LẠI CHUYỆN LINH TINH TRONG NƯỚC
Cô hoa hậu bị kiện đòi nợ 1,5 tỷ đồng cho là vu khống
Chiều 3/11, vụ tranh chấp đòi nợ và bồi thường danh dự giữa nguyên đơn là bà Đặng Thùy Trang và bị đơn là Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên đã được TAND quận Gò Vấp thụ lý.
Trong đơn khởi kiện, bà Trang cho rằng từ tháng 6/2017, Thùy Tiên biết bà là bầu show, nhà đầu tư cho một số thí sinh có tiềm năng của cuộc thi “Hoa khôi Nam bộ 2017”. Do cần tiền để tham gia cuộc thi này, Thùy Tiên đã chủ động đề nghị bà Trang giúp đỡ và cho vay 1,5 tỷ đồng để đầu tư trang phục… với mục đích được nằm trong top 3. (Top 3 tức top 3 người vào chung kết, nắm chắc nếu chẳng được Hoa hậu thì cũng được Á hậu 1 hay Á hậu 2, OK kiếm ăn, mặc dầu kém xa Hoa hậu). Đến ngày 12/7/2017, bà Trang đồng ý cho Thùy Tiên vay.

Thời điểm này chồng bà Trang mới bán xe hơi và có tiền mặt nên đã đưa trực tiếp cho Thùy Tiên mượn. Sợ vợ không đủ khả năng thu hồi nợ nên lúc đưa tiền chồng bà có nhờ bạn là ông Nguyễn Quan Trọng đứng ra ký biên bản (ngày 22/7/2017) làm chứng, xác nhận với tư cách là bên cho vay, còn bà Trang cũng là người ký tên làm chứng. Trên giấy xác nhận nợ, Thùy Tiên đã ký, điểm chỉ và ghi rõ đã nhận đủ tiền.
Theo thỏa thuận trong bản nhận nợ, Thùy Tiên sẽ phải trả tiền trong thời hạn một năm kể từ ngày ký, mỗi tháng phải phải trả nợ một phần. Tuy nhiên, hết thời hạn trả nợ (ngày 21/7/2018), “người đẹp” không thanh toán số tiền nêu trên.
Nguyên đơn cũng cho biết, đến cuối tháng 4/2019, được Thùy Tiên hẹn tới quán cà phê tại khu Văn Thánh quận Bình Thạnh Thùy Tiên sẽ trả tiền. Bà Trang viết trong đơn khởi kiện: “Trong buổi gặp mặt, Thùy Tiên và những người đi cùng có mang theo tiền và họ yêu cầu tôi cho xem bản chính giấy xác nhận nợ. Lợi dụng sơ hở của tôi, Thùy Tiên đã tự ý giật lấy giấy xác nhận nợ và xé nhằm mục đích hủy chứng cứ vay nợ”.
Ngoài ra, bà Trang cũng cho rằng Thùy Tiên đã phát ngôn trên nhiều báo với nội dung không đúng sự thật về bà như “dụ dỗ các thí sinh tiềm năng ký hợp đồng vay nợ, mua giải…”. Người đẹp cũng tố cáo lên công an cho rằng bà Trang cùng đồng bọn dùng thủ đoạn để lừa cô “ký giấy nợ khống rồi đe dọa đòi nợ” để cưỡng đoạt tài sản của cô.
“Tất cả những phát ngôn của Thùy Tiên trong các bài báo là hoàn toàn bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tôi», bà Trang nêu, đồng thời đề nghị tòa tuyên án buộc Thùy Tiên phải trả khoản tiền nợ 1,5 tỷ đồng và bồi thường tổng cộng 932 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần, mất hợp đồng với đối tác và các chi phí đi lại làm việc với cơ quan điều tra..”.
Ngoài ra, nguyên đơn còn yêu cầu tòa buộc Thùy Tiên phải đăng tải thông tin cải chính, xin lỗi bà trên báo chí.
Liên quan đến tố cáo của bà Trang, Thùy Tiên từng thừa nhận có ký vào giấy nhận nợ, nhưng thực tế “không nhận bất cứ đồng nào từ bà Trang”.

Hòa bình Quốc tế năm 2021
Trả lời báo VnExpress, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo – người bảo vệ quyền lợi của Thuỳ Tiên – cho rằng việc bà Trang khởi kiện là quyền của bà “Nhưng với các tài liệu bà Trang đưa ra không có căn cứ nào thể hiện Thùy Tiên vay nợ và thực tế Thùy Tiên chưa từng nhận bất kỳ khoản tiền nào từ bà Trang. “Việc này tòa án sẽ căn cứ vào các chứng cứ để ra phán quyết”, luật sư Thảo nói.
Về vấn đề nguyên đơn yêu cầu bồi thường danh dự vì cho rằng mình bị xúc phạm, luật sư Thảo cho rằng : “Thùy Tiên không xúc phạm danh dự, uy tín của bà Trang, mà ngược lại, chính bà Trang mới là người thực hiện hành vi trái pháp luật đối với Thùy Tiên, bởi vì bà Trang đã đề nghị Sở Thông tin & Truyền thông xử phạt Thùy Tiên về cái mà bà gọi là “hành vi bội tín, lừa dối” và đưa lên mạng xã hội mặc dầu Sở Thông tin & Truyền thông chưa biết tới.
“Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên cũng đã khởi kiện bà Trang tại TAND quận Gò Vấp cũng về hành vi nói trên và tòa án đang giải quyết” , LS Thảo cho hay.
Tối cùng ngày, trên trang cá nhân, Thuỳ Tiên cho biết bao lâu nay cô im lặng không phải vì mình sai mà vì đang đối mặt với việc đặt lòng tin lầm chỗ. “Tiên cũng đã nộp đơn kiện những người vu khống mình ra tòa án và sẵn sàng để giải quyết vụ việc đến cùng» – cô viết.
“Tiên làm điều này hôm nay không phải vì tiền bồi thường cũng không phải chỉ vì mỗi bản thân mình mà Tiên làm vì để đứng lên đấu tranh cho công lý, cho những cô gái trẻ cũng đã từng hoặc sẽ rơi vào hoàn cảnh giống như mình…”, người đẹp chia sẻ thêm, đồng thời cho biết sẽ thượng tôn pháp luật, tin tưởng vào kết quả của tòa án”.
Người phụ nữ cắn đứt tai bạn gái của chồng
Chị Ngô Ngọc Hà, 30 tuổi, chặn đầu chiếc xe hơi của chồng đang chạy trên đường rồi leo lên nắp ca-pô, đập vỡ kính chắn gió phía trước và nhào vô trong xe, cắn đứt một phần tai của cô gái ngồi bên trong.
Chiều 03/11, chị Hà đã bị công an huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) mời lên cơ quan để điều tra, chuẩn bị khởi tố vụ án nhưng tạm thời cho tại ngoại.
Tại cơ quan điều tra, chị Hà cho biết gần đây có mâu thuẫn với chồng, đã nộp đơn ly hôn, chờ toà án thụ lý giải quyết. Ngày 22/10, khi đi siêu thị mua sắm trên quốc lộ 45 đoạn qua thị trấn Nông Cống, chị bắt gặp chồng lái xe chở một cô gái.
Chị Hà khai do ghen tuông nên lao tới chặn xe, sau đó leo lên nắp capo đạp vỡ kính chắn gió phía trước. Chị giật cửa xe rồi túm tóc, đánh cô gái đang ngồi bên trong vì cho rằng đó là “kẻ thứ ba” xen vô phá hoại gia đình mình.

Chị Hà cắn đứt mất một phần tai trái của cô gái. Nạn nhân bị thương tích khá nặng, đang nằm bệnh viện điều trị.
Ôi cha, ghen chi dữ vậy, lỡ uýnh lầm cô bạn làm cùng cơ quan hay con gái của “sếp” tiện đường đi nhờ xe ra siêu thị mua chút đồ thì mần răng chừ?
Xe Ferrari mang bảng số ngoại giao đụng chết người tại Hà Nội
Hoàng Bằng Việt, 25 tuổi, đã đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội, đầu thú hành vi điều khiển xe Ferrari biển số ngoại giao gây tai nạn khiến một người tử vong tại chỗ, một người bị thương nặng.
Ngày 03/11/2022 vừa qua, công an thành phố Hà Nội cho biết Việt, cư trú tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, đã ra đầu thú vào lúc 22 giờ ngày 01/11, tức hơn một ngày sau khi tai nạn xảy ra.
Nhà chức trách đã trưng cầu Trung tâm pháp y Hà Nội lấy máu, mẫu nước tiểu để giám định nồng độ cồn, chất gây nghiện với Hoàng Bằng Việt. Hiện, kết quả chưa được công bố.
Việt trình bày do hoảng loạn nên cùng bạn gái rời hiện trường, Công an Hà Nội cho hay.
Trước đó, khoảng 5 giờ sáng ngày 31/10, Việt điều khiển chiếc xe Ferrari, biển số 80-346-NG-74, chạy trên đường Lê Quang Đạo hướng về đường Lê Đức Thọ. Khi đến trước cổng trụ sở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, siêu xe đụng vào một xe máy đang chạy cùng chiều phía trướckhiến người điều khiển phương tiện này chết tại chỗ.
Tại hiện trường, chiếc Ferrari móp méo phần đầu bên phải, nằm cách xe máy khoảng 50 mét, cách nạn nhân 150 mét.
Theo cảnh sát, căn cứ kết quả tra cứu cơ sở dữ liệu đăng ký, quản lý phương tiện, xe trên đứng tên chủ sở hữu là nhân viên ngoại giao nước ngoài (Lào).
Xe Ferrari 488 Pista là dòng xe của Italy, sản xuất năm 2018, tốc độ tối đa 340 km/h, giá tại Việt Nam khoảng 30 tỷ đồng (tức cỡ 1 triệu 200 ngàn đô la Mỹ theo giá ngoại tệ chính thức hiện nay . Gọi là “siêu xe” bởi vì nó đắt tiền, chỉ có thế thôi. – ĐD).
Người điều khiển xe máy là ông Lê Đình Hới, 58 tuổi, cư trú tại phường Phú Lương, quận Hà Đông, chết ngay tại chỗ.
Tại hiện trường, xe Ferrari móp méo phần đầu bên phải, nằm cách xe máy khoảng 50 m, cách nạn nhân 150 m. (Nó chạy quá nhanh, quá khỏe nên hất văng nạn nhân và xe máy đi xa như thế .- ĐD).
Xe máy Honda Wave bị gãy đôi, nằm sát mép đường Lê Quang Đạo. Mặt đường có vệt bánh của siêu xe dài chừng 150 mét.
Do tai nạn liên quan đến xe biển kiểm soát ngoại giao nên toàn bộ hồ sơ đã được chuyển cho Đội Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) thụ lý.
Xe mang biển số ngoại giao gây tai nạn,có bị xử lý hay không?
Luật sư Phạm Thanh Bình- Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội- cho biết:
Theo khoản 7 Điều 25 Thông tư 58/2020/TT-BCA (Bộ Công an) ngày 16/6/2020 của Bộ Công an, quy định về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì biển số nền màu trắng, các số màu đen, có ký hiệu “NG” màu đỏ cấp cho xe của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và nhân viên nước ngoài mang chứng minh thư ngoại giao của cơ quan đó.
Riêng biển số xe của Đại sứ và Tổng Lãnh sự có thứ tự đăng ký là số 01 và thêm gạch màu đỏ đè ngang lên giữa các chữ số chỉ quốc tịch và thứ tự đăng ký (biển số 1 được cấp lại khi đăng ký cho xe mới).
Đối với người điều khiển xe mang biển NG gây tai nạn thì tùy từng đối tượng, từng trường hợp khác nhau sẽ bị xử lý khác nhau. Theo quy định tại khoản 1a, 1b Mục I Thông tư liên bộ 01-TTLN ngày 08/9/1988 của Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc điều tra, xử lý các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do người, phương tiện giao thông nước ngoài gây ra như sau:
a) Những người có thân phận ngoại giao (có hộ chiếu ngoại giao) làm việc tại các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, các cơ quan đại diện nước ngoài khác tại Việt Nam và các thành viên gia đình họ cùng sống chung với họ tại Việt Nam, những người có thân phận ngoại giao của các đoàn đại biểu , Chính phủ, Quốc hội, Nhà nước đến thăm nước ta, những người khác có thân phận ngoại giao, kể cả đại diện các tổ chức quốc tế và thành viên gia đình họ sống chung tại Việt Nam và không có Quốc tịch Việt Nam được Nhà nước ta cho hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao được hưởng quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được miễn trừ xét xử về hình sự, dân sự và xử lý hành chính với các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do họ gây ra.
Tuy nhiên họ phải tôn trọng luật lệ của Nhà nước ta, kể cả luật lệ về giao thông đường bộ, phải có trách nhiệm đền bù vật chất với các vụ tai nạn giao thông gây ra.

Có nghĩa, người lái xe thì dù thực hiện công việc hay ngoài phạm vi công việc khi gây tai nạn giao thông đều không bị xử lý hành chính, hình sự, bất khả xâm phạm về thân thể mà chỉ phải bồi thường về vật chất nếu gây tai nạn giao thông.
b) Nhân viên hành chính – kỹ thuật, nhân viên phục vụ của các cơ quan đại diện nước ngoài và các cơ quan nước ngoài khác (đã nêu ở điểm a nói trên) và thành viên gia đình họ không có quốc tịch Việt Nam, cùng sống với họ tại Việt Nam, các thành viên không có thân phận ngoại giao của các đoàn đại biểu chỉ được miễn trừ xét xử về hình sự, dân sự và xử lý hành chính đối với các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do họ gây ra tại Việt Nam trong khi thi hành công vụ, nhưng không được miễn trừ xét xử về dân sự và xử lý về hành chính khi không thi hành công vụ, phải có trách nhiệm đền bù vật chất đối với các vụ tai nạn giao thông do họ gây ra.
Như vậy những người này khi lái xe mà gây tai nạn thì chỉ được miễn trừ trách nhiệm, không bị xử lý hành chính, hình sự khi thực hiện công việc mà nước họ giao phó. Trường hợp gây tai nạn ngoài phạm vi công việc thì có thể bị xử lý hành chính và bồi thường vật chất nếu gây tai nạn giao thông.
Khi có một vụ tai nạn giao thông liên quan đến người, phương tiện giao thông đường bộ của nước ngoài thì công an cấp quận huyện nơi xảy ra vi phạm chịu trách nhiệm tiến hành các bước điều tra ban đầu như tổ chức bảo vệ hiện trường, cấp cứu người bị nạn, kiểm tra bằng lái xe, chụp ảnh, vẽ sơ đồ hiện trường, lập biên bản khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai nhân chứng và báo cáo ngay về Công an tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương để chỉ đạo điều tra giải quyết tiếp.
Việc tiến hành điều tra theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm sát việc điều tra của cơ quan Công an; cơ quan ngoại vụ ở cấp tỉnh, thành có trách nhiệm phối hợp giải quyết về mặt đối ngoại.
Đoàn Dự