Học kỳ III

Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn… Bài hát xưa thật xưa đó vẫn lại thỉnh thoảng nghe vang lên đây đó khi phượng đỏ thắm rộ lên đây đó, và tiếng ve nhất loạt ran ran từ tàng cây xanh mướt trên những con đường vắng vẻ.
Tuy nhiên, buồn là chuyện xửa xưa, khi ngày còn rộng tháng còn dài, chín mươi ngày qua cứ thơ thẩn mãi, chẳng biết đi đâu làm gì cho hết. Chứ ngày nay, ở thành phố phồn hoa nhất nước này, thời gian hối hả làm hết tốc lực vẫn không kịp với đồng hồ quay như ngựa phi đường xa. Hết niên học, thi xong các môn là nhẹ gánh, chỉ tên nào rớt mặt mũi bần thần, méo xẹo, lo ôn bài thi hẹn hè sang năm mới vui chơi. Đám qua cầu thở phào hớn hở, nợ với cuộc đời tạm chấm dứt một giai đoạn để chuẩn bị bắt đầu sang học kỳ III.
Lên núi xuống biển, về quê ngắm trăng câu cá, thậm chí du lịch ngoại quốc chỉ vỏn vẹn trong hai tuần đầu của tháng hè. Hiện nay do du lịch phát triển mạnh nên nhiều gia đình cũng có thể đi du lịch trong Nam ngoài Bắc hay ngoài nước. Thậm chí du lịch ở các nước Đông Nam Á có khi còn rẻ hơn tour trong nước. Sau kỳ nghỉ ngắn ngủi đó, thực chất hè của những tên cắp sách đến trường, từ đại học, trung học cho chí tiểu học, mẫu giáo, chính xác là học kỳ III, tiếp nối của hai học kỳ chính khóa.
Saigon là nơi hội ngộ của anh tài bốn phương tám hướng. Từ miền Bắc, miền Trung vào, từ cao nguyên xuống, từ miền Tây lên. Thành phố đông như kiến nên đương nhiên người khôn của khó, ba bốn mảnh bằng kê đầy kín “lý lịch” chưa chắc len chân vào đâu được nên chi suốt mấy tháng hè là thời gian lý tưởng để… học đắp thêm vào. Học bất cứ thứ gì có thể nuốt được, có thể chui đầu vào. Các trường tiểu học và trung học đều mở lớp ôn tập hè. Gia đình nào có ông bà cô chú trông chừng giùm con nít thì học sinh học một buổi các môn Văn, Toán, Anh, Lý, Hóa, thậm chí Sinh. Còn buổi kia là vi tính, vẽ, bơi, võ… Trên đời này có môn gì gà nhà mình thanh toán hết môn đó. Có năm thịnh hành học hát. Nhiều gia đình bình dân nhắm chen chân không nổi trên trường văn trận bút, vừa gian khổ vừa mờ mịt thì kiếm lò dạy hát đẩy con mình vào. Ông bầu mở karaoke cho học thuộc mấy bản nhạc nhớ nhung sướt mướt, luyện nhảy nhót hoa chân múa tay y chang các “sao” rồi quần áo phấn son đắp vào, được giới thiệu là thần đồng ca nhạc chuyên đi hát tại các đám cưới, đám sinh nhật, vừa tóe hào quang trên sân khấu vừa kiếm được chút ít thì thật… nở mày nở mặt!
Tuy nhiên, hầu hết con nít vẫn nghiêm chỉnh đồng phục đến trường như mọi ngày, vẫn bán trú cuối ngày về và nội trú cuối tuần về.
Sinh viên dù ở bất kỳ phân khoa nào đều nhất loạt học ngoại ngữ, vi tính. Nếu đầu óc còn khả năng nhồi nhét được thì học thêm luôn một hơi hai bằng đại học phụ: Anh văn và tin học. Tất cả các trường đại học, cao đẳng, trung học đến buổi tối đều trở thành trung tâm sinh ngữ hết. Tiếng Anh chiếm tuyệt đại đa số, kế đến là Hoa, Nhật, Hàn; cả Đức, Tây Ban Nha… cũng không từ. Vi tính cũng vậy, học gì thì lớp cũng đầy nhóc. Sinh viên năm cuối các trường đại học phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ và vi tính mới được cấp giấy tốt nghiệp. Chuẩn tiếng Anh đầu ra hiện nay là TOEIC, IELTS hay TOEFL với mức điểm tùy theo quy chuẩn của từng trường.
Các chứng chỉ này lại chỉ có giá trị trong vòng hai năm nên hè đến các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ được tổ chức lia chia. Học miệt mài ngốn ngấu, học quên ăn không ngủ. Nhiều sinh viên tận dụng thời gian bằng cách một buổi tối học lăn lóc luôn hai ca từ năm giờ đến bảy, từ bảy đến chín giờ tối mới bơ phờ thất thểu lê bước ra khỏi cổng trường. Các chương trình đào tạo liên doanh, liên kết, đào tạo từ xa, hàm thụ… quảng cáo như sao sa, bươm bướm; văn bằng đại học nhiều vô số như cát sông Hằng. Bởi vậy sau khi cấp tốc lấy xong bằng cử nhân Anh văn để điền vào lý lịch cho đủ trọng lượng, mọi người mới bắt đầu học cấp tốc lớp “căn bản Viết”, “sơ cấp Nghe”, “thực hành Nói”, “Anh văn giao tiếp”, “Anh văn đàm thoại”, “Anh văn xuất cảnh”, “Anh văn thông dịch”… Đến lúc này mới là thực sự học hành vậy.
Học sinh, sinh viên điên cuồng học hè. Giáo viên đồng thời cũng dạy hè cuồng điên. Không những chỉ mở tại trung tâm mà lớp học tư gia cũng la liệt. Phụ huynh bận đi làm tối mắt tối mũi đâu có thời giờ trông đến con cái, thôi cứ đẩy chúng vào các lớp học hoặc mời thầy về nhà kèm, học gì cũng được miễn có người “coi em” dùm, lượm lặt dăm ba chữ đâu đó không bổ… bề dọc cũng bổ… bề ngang! Tiêu khiển thời gian trong các lớp học chẳng hơn thả rông ngoài đường không kiểm soát được chúng. Người ta học mười chữ, con mình nhặt nhạnh được một hai còn hơn không có chữ nào! Cho nên người người đi học, nhà nhà đi học hè. Kể cả trẻ con mẫu giáo, nhà trẻ. Cha mẹ đi làm đâu có thời giờ trông con nên mới hôm trước vừa làm lễ bế giảng thì hôm sau tiếp tục ôm khăn gói, bình sữa lếch thếch mẹ bế đến trường học hè! Có nơi cô hiệu trưởng, phân trần với phụ huynh: “Ráng chờ 2 tuần nữa, cũng cho các cô xả hơi một chút”.
Ông bố trẻ có hai con gái nhỏ, một đứa lên năm, một đứa lên ba. Suốt hè tất bật đứa đón con đi học Anh văn, học vẽ, học bơi, học diễn kịch, học người mẫu nhí.
Tuy nhiên giáo viên cũng vất vả quay như đèn cù lắm chứ chẳng phải chỉ đứng lớp thu tiền. Vừa dạy học vừa đi học. Học cải cách, học chuyên môn… Năm nào cũng cải cách, khi một chương trình cải cách cuốn chiếu có vẻ sắp hoàn tất thì một chương trình cải cách mới ra lò cho giáo viên có cái tất tưởi tháng hè, nếu không học gì hết e lại nhàn hạ quá chăng.
Xưa kia giáo viên tiểu học chỉ cần bằng trung học sư phạm thì sau này phải xong cử nhân. Giáo viên trung học cơ sở tức là từ lớp Sáu đến lớp Chín trước chỉ cần bằng Cao Đẳng thì giờ đây phải tốt nghiệp đại học, thậm chí cao học đầy dẫy cũng không hiếm. Muốn làm cô bảo mẫu chuyên bưng cơm, phụ việc cho các cháu ở trường Mẫu giáo tối thiểu bằng tú tài. Bởi bằng cấp bị lạm phát nên cạnh tranh càng ráo riết. Bằng càng cao và càng nhiều bằng càng dễ đút đơn vào nơi nào đó, và có vẻ chắc chân bất kể tấm bằng đó có dính líu đến công việc chuyên môn hay không. Thành thử cuối cùng, thị trường mua bán, chạy chọt bằng cấp luôn luôn sôi nổi, rộn rịp…
Vì thế các trường, các trung tâm vẫn chạy đều năng suất không chút nghỉ ngơi. Nhất là trung tâm luyện thi và trường chuyên không nhanh chân mau hết chỗ. Các trung tâm nổi tiếng phải thuê nhiều địa điểm khác nhau để rải bớt học viên. Áp lực về thi cử, tuyển sinh khiến cả giáo viên, phụ huynh và học sinh đều không dám xao lãng chuyện học hành trong thời gian học kỳ III này.
Đây còn là thời gian kiếm thêm, đi chỗ nào cũng thấy trẻ con bán vé số, một nghề không cần chuyên môn, không giới hạn tuổi tác nên chi con nít nhà nghèo nhất loạt bươn ra đường. Ngay cả trẻ em từ miền Trung, miền Tây cũng theo cha mẹ đổ vào Saigon tận dụng thời gian hè rảnh rỗi bán vé số, bán bong bóng, phụ việc trong các cơ sở gia công để kiếm tiền mua quần áo, sách vở cho năm học mới. Riêng năm nay, nhóm người nhập cư giảm mạnh từ sau Covid nên số trẻ em bán vé số cũng ít hẳn hơn trước.
Đúng là học gì chăng nữa thì vấn đề đầu tiên là tiền đâu. Sinh viên tận dụng thời gian hè để làm việc: Giữ xe, phát tờ quảng cáo, chạy bàn quán cà phê hay tiệc cưới… Gần gũi với chuyện học nhất là vài sinh viên đi học thuê. Học viên các lớp tại chức cần văn bằng để bổ túc cho hồ sơ lý lịch. Họ bận công tác, họp hành, tiếp khách, chiêu đãi, nhậu nhẹt… nên đâu còn thời gian, đầu óc đến trường nữa. Sinh viên học thuê vào lớp thế để điểm danh có mặt, đồng thời có nhiệm vụ ghi chép bài vở dầy đủ, chi tiết, về giảng lại bài rõ ràng cho khổ chủ, làm tóm tắt càng hay! Tiếp thị cũng là một nghề thông thường của sinh viên. Giới thiệu sản phẩm mặc đồng phục tại siêu thị sang trọng nhưng công việc có hạn. Tiếp thị khuyến mãi hoặc điều tra thị trường cho các công ty lớn rất đơn giản và lịch sự nhưng tiếp thị cho những công ty sản xuất nhỏ chỉ là một từ mỹ miều ám chỉ việc bán hàng rong. Cứ cầm vài món hàng rong ruổi đầu trên xóm dưới mời chào rát cổ bỏng họng cả ngày để bán được vài món hàng ăn hoa hồng rẻ mạt… Sinh viên nào nhút nhát không nhanh tay, nhanh miệng thường làm công việc nặng nhọc như thợ phụ tại các công trình xây dựng. Nam sinh viên chạy bàn, giữ xe cho tiệm nhậu, quán cà phê với giá khoảng 25 ngàn đồng/giờ. Tính ra khoảng 6 triệu/tháng. Có sức khỏe, có “con xe” tốt thì chạy xe ôm công nghệ. Chỉ có điều sáng dậy đến trường mắt mũi nhắm nghiền chẳng còn chữ nào lọt nổi vào đầu. Nữ sinh viên bán hàng cho hội chợ, đứng chắp tay trước cửa nhà hàng, siêu thị để nghiêng mình chào khách hoặc đi tiếp thị bia… Công việc sau khá nhẹ nhàng nhưng quán bia ồn ào, ngả ngớn không hợp với tính cách sinh viên. Còn như tới khi cô thấy hợp thì đã trở thành tiếp viên, gái bao từ lúc nào không biết!
Nghề phù hợp nhất với sinh viên là kèm trẻ tư gia. Giá phổ biến hiện nay không qua trung tâm giới thiệu việc làm cắt xén khoảng 1 triệu/tháng, tùy cấp lớp và số ngày giờ học. Trò muốn học Văn, Toán, Lý, Hóa, Anh… môn nào thầy cũng bao biện hết mặc dù đôi khi nhằm phụ huynh “nhiều chuyện”, cứ kiếm cớ đi ra đi vào dỏng tai lên nghe bài giảng làm thầy cũng nhột nhạt. Lỡ gặp cô học trò lứa tuổi ô mai xảnh xẹ thì thầy sinh viên chết cứng vì phụ huynh chẳng nề hà, vác luôn cái ghế lại gần ngồi vắt chân chữ ngũ lom lom gác! Việc cảnh giác chẳng thừa chút nào vì đã có biết bao nhiêu mối tình “mực xanh”, “hoa tím” đã nảy nở giữa thầy và trò kiểu này!
Chuyên dạy thêm khá “chua” vì ngay giữa nội thành, phụ huynh thường kén chọn giáo viên đúng bộ môn, dày kinh nghiệm, giáo viên có danh hiệu giỏi cấp quận, cấp thành phố này nọ mới yên tâm giao phó sự nghiệp học tập của con mình. Vì thế sinh viên thường dạt xuống các gia đình tầm tầm hoặc ven đô. Cô sinh viên năm cuối của một trường Cao đẳng cho biết từ nhà trọ quận 1, cô phải đi dạy kèm tận Gò Vấp, Bình Chánh. Tối về khiếp vía vì bị tụi xì-ke ùa ra chặn đường vòi tiền, uy hiếp bằng cách chĩa ra… không phải súng lục hay dao găm, mã tấu mà là mấy mũi kim tiêm; hôm khác lại bị tụi cao bồi ép xe trêu ghẹo, đành giã từ lớp học, tiếc hoài con bé học trò vừa ngoan vừa giỏi.
Thật ra, lăn lộn mấy trong dịp hè, sinh viên cũng chỉ đủ phần nào ăn uống sách vở vì công xá cho các công việc đơn giản ấy rất thấp, nếu trang trải được hết mọi chi phí thì dĩ nhiên không còn thời gian học hành nữa. Cứ cắm đầu vào việc mưu sinh mải miết nên môn nào cũng nợ, cứ thi đi thi lại triền miên. Nếu không phải con nhà giàu hoặc quê gần quanh quẩn thì hầu hết sinh viên không nghĩ đến chuyện nghỉ hè. Họa chăng về quê vài bữa để na lương thực, thực phẩm lên… học tiếp. Con đường văn tự thật lúc nào cũng lắm vẻ nhiêu khê, gập ghềnh.
Ngoại trừ sinh viên trung lưu rủ nhau đi du lịch, picnic, thụt bi-da, chơi bowling, ngồi đồng lướt điện thoại tại các quán cà phê… Anh sinh viên năm thứ hai đại học Kinh Tế được bà dì chi viện, chăm chỉ đi câu lạc bộ cử tạ tập làm “con kiến mén”. Vui nhất là các chuyến đi thiện nguyện về vùng sâu, vùng xa xóa nạn mù chữ bao giờ cũng lưu lại những kỷ niệm đẹp trong đời sinh viên.
Lúc nào cũng chỉ học, chúi mũi học và làm thêm nên vui chơi là chuyện thật xa lạ với đa số sinh viên. Xi nê khoảng 80 ngàn đồng/vé, ca nhạc vài trăm là những địa chỉ ít khi đặt chân tới. Đàng hoàng thì kéo nhau ra quán cà phê cóc, quán chè, xe nước mía tán dóc. Còn không thì cuối tuần ở ký túc xá, cả bọn tụ tập lại uống rượu đế rẻ tiền hoặc sát phạt nhau bằng bài tiến lên. Chẳng cách nào kiếm tiền cò con mau chóng bằng bài bạc, càng đánh càng say máu, đồng hồ, xe máy, laptop… mang cầm luôn nên tại các ký túc xá Thủ Đức, vài sinh viên gia nhập các băng nhóm địa phương đi gây sự, trấn lột… để rồi vĩnh viễn giã từ mái trường đại học mà đã phải khó khăn ghê lắm mới lọt vào được, cùng lúc cánh cửa tương lai đóng sập xuống.
Biết sao được, sinh viên chẳng có gì giải trí, ngoài việc cắm đầu vào chiếc điện thoại bất kể sáng trưa chiều tối coi Tik Tok, face book, ibstagram, chơi games… Nhiều anh chị cả tuần không cầm lấy tờ báo, chưa một lần đọc sách vì giá sách quá cao. Mùa hè thời gian rộng rãi một chút, cảnh xa nhà xáp lại chơi với nhau cho đỡ buồn. Kết quả, “cua” của nhà trường chưa học xong, nhiều cô đã phải tìm tới bệnh viện Từ Dũ học bài học của cuộc đời chẳng dễ dàng chút nào.
Lại vào hè, lại phượng đỏ và ve sầu muôn thuở. Mùa hè với những vui buồn của thời cắp sách, nơi mái trường ngày mai ra đời chông gai lăn lộn, sẽ là một góc kỷ niệm êm đềm không bao giờ quên.

SGCN