Ngày Của Thầy, Cô

Trong năm có nhiều ngày kỷ niệm. Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày Phụ nữ VN, ngày Nhà giáo, ngày Người cao tuổi, Ngày gia đình, ngày Quốc tế Thiếu nhi, ngày Quốc tế Lao Động, Ngày của cha, Ngày của mẹ… Rộn ràng nhất là ngày Nhà giáo vì ai trong đời cũng phải đi học nên có thể tỏ lòng biết ơn thày, cô giáo thông qua… ngày Nhà giáo!

Trước kia VN không có ngày nhà giáo, học trò thường đến viếng thầy vào dịp Tết. Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy. Tết nhất cũng là mùa gặt hái, người ta có thời giờ rảnh rỗi lại sẵn cây nhà lá vườn mới nhân thể thăm hai bên nội ngoại và thầy giáo. Các dịp lễ lạt, gia đình môn sinh tỏ lòng tri ân các vị thầy- ông đồ- bằng thúng gạo mới gặt, cặp gà vịt béo nhà nuôi, trà rượu hay các loại quả trong vườn, quả cam quả bưởi đội trên đầu trịnh trọng đến lễ thày. Sau này, tục ấy không còn. Học sinh chỉ rủ nhau đến nhà thăm hỏi giáo viên đang dạy hoặc thầy cô cũ.

Sau 75, ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo, gọi tắt Ngày nhà giáo được tổ chức rầm rộ vào 20 tháng 11 mỗi năm nhằm chứng tỏ vị trí của người dạy học rất được coi trọng. Phổ biến vào ngày này là một buổi xếp hàng dưới sân nghe hiệu trưởng tuyên bố lý do, họp toàn trường trong đó có diễn văn nêu ý nghĩa trọng đại của ngày lễ, đọc các bản báo cáo điển hình của các giáo viên tiên tiến, phát phần thưởng… Cuối cùng nổi bật nhất, chính yếu nhất trong ngày này là học sinh tặng quà giáo viên. Hoa khi ấy còn hiếm nên ngoài hoa nylon, hoa giấy, hoa cúc… nhiều học sinh cố gắng giống mọi người bằng cách hồn nhiên xách tới trường cả huệ trắng, vạn thọ… khiến giáo viên phì cười với nhau tụi nhỏ nó cúng mình! Ở ngoại thành hay miền quê, học sinh nhỏ hái bên vệ đường hoa trang, trâm ổi, mười giờ, bìm bìm… buộc thành túm nhỏ tặng cô thật dễ thương. Quà cáp biếu thày chỉ là những tấm thiệp, mảnh gỗ cưa lộng, con búp bê vải nho nhỏ, bức tranh sơn mài cong vênh, quyển sổ tay với cây bút bi… Nhà nào khá hơn có người thân ngoại quốc thì gói xà bông thơm, kem đánh răng, xấp vải… chính hiệu “ở bển” gửi về.  

Quà cáp ngày càng thiết thực hơn. Là hộp sữa tắm, dầu gội đầu, máy xay trái cây, xấp áo dài, áo sơ mi hàng hiệu… gọn nhẹ hơn cả là phong bì, phiếu mua hàng siêu thị, thẻ cào…hay xin thầy số tài khoản; kèm cả đôi giày hay áo đầm cho con gái của cô. Quà cáp tỷ lệ thuận với đẳng cấp trường học. 

Ít ai hiểu rõ ý nghĩa, nguồn gốc Ngày Nhà giáo. Đối với giáo chức đơn giản đó chỉ là ngày mệt hơn bình thường vì có phong trào thi đua chào mừng, bị kiểm tra giáo án, phải đăng ký dạy tốt, dự giờ… mệt lắm. Đồng thời cũng là ngày vui hơn bình thường vì có tiết mục… nhận quà.

Quà cáp làm cuộc đời vui hơn. Việc biếu quà giáo viên dần dần ngoài tấm lòng còn là một thói tục của xã hội, giống như cấp dưới biếu quà cấp trên, giống như chuyện phải làm khi nhờ vả, .chạy chọt chuyện gì đó. Ngày Nhà giáo cũng như các ngày lễ lạt khác: tết âm lịch, trung thu, ngày tám tháng ba, sinh nhật thầy cô… nhất thiết đều nhớ sắm quà hòng giáo viên nhớ mặt, ngõ hầu con cái thiếu điểm, phạm kỷ luật… còn được châm chước, qua cầu chăng.

Bởi thế việc tặng quà dần trở nên mang tiếng quá đỗi, hoen ố cho cái Ngày nhà giáo thiêng liêng. Sở Giáo dục từng đề nghị đề nghị giáo viên không nhận hoa, quà chúc mừng mà chỉ nhận thiệp email.

Thế nhưng không hiểu sao đã được giải thoát khỏi chuyện tốn kém mà phụ huynh vẫn nhất định theo đuổi bằng mọi cách. Ví dụ đi cổng sau, tức là lén đến tận nhà nằn nì nhét quà vào tay người nhà nhờ giao lại giáo viên mới yên tâm. Không thể giải thích đó là lòng yêu kính thầy cô quá độ hay là việc biếu xén đã bị coi là thủ tục “bôi trơn” quen thuộc trong sinh hoạt xã hội, 

Ngoài ra, từ xưa đến nay, dù bất kỳ thời nào, dạy học bao giờ cũng được xem là một nghề thanh bạch và đáng kính nhưng không thời nào, sự thanh bạch bị trình bày dưới một hình thức nghèo nàn, khốn khó và giáo viên là thành phần đáng thương hại như thời này. Thanh bạch không chút suy xuyển đổi thay nhưng kính trọng thì lặn đâu mất tiêu không còn. Sau nhiều năm thiếu thốn do chiến tranh có thể giải thích, chấp nhận; khi hòa bình lập lại, bắt đầu một cuộc thay đổi lớn lao về nhân sinh quan. Các giá trị đạo đức cổ truyền lộn nhào cho kim tiền lên ngôi. 

Giáo viên nghèo tới phát thương nên chi có dịp thì phụ huynh “cho” họ. Cho chứ không phải biếu hay tặng, lại càng không phải “kỉnh” thầy là chữ của thời… phong kiến. Bởi vì từ lúc nào, trò ngang hàng với thầy, mà ngang hàng tất chẳng cần giữ lễ, mà trở nên xấc láo, coi thường… Để đối phó, giáo viên cũng không giữ nổi thái độ “nhìn xuống” lớp nhỏ nữa mà viện đến phần ưu thế của người lớn tuổi. Vị thế thầy trò loạn tùng phèo không còn giữ gìn nghiêm chỉnh đâu ra đó nữa. Thế là bi kịch xảy đến.

Rất nhiều trường hợp học sinh hoặc cả gia đình cùng nhào vào tận trường truy đuổi, đánh hội đồng giáo viên…

Nghe con về kể bị cô giáo gõ vào đầu mặc dù về sau cô giáo khẳng định không hề có chuyện này, người cha xông vào lớp học dùng mũ bảo hiểm đánh tới tấp vào đầu cô. Ở Sài Gon, không mặc đồng phục, bị thầy giáo nhắc nhở, nam sinh lớp 10 đánh thầy đến chảy máu đầu. Tại Đà Nẵng, cho là con mình bị bỏ rơi trong buổi biểu diễn nghệ thuật nhân ngày Nhà giáo, người mẹ đã tát thẳng vào mặt cô giáo và đe dọa sẽ… “thịt” cô! Còn ở Nghệ An, thấy một nam sinh lớp 12 cạo trọc đầu, thầy giáo đề nghị trò phải xin phép Hiệu phó thì mới được vào lớp, học trò bèn rủ thêm hai người bạn cùng đi uống rượu rồi núp ở chỗ vắng dùng ống nước bằng sắt đánh vào tay, chân, vai, lưng thầy và đập nát xe máy của thày…

Gần đây là chuyện nữ sinh hỗn láo ở Khánh Hòa. Em này ngồi ở bàn đầu đã cãi nhau tay đôi và liên tục văng tục, thách thức, xưng “mày- tao” với thầy giáo. Đáng lẽ im lặng rồi báo với hiệu trưởng thì thầy mất bình tĩnh đôi co với trò.

Ngược lại cũng không hề kém. Nhất là ở lớp mầm non, mẫu giáo. Cô giáo lôi trẻ vào góc khuất camera để đánh, nhéo… Ở Bắc Giang, bé 2 tuổi về nhà ngủ hay giật mình với nhiều vết bầm tím ở vùng thái dương. Ở Sài Gòn, bé gái học lớp 2 bị cô đánh, chửi và kể với gia đình: “Cô dặn không được kể cho cha mẹ nghe”! Ngay trưởng tiểu học quốc tế với học phí vài chục triệu đồng/tháng mà học sinh cũng sợ đi học vì cô la mắng và nhốt vào tủ quần áo…

Một loạt các trường hợp như thế dồn dập xảy ra. Thật ra ngày xưa, các ông đồ vẫn dạy trò bằng phương pháp yêu cho roi cho vọt, có điều các thầy chỉ bắt nằm xấp quất vào mông thôi. Thời nay tiến bộ nên các hình thức trừng phạt cũng được cải biên đáng kể như bắt học sinh “thụt dầu” 200 cái, đánh học sinh đến thủng màng nhĩ… Một phần lũ học trò thời nay chắc là rắn mắt đến nỗi quý thầy đành chịu thua, mà học trò lúc nào cũng rắn mắt chẳng cứ bây giờ, chúng chỉ xếp hàng thứ ba sau nhất quỷ nhì ma thôi, hay để đỡ mất thời gian, đỡ tốn công tốn sức vào công cuộc giáo hóa lôi thôi, nhất là tránh trách nhiệm nặng nề, thì sự việc được đẩy phắt qua công an, dân quân. Tính đặc thù của ngành này dĩ nhiên đâu có giống ngành sư phạm, đâu có học qua môn Tâm lý trẻ em, Giáo học pháp… của trường Sư Phạm nên sau khi mọi chuyện vỡ lở, anh công an bị kỷ luật một cách đầy… oan uổng. Bởi nghề chuyên điều tra, xét hỏi… nên họ chỉ làm đúng chức năng của mình. Khi nhà trường giao học sinh chính là cầu đến phần công việc chuyên môn của công an hà cớ trách họ?! Có người tố cáo và giao “phạm nhân” thì họ chỉ thực thi phần chuyên môn của mình thôi. Tức là hỏi cung, trấn áp sao cho lòi ra… tội. 

Thế nhưng nhà trường cũng như người lớn không có lỗi. Đẩy các em bé thơ ngây còn lâu mới đến tuổi thành niên vào vòng điên loạn, đến cái chết, mang thương tật… không là lỗi của ai cả, không bị coi đã phạm vào thậm chí là tội ác. 

Con nít không biết biện bạch, chưa đủ sức chống đỡ nên chi cứ phạm lỗi là lãnh đủ, không có lỗi cũng bị trừng phạt dằn mặt trước chứ không được xí xóa, xuê xoa tha hồ xài cái quyền “văn hóa ứng xử kém” dành riêng cho người lớn, cho người đang nắm quyền sinh sát trẻ con! Chưa biết lỗi phải thế nào, chỉ nói tới cửa công là người lớn đã sợ xanh mặt huống hồ trẻ con  non dại yếu ớt sợ hãi đủ thứ chung quanh, sợ bóng tối bất an, ông ba bị mơ hồ, sợ người lạ đi qua, sợ câu quát tháo… nên chi đương đầu với bạo lực nhường ấy thật vượt quá sức chịu đựng. 

Thật đáng sợ khi nghĩ đến tình cảnh các em bé nhỏ nhoi một mình chiến đấu với sự khủng bố tàn bạo đó. Chẳng ai cảm thấy có lỗi với các em cả, chỉ là yếu kém trong năng lực và ứng xử thôi. Trẻ con bị người lớn đối xử thô bạo ngang như giữa người lớn với nhau, trẻ con không còn được phép làm… trẻ con. Như vậy lại phải đi ngược lại để gặp vấn đề căn bản phát sinh mọi chuyện là trường Sư phạm đã thu nhận sinh viên như thế nào, và dạy những gì để cho ra những người thầy yếu kém. Tức là chạm tới giáo dục, mà giáo dục là mục tiêu quốc gia nằm trong các buổi hội họp báo cáo, hội thảo chuyên đề này nọ nên thông thường khó với tới để bàn nổi! 

Những vụ xảy ra cho trẻ em kể trên là tiếng chuông gióng lên dấu hiệu suy thoái của ngành giáo dục mà ảnh hưởng chính do tình hình xã hội chung, không cưỡng lại được cơn sóng ào ạt của nếp sống mới lúc giao thời. Dù gì những trường hợp kể trên không chiếm đa số, vẫn còn vô số thầy cô giữ vững thiên lương trong bất cứ lúc nào, ở đâu. Chính tình cảm ngây thơ trong sáng của học trò là trụ vững vô bờ cho một nghề nghiệp khá bạc bẽo, mà bên ngoài sẽ không hiểu vì sao người dạy học có thể vượt qua mọi khó khăn để gắn kết đến vậy. Đó mới chính là tinh thần chân chính của nghề giáo cao quý mà một Ngày Nhà giáo hoa lá cành không nêu ra được. 

Quà Ngày Nhà giáo dần mất tính chất tình cảm mà là sự trao đổi. Nên chi mới có chuyện sau khi xích mích với một số giáo viên giả mạo chữ ký phụ huynh, mập mờ trong chuyện thu chi; phụ huynh yêu cầu nhà trường trả lại tiền đã thu sai và … đòi lại quà gồm khăn, ấm chén, bánh kẹo, vải… đã tặng nhận ngày Tết, ngày Nhà giáo.

Quà tặng Ngày Nhà giáo có nơi biến tướng như là một sự hối lộ và coi thường thày cô. Vì vậy có thầy cô dứt khoát không nhận quà. Có người chỉ nhận khi phụ huynh trịnh trọng đến tận nơi chứ không phải để con, cháu mang đến “cho” thày cô.

Một phụ huynh nêu ý kiến: “Có thầy chỉ nhận hoa nhưng bó hoa đẹp cũng bạc triệu chứ đâu có rẻ. Hơn nữa mua quà nhiều khi không hợp ý thầy, mắc công thầy phải kiếm người cho đi. Mừng quà bằng tiền tuy không “nhã” nhưng tiện lợi cho cả hai bên. Mình khỏi mắc công suy nghĩ mua quà gì, còn thày cũng dễ… xài”!

SGCN