“Ích nước, lợi nhà”
Không có chuyện nào ích nước, lợi nhà như chuyện mua xổ số. Xổ số mang lại số tiền khổng lồ cho ngân sách nhà nước, doanh thu lớn cho đại lý, tiền mưu sinh hàng ngày cho ngưới bán và niềm mơ ước đổi đời cho người mua vé số!
Đồng tiền mất giá, nên giải đặc biệt 2 tỷ chẳng mua được căn nhà. Chỉ là căn chúng cư 1 phòng ngủ thôi. Nên có người trì chí mỗi lần mua cả mấy chục tờ. Trúng cho bõ. Thành ra sau khi dò số, vé số xé trắng cả góc sân hay dồn làm kỷ niệm cả bao bố.
Là nguồn lợi lớn cho ngân sách nên vé số được phát hành hầu như từ Bắc chí Nam.
Mỗi tỉnh đều có công ty xổ số riêng. Miền Bắc có Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh…, miền Trung có Quảng Ngãi, Phú Yên, Kontum, Bình Định… Miền Nam có hơn hai chục công ty: An Giang, Bình Phước, Đồng Nai, Bến Tre, Long An… Ngày nào cũng vài nơi xổ: Miền Nam vào thứ Ba là Bến Tre, Vũng Tàu, Bạc Liêu; thứ Sáu là Bình Dương, Vĩnh Long, Trà Vinh…
Đánh đề được nhiều người ưa thích vì đánh ít mà ăn nhiều. Tuy nhiên đề không công khai, luôn luôn bị nhà nước truy quét. Trúng đề lớn quá cũng dễ bị nhà cái xù. Vì thế để hợp pháp và bảo đảm trúng số lãnh đầy đủ thì hầu hết người dân mua vé số.
Đó là niềm hy vọng duy nhất mang đến cơ hội đổi đời, nhất là người nghèo nên nhiều người dành hẳn ra một số tiền cố định để mua số mỗi ngày.
Ông xe ôm có mối chở rau chợ đều đều ngày một vé; nhà thơ nọ, vợ phát năm chục ngàn ăn sáng, ông chỉ uống ly cà phê đen vỉa hè, đổi bữa điểm tâm lấy hai vé… Ngày nào cũng cố gắng đều đặn như thế. Tờ vé số chỉ chục ngàn thôi nhưng hy vọng đặt vào đó lớn lắm. Chị bán bột chiên cho lũ học sinh sáng sớm đang nhanh tay đảo chảo trứng nhưng vé số đi ngang cũng mua liền hai vé. Hỏi bán lời lắm sao mà đã chi hai chục ngàn. Chị trả lời: “Mua giúp đó chứ không mong trúng số đâu”.
Nhiều người khác không thiếu tiền nhưng vẫn mong trúng mặc dù theo lý thuyết, tỷ lệ trúng số chỉ là 0,01%. Vé số mua đều đặn không vì mục đích tậu nhà đất, có vốn xoay xở, chia cho con cháu… mà lắm khi thuần túy theo thói quen, như là máu cờ bạc vậy. Mỗi người một cách mua số khác nhau. Bà chủ tiệm tạp hóa cầm nguyên xấp vé lật lật chọn rút ra hai tờ, nhét vào giữa cuộn tiền, cất vào bóp lẹ làng, coi như tờ vé số là một trong số những tờ tiền, như vật lấy hên chút nữa chiều vào giờ xổ sẽ biến hóa thành xấp tiền.
Người chuyên chơi vé số có nhiều cách mua. Có người chỉ mua vé số phút chót cận giờ sổ thường được coi là giờ may mắn, có người lại mua tờ vé được mời đầu tiên trong ngày, người khác nuôi con số đặc biệt nào đó như người ta nuôi số đề vậy. Mỗi người tìm con số hên riêng cho mình. Mua từ người già hay trẻ con, mua của người lạ hay quen, mua tình cờ hay chỗ cố định, mua vì thương người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, có con nhỏ, người tàn tật… Bàn vé số nào có vé trúng độc đắc hôm sau thế nào cũng có người tới hốt nguyên bàn.
Thật ra vé độc đắc khó trúng lập lại cùng một nơi. Người chơi vé số nay mua chỗ này mai mua chỗ khác vì ông thần may mắn đâu biết ghé chân chỗ nào. Dường như đàn ông mua số nhiều hơn. Phụ nữ xót tiền, cứ cất tiền trong túi chắc chắn, bảo đảm còn đó, ít dám bỏ ra nhiều chơi một thú vui rủi cầm chắc hơn may. Người già đâu còn biết kiếm tiền ở đâu nên chăm chỉ mua vé số. Đó cũng là thú tiêu khiển. Buổi sáng mua tờ vé số, buổi chiều lo dò số. Như thế cũng có chút việc bận rộn trong suốt một ngày quá rảnh rỗi, biết đâu lại trúng số có tiền lo đau ốm, hậu sự và cho thêm cho con cháu, đỡ nhờ vả đến chúng.
Hiện nay một vé giá 10 ngàn đồng. Có 8 giải từ giải Tám 100 ngàn đồng đến giải đặc biệt 2 tỷ. Người trúng giải Tám thường mua lại hết 10 tờ vé số. Biết đâu cái hên sẽ tới… liền liền!
Dù không chơi vé số nhưng gặp dịp, người ta vẫn có thể mua giúp cho người già, trẻ em hoặc người tàn tật. Tấm vé số như một sự giúp đỡ, sẻ chia. Thế nhưng nay, nhiều người tính toán kỹ lưỡng các món chi tiêu trong nhà, việc mua giúp ấy có phần hạn hẹp lại. Số khác vẫn tiếp tục mua với hy vọng Thần Tài bỗng dưng mỉm cười với mình chăng. Thật ra, độc đắc ngày xưa tậu được căn nhà ở thành phố chứ bây giờ, tiền bạc mất giá mau chóng quá nên trừ thuế 10% xong, số còn lại may ra mua được gian chung cư hay nhà nhỏ ở ngoại thành thôi. Bởi vậy có máu ăn thua thì phải mua một lúc cặp 2, 3 hay cặp 10… thì mới được món tiền lớn mua nhà, mua đất, đầu tư làm ăn buôn bán.
Nếu trúng số độc đắc, trừ phi mua dọc đường, còn thì người bán so cùi vé, biết ai trúng món tiền lớn, ngày hôm sau tìm tới xin thưởng ngay. Quan niệm Lộc bất khả hưởng tận nên bao giờ người trúng cũng phải chia tặng những người chung quanh, để ra ít nhiều cho từ thiện, thường là phát gạo mắm… cho người nghèo rồi mới chia cho người thân để tránh chuyện xui xẻo được cho là hay đi cùng với những may mắn lớn. Không thì trốn đi lánh mặt một thời gian để tránh người quen, họ hàng, kể cả người xa lạ từ đâu không biết ùn ùn xuất hiện xin xỏ cho mấy cũng không xuể.
Theo lẽ, vé của tỉnh nào trúng thì phải đến tận nơi đó lãnh tiền nhưng vì quá nhiều tỉnh ra vé số, và xem chừng dân thành phố mua nhiều nhất nên một số tỉnh mở văn phòng ở thành phố để người trúng khỏi phải đi xa lãnh.
Trong thực tế, không ai xuống tỉnh lãnh giải cả mà thường mất phần trăm cho đại lý để họ mang tiền đến tận nhà. Bởi vậy có người rửa tiền bằng cách mua lại từ đại lý các tờ vé cặp trúng độc đắc.
Đổi số từ đại lý đơn giản và mau lẹ, chỉ cần đưa tờ vé ra là đại lý chung tiền ngay trong khi có lần vé trúng bị công ty xổ số từ chối phát thưởng vì cho là là vé giả, gây kiện cáo mãi. Đại lý chung tiền cho vé trúng bất kể ít nhiều nhưng nếu chỉ vài trăm ngàn, người trúng có thể đổi ngay ở người bán vé số rong. Vì trúng ít nên bù lại nên mua cho họ ít tờ vé nữa. Lợi dụng việc này, kẻ gian đưa vé trúng thưởng giả cho người bán để lấy tiền. Vé được cạo sửa tinh vi và số tiền một vài trăm ngàn không nhiều lắm nên người bán, thường là phụ nữ, người già…. dễ dàng bị lừa. Cứ thế bọn chúng lừa vài người cũng đủ tiền ăn nhậu.
Ngày nay hầu như ai cũng có điện thoại thông minh nên thiên hạ dò số liền lập tức thay vì trước kia phải mua tờ dò số tí xíu sau giờ xổ.
Chưa khi nào người bán vé số đông như thế, cứ ngồi quán vỉa hè một lúc, vé số rong nườm nượp đi qua chìa nguyên tập. Một tờ lời mười phần trăm tức là 1 ngàn đồng. Một người chịu khó đi suốt ngày khoảng mười cây số sẽ bán được một, hai trăm vé; lời một, hai trăm ngàn. Đây là công việc tự do, không chịu quyền hành chủ trên, người dưới. Nếu không muốn ngồi một chỗ với chiếc bàn vé số cố định dưới gốc cây, cạnh cột đèn góc phố thì đi bán rong lời nhiều hơn, chỉ cần có sức khỏe và đôi chân dẻo dai cuốc bộ dãi dầu mưa nắng, len vào hàng quán, thả rong khắp đường xá, ngõ hẻm. Trước cửa các đình miễu nghe đồn linh thiêng luôn tập trung nhiều người bán vé số, kể luôn đám ma, cổng nghĩa trang vào các ngày lễ lớn… là những nơi nếu khấn khứa thành tâm, cõi âm có thể mách cho những con số hên! Những ngày lễ hội, tết… ngoài việc đắt hàng; đôi khi còn được khách cho thêm tiền. Nhưng cũng có những quán ăn, uống cấm người bán vé số vào bên trong.
Nhất là mùa hè, trẻ con nhà nghèo đổ xô đi bán vé số để giúp đỡ gia đình hoặc kiếm tiền đóng học phí, mua sách vở cho niên học mới. Một số người lớn tuổi, con cái trưởng thành không cần lo lắng nhưng vẫn đi bán vé số.
Vé số ế có thể trả lại cho đại lý trước 12 giờ trưa. Gần đây có ý kiến bảo vệ quyền lợi cho người bán vé số là được phát thẻ bảo hiểm y tế, được trả lại vé ế trước giờ xổ. Nhưng coi chừng nha. Lấy 100 vé, trả lại 20 vé thì ngày hôm sau chỉ được lãnh 80 tờ thôi!
Người bán vé số không ăn mặc luộm thuộm mà rất gọn gàng. Phụ nữ đứng tuổi luôn luôn là đồ bộ cho thoải mái nhưng các cô gái đôi khi quần jeans, áo thun, áo khoác, tay chân mang vớ, đội mũ rộng vành, che khẩu trang tránh nắng tươm tất. Nhiều cô không phải chuyên nghiệp bán vé số mà có thể là thợ may, bán hàng ăn… Có người tạo sự chú ý như mặc quần áo dạng chú hề, Thần Tài… Vào lúc nghỉ, nhất là buổi tối, họ mới đi bán vé số như một cách kiếm thêm. Một số trẻ em còn mặc nguyên bộ đồ đồng phục.
Dù sao nghề bán vé số cũng sinh biến tướng. Câu “Vé số xổ liền” ám chỉ những cô gái bán hoa giả dạng người bán số rong chào mời lơi lả khách nam giới. Một ông gần tám mươi mỗi chiều ra quán gần nhà ngồi uống chai bia. Ông lọt vào mắt một cô nên sau thời gian ngắn dốc sạch túi cho cô vé số “xổ liền”, ông về nhà đòi bán miếng đất dưới quê để tiếp tục nuôi dưỡng mối tình vé số.
Bán rong ngoài đường ẩn chứa rất nhiều bất trắc. Người bán vé số bị bắt nạt, bị giật vé, giật tiền, trẻ con bị lạm dụng… Hầu hết người bán vé số đều là người già, trẻ em, phụ nữ, tàn tật, là những người không có khả năng tự vệ trước những tai họa bất ngờ. Khi không có nghề chuyên môn, thất nghiệp, già cả, không biết cách àm ăn buôn bán… thì bán vé số là công việc cuối cùng được nghĩ tới cho những người chân yếu tay mềm, không có vốn này.
Nhiều người kiếm ăn khó khăn chỉ trông cậy vào tờ vé số. Người mua vé số, người bán vé số đều tăng. Vì vậy công ty xổ số xin tăng lượng vé số phát hành.
SGCN