được.

Và quả thực nếu không có lá thư tỏ lòng biết ơn rất rộng lượng đó của ông DeVries thì câu chuyện quá đẹp trên đã không xảy ra và thế giới thiếu mất đi một tình mẫu tử đáng được trân trọng.

Huy Lâm