Trên lịch, ngày thu phân – năm nay là 23 tháng 9, là thời điểm chính thức bắt đầu mùa Thu. Nhưng trên thực tế, khi lũ trẻ nhăn nhó chuẩn bị trở lại trường, khi người già quấn thêm một chiếc khăn lên cổ, tìm lại bài văn “Tôi đi học” của Thanh Tịnh để nhìn lên trời tìm nhhững “áng mây bàng bạc”, khi cành của những cây sumac ở Canada bắt đầu điềm những chiếc lá vàng, đỏ… là đã chớm Thu.
Cùng đến với mùa Thu là…mùa flu. Đó là chuyện thường niên ở những xứ lạnh.
Nhưng đặc biệt, năm nay chẳng những flu mà còn có hai thứ bệnh khác, cũng là bệnh đường hô hấp và cũng do virus gây ra, cùng đổ xô đến với Thu.
Đó là RSV và COVID-19. Riêng Covid thì phải nói đúng hơn là nàng trở lại.
Con đường lây truyền chính của ca ba thứ virus này đều các giọt bắn ra khi người ta thở, ho, hắt hơi. Khi mọi người tụ tập trong nhà trong những tháng lạnh hơn, đặc biệt là ở khoảng cách gần, chúng có thể lây lan dễ dàng hơn.
Hồi cuối tháng 8, Phó giám đốc y tế của Sở Y tế Công cộng Toronto, Dr. Vinita Dubey, cảnh báo tại một hội nghị qua mạng của Hiệp hội Y tế Ontario (OMA) về mối đe dọa “ba hồi nhập một” của các virus gây bệnh đường hô hấp: “…chúng tôi dự đoán rằng mùa thu này sẽ chứng kiến một mùa virus đường hô hấp nghiêm trọng, đặc biệt là với ba loại virus là RSV, cúm và COVID, bên cạnh các loại virus khác lây lan trong khoảng thời gian đó.”
RSV và bệnh cúm, thường xuất hiện muộn hơn một chút vào mùa thu và mùa đông, bắt đầu sớm hơn thường lệ vào năm ngoái, có nghĩa là cả ba loại virus này đều đạt đỉnh điểm vào cùng một thời điểm.
Mùa cúm năm ngoái, các bệnh viện nhi đồng trên khắp Canada đã báo cáo mức độ gia tăng đáng kể của số bệnh nhân khiến nhiều bệnh viện phải hủy bỏ các ca phẫu thuật lớn để bố trí lại nhân viên để giúp các khoa cấp cứu và phòng chăm sóc đặc biệt quá đông đúc.
Hãy bắt đầu bằng flu trước.
Mùa Cúm ở Bắc Mỹ
CDC ước tính rằng mỗi năm có khoảng từ 3 đến 11% dân số Hoa Kỳ bị nhiễm và phát các triệu chứng cúm. Trong mùa cúm 2021-22, ở Mỹ đã có 9 triệu đến 41 triệu ca bệnh, 140.000 đến 710.000 ca phải nằm bệnh viện và 12.000 đến 52.000 ca tử vong mỗi năm trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2020. Theo CDC, Hoa Kỳ tốn khoảng 10,4 tỷ trực tiếp cả cho bệnh nhân phải nằm viện lẫn điều trị ngoại trú, và đó chỉ là ở người lớn.
Còn ở Canada, nơi dân số bằng 1/10 Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 12.200 người phải vào bệnh viện và 3.500 người chết do cúm và các biến chứng của cúm.
Virus cúm thuộc nhóm Orthomyxoviridae, được chia thành 3 loại: A, B, C. Chúng gây bệnh trên các loài động vật có xương sống bao gồm: chim, các loài động vật có vú và con người.
Để đối phó với cúm, phải đoán xem mùa này nó sẽ như thế nào. Nhưng dự đoán bệnh cúm là một vấn đề phức tạp. “Đối phó với cúm là một vấn đề đầy thách thức”, Dr. Carrie Reed, Trưởng khoa Cúm của Chi nhánh Dịch tễ và Phòng ngừa Dịch bệnh của CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh) Hoa Kỳ nói như thế. “Mỗi mùa cúm lại có một chút khác biệt. Virus cúm không ngừng phát triển. Và vì vậy, mỗi năm, nó lại là một thử thách mới.”
Bên cạnh đó là yếu tố hành vi của con người. Theo Giáo sư McAndrew, Khoa Sức khỏe Cộng đồng và Dân số tại Đại học Lehigh, vì là một bệnh truyền nhiễm nên rất cúm khó dự đoán vì “dự đoán một bệnh truyền nhiễm có nghĩa là dự đoán hành vi của con người”, nó phức tạp vì “là sự kết hợp giữa hành vi của con người, tương tác xã hội, tính di động, cũng như độ ẩm thời tiết, khả năng miễn dịch của quần thể.”
McAndrew nói: “Có rất nhiều thứ có thể đưa vào dự đoán”. Như người ta đi đâu, tiếp xúc với ai, vào thời gian nào, bao nhiêu người sử dụng các biện pháp phòng ngừa…
Giáu sư McAndrew nói rằng nếu tất cả mọi người ở trong cùng một phòng, trao đổi và kết nối với mọi người trong cùng một khoảng thời gian, với cùng một thời tiết, thì chúng ta có thể tính toán chính xác cúm sẽ lây lan như thế nào.
Từ lâu, các chuyên viên y tế Bắc Mỹ đã theo dõi diễn biến của mùa cúm ở Úc – nơi có mùa Đông đi trước Tân lục địa, để chuẩn bị cho mùa cúm tại Canada và Hoa Kỳ.
Bộ Y tế và Chăm sóc Người cao tuổi nước Úc ghi nhận năm nay mùa cúm bắt đầu sớm hơn một số năm. Các ca bệnh bắt đầu tăng “mạnh” vào đầu tháng 5, số trường hợp cao hơn mức trung bình 5 năm, nhưng thấp hơn so với khoảng thời gian này vào năm 2019 và 2022.
Đặc biệt, cúm tấn công trẻ em từ 16 tuổi trở xuống, số ca bệnh phải vào bệnh viên là trẻ em chiếm 72% tổng số ca nhập viện.
Nhưng Giáo sư McAndrew nói một mùa cúm sớm và nặng ở Úc không nhất thiết là sẽ diễn ra tương tự ở phần này của Trái đất. Điều đó không nhất thiết có nghĩa là chúng ta sẽ thấy điều tương tự, Bác sĩ Gregory Poland, giáo sư y khoa và giám đốc nhóm nghiên cứu về vaccine ở Mayo Clinic, cũng đồng ý như thế. Có rất nhiều biến đổi về loại virus này và các giới chức y tế toàn cầu cho biết vẫn còn quá sớm để dự đoán mức độ nghiêm trọng của mùa dịch ở Bắc bán cầu. Nhưng “ngay cả một năm cúm thông thường vẫn là điều đáng lo ngại”, Bác sĩ Michael A. Ben-Aderet, chuyên khoa bệnh truyền nhiễm tại Cedars Sinai Medical Center (Hoa Kỳ), cảnh giác.
RSV
Cho đến nay, RSV (Respiratory Syncytial Virus (virus hợp bào hô hấp, được đặt tên như thế vì các tế bào bị nhiễm bệnh hợp nhất thành một tế bào lớn) không nổi tiếng bằng virus gây bệnh cúm và Covid 19. Nhưng nó không xa lạ với giới chăm sóc sức khỏe vì nó cũng đến theo mùa hàng năm, ảnh hưởng đến 64 triệu người và giết chết khoảng 160 ngàn người trên toàn thế giới.
Theo dữ liệu y tế của Hoa Kỳ, mỗi năm RSV dẫn đến khoảng: 2,1 triệu lượt khám ngoại trú ở trẻ em dưới 5 tuổi; 58.000-80.000 ca phải nằm bệnh viện ở trẻ dưới 5 tuổi. Khoảng 60.000-160.000 người từ 65 tuổi trở lên phải nằm bệnh viện vì RSV và 6.000-10.000 người trong số đó tử vong.
Ở Canada, mùa RSV thường bắt đầu vào tháng 10 hoặc tháng 11 và kéo dài đến tháng 4 hoặc tháng 5. Hầu hết các trường hợp xảy ra vào tháng 12 đến tháng 3.
RSV đặc biệt phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đến 2 tuổi, gần như mọi trẻ em đều sẽ bị nhiễm bệnh. Hầu hết các trường hợp đều nhẹ. Nhưng một số trẻ có thể bị bệnh nặng hơn, gồm các trẻ sơ sinh (từ 6 tháng tuổi trở xuống), trẻ sinh non, trẻ dưới 2 tuổi mắc bệnh phổi hoặc tim mãn tính, trẻ có hệ miễn dịch yếu và trẻ gặp khó khăn khi nuốt.
Người lớn và trẻ lớn hơn bị nhiễm RSV thường chỉ có những triệu chứng nhỏ tương tự như cảm lạnh. Tuy thế, đối với một số người, như người trên 65 tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu, người mắc bệnh tim hoặc phổi, bệnh có thể gây những hậu quả nặng nề hơn và làm chết người.
Giống như Covid, RSV lây lan theo đường thở: người bị nhiễm ho hoặc hắt hơi, bắn những giọt nước chứa virus vào không khí. Người ta có thể bị bệnh nếu các giọt nước bắn vào người hoặc nếu bạn chạm vào bề mặt có virus trên đó rồi đưa ngón tay vào mũi, miệng hoặc mắt. RSV có thể gây ra sưng cuống phổi (bronchiolitis) hoặc sưng phổi (pneumonia).
Cho tới năm 2022, không có vaccine ngừa RSV. Vào tháng 5 năm 2023, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt các loại vaccine đầu tiên để phòng ngừa bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới (lower respiratory tract disease/LRTD, phổ biến nhất là viêm phổi và viêm phế quản) liên quan đến RSV ở người lớn từ 60 tuổi. Arexvy cũng đã được Canada cấp phép. Và National Advisory Committee on Immunization (NACI, Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Tiêm chủng) đang xem xét việc sử dụng Arexvy ở mức độ giới hạn cho người cao niên ở Canada.
Thế còn Covid? Vẫn tưởng nó xong rồi chứ!
Nhiều người đã tưởng không còn Covid. Ngoài đường giờ chẳng còn bao nhiêu người mang mask, kể cả ở Canada, nơi chuyện mang mask không bị kỳ thị. Những chai dung dịch diệt khuẩn để rửa tay tạm chẳng còn là món hàng hot, thậm chí còn không được bày ở chỗ dễ thấy trong các cửa hiệu và người ta lại hồ hởi bắt tay nhau mỗi khi gặp mặt.
Hồi tháng 5 vừa qua, sau cuộc họp lần thứ 15 của Ủy ban Khẩn cấp Quy định Y tế Quốc tế (2005) (IHR) về đại dịch do virus corona 2019 gây ra, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus đã xác nhận COVID-19 sẽ không còn được phân loại là PHEIC – Trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế, nữa.
Nhưng Thông báo ngày 5 tháng 5 năm 2023 của WHO vẫn khẳng định COVID-19 vẫn là một mối đe dọa sức khỏe toàn cầu.
Dr. Tedros nói: “Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là COVID-19 không còn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Tuần trước, COVID-19 đã cướp đi sinh mạng cứ sau ba phút – và đó chỉ là những cái chết mà chúng ta biết. Khi chúng tôi nói chuyện, hàng ngàn người xung quanh thế giới đang chiến đấu để giành lấy mạng sống của họ trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt và hàng triệu người khác tiếp tục sống với những ảnh hưởng suy nhược của tình trạng hậu COVID-19. Loại virus này vẫn tồn tại ở đây. Nó vẫn đang giết người. Và nó vẫn đang biến đổi.”
Mà đúng vậy, COVID 19 chưa ra đi!
Dữ liệu của WHO hôm 10 tháng 8 ghi nhận trên toàn cầu có gần 1,5 triệu trường hợp nhiễm COVID-19 mới và hơn 2500 trường hợp tử vong đã được báo cáo trong khoảng thời gian 28 ngày từ 10 tháng 7 đến 6 tháng 8 năm 2023.
Con số này đang tăng.
Eris, Pirola: Những biến chủng mới
Một biến chủng mới, được đặt tên là Eris đã xuất hiện khi số lượng người nhập viện tăng đột biến trong bối cảnh thời tiết xấu và sức miễn dịch giảm xuống vào mùa hè này.
Là một dòng của Omicron, Eris, hay EG.5.1, lần đầu tiên được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại là biến thể vào ngày 9 tháng 8. EG. 5 được xác định ở Trung quốc tháng 2 năm nay, và được phát giác lần đầu tiên ở Hoa Kỳ vào tháng 4. Theo CDC, cho đến nay, EG 2 là biến thể phổ biến nhất ở Mỹ và là biến thể phổ biến thứ hai ở Anh.
Tại Mỹ, Eris chiếm khoảng 20,6% số ca mắc Covid mới trong khoảng thời gian hai tuần kết thúc vào ngày 18 tháng 8. Theo dữ liệu gần đây nhất từ CDC, số ca nhập viện đã tăng 24% trong khoảng thời gian hai tuần kết thúc vào ngày 12 tháng 8. Việc theo dõi nước thải cho thấy sự gia tăng gần đây về số ca nhiễm Covid ở phía Tây và Đông Bắc. Tại các cộng đồng trên khắp nước Mỹ, các đợt bùng phát đã xảy ra trong những tuần gần đây tại các trường mẫu giáo, trại hè và các tòa nhà văn phòng.
Sau khi đưa EG.5.1 vào danh sách các biến thể đang được theo dõi, WHO lại bổ sung vào danh sách này thêm một biến chủng mới nữa: chủng BA.2.86, được đặt tên là Pirola. Nó đã được ghi nhận ở Đan Mạch, Israel, Nam Phi, Thụy Điển, Anh quốc Bồ đào nha và Hoa Kỳ kể từ khi được xác định lần đầu tiên vào cuối tháng 7. Việc Pirola xuất hiện ở nhiều lục địa, cùng với số lượng đột biến cao bất thường, đã khiến những giới chức theo dõi COVID phải cảnh giác cao độ.
Cuối tháng 8, mẫu Pirola đẩu tiên đươc ghi nhận ở Canada là tại British Columbia, ca nhiễm được tìm thấy ở một người ở vùng Fraser Health, phía đông Vancouver, người này chưa từng đi ra ngoài tỉnh. Nhưng Dr. Brian Conway, chuyên viên về bệnh truyền nhiễm và giám đốc y tế của Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Vancouver, nói rằng Pirola có thể đã được lưu hành trong nhiều tuần, nếu không nói là vài tháng. “Đó là sự phát triển của Covid. Điều đó không làm tôi ngạc nhiên. Đối với tôi, biến thể mới chỉ là một lời nhắc nhở rằng Covid vẫn còn tồn tại.”
May mắn (?) giới chức y tế British Columbia tuyên bố rằng chủng Pirola dường như không gây bệnh đặc biệt nghiêm trọng. CDC Hoa Kỳ cũng đưa ra nhận xét tương tự. Họ cho biết “Dựa trên những gì CDC biết hiện nay, các xét nghiệm hiện có được sử dụng để phát hiện và các loại thuốc dùng để điều trị COVID-19 dường như có hiệu quả với biến thể này. Tại thời điểm này, chúng tôi không biết biến thể này lây lan như thế nào, nhưng chúng tôi biết rằng nó lây lan giống như các biến thể khác.”
Theo Dr. Conway, Covid-19 vẫn đang giết chết khoảng 4 người mỗi ngày ở Canada và dữ liệu của Bộ Y tế Canada cho thấy 30 trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19 trong tuần lễ kết thúc hôm 26 tháng 8. Ông nói khi mùa thu đến gần và mọi người dành nhiều thời gian hơn trong nhà và virus nhân lên dễ dàng hơn, “chúng ta nên chuẩn bị cho sự gia tăng số ca mắc bệnh COVID, số ca nhập viện do COVID và tỷ lệ tử vong do COVID”.
Thì chích, nhưng bao giờ chích, và chích cái gì?
Cứ theo như lời khuyên của các chuyên viên y tế thì ngoài những biện pháp phòng ngừa quen thuộc và dễ làm (nhưng có người đã quên) đối với các bệnh cúm, RSV và Covid là rửa tay, đừng sờ tay lên mũi, miệng, mắt, ho và hắt hơi vào khăn hay vào ống tay áo, tránh xa đám đông khi thấy người không được khỏe, v.v… thì phải chích/chủng ngừa.
Với vaccine RSV thì dễ. Đây là vaccine đầu tiên để ngừa thứ bệnh này, và chỉ có một thiểu số đủ điều kiện để được chích. Đăc biệt là quý cụ cao niên. Thế cho nên…tùy hỉ. Cụ nào muốn chích thì xin mời. Kết quả phải đợi đến sang năm mới biết.
Chích cúm có chắc ăn không?
CDC xác nhận việc tiêm phòng cúm có hiệu quả như thế nào có thể phụ thuộc vào mức độ phù hợp của vaccine với các dòng cúm đang lưu hành. Thành phần của vaccine được cập nhật hàng năm, dựa trên phiên bản mà các chuyên gia về virus mong đợi sẽ là phổ biến nhất.
Theo tạp chí Scientific American, vaccine cúm được thiết kế trước một năm bằng cách sử dụng dữ liệu của mùa cúm trước. Điều này có nghĩa là nó có thể trúng và trật với loại virus cúm lưu hành năm nay. CDC cho biết thông thường, vaccine cúm thường có hiệu quả từ 40% đến 60%, có nghĩa là gíup bạn giảm được nguy cơ mắc bệnh cúm từ 40 đến 60%. Nhưng vẫn theo CDC, trong một số năm, hiệu quả của vaccine chỉ ở mức 10%.
Kể từ khi CDC bắt đầu tính toán hiệu quả của vaccine vào năm 2004, tỷ lệ hiệu quả đã lên tới 60% – trong mùa 2010-11 – và thấp ở mức 10%, trong mùa đầu tiên mà CDC bắt đầu theo dõi, tức là mùa 2004-05.
Gần đây nhất, vaccine cúm năm 2022 chỉ có hiệu quả khoảng 16%, một tỷ lệ mà người ta cho là “không có ý nghĩa thống kê”.
Nhưng cứ hy vọng (và đưa vai ra cho chích) đi. Theo giới chức y tế, vaccine năm nay sẽ chứa thành phần cúm A (H1N1) pdm09 được cập nhật. Các chuyên viên dịch tễ cho hay nếu các chủng tương tự lưu hành ở Nam bán cầu giống như những gì chúng ta thấy ở Hoa Kỳ, thì chúng ta sẽ có “phạm vi bảo vệ tốt”.
Lời khuyên của tất cả các cơ quan y tế là “chích thì vẫn hơn. Xui vẫn bị thì cũng chỉ bệnh nhẹ thôi.”
Còn Covid thì thế nào?
Nếu không phải là người chống vaccine hoặc không thể chích vaccine ngừa Covid vì lý do sức khỏe, mũi vaccine mà bạn sẽ chích vào những ngày sắp tới sẽ là một mũi booster – tăng cường. Với một số người, đó là mũi thứ 5, thứ 6 hoặc thứ 7.
Trong hướng dẫn mới nhất vào ngày 11 tháng 7, NACI (Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Tiêm chủng) Canada đề nghị một liều vaccine COVID theo công thức mới cho những người trong độ tuổi được phép chích và đã từng chích vaccine COVID, nếu đã ít nhất 6 tháng kể từ lần tiêm cuối cùng hoặc lần bị nhiễm SARS-CoV-2 được biết (tùy theo trường hợp nào xảy ra sau). Nghĩa là với những người đã bị “nhạt thuốc” – sự bảo vệ của vaccine hoặc do từng nhiễm bệnh đã giảm.
Mặc dù vaccine COVID-19 bivalent (ngừa hai chủng), hiện đã có sẵn ở Canada, theo NACI thì “Các liều tăng cường vào mùa thu sẽ là các công thức được cập nhật để nhắm mục tiêu vào các biến thể SARS-CoV-2 có khả năng miễn dịch gần đây hơn”.
Như thế, loại booster này sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với các biến thể phụ XBB.1.5 Omicron hiện đang được lưu hành trong nước, tức là…vẫn trễ hơn Eris và Pirola!
Bộ Y tế Canada hiện đang xem xét ba loại vaccine mới có chứa biến thể phụ XBB.1.5 Omicron dành cho cho những người từ sáu tháng tuổi trở lên. Vaccine của Pfizer và Moderna có thể sẽ được phê duyệt vào mùa thu, sau đó là vaccine Novavax cho những người không thể chích vaccine mRNA.
Ở Hoa Kỳ, giống như Canada, việc triển khai các mũi tiêm tăng cường phòng ngừa Covid-19 cũng được dự kiến sẽ diễn ra vào mùa thu.
Thông báo mới nhất của các giới chức CDC và FDA cho hay các loại vaccine Covid-19 đã được tinh chỉnh để dạy cơ thể cách chống lại các biến thể đang lưu hành hiện nay dự kiến sẽ có mặt tại các hiệu thuốc và phòng khám vào giữa tháng 9.
Đỗ Quân
(tổng hợp)