Người ta kể câu chuyện có người đang đi dạo với chú chó của mình thì bỗng dưng bất ngờ dừng lại rồi tỏ vẻ như đang suy nghĩ một chuyện gì đó. Rồi quay ngoắt trở về nhà lại vì vừa mới nhớ ra là mình chưa làm xong một công việc.
Đây là một trong rất nhiều những câu chuyện bình thường trong cuộc sống của một xã hội dường như lúc nào cũng tất bật. Chúng ta chỉ cần thay cuộc đi dạo bằng những việc làm khác như nghe một bản nhạc, làm vườn, tập thể dục hay đi xe đạp v.v… thì đó chính là câu chuyện của một người trong chúng ta vậy.
Hầu như ai cũng có chung cảm nghĩ rằng cuộc sống ngày nay đi quá nhanh. Và một điều nữa là ngày càng lớn tuổi thì đa số chúng ta có cảm giác rằng thời gian lại càng đi nhanh hơn. Tuy nhiên, cái cảm giác đó đang xảy ra với nhiều người ở đủ mọi lứa tuổi hiện nay chứ chẳng riêng gì ai.
Các nhà khoa học nghiên cứu về sự nhận thức thời gian đưa ra lý do về sự bận rộn mới trong cuộc sống của nhiều người sau khi trở lại với cuộc sống “bình thường mới” và là sự tương phản với cuộc sống trong thời kỳ phong tỏa vì đại dịch, khi mà nhiều người có quá nhiều thời gian khi phải ở trong nhà và ranh giới của ngày trở nên mờ ảo vì ngày nào cũng giống như ngày nào. Một yếu tố khác nữa là vì muốn làm cho xong công việc – vì phải bù vào thời gian bị mất hoặc vì làm việc trong một môi trường quá nhiều việc – nên cứ ráng sức để hoàn tất cho xong công việc đó trong ngày chứ không muốn để chờ qua ngày hôm sau.
Nhưng chính thời gian – nghĩa là cái thời gian chạy trên chiếc đồng hổ – đương nhiên vẫn tiếp tục trôi qua bằng một vận tốc cố hữu, không nhanh hơn cũng không chậm hơn. Nhanh hơn hay chậm hơn chỉ là thời gian chúng ta cảm nhận, hay nói cách khác, là sự thay đổi khái niệm về thời gian của chúng ta.
Các nhà nghiên cứu nói rằng cái thời gian chúng ta cảm nhận này thường được điều khiển bởi cảm xúc, hay tâm trạng, của chính chúng ta. Chúng ta thường cảm thấy thời gian đi nhanh hơn khi chúng ta có những cảm xúc tích cực, chẳng hạn như vui vẻ và thích thú bất ngờ, và thời gian đi chậm hơn khi chúng ta có những cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như sợ hãi. Những ai mà công việc đòi hỏi phải đi dự hết cuộc họp này đến cuộc họp khác dài lê thê và buồn tẻ thì chắc là một ngày làm việc phải dài lắm. Nhưng những ai được làm một công việc mình thích thì thường là một ngày làm việc sẽ đi qua cái vèo.
Kết quả nghiên cứu cho thấy khi người ta được khuyến khích để đạt được mục tiêu hoặc đạt được điều gì đó quan trọng đối với họ, người ta thường cảm thấy như thể thời gian trôi nhanh hơn. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã cho những người tham gia xem những bức ảnh của chiếc bánh và những bức ảnh của hòn đá và yêu cầu người tham gia ước tính xem họ đã xem những bức ảnh đó trong bao lâu. Những người tham gia đưa ra ước tính số lượng thời gian mà họ nhìn vào chiếc bánh ngắn hơn so với thực tế.
Các nhà tâm lý nói rằng điều đó có lý do của nó. Khi người ta làm việc nỗ lực vì một mục tiêu nào đó thì điều đó giúp cảm thấy thời gian như trôi qua nhanh. Khi người ta có được động lực thì điều đó khiến cho công việc cảm thấy dễ dàng hơn, nhờ vậy mà người ta kiên trì với công việc đó lâu hơn.
Có nhiều người đang cố gắng thử làm chậm “thời gian cảm nhận” của mình lại bằng cách hạn chế sử dụng mạng xã hội, thay vào đó chơi trò chơi điện tử với con cái khi ở nhà và đi bộ hoặc đạp xe với bạn bè.
Một phụ nữ 60 tuổi ở Nashville thích thưởng thức những trải nghiệm mang lại cảm giác cho chính bản thân, chẳng hạn như nhấm nháp một tách trà hoặc hưởng hơi ấm của ánh mặt trời. Một người đàn ông 82 tuổi ở Arizona đọc lại cuốn nhật ký dày 1, 500 trang của mình để được suy ngẫm trọn vẹn về cuộc đời của mình. Một người đàn ông khác 59 tuổi ở Los Angeles lắng nghe những bản nhạc rock cổ điển, mà theo ông, những bản nhạc này đã đưa tâm trí ông trở lại nơi lần đầu tiên ông nghe chúng. Ông nói, hồi ức giống như là bơi xuôi theo dòng sông chảy thật chậm vậy. Cứ để tâm trí được tự do phiêu bồng.
Kể từ sau đại dịch, nhiều người trong chúng ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn để cố gắng tạo lại những thói quen sao cho thích hợp với cuộc sống bình thường mới. Do nhiều người nay làm việc ở nhà nên lịch trình sinh hoạt ngày càng đan xen giữa công việc và những sinh hoạt khác ở nhà khiến cho người ta đã vô tình để cho công việc len lỏi vào trong những giờ khác trong ngày mà đáng lẽ ra những giờ này là dành cho cho gia đình hoặc cho chính cá nhân mình. Điều này có thể dễ dàng khiến người ta cảm thấy như thể chiếc đồng hồ làm việc thực sự không bao giờ tắt hẳn.
Một lịch trình làm việc rõ ràng sẽ giúp nội tâm của ta được yên tĩnh hơn vì chúng ta đã biết trước những gì chúng ta làm trong ngày rồi.
Trong khi có được một lịch trình như thế rồi thì hãy cho nó giờ giấc nhất định – nghĩa là khi nào thì cần ngưng công việc lại và chờ ngày hôm sau làm tiếp tục. Được vậy thì chúng ta sẽ có thêm được một ít thời gian rảnh rỗi để làm những gì ta muốn và cảm thấy được tự chủ hơn.
Thông thường, chúng ta bị lạc vào trong những chi tiết vụn vặt trong ngày của mình – đưa con tới trường, thời hạn hoàn tất công việc ở sở, nấu ăn, dự tính làm một điều gì đó. Những điều nhỏ nhặt đó có thể làm cho thời gian dường như trôi nhanh hơn.
Vậy, hãy tập trung vào mục đích lớn hơn của những mục tiêu đặt ra. Lấy thí dụ: dự tính đi chơi trong một kỳ nghỉ. Đừng chú ý tới những chi tiết nhỏ nhặt của chuyến đi mà hãy mở rộng sự tập trung và suy nghĩ về chuyến đi sẽ mang lại những thú vị như thế nào và điều này sẽ giúp chiếc đồng hồ tâm lý trong tâm trí của ta chạy chậm lại vì nay ta có thể nhìn thấy rõ hơn mục đích đằng sau chuyến đi.
Nhưng không nhất thiết phải là một kỳ nghỉ phép. Nó có thể đơn giản là thử làm một cái gì đó mới. Tìm tới những nơi chốn mới mà ta chưa từng tới. Gặp gỡ những người mới. Hãy tự mình làm những điều đó. Đây là những bài tập mà ta có thể làm để tăng cường độ nhạy cảm của ta với thời gian.
Hãy dành thời gian cho người khác. Việc làm này mới nghe có vẻ như phản lại trực giác của chính mình, nhưng nghiên cứu cho thấy dành thời gian cho người khác khiến chúng ta cảm thấy mình có nhiều thời gian hơn.
Làm điều gì đó cho người khác sẽ giúp ta thoát ra khỏi suy nghĩ của chính mình (thường là nguồn gốc của vấn đề). Và nó có thể giúp ta ưu tiên những thứ quan trọng thay vì tập trung vào những thứ tầm thường.
Vì vậy, hãy dừng lại những việc ta đang làm và thực sự lắng tai nghe khi người bạn đời của mình nói chuyện. Hãy gửi tin nhắn cho ai đó có thể đang cần một lời tử tế. Và hãy gọi điện thoại nói chuyện với cha, mẹ, anh chị em trong nhà.
Và cuối cùng, để làm chậm cảm giác về thời gian của chúng ta, hãy thử tập và thực hành một vài thói quen hàng ngày. Chẳng hạn có người mỗi sáng ngồi thiền ngoài trời khoảng 10 phút. Sau đó chụp một vài bức ảnh một cái gì ở gần đó mà người ấy cho là đẹp và gửi bằng tin nhắn cho một người quen nào đó. Những bức ảnh thường là một cành cây, một bông hoa, một con bướm trên cành hay một con thú cưng. Rồi kế đến là nghĩ về một người nào đó đang cần một người bạn hay một sự quan tâm và nhắn tin cho người đó để gửi một lời chào.
Dành một chút thời gian để sống chậm lại, nhận ra vẻ đẹp ở chung quanh và chia sẻ nó với người khác sẽ có tác động lớn đến một ngày của chúng ta.
Huy Lâm