Hội chợ làng

Chuyến xe tốc hành từ Saigon qua Tiền Giang, cầu Mỹ Thuận, Vĩnh Long, qua thị xã Trà Vinh xuôi xuống Vinh Kim đến Mỹ Long. Tôi ngạc nhiên khi trước mắt đột ngột hiện ra một cảnh chợ nô nức, huyên náo khác hẳn phong cảnh miền quê tĩnh lặng trên con đường ngồi xe suốt từ sáng đến xế chiều.
Chính là hội chợ làng. Sát đó là chợ thị trấn Mỹ Long và chợ hải sản, rau cỏ thịt cá vẫn điềm tĩnh thưa thớt buôn bán thường nhật, tỏ vẻ xa lạ, không buồn để ý đến khu hội chợ từ đâu bỗng đổ bộ đến tạo thành một đám đông vô cùng rộn ràng, lộn xộn. Chưa tới miễu nhưng tôi kêu xe ngừng, xà vào liền lập tức.
Hội chợ ở thành phố bao giờ cũng toàn hàng hóa, hầu như không có trò chơi: Hội chợ sách, hội chợ kim khí điện máy, hội chợ hàng gia dụng… Nếu có chỉ là một, hai gian nhỏ tô màu, vẽ tượng dành cho trẻ con trong lúc đợi cha mẹ dạo xem hàng. Đám cúng đình lớn dưới quê kéo theo nhiều trò vui chung quanh. Hội chợ tổ chức ngay trên bãi cỏ rộng ngày thường vốn là sân bóng đất cho lũ trẻ và thanh niên.
Hôm đầu tiên, muốn vào hội chợ phải mua vé, nhiều người thấy thế bỏ đi nên qua ngày thứ nhì, ban tổ chức dẹp hàng rào cho ai nấy vào cửa miễn phí. Bởi vì như mọi hội chợ miền quê, nơi này chỉ quy tụ toàn các quầy chơi may rủi cùng loại dưới nhiều vẻ khác nhau: Ném phi tiêu, ném banh, tạt lon, đẩy bi…, ném vòng chai, vòng rổ…, lắc xí ngầu… Bầu cua cá cọp ngoài sáu hình vẽ cổ truyền, vẫn gọi tên “bầu cua cá cọp” nhưng xuất hiện với nhiều hình vẽ khác nhau: con thỏ, con sóc… con lân, con rồng… nhưng không thấy hoa mai, hoa đào, hoa cúc… Chắc tại hoa hoét nhìn “ủy mị” quá, không thích hợp với môi trường sát phạt!
Tôi len vào một quầy quay số đông nghẹt . Sòng này chỉ có hai cửa giống như đánh chẵn lẻ. Nhìn vào thật dễ ăn vì sác xuất ăn thua năm chục phần trăm. Hội chợ làng, dân quê không có nhiều tiền nên chỉ chơi lải rải vài ngàn. Nhà cái chịu khó lượm bạc cắc, năng nhặt chặt bị. Vài người đứng dàn hàng ngang tích cực rao hàng không ngưng, chẳng biết cò mồi bu quanh thêm bao nhiêu mạng nữa. Một thanh niên chìa nắm phỉnh nhựa ra trước mặt, liến thoắng:
– 1 ăn 1, 1 ăn 5.
Thấy tôi chần chừ, anh ta thêm:
– Không chơi trả tiền.
Tức là không thích chơi nữa, đưa phỉnh hoàn lại tiền. Chưa kịp thưởng thức cảm giác cờ bạc ra sao, mười đồng nhựa tròn màu xanh đã bốc hơi nhấp nháy. Hèn chi hỏi ông bạn già dẫn đi casino Bavet chơi mà ông không cho theo!
Khách thắng dễ dàng thì nhà cái có nước dẹp tiệm. Nhưng nhờ đứng đó chơi một chút nên mới nấn ná chụp được vài tấm hình.
Cứ đứng cầm máy hình ngó nghía chẳng ai ưa nên tôi lại tốn thêm năm chục ngàn ở sạp ném vòng. Phần thưởng chỉ là mì gói, lon bia, gói bột ngọt… nhưng người lớn, trẻ con xúm đông xúm đỏ. Đám rổ nhựa được chủ nhân xếp nghiêng đều đặn rất khéo, làm sao để vòng ném vào bị dội ngược trở ra rất nhanh, rõ ràng không thể nào lọt chiếc lỗ bé xíu được. Vui là chính mà.
Toàn bộ hội chợ là mấy chục hàng như vậy. Những sạp hàng quây tôn tạm bợ, căng bạt sặc sỡ. Khi tấm nhựa làm phông vén một góc lên, tôi nhìn thấy tùm hum dưới đó, trên tấm chiếu là hai đứa bé xúm xít với vài món đồ chơi xanh đỏ, một người đàn bà ngồi chồm hổm ăn chén cơm giữa vài chiếc rương gỗ và tấm mền xếp cuối chiếu. Hội chợ tụ tập nhiều gia đình như vậy, cả vợ chồng con cái, anh chị em suốt năm trôi nổi theo hội chợ rày đây mai đó nay ấp này, mốt xã kia.
Micro thi nhau gào lên lẫn lộn mớ âm thanh ồn ào, rè rè, chát chúa. Miễn người đi chơi biết mình được mời vào quay số, ném vòng… là đủ rồi, chứ quảng cáo gì nữa thì chịu thua, không cách nào nghe nổi. Hàng nào không có micro thì chủ sạp rao khản đặc cả giọng. Vài hàng ế quá, chẳng khách nào lai vãng, chủ sạp đứng chống tay lên quầy trống buồn hiu nhìn mông lung, ruồi bu không đuổi.
Hầu hết hội chợ giành cho các hình thức cờ bạc. Phần đất dành cho trẻ em nằm ngay cổng ra vào là một hàng xe điện chạy vòng vòng trong khoảng bốn thước vuông và một hàng đu quay.
Tôi rất thích nhìn vòng đu quay quen thuộc đến ấm áp làm sao. Ai thủa ấu thơ không từng có lần ngồi trên đó: ngựa, voi, vịt… những con vật hoạt hình gần gũi dễ thương. Tôi chợt nhớ tới đoạn văn trong Bắt trẻ đồng xanh, The catcher in the Rye, Holden Caulfield khi nhìn cô em Phoebe vui thích với vòng ngựa quay, đã mơ ước được làm người đứng bên mỏm đá, trông chừng cho lũ trẻ nô đùa trên cánh đồng xanh…
Đu quay ở hội chợ làng nhìn xa màu sắc rực rỡ, đến gần mới hay các chú ngựa xanh tím, vàng đỏ… đã phai màu, tróc sơn từng mảng lộ ra những mảnh thiếc cong vênh hoen rỉ. Hết đợt này đến đợt khác, mỗi chuyến quay dăm phút đều kín chỗ. Nít nôi đâu có thấy sự già nua còm cõi của lũ ngựa tội nghiệp, hễ ngồi lên lưng là ngựa chiến dũng mãnh tung bờm cất vó phi nhanh, vó sải thật xa đến chân trời góc biển, vút cao lên đỉnh núi chót vót nơi ngự trị của những giấc mộng êm đềm bé thơ…
Trò chơi cho trẻ con có vậy là hết. Ngoài ra còn một hàng bong bóng, một xe cá viên chiên, vài xe cà rem dạo… Còn nữa, một xe xi rô với ba keo lớn nước đá màu nâu, đỏ và cam tượng trưng cho ba vị nước ngọt thông dụng xá xị, dâu và cam, một xe cóc ổi xoài xanh cắm que cắn một miếng chua muốn rụng răng!
Vậy là hết chỗ trên khu bãi cỏ. Tuy nhiên, từ cổng bãi là con đường ngắn dẫn tới miễu làng đang có hội, dãy nhà phố hai bên trong dịp này đã bị bít kín bởi vô số hàng quán. Con đường vốn rộng rãi nay rất chật chội vì thu hẹp bởi sạp hàng sát nhau ken chặt trải dài hai bên đường, người đi dạo lấn ra giữa đường, xe gắn máy vừa lách vừa bấm còi, ô tô lỡ lọt vào đây nhích từng chút. Thanh niên thắng bộ đẹp đẽ, nhiều cặp nắm tay khoác vai nhau thân mật đi giăng giăng như riêng tư chốn công viên. Họ đi lễ phần nhỏ, dự hội mới phần chính.
Nhiều nhất ở đây là quần áo, giống hệt như khu bán quần áo ở miễu Bà Chúa Xứ Đồng Tháp dọn về với đủ loại y phục. Ngoài quần áo cũ viện trợ đóng thùng vào VN qua ngả Cambodia, rất nhiều hàng mới giá rẻ mạt. Hai chục ngàn một chiếc áo thun đúng mốt Hàn quốc, dù chỉ giặt vài lần đã bị chạy sợi, phai màu vất đi vẫn rẻ chán chê. Một trăm ngàn cho ba cái áo ấm sơ sinh cổ viền lông thú ?! Ba chục ngàn chiếc quần kaki lụng thụng mặc vào y chang ca sĩ nhạc rock… Giá từ mười lăm ngàn đến năm bảy chục ngàn. Áo len, áo gió, sơ mi, quần jean, quần short… ngắn dài, rộng chật, đắt rẻ… cho đủ mọi ý thích, mọi túi tiền nam phụ lão ấu. Vì thế hầu hết khách dự hội đều chìm lỉm vào hàng quần áo, tíu tít ướm thử, cò kè trả giá và ít ai đi ra tay không.
Nếu không ưa quần áo may sẵn thì sẵn hàng vải vóc đổ cao như núi. Đo mét rưỡi gấm óng ánh về may bà ba, hai thước bảy soie sọc may đồ bộ… cùng lúc ghé qua hàng nữ trang xem nhẫn ngọc trai và vòng cẩm thạch giả, cắt mấy mét vàng về xâu lại làm dây chuyền, sợi xuyến cho lác mắt thiên hạ…
Mền bảo đảm rất rộng và rất ấm, thú nhồi bông bảo đảm đủ màu đủ con, kính mát nhập cảng bán xô bảo đảm vừa bán vừa cho, bàn bào rau củ dùng tới mười năm mới phải mua cái khác… Hàng trang sức đủ loại vòng nhẫn dây hột: Lược sừng trâu, kẹp ngà, gương đồi mồi đẹp hơn cả… đồ thật! Hàng bán mũ mua hai tặng một, mua ba tặng hai… Hàng nào cũng bắt mắt, cũng “bảo đảm”, cũng khuyến mãi phủ phê nên đâu bỏ qua được. Thành thử hàng nào tôi cũng như mọi người, hăng hái xáp vào chăm chỉ cầm lên bỏ xuống, ngắm nghía mải mê!
Đông nhất là sạp “chụp hình hiện đại” “kiểu nữ hoàng Nhật Bản”, “hai ngàn đồng một kiểu”, “một phút lấy liền”. Tôi tức cười khi nghĩ dù kiểu Nhật Bản, Đại Hàn, HongKong hay Ấn Độ… dù photoshop tích cực ra tay thì dung nhan mình vẫn không cách gì nữ hoàng  nổi, nên chi chỉ đứng ngoài nhìn rất nhiều cô cậu xếp hàng đợi tới phiên. Thợ chụp hình kiêm đạo diễn cho diễn viên nghiêng đầu, xoay lưng, xõa tóc… một cách chuyên nghiệp, cho nên cuối cùng ai bước ra đều mãn nguyện với tấm hình chuyền tay nhau xem hoài không chán. Nếu nhìn không giống hệt nữ hoàng thì chí ít cũng duyên dáng không kém các ngôi sao sân khấu, điện ảnh.
Khu này nhiều hàng ăn hơn trong bãi. Hủ tíu ít người ghé vì rõ ràng làm sao có vòi nước rửa chén ở đâu giữa đường phố, xe bánh mì thịt nướng bay mùi thơm phức, vài chiếc bàn nhỏ xíu bán hot dog, bắp rang, hai hàng kem tươi bán một ốc năm ngàn khó cạnh tranh với xe cà rem bán dạo. Nước mía cuối chợ, một hàng dừa tươi và nước ngọt đóng chai…
Cuối con đường để rẽ vào miễu là khu trái cây. Người bán quảng cáo vải thiều miền Bắc, xoài Thái Lan, thanh long Bình Thuận, bơ Đà Lạt… bên cạnh chôm chôm, sầu riêng, măng cụt… Khách hành hương mua trái cây rất nhiều để mang lễ vào miễu.
Tôi cũng thấy mấy hàng đường thốt nốt An Giang nhưng đặc sản Trà Vinh thì hoàn toàn vắng mặt. Từ lâu Trà Vinh nổi tiếng cốm dẹp, mứt bần, dừa sáp là loại dừa đặc ruột ở huyện Cầu Kè, sirô trái quách, nước mắm rươi tiến vua, tôm khô Vinh Kim… Riêng con loi choi giống như con lịch nhỏ ở vùng nước lợ hay vọp chong rừng sác với rượu đế Xuân Thạnh chắc là bay thẳng vào nhà hàng có đâu ngoài chợ.
Đi khắp hội chợ, vào chợ Mỹ Long hỏi mấy món đặc sản ai cũng lắc đầu. Thật tiếc ngày hội khách thập phương đi lễ, ai cũng muốn mua ít phẩm vật đặc biệt địa phương mang về làm quà mà bói không ra. Mãi lúc ngồi xe trên đường về Saigon, nghe hành khách kêu, ông tài xế vui vẻ ghé gian hàng vệ đường cho mọi người đổ xuống mua bánh ú và bánh tét Trà Cuôn. Bánh tét Trà Vinh từ lâu được biết tiếng với nếp thơm nhuộm lá dứa xanh rờn và nhân trứng muối.
Tôi quay lại hòa mình tiếp vào dòng người hội chợ. Khung cảnh của hội chợ nghèo miền quê có gì mà lôi cuốn đến vậy. Ở Mỹ Long hai ngày mà tôi đi hội chợ bốn lần. Con đường hội chợ lúc nào cũng nêm cứng người và sạp hàng, một chiếc xe gắn máy nóng nảy tông tôi suýt ngã, mang cái chân phải về Saigon chườm muối hơn nửa tháng sau vẫn còn bầm tím.
Ngày cuối cùng theo đoàn ghe “tống tàu” ra biển. Khi quay lại bờ, tôi chưa về miễu ngay mà rẽ ra hội chợ. Lễ đã xong, hội chợ đang dẹp muộn. Nhiều sạp đã dời đi mất để lại những ô cỏ dập nát trống hoác. Vài hàng sót lại, phông bạt đã cuộn gói chặt chẽ đặt chỏng chơ trên đất, ba thanh niên cửa hàng bắn bi đang vội vã tháo múi dây buộc, dỡ rất nhanh khung sườn trơ ra mấy tấm tôn rỉ thủng lỗ chỗ và vài cây cột tràm làm chống còn nguyên vỏ mỏng manh cong queo. Gió thổi cuốn rác rến bao nylon, lá chuối, giấy vụn… bay là là, thốc lên mặt đất lam nham, còn bết bùn cơn mưa hồi trưa.
Không còn người khách vãn cảnh nào ngoài tôi. Bãi đất hết nắng trống trải leo heo. Tôi ngồi ghé đống gạch vỡ bên bờ cỏ ăn que kem chợ tàn. Hội chợ đi rồi, giờ đang nhộn nhịp nhóm họp nơi đâu.
Tự nhiên sao buổi chiều thấy ngơ ngẩn…
Hàm Anh