Luật sư nhân quyền Võ An Đôn đến Mỹ tị nạn
Luật sư nhân quyền Võ An Đôn và gia đình vào tối ngày 26/10 đã đáp xuống sân bay ở bang Arkansas của Hoa Kỳ để định cư tị nạn, sau hơn một năm bị chính quyền Việt Nam cấm xuất cảnh.
Ông Võ An Đôn, một luật sư ở Phú Yên bị chính quyền tước giấy phép hành nghề cách nay gần 6 năm.
Theo VOA, vào tháng 9/2022, ông Võ An Đôn, 45 tuổi, và gia đình được chính phủ Hoa Kỳ cho đi tị nạn chính trị nhưng phía Việt Nam đã cấm xuất cảnh “vì lý do an ninh” vào tối ngày 27/9 khi ông và gia đình làm thủ tục xuất cảnh từ sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất khởi hành đi Mỹ.
Theo ông Đôn, trong suốt năm qua các cơ quan ngoại giao của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã vận động với chính quyền Việt Nam để ông được xuất cảnh, và kết quả này chỉ đạt được khi người đứng đầu Bạch ốc đến Hà Nội.
Ông Đôn cho biết rằng ông nằm trong danh sách những người được chính phủ Mỹ đưa ra bàn thảo với chính phủ Việt Nam trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden vào tháng 9/2023.
Giới luật sư trong và ngoài nước bày tỏ vui mừng khi ông Đôn được đến Mỹ, đồng thời cũng lo ngại về những nguy cơ tìm ẩn đối với những người bảo vệ công lý về nhân quyền.
Hồi tháng 9/2022, Báo Công an Nhân dân của Bộ Công an Việt Nam có bài viết xác nhận về việc ông Võ An Đôn bị cấm xuất cảnh, quy kết ông Đôn trong thời gian hành nghề luật sư ở Phú Yên “có hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, đăng tải nhiều bài viết trên mạng xã hội, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài có nội dung mang tính bịa đặt, nói xấu luật sư, các cơ quan tố tụng, Đảng, Nhà nước Việt Nam… gây ảnh hưởng đặc biệt xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước”. Theo tờ báo này, vào tháng 11/2017, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên có quyết định thi hành “kỷ luật” bằng hình thức xóa tên ông Võ An Đôn ra khỏi danh sách Đoàn Luật sư Phú Yên.
Trước việc luật sư Đôn bị cấm xuất cảnh, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) lên tiếng nói đây là hành động cho thấy Việt Nam đang “trả đũa” và đàn áp người hoạt động bảo vệ nhân quyền.
Luật sư Đôn được biết tiếng khi thường xuyên nhận bào chữa, thậm chí miễn phí, cho các nhà hoạt động nhân quyền và những người yếu thế.