Monkeypox:từ cái tên đến chứng bệnh

Có vẻ như chỉ có các giới chức và nhân viên ngành y tế mới biết sợ.

Covid-19 vẫn còn biến thể và lây lan, nhưng bàn dân thiên hạ nay chẳng còn ngán ngại gì nó nữa cả. Nếu ngày trước người ta giành nhau một cái hẹn để chích và xếp hàng dài dặc trước các điểm chích ngừa không cần lấy hẹn – pop up clinic, thì nay lời kêu gọi chích mũi thứ ba, và mũi thứ tư, đã trở thành lời năn nỉ. Ở những nơi đông người, ngay cả ở những nơi kín mít, bít bùng như siêu thị, tiệm ăn… số người mang mask đã trở thành thiểu số. Thậm chí họ còn bị “nhìn nhìn”, và đã có tin tức về những trường hợp bị kỳ thị. 

Ngược lại, với loại bệnh mới mà không mới – monkeypox, thì lại khác.

Hôm thứ Tư 22 tháng 6, báo chí quốc tế đưa tin một du khách người Anh ở hòn đảo Naxos của Hy lạp được đưa bằng trực thăng Chinook về bệnh viện ở Attica. Ngó cái cáng mà ông ta được đặt vào để di chuyển mà thấy lạnh mình. Đó là loại Epishuttle – công cụ vận chuyển người bệnh phải cách ly. 

Sự việc diễn ra một ngày trước đó. Ông ta chỉ mới bị tình nghi là mắc chứng đậu mùa khỉ – monkeypox, và nếu đúng, sẽ là trường hợp thứ hai được phát giác ở Hy lạp.  

Ông du khách này sẽ phải du lịch tại bệnh viện đó ít nhất 20 ngày để được khám nghiệm trong một môi trường có kiểm soát.

Cách xử trí này cho thấy những nhà chuyên môn y tế đã cảnh giác hết mức, thậm chí có thể nói là sợ hãi, với chứng bệnh này. Hoặc họ quá ngán ngẩm khi thấy khả năng lại bị lôi kéo vào một cuộc trận chiến mà trong đó họ là những người thiệt thòi nhất, vất vả nhất trong cuộc tranh đấu với bệnh tật để cứu lấy những người bệnh (mà có vẻ đa số vô ơn).  Bên cạnh đó là cuộc chiến chính trị hóa bệnh tật.

Rất may là chứng bệnh này chỉ lây lan, và có thể lây lan nhanh, nhưng không gây chết chóc nhiều như Covid-19. (Đó là những gì người ta biết cho đến nay, nhưng, biết đâu, giống như với Covid-19, nó sẽ chẳng biến hóa khôn lường, và trở thành đại dịch? Nhân loại dại một lần đủ rồi.) 

Oan ôi loài khỉ 

Cái tên monkeypox, tiếng Việt gọi là đậu mùa khỉ, được đặt cho chứng bệnh này phải chăng vì bệnh bắt nguồn từ loài khỉ và chúng làm lây lan bệnh sang cho người?

Không, bọn con cháu Tôn ngộ không bị oan.

Cái tên bệnh đậu mùa ở khỉ hơi gây hiểu nhầm vì nó là một loại virus lưu hành thường xuyên nhất ở các động vật có vú nhỏ ở châu Phi, như chuột chẳng hạn, được cho là ổ chứa bệnh.

Virus này có thể nhiễm vào khỉ. Và theo tài liệu của y giới, bệnh này được phát giác đầu tiên vào năm 1958 ở Đan Mạch, khi các nhà nghiên cứu ghi nhận những vết lở loét trên da giống như thủy đậu trên những con khỉ cynomolgus nhập cảng từ Singapore và được nhốt trong một cơ sở nghiên cứu động vật. Trong thập niên sau đó, có thêm nhiều vụ bùng phát đã được báo cáo ở Hoa Kỳ, cũng ở khỉ, và là những con khỉ nuôi nhốt nhập về từ châu Á. Loài linh trưởng này được coi là vật chủ ngẫu nhiên của virus. 

Thế là người ta gọi nó là monkey pox, mặc dầu chẳng biết nguồn gốc của bệnh từ đâu. 

Trường hợp người bị nhiễm đậu mùa khỉ đầu tiên được ghi nhận vào năm 1970 tại tỉnh Équateur của Congo, ở một em bé chín tháng tuổi. Thoạt đầu, người ta tưởng là em mắc bệnh đậu mùa. Đến năm 1985, WHO đã ghi nhận 310 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở vùng nông thôn Tây và Trung Phi, với đa số ở Congo.

Người ta bắt đầu đi tìm nguồn chính của virus đậu mùa khỉ. Một cuộc khảo sát năm 1985 trên 383 động vật hoang dã, gồm khỉ, các loài gặm nhấm và dơi ở miền bắc Congo cho thấy kháng thể đặc hiệu bệnh đậu mùa khỉ trong mẫu máu của hai con sóc, loài sinh vật có thể bị săn bắt và làm thịt. Một trong hai con sóc đó bị lở da, và các nhà nghiên cứu đã phân lập thành công một loại virus đậu mùa ở khỉ giống hệt virus đã thấy ở người bị bệnh từ mô của con vật này.

Vào tháng 3 năm 2012, một nhóm các nhà nghiên cứu khác đã phân lập được virus này từ loài khỉ có tên là sooty mangabey ở Công viên Quốc gia Côte d’Ivoire’s Taï, và vào năm 2020 từ loài tinh tinh (chimpazee) phương tây. Gần đây, một nghiên cứu khác vẫn chưa được xem xét lại đã tìm thấy bằng chứng về virus ở chuột chù và một số loài gặm nhấm sống ở lưu vực Congo.

Joachim Mariën, một nhà sinh thái học về bệnh tại Đại học Antwerp của Bỉ, cho biết, mặc dù loài gặm nhấm bị nghi ngờ là ổ chứa chính của bệnh đậu mùa ở khỉ, nhưng không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy những loài động vật này, bị săn bắt để lấy thịt hoặc nuôi làm thú cưng, đã lây lan virus sang người, 

Đến năm 1970 những ca đầu tiên của chứng bệnh này mới được nhận thấy ở người, tại Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). Sau đó, bệnh này được thấy ở người tại nhiều nước trung và tây Phi châu. Trước năm 2022, gần như tất cả các trường hợp monkeypox ở người ghi nhận được bên ngoài Phi châu đều liên kết với sự đi lại đến các nước thường có bệnh này hoặc với thú vật nhập cảng. 

Nhờ đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ khét tiếng năm 2003 ở Hoa Kỳ – lần đầu tiên bên ngoài châu Phi – người ta đã có được một cái nhìn sơ lược về cách thức lây truyền từ động vật sang người của loại vi rút này. Ít nhất 37 người ở 6 tiểu bang: Illinois, Indiana, Kansas, Missouri, Ohio và Wisconsin đã bị ốm sau khi chăm sóc hoặc vuốt ve những con chó đồng (prairie dog) bị nhiễm bệnh. Hóa ra, những loài gặm nhấm này rất có thể đã nhiễm virus khi được nuôi chung với các con chuột sóc (dormouse) và những con chuột túi khổng lồ (Gambian pouched rat) được một nhà buôn thú vật ở Illinois nhập về từ Ghana.

Điều này rõ ràng là bọn khỉ bị lây bệnh chứ không phải chúng là tác nhân gây bệnh. Chúng chỉ mang bệnh – từ đâu đó, rồi truyền đi như các con thú gậm nhấm như sóc, chuột…  

Trong y học cũng có hai từ – tiếng Anh, khác có chữ pox và có liên quan đến súc vật là chicken pox và cowpox. Nhưng chẳng ai (hay chưa thấy ai) gọi chicken pox là đậu gà và cowpox là đậu bò cả! Người ta gọi chickenpox là thủy đậu, còn cowpox thì trước nay chưa hề thấy nhắc đến trong tiếng Việt ngoại trừ một số bản dịch liên quan đến thuốc chủng ngừa đậu mùa được bác sĩ Edward Jenner sử dụng đầu tiên. 

Rồi cái tên tiếng Việt “đậu mùa khỉ” cũng có thể chẳng chính xác lắm. 

Đậu mùa là đậu mùa, smallpox, còn monkeypox có phải là đậu mùa đâu, gọi thế người ta có thể hiểu (lầm?) là bệnh đậu mùa ở khỉ, do khỉ, hoặc từ khỉ. (Mà cũng lạ, tại sao lại gọi là đậu mùa, chẳng lẽ nó diễn ra theo mùa? Người kể chuyện rà hoài không ra câu trả lời cho câu hỏi này.)

Smallpox và monkeypox

Đậu mùa do hai biến thể virus Variola major và Variola minor gây ra. Trong khi đó, virus gây bệnh monkeypox thuộc chi Orthopoxvirus trong họ Poxviridae. Variola virus (gây bệnh đậu mùa – smallpox), vaccinia virus (dùng trong vaccine ngừa smallpox), và virus bệnh cowpox củng nằm trong chi Orthopoxvirus. Monkeypox không có quan hệ với chickenpox – thủy đậu. 

Năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo 4.594 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 171 trường hợp tử vong (tỷ lệ tử vong là 3,7%). Được gọi là “nghi ngờ” vì muốn xác nhận cần phải có kết quả xét nghiệm PCR, một việc không dễ thực hiện được ở các khu vực có bệnh.

Gần như tất cả các đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi trước năm 2022 đều do lây từ động vật sang người. Hiếm khi có báo cáo về sự lây truyền liên tiếp từ người này sang người kia. 

Nhưng các trường hợp mới được báo cáo, tức là từ tháng 5 năm 2022 đến nay, liên quan đến những người đã du hành đến các quốc gia bên ngoài châu Phi.

Điều đó làm tăng thêm sự lo lắng.

MPXV

Trở lại với chuyện cái tên, chỉ vài ngày nữa, người ta sẽ hết còn phải thắc mắc với cái tên đậu mùa khỉ. Tổ chức Y tế thế giới đã công bố họ sẽ tìm cho bệnh này một cái tên để tránh gây ra kỳ thị, phân biệt.

Tổng giám đốc của WHO, Dr. Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay WHO đang “làm việc với các bên cộng tác và chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới để thay đổi tên của vitus đậu mùa khỉ, các nhóm của nó và căn bệnh mà nó gây ra”. Ông Tedros cho biết một thông báo về tên mới sẽ được đưa ra “càng sớm càng tốt”.

Các nhà khoa học, trong một báo cáo được công bố vào tuần trước, kêu gọi thay đổi “khẩn cấp” tên mà họ mô tả là “không chính xác”, “phân biệt đối xử” và “kỳ thị”.

Bạn đọc chắc chưa quên rằng hồi cao điểm của Covid-19, đã từng có những quan ngại tương tự khi các biến thể Covid mới được đặt tên theo quốc gia hoặc khu vực nơi chúng được phát hiện lần đầu tiên, dẫn đến lệnh cấm đi lại và các hạn chế khác. Đáp lại, WHO đã đưa vào một hệ thống đặt tên gọi các biến thể mới là các chữ trong bảng chữ cái Hy Lạp – từ Alpha, Beta… rồi đến cái biến thể vẫn đang tiếp tục biến đổi hiện nay là Omicron.

Trong báo cáo, các nhà khoa học nêu lên lo ngại rằng “nhận thức phổ biến” trên các phương tiện truyền thông và tài liệu khoa học là virus đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu ở người ở một số quốc gia châu Phi, trong khi virus này được tìm thấy nhiều ở động vật, nơi mà trước đây thỉnh thoảng bùng phát các đợt bùng phát khi chúng lây nhiễm sang người.

Các nhà khoa học cảnh báo về việc các phương tiện truyền thông và nhiều nhà khoa học đang “cố gắng liên kết sự bùng phát toàn cầu hiện nay với Châu Phi hoặc Tây Phi, hoặc Nigeria”. 

Các chuyên gia viết: “Trong bối cảnh bùng phát toàn cầu hiện nay, việc tiếp tục nhắc đến và danh pháp của loại virus này là châu Phi không chỉ không chính xác mà còn mang tính kỳ thị và phân biệt đối xử. WHO cũng phê phán việc sử dụng ảnh của các bệnh nhân châu Phi với các nốt mụn đậu để minh họa trong khi các bài báo lại tường trình về đợt bùng phát ở miền bắc địa cầu.”

Thế là trong khi chờ đợi, WHO và các nhà khoa học tạm dùng tên tiếng Anh: human Monkey PoX Virus, viết tắt thành hMPXV, để phân biệt con virus đang gây ra đợt bùng phát quốc tế hiện nay ở người với con virus thường thấy nhất ở động vật.

Đậu mùa khỉ và Covid-19: những điểm khác và giống 

Chưa thoát khỏi Covid, khi nghe đến thêm một thứ dịch nữa, người ta không khỏi hoảng sợ. Liệu đậu mùa khỉ có lây lan mạnh, biến thể lung tung và giết nhiều người như SAR-CoV 2 hay không? 

Điều may mắn, theo y giới, virus đậu mùa khỉ là một loại virus DNA. Bộ gene của nó được mã hóa với khoảng 200.000 đơn vị di truyền trong khi bộ gene SARS-CoV-2 nhỏ hơn nhiều: khoảng 30.000 đơn vị. Rosamund Lewis, người đứng đầu Bộ phận chuyên trách bệnh đậu mùa của WHO, cho biết tại một cuộc hỏi đáp trực tuyến ngày 23 tháng 5, những virus DNA như đậu mùa khỉ có xu hướng không đột biến, khá ổn định và ít có khả năng tạo ra các biến thể.

Hai loại virus cũng lây truyền hơi khác nhau. 

May mắn (?) đậu mùa khỉ không lây lan qua không khí dễ dàng như thế. Muốn lây, thường là phải qua tiếp xúc gần gũi trực tiếp hoặc gián tiếp với chất dịch cơ thể hoặc chất từ chỗ mụn đậu của động vật/ con người bị nhiễm bệnh, bao gồm cả các đồ vật đã bị ô nhiễm như quần áo, khăn, tấm trải giường… Virus có thể xâm nhập vào cơ thể qua chỗ da bị vỡ (ngay cả khi không nhìn thấy), đường hô hấp, hoặc màng nhầy của mắt, mũi hoặc miệng.

Lây truyền virus hMPXV từ động vật sang người có thể xảy ra do vết cắn hoặc vết xước, hoặc qua việc chế biến thịt rừng – (chuyện này giống Covid?). Trong khi đó, lây truyền từ người sang người được cho là chủ yếu xảy ra qua các giọt đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp lâu dài, nhưng cũng có thể lây truyền qua đường tình dục khi tiếp xúc với chất dịch cơ thể của người bị bệnh (Một trong những lý do để hiện nay các “đối tượng” đồng tính ái, đặc biệt là gay, được mời…chủng ngừa. Theo Cơ quan An ninh Y tế Anh quốc, virus hMPXVi  đe dọa nhiều hơn “trong mạng lưới tình dục của những người đồng tính nam, song tính và những người đàn ông khác có quan hệ tình dục đồng giới,” bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh khi tiếp xúc gần gũi với một người bị nhiễm bệnh. Ở Canada, Quebec cũng đã mời chào giới LBGT đi chủng ngừa monkeypox) 

Dấu hiệu, triệu chứng 

và độ nặng

Theo cơ quan Y tế Công cộng Canada (PHAC) và CDC Hoa Kỳ, các triệu chứng của virus đậu mùa khỉ tương tự, nhưng nhẹ hơn, các triệu chứng của bệnh đậu mùa. Một điểm khác biệt chính là đậu mùa khỉ gây sưng các hạch bạch huyết trong khi bệnh đậu mùa thì không. Các vết sưng tấy có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể, hoặc chỉ ở một chỗ, trong đó có hạch cổ và nách. Thời gian ủ bệnh (thời gian từ khi nhiễm bệnh đến khi bắt đầu thấy các triệu chứng) của đậu mùa khỉ thường là 7-14 ngày nhưng có thể từ 5−21 ngày. Ngoài sưng hạch bạch huyết, các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu có thể bao gồm sốt, đau đầu, đau cơ, kiệt sức, đau lưng và ớn lạnh. Sau khi xuất hiện sốt, các nốt mẩn (phát ban) phát triển trên cơ thể trong vòng 1 đến 3 ngày (đôi khi lâu hơn), đầu tiên thường ở mặt, sau đó lan ra các bộ phận khác. Các vết mụn tiến triển qua các giai đoạn dát (macules), sẩn (papules), mụn nước (vesicles), mụn mủ (pustules), rồi cuối cùng đóng vảy (scab) trước khi rụng (tróc vẩy). 

Bệnh có thể kéo dài 2-4 tuần tùy thuộc vào sức khỏe của người bị nhiễm, nhóm virus lây nhiễm và đường tiếp xúc. Ở châu Phi, đậu mùa khỉ đã được chứng minh là có thể gây tử vong cho 1/10 người. Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, trẻ em, những người có bệnh nền hoặc những người bị suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ cao bị bệnh nặng hơn. 

Cẩn thận cho chắc

Mặc dầu từng trấn an mọi người rằng bệnh đậu khỉ hiếm khi trở thành một trường hợp khẩn cấp của y tế công cộng, bài học Covid-19 đã khiến các giới chức y tế thế giới không còn dám coi thường những thứ bệnh zoonotic – từ sinh vật lây truyền sang con người, nữa.

Giám đốc phụ trách các trường hợp khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan cảnh báo rằng do những biến đổi của khí hậu góp phần làm thay đổi nhanh chóng các điều kiện thời tiết, động vật và con người cũng đang thay đổi hành vi, bao gồm cả thói quen tìm kiếm thức ăn. Kết quả của sự “mong manh về hệ sinh thái” này, các mầm bệnh thường lưu hành ở động vật đang ngày càng tăng cường việc nhảy sang con người.

Chỉ riêng ở Phi châu, từ đầu năm đến nay WHO đã ghi nhận có hơn 1.500 trường hợp nghi ngờ là đậu mùa khỉ và khoảng 70 người chết. Và chỉ trong vòng 6 tuần lễ tính đến nay, vẫn theo WHO, đã có hơn 3.200 ca đậu mùa khỉ ở 48 quốc gia. 

The World Health Network (Mạng lưới Y tế Thế giới /WHN), một tổ chức hợp tác toàn cầu của nhiều nhóm khoa học và công dân, đã tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là một đại dịch. 

Kêu gọi WHO và các Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của các quốc gia hành động ngay lập tức để ngăn chặn bệnh đậu mùa ở khỉ trở thành một thảm họa, WHN tuyên bố rằng, trong khi tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với bệnh đậu mùa, trừ khi hành động toàn cầu được thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của bệnh nhiễm trùng, hàng triệu người sẽ chết và nhiều người sẽ bị mù hoặc tàn tật.

Eric Feigl-Ding, Tiến sĩ, Nhà dịch tễ học và Kinh tế học Sức khỏe, đồng thời là người đồng sáng lập WHN, nói rằng WHO cần khẩn trương đưa ra tuyên bố (bệnh đậu mùa khỉ) là Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng ở mức độ quan tâm quốc tế (PHEIC). Ông nhấn mạnh: “… bài học của việc không công bố (Covid-19) là một PHEIC ngay lập tức vào đầu tháng 1 năm 2020 nên được ghi nhớ như một bài học lịch sử về những gì mà hành động muộn màng với dịch bệnh có thể gây tai họa cho thế giới.”

Hôm thứ Năm tuần trước, WHO cũng đã xác nhận rằng kinh nghiệm của COVID đã giúp cơ quan y tế quốc tế này khởi động tiến trình soạn thảo và đàm phán một hiệp ước quốc tế nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.

Về cái tên mới của đậu mùa khỉ mà WHO đang xem xét, cho đến hôm nay vẫn chưa có. Hy vọng họ sẽ sớm thôi, vì nếu để lâu quá, và vẫn phải xài tạm “hMPXV” thì sẽ khổ cho các lãnh đạo CS Việt Nam. Mỗi khi đăng đàn, họ sẽ lại vất vả, rồi khổ sở, khi phải nói chuyện về cái bệnh “hờ-mờ-pờ-xờ-vờ” 

Đỗ Quân