Kẹo kéo vốn là thứ quà vặt bán rong dành cho cho trẻ con, giống như xôi ống, bánh tráng mạch nha, bò bía ngọt…
Những món quà nho nhỏ này được ưa thích không những chỉ thơm ngon mà còn làm thỏa mãn thị giác. Xôi ống được làm chín trong những chiếc ống tre be bé. Người bán xúc vào ống ít bột tẻ ướp lá dứa xanh biếc, đậy nắp kín, hơi nước bốc lên làm chín bột, ống xôi rút ra, trút vào mảnh bánh tráng màu trắng… Hay là mạch nha trong chiếc thau nhôm nhỏ được kéo lên, tráng mỏng tang trên bề mặt của một phần tư cái bánh tráng ngọt có rắc dừa…
Kẹo kéo cũng thế. Trước khi cây kẹo thơm mùi đường dai dai, dòn dòn bỏ vào miệng vừa mút, vừa cắn, vừa nhai, nó được trình diễn rất đáng đồng tiền. Cả một khối kẹo được bọc trong bao nylon. Khi bán tới đâu, người bán bọc khăn ẩm lót tay kéo ra từ từ. Tùy theo giá tiền mà cây kẹo dài hay ngắn, to hay nhỏ. Cái khéo léo của người bán là trong ruột của thanh kẹo, hạt đậu phụng xếp hàng dài dòn tan không hề ỉu. Tôi xin người bán cho kéo thử một cây kẹo mới biết việc này cũng cần chuyên môn lắm chứ chẳng chơi. Vì không quen tay thì khối kẹo cứng và trơn tuột rất khó kéo. Nếu kéo bằng được thì cây kẹo chỗ phình to, chỗ teo nhỏ quặt quẹo, cong vòng ngả rớt xuống. Cũng rất khó ngắt đứt kẹo và khi ráng ngắt xong thì tới mười phần cây kẹo lôi thôi đó không có đậu phụng bên trong…
Chắc vì khó kéo, dùng sức mạnh kéo mới ra được một cây kẹo nên kẹo kéo được ví von như tính keo kiệt. Những người giữ đồng tiền chặt chẽ khó rời ra bị gán ghép đến hình tượng thanh kẹo kéo hoài không dứt.
Người bán không cần khó nhọc lắm để kéo cây kẹo. Đầu khối kẹo sẵn “vòi” từ các lần kéo trước. Họ nắm lấy đầu đó, kéo rất mạnh cho dài ra, ngắt một cách dứt khoát để cho ra cây kẹo dòn và thẳng thớm, vỏ kẹo mỏng dính nổi hằn đốt từng viên đậu phụng nằm đều đặn bên trong theo chiều dài, quấn lại bằng mảnh giấy trắng nhỏ xíu. Kẹo ăn hết vẫn chưa bị mềm.
Đẹp nhất là cây kẹo không phải màu trắng ngà mà có sọc xanh đỏ màu mè nhìn thật vui mắt. Thủa nhỏ, có lần tôi nhìn thấy người bán biểu diễn cách làm kẹo ngay ngoài đường thu hút đám đông hiếu kỳ bu vòng trong vòng ngoài xem. Kẹo nấu thật ra rất đơn giản vì chỉ là đường thắng, thêm vani để dậy mùi thơm. Khó ở chỗ canh kẹo quấy vừa tới, non quá thì kẹo mềm, già quá thì cứng. Kẹo thắng xong, họ quấn vào cột đèn, kéo dài ra cả thước. Cứ quấn vào, kéo ra như thế nhiều lần cho tới khi khối kẹo dẻo và dai thì quật ngắn lại, dàn lên mặt xe, trút vào đấy một gói to đậu phụng rang đã bóc sạch vỏ, lăn qua lại một lúc cho đều rồi bọc lại thành một khối to to, dài dài là xong. Tận mắt chứng kiến cách làm nên khi khối kẹo vừa hình thành ngay trước mắt, ai nấy đều thích thú mua ngay ăn liền.
Bây giờ không biết cách làm kẹo như thế nào, quấn vào đâu để kéo chứ nếu nhìn thấy kẹo quấn cây cột đèn xi măng dãi dầu thời gian giữa đường xá đầy bụi bặm, khói xe thì chắc chắn chẳng ai dám ăn. Kẹo kéo không chường mặt ra nữa mà chui vào sản xuất trong các xưởng kẹo kín đáo.
Kẹo nằm trên xe đẩy nhỏ giống như xe cà rem, bánh mì thịt nướng… Trước và sau giờ học đứng trước cổng trường đón học sinh, ngoài ra thì đi lang thang hang cùng ngõ hẻm. Xưa thật xưa, kẹo kéo thường được đổi ve chai hàng vụn. Thay vì bán lấy tiền mấy món đồ giấy cũ, sắt vụn… chẳng đáng bao nhiêu, chủ nhà lấy mấy que kẹo cho trẻ bằng cách đổi mớ rau ngót, nắm bồ kết trong vườn, có gì đổi nấy. Những xe kẹo kéo đổi hàng như vậy chịu khó len lỏi vào tận miền quê, xóm nghèo buôn bán lần hồi. Vốn liếng kẹo không nhiều lắm, hàng hóa đổi được mang về bán lại kiếm thêm lời.
Sau này xe kẹo kéo còn trang bị thêm bàn quay số. Đó là tấm bảng gỗ tròn nhỏ đóng đinh phân thành nhiều ngăn có đánh số. Trẻ con bỏ tiền mua số, nếu tấm bảng ngừng đúng số đã chọn, người quay sẽ thắng được món quà: gói bánh nhỏ, cái còi nhựa hay chú lính để chơi chọi, không phải lính chì của Andersen mà chú lính bằng nhựa đặc màu xanh lá cây, màu hồng tươi… Nếu không may mắn thì cậu bé vẫn không thiệt thòi, mà được an ủi bằng một khúc kẹo kéo. Trò chơi may rủi này ăn dỗ khá nhiều học sinh nhịn bữa sáng. Trúng thì ít, đa số toàn nhận kẹo chỉ tổ ăn nhiều sâu răng… Dù sao kẹo cũng thơm ngon nên bữa sau có tiền, mấy chú nhỏ lại sà vào hàng kẹo kéo tiếp tục quay số không biết chán.
Quà cổ truyền xem chừng cũ kỹ quá: nước đá nhận, cà na, cấm chỉ, me ngào trét trên bánh tráng màu cam to bằng lòng bàn tay… chua chua ngọt ngọt không còn hấp dẫn nhiều khách hàng nữa. Mấy món xưa ơi là xưa này bây giờ phải vào những cửa tiệm nhiều Việt kiều lui tới may ra tìm thấy.
Đứng giữa thị trường hỗn loạn, khó mà cạnh tranh nổi với những quà vặt tân kỳ ngày càng phong phú: Kem tươi, kẹo cao su, kẹo phát sáng Trung quốc rất độc hại nhưng hình thức mới lạ hết sức hấp dẫn con nít… Kẹo kéo đơn sơ nhất định không đầu hàng chịu thua như các thứ quà vặt kia mà ráng xoay sở tìm lối thoát. Kẹo không bày sơ sài trên chiếc xe đẩy nữa, mà lôi kéo sự chú ý của khách hàng bắt đầu thờ ơ bằng cách gắn máy cassette trên xe.
Một thời gian dài, người ngồi trong nhà giật mình khi nghe ngoài cửa bỗng vọng lên những giai điệu vui vẻ rộn rã, đến mức phải đứng lên chạy ra mở cửa nhìn xem tiếng nhạc ấy phát xuất từ đâu. Những đĩa nhạc lậu hải ngoại thời gian đầu xuất hiện trong nước mang tới những âm điệu lạ lẫm, đầy lôi cuốn. Người ta phải tiến đến xe kẹo kéo để mua một, hai cây kẹo không phải vì thích ăn thứ kẹo này, càng không phải mua cho trẻ con mà chỉ vì muốn kéo dài thời gian một chút để nghe nốt bài hát, nghe thêm bài nữa. Vì thế kẹo kéo thường tìm chỗ ngưng hồi lâu đủ người ta có thời giờ tìm đến mua chứ không đi lướt nhanh.
Về sau quen thuộc tới nỗi khi nghe nhạc văng vẳng ngoài đường dù không nhìn thấy mặt, mọi người biết ngay đó là “nhạc kẹo kéo”. Nghe gọi có vẻ bình dân nhưng nhạc kẹo kéo thật ra không hề dở chút nào, hay là đằng khác vì đó là những đĩa hát thông dụng trên thị trường do các ca sĩ nổi tiếng hát. Điểm đặc biệt của nhạc kẹo kéo là thường vui tươi, hiếm khi nỉ non buồn rầu.
Sức mạnh của âm nhạc đã thu hút khách hàng được một thời gian dài. Vẫn khối kẹo bọc trong bao nylon kéo ra từng khúc ngắn đã hồi sinh. Đặc biệt kẹo kéo không ai ăn nhiều. Khúc kẹo chỉ ngắn chừng năm, mười phân. Chắc là ngọt quá mau ngán. Vả lại muốn mua nhiều hơn cũng khó. Kẹo dài quá thì khó đứng thẳng trong thời gian lâu, mập quá thì vỏ dày, ít đậu phụng cũng không ngon. Nếu muốn ăn nữa, tốt hơn nên mua hai khúc mặc dù trong khi đợi tới phiên, khúc thứ hai có thể mềm đi, cong rũ xuống như cọng cây thiếu nước.
Sau này, nhạc kẹo kéo nghe mãi cũng chán, người mua ít dần, kẹo lại ế. Không phải chỉ ế ở cổng trường mà đi rong cũng ế. Kẹo kéo cùng với bánh cam, bánh chuối, cốm bún, cốm mì… xem chừng ngày càng thoi thóp. Không chịu thua, kẹo kéo lại tìm cách vùng lên lần nữa.
Lần này, vẫn tiếp tục tiếp cận khách hàng qua con đường âm nhạc, nhưng thay vì để người mua nghe qua cassette những bản nhạc trở nên nhàm chán do băng đĩa giá rẻ tràn lan đã bão hòa trên thị trường, kẹo kéo cung cấp một hình thức mới mẻ là nhạc sống do ca sĩ xuất hiện tận nơi hát.
Người bán kẹo kéo bây giờ toàn thanh niên, thiếu nữ đa số có vẻ ngoài trẻ trung, đẹp mắt, có giọng hát một chút. Họ không bán ban ngày mà toàn đi buổi tối, ngừng chân ở những khu quán xá bình dân đông đúc. Dù sao kẹo kéo đã qua thời hoàng kim, không còn là món hàng độc lập với khách hàng yêu thích riêng của mình nữa. Khách không tự tìm đến kẹo kéo mà ngược lại, kẹo kéo phải cầu cạnh, nhờ vả đến thực khách của các quán ăn.
Kẹo kéo cũng không còn nằm trên xe đẩy. Trong một buổi tối, để có thể di chuyển đến nhiều khu cách xa nhau một cách nhanh chóng, phải dùng đến xe gắn máy. Trên đó gắn đồ nghề gồm micro, thùng loa. Thay vì trước kia có “nhạc kẹo kéo”, bây giờ là “ca sĩ kẹo kéo”.
Một nhóm độ hai, ba người. Mỗi tối nhiều nhóm như thế tỏa ra các khu ẩm thực trong thành phố. Xe ngừng một nơi nào đó, nhạc điều chỉnh thật to, một thanh niên cầm micro bắt đầu hát. Có người len lỏi vào trong quán, tận giữa các bàn ăn để hát. Kiểu đó dễ làm thực khách bực mình hơn là thích thú vì có vẻ quấy rầy, vỉa hè lại quá chật chội nên đa số hát ngay dưới đường cạnh chiếc xe gắn thùng loa.
Cũng giống như nhạc kẹo kéo, ca sĩ kẹo kéo thoạt xuất hiện được mọi người chú ý vì lạ mắt đi cùng với âm thanh ồn ào. Giữa phố phường, bỗng hiện ra một ca sĩ. Tất cả, dù nam hay nữ đều quần áo gọn gàng, kiểu cọ, không chút tỏ vẻ lam lũ của việc buôn bán một món quà vặt chỉ đáng giá dăm ngàn đồng. Hình thức của họ trông rất ca sĩ đường phố.
Dù giọng hát cất lên chỉ nhằm mục đích bán cho được que kẹo thì các ca sĩ kẹo kéo vẫn mang vẻ gì nghệ sĩ. Một số cho biết chỉ cần qua thử giọng một lần là được nhận đi bán ngay nhưng đa số mang trong mình sự đam mê ca hát. Một thanh niên thường đậu đầu đường cho biết anh từng học thanh nhạc và đã có cơ hội đi hát ở sân khấu đám cưới. Về sau không trụ nổi ở môi trường ganh đua khắc nghiệt đó, anh văng ra và dạt vào nghề ca sĩ kẹo kéo, nơi phần nào thỏa mãn đam mê khi được cầm micro hát say sưa, cho dù chỉ là hát giữa đám khán thính giả bận rộn ăn uống không muốn nghe và cũng chẳng ai muốn nhìn…
Trước kia xe kẹo kéo chỉ dừng một chỗ, khách tự đến xe để mua. Việc bán hàng ngày càng khó khăn nên sau này chia nhau thay phiên, một người hát, một người cầm kẹo đi mời từng bàn ăn. Cuối cùng ca sĩ vào hẳn quán vừa hát, vừa chìa bó kẹo ra mời. Cách bán hàng này khiến người bán lắm khi tủi thân vì bị khách xua đuổi không cần giữ lịch sự. Ngược lại vài người khách cao hứng hát vài bài, rồi mua liền mấy cây kẹo coi như… thuê micro, khỏi vào quán karaoke.
Các ca sĩ kẹo kéo bây giờ cũng giống như người bán xôi vò ở cột đèn ngã tư, chỉ là người bán thuê. Xe và dàn máy của chủ, ca sĩ ăn chia phần trăm với chủ trên số kẹo bán được. Chủ cung cấp kẹo, thậm chí chỉ lấy mối khỏi cần làm vì kẹo không còn đợi ai mua mới kéo ra như xưa. Kẹo sản xuất hàng loạt. Từng khúc kẹo đã kéo sẵn bỏ bao nylon kín, có thể để nhiều ngày xé bao ra ăn vẫn dòn không bị mềm. Bởi vậy chắc chắn mai mốt trẻ em sẽ không hiểu tại sao cây kẹo lại có tên là kẹo kéo.
Ca sĩ kẹo kéo chọn hành nghề quán ăn buổi tối có lẽ những nơi đó tập trung lượng khách đông. Chẳng hiểu sao lại là kẹo kéo mà không phải nem, bánh phồng tôm, đậu phụng rang… là những món đáng lẽ hợp với quán ăn, quán nhậu hơn. Và chỉ kẹo kéo một mình bươn chải chứ không nhân thể đi cùng với vài món ăn khác cho dễ bán hơn, món nọ đẩy món kia.
Cô nào chồng bỏ, chồng chê
Ăn cây kẹo kéo chồng mê, chồng về
Câu rao kẹo kéo truyền miệng nổi tiếng ngày xưa đó hầu như không ai nghe thấy nữa, mà ngoài chợ được rao ghép vào các món hàng khác: bánh mè, quần áo… Một bài ca đặc biệt dành riêng cho kẹo kéo đôi khi nghe vang lên ở các sân khấu hay băng đĩa như một khẳng định:
Nhanh lên nhanh lên em ơi đêm nay ôi sao đông vui kẹo kéo trên tay em bán chưa vơi. Mua đi ngại chi em ơi chắp tay mình hát trữ tình ai thích bài gì hát cho nghe không hay thì bạn đừng chê nếu hay thì bạn mua dùm tui nhé…! Giờ hai đứa có xe kẹo kéo đố ai đi tìm hạnh phúc như anh và em. Hai đứa mình nhớ hoài kỷ niệm một thời kẹo kéo ơi…
Dù sao, kẹo kéo đã cố gắng tìm mọi cách để tồn tại, chứ không thụ động chịu bị đẩy lui dần, mất dấu đi.
Hàm Anh