MÙA XUÂN 2020 CÓ GÌ KHÁC?

Người Việt chúng ta ăn cái tết Canh Tý hôm 25 tháng 01 tây lịch nhưng đến 21 tháng 03 mới chính thức bước vào xuân. Và lần này mùa xuân có gì khác? Ngoài con vi khuẩn phát nguồn từ Wuhan lây lan chấn động toàn thế giới. Thiên hạ đeo khẩu trang không phải vì phấn hoa gây dị ứng mà vì Covid-19. Cùng với dịp này, mùa phiếu ở Mỹ sẽ hừng hực những pha nóng bỏng gay cấn huyên náo hơn khi mùa xuân đang rập rờn màu lá tươi non.


Vâng, đúng như thế, mùa phiếu đã bắt đầu thu gọn lại. Đảng Dân chủ tại Mỹ gần như đã có một đại diện chính thức để tỷ thí với đương kim Tổng thống Donald J. Trump vào tháng 11 sắp tới. Không thể không sôi nổi hào hứng, bởi tình hình bỗng căng thẳng chưa từng có. Một phần vì những tác động ngoại cảnh trong đó sự kiện Covid-19 được coi là một quả chùy đối với nhiều chính khách, trong đó có Tập Cận Bình và Tổng thống Trump. Vì thế mùa xuân mùa phiếu năm nay sẽ khác hẳn với mùa xuân mùa phiếu 2016.
Không khí nóng ấm dần lên. Mùa xuân chính thức bắt đầu. Tuy nhiên hoa đào, hoa lê đã rộ lên từ đầu tháng 03. Bạn hỏi: Tại sao Mùa phiếu 2020 sẽ rộn ràng hơn mùa phiếu 2016 trước đó. Xin thưa: Với tình hình năm đó, nếu bạn còn nhớ, Đảng Cộng hòa trong tình trạng dở khóc dở cười khi ứng cử viên sáng giá nhất (Mr. Trump) là lựa chọn họ không mấy hào hứng lắm. Đã thế, ông luôn miệng tuyên bố hệ thống bầu cử Mỹ đã bị giật dây (rigged). Thậm chí ông còn tỏ ra không mấy tự tin, nói thẳng với báo chí sẽ tẩy chay kết quả nếu ông thất cử. Chẳng ai dám kỳ vọng điều gì nơi ông. Còn đối thủ của ông là Cựu ngoại trưởng Hillary Clinton ngời ngời khí thế, nắm chắc phần thắng trong tay nhưng vào đêm mùng 08 tháng 11 kết quả bỏ phiếu cứ thấy đỏ hực khắp bản đồ Mỹ, áp đảo màu xanh hải dương dường như càng lúc càng đuối dần. Kết quả: Tổng thống Mỹ thứ 45 của Mỹ mang họ Trump, một kết cục khá bẽ bàng với nhiều cử tri Mỹ.
Năm nay mùa xuân về, tình hình phong thủy Nhà Trắng có chút khó khăn so với những năm trước. Tạm thời có thể nói tình hình không còn khả quan đối với Tổng thống Trump từ khi Hạ Viện rơi vào tay Đảng Dân chủ hồi tháng 11 năm 2018. Tuy nhiên với 2 năm đầu của nhiệm kỳ I (lưỡng viện Quốc hội nằm trong tay Đảng Cộng hòa) Tổng thống Trump đã liên tiếp ký được nhiều đạo luật đình đám với tốc độ chóng mặt. Về mặt này phải công nhận là Đảng Cộng hòa giỏi, tranh thủ tối đa trước khi tình hình xấu có dịp xảy ra.
Xuân về cũng là thời điểm để các ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ có dịp nghỉ ngơi sau những tháng ngày đấu đá quyết liệt. Chắc chắn họ đã ngộ ra một điều: Rồi thì cũng thế. Sớm muộn gì cuộc đua cũng sẽ dừng lại khi người cuối cùng đại diện Đảng Dân chủ so găng với Tổng thống Trump đã được chọn. Hiển nhiên trong lòng kẻ trụ lại đến phút chót sẽ lâng lâng tiếng pháo.
Vâng. Xuân về, ngày dài hơn bởi đồng hồ đã vặn kim nhanh hơn hôm 8 tháng 03. Lẽ thường các tiệm nail sẽ tưng bừng hớn hở. Tuy nhiên năm nay với nạn dịch Covid-19 hoành hành khắp năm châu, Mỹ cuối cùng rơi vào cảnh thụ động trước đại nạn Covid-19 lần này nên chẳng ai dám nói chắc kinh tế Mỹ nay mai sẽ ra sao (?) nếu tình trạng này kéo dài mãi, mọi sinh hoạt ở Mỹ bị tác động, ngành nails sẽ khó tránh cảnh bị ảnh hưởng dây chuyền vạ lây như bao nhiêu kỹ nghệ khác.
Vâng. Với những con số đưa ra rất thực dù chính phủ Mỹ tìm mọi cách trấn an dân chúng. Nhà trắng gần như đã tận lực trong việc vẽ nên một bức tranh lạc quan hơn. Tất nhiên Mỹ là xứ sở tự do dân chủ, tự do ngôn luận, ai muốn nói gì thì nói, người trung thực có, kẻ thừa nước đục thả câu cũng có; thành ra Tổng thống Trump khó tránh cảnh làm gì cũng bị chê, bị trách. Không ngoa, khi Covid-19 đến Mỹ, nó nhanh chóng bị chính trị hóa một cách lộ liễu. Người của hai đảng sẽ tìm đủ mọi cách để tấn công nhau. Họ sử dụng nó như một thứ vũ khí tiện lợi bởi Covid-19 ảnh hưởng lên xã hội trên diện rộng, dễ đổ thừa, dễ vu khống nên muốn lách tội cũng dễ và muốn buộc tội cũng chẳng khó.
Từ đó, mùa xuân năm nay có vẻ khác với mọi năm. Ra rả trên báo đài là những bản tin, hàng núi những bài phóng sự, phỏng vấn, tuyên truyền, mách nước, khuyến cáo la liệt chi tiết… tựu trung lại vẫn là thông điệp giáo dục nhắc nhở dân chúng phải tự bảo vệ mình trước. Từ bài học của Nam Hàn, Iran và Ý, người ta thấm thía câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, cẩn tắc vô ưu; chắc ăn nhất vẫn là áp dụng triệt để các biện pháp vệ sinh cơ bản, thừa hơn thiếu.
Nhìn lại, ngành hàng không khắp nơi bị ảnh hưởng lớn. Tại Việt Nam nhân viên hàng không được khuyến cáo (a) tự giác giảm lương và (b) nghỉ phép không ăn lương. Nhiều chuyến bay khắp năm châu đã bị đình hoãn hoặc huỷ bỏ. Khách hàng sợ không dám bay. Lợi lộc gì khi cố đấm ăn xôi, chen lấn chật chội trong khoang máy bay, ai biết trong số khách đi chung với mình không mang theo vi khuẩn Covid-19 trong người? Còn ngành du lịch dài ngày trên tàu lớn (cruise lines) mới thê thảm hơn. Liên tục những thông tin xấu về những con tàu du lịch dài ngày xuất hiện trên TV, báo chí khiến người ta cảm thấy đây là thời điểm xấu nhất để du lịch trên tàu lớn, chẳng ai dại dột để mình rơi vào cảnh Titanic Covid-19.
Các hình thức vui chơi giải trí tụ họp đông người chật như cá mòi đóng hộp bị ảnh hưởng khá nặng. Chẳng mấy ai muốn tụ họp nơi công cộng nữa. Từ California cho đến New York, từ Texas cho đến Florida, chính quyền cấm tụ họp đông người. Thế là các show diễn phải hủy bỏ. Thậm chí Đức Giáo hoàng cũng phải hủy bỏ cử hành thánh lễ vì lý do an toàn sức khỏe trước đại dịch Covid-19. Nhiều cuộc diễn hành lớn (như St. Patrick’s Parade) phải bỏ bởi tử thần lảng vảng lẩn khuất chẳng ai biết đâu mà tránh. Đã vậy, thôi cứ ở nhà cho lành. Lễ rước đuốc Thế vận hội diễn ra trong thầm lặng, sau đó bị hủy vì lý do Covid-19, còn Olympic Tokyo có bị hủy bỏ hay không chẳng ai dám nói trước.
Thế là một lượng lớn nhân công cung cấp các dịch vụ lều bạt, sân khấu, an ninh… nghiễm nhiên bị mất việc vì các đơn đặt hàng liên tục hủy bỏ. Thậm chí hai ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ là Bernie Sanders và Joe Biden đã quyết định hủy bỏ các buổi gặp gỡ đông người vì lý do Covid-19. Còn Tổng thống Trump chẳng thấy nói gì, có vẻ như ông không mấy quan ngại lắm trước tình trạng khẩn cấp được coi bị truyền thông thổi phồng tại Mỹ.
Nhiều người không muốn đi ăn ngoài nữa. Họ sợ. Ai dám tin tưởng các nhà hàng không bị ảnh hưởng bởi ai cũng có thể là người mang mầm bệnh. Từ Chipotle cho đến In-and-Out Burgers, thiên hạ ngán. Họ sợ nhân viên hắt hơi, tay dính vi-rút Covid-19. Từ chỗ đó, cầm lên cái hamburger hay cái chicken-sandwich ai dám nói chắc không bị nhiễm Covid-19? Nếu đã như thế, chịu khó tự làm cho mình một cái sandwich ở nhà ngó bộ chắc ăn, an toàn hơn. Lượng khách ít hẳn đi buộc quản lý cắt giờ làm của nhân viên. Người nghèo là tầng lớp bị ảnh hưởng nhãn tiền sớm nhất. Trong khi đó phố tàu vắng hoe như Chùa Bà Đanh. Các tiệm của người Đại Hàn xuân này bị thiệt hại thê thảm vì người ta ngán ngẩm con vi-rút Covid-19. Doanh thu tuột giảm hẳn trong khi đó tiền rent vẫn phải trả đều đặn hàng tháng. Các chợ Mỹ cũng thế, nhiều mặt hàng bốc hơi biến khỏi quầy, kệ trong vài giờ đồng hồ. Thiên hạ dáo dác nhìn nhau. Tử thần đó, đừng ỷ y nha. Tích trữ phòng hờ nếu có lệnh lockdown.
Kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng. Mùa xuân năm nay thị trường chứng khoán Mỹ ít người dám mạnh miệng tuyên bố chắc chắn điều gì sẽ xảy ra. Chỉ số Dow Jones lúc trồi lúc sụt. Giá dầu thô tuột dốc không phanh vì màn đấu đá giữa các siêu cường mỏ dầu. Đã thế, tình hình nhu cầu dầu thô năm nay giảm mạnh bởi hậu quả của Covid-19 tác động lên kinh tế toàn cầu; nhẹ thì cũng là chậm lại (slowdown) còn nặng hơn sẽ là suy thoái (recession), khi kinh tế quốc dân giảm 10%, lúc đó thị trường sẽ rơi vào cảnh khủng hoảng kinh tế (depression). Nay thiên hạ chợt nhận ra kinh tế toàn cầu là một sân chơi khốc liệt. Trung Quốc mà gặp nạn sẽ kéo theo cả thế giới, trong đó có cả Uncle Sam của chúng ta.
Bạn không lạ cột sống kinh tế Mỹ tồn tại nhờ tiêu thụ và mua sắm. Trong đó chi tiêu từ các khoản dịch vụ mang tính giải trí, xa xỉ đóng một phần rất quan trọng. Đó lý do giải thích tại sao dân lao động Mỹ làm hoài không có dư vì họ xài quá sang. Còn di dân đến Mỹ sau này có nhà to, xe đẹp dù đồng lương khiêm tốn vì họ không tiêu xài hoang phí. Hoặc giả có xài họ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng. Còn dân Mỹ rất khác, còn tiền thì xài bằng cash, hết tiền mặt thì cà thẻ. Lúc còn tiền thì làm bộ móng chân giá $45, ít tiền hơn họ làm bộ móng giá $35. Còn hết tiền nhưng ghiền quá họ làm chân giá $25. Cứ thế, thẻ này cà hết cà sang thẻ mới. Cuối cùng biến thành con nợ vĩnh viễn cho các công ty tín dụng, vô tình khó thoát khỏi vòng luân hồi, chấp chước mãi với cõi ta bà đầy những vòi bạch tuộc bủa vây. Tới chừng không thể trụ lại nữa thì khai phá sản!
Mùa xuân năm nay sẽ khác. Dân Mỹ sẽ ít xài hơn. Không phải vì họ keo. Mà vì họ ngán Covid-19. Những thứ ăn chơi xa xỉ như phim ảnh, như Starbucks, như Disney Land, nhà hàng, quán xá… Đó mới thực sự là tổn thất lớn cho nền kinh tế Mỹ và các tập đoàn lớn. Dĩ nhiên người lao động ăn lương giờ (minimum wage) bị ảnh hưởng trước tiên. Khách vắng, quản lý cắt bớt giờ làm. Người dân không ra đường sẽ bớt tiêu tiền. Kinh tế vì thế sẽ có những ảnh hưởng liên lụy khó tránh khỏi.
Vâng. Là vậy. Mùa xuân năm nay ở Mỹ tình hình u ám là thế. Thiên hạ lo ngại hơn mỗi khi ra đường, đến chỗ đông người, tiếp xúc quá gần với ai đó. Cảm giác ám khí bao trùm khắp nơi. Mà lạ thiệt. Cúm hàng năm giết chết mấy chục ngàn người ở Mỹ không thấy ai nói gì. Còn Covid-19, con số chết tính ra đâu phải nhiều lắm, vậy mà thiên hạ cảm thấy nhợn người. Hay do ảnh hưởng của truyền thông, của tâm lý, cuối cùng người ta cảm thấy chân dung tử thần của Covid-19 ghê gớm hơn thực tế đến nỗi nhiều trường học đóng cửa, nhiều giảng đường không mở lớp, giáo sư giảng bài chủ yếu trên mạng trực tuyến.
Cứ thế, mùa xuân năm nay, chuyện chính trị, chuyện kinh tế, chuyện khoa học, chuyện mùa phiếu 2020, chuyện sinh hoạt xã hội… sẽ rôm rả hơn. (Để rồi sau này), chắc chắn với những ai đủ trí khôn sự kiện Covid-19 mãi mãi là một phần của ký ức. Bởi không chỉ tại Ý, Iran, Nam Hàn, Trung Quốc hay Việt Nam nạn mua đồ tích trữ mới thấy mà đến cả ở Mỹ cũng vậy. Còn ngành nails, giờ thì chưa, chứ nếu tình hình tiếp tục diễn biến xấu đi, khách sợ lây nhiễm, không lui tới mấy tiệm nails nữa lúc đó cả chủ lẫn thợ coi bộ sẽ mệt…
Mong thay Covid-19 sẽ sớm qua đi. Xuân về, nắng ấm lên, con vi-rút Covid-19 sẽ kiềng mặt rồi từ từ lỉnh đi.

Nguyễn Thơ Sinh