Nhiều bệnh nhân chết vì suy thận, vì uống “thần dược gia truyền” trị bệnh tiểu đường

Saigon: Theo những tin tức loan báo hôm thứ ba ngày 10 tháng 3, thì có một số bệnh nhân bệnh tiểu đường đã dùng thuốc “gia truyền” chữa bệnh và hậu quả là nhiều bệnh nhân bị suy thận và chết.

Theo bác sĩ Trương Dương Tiển – trưởng khoa hồi sức cấp cứu khu D Bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết thời gian qua, Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị bệnh tiểu đường, ở tình trạng nguy kịch vì dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Trường hợp điển hình , theo báo Tuổi Trẻ là trường hợp ông Đ.H.L. (65 tuổi, ngụ Đồng Tháp) bị bệnh tiểu đường loại 2, và đã sử dụng thuốc nam “gia truyền”.
Một thời gian đầu thì ông L có mức đường huyết ổn định. Nhưng sau đó ông L lâm vào trạng thái chán ăn, mệt mỏi, ngất xỉu liên tục và được chở đến bệnh viện cứu cấp.
Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân được xác định nhiễm toan lactic nặng, tổn thương đa cơ quan dẫn đến suy thận, suy hô hấp, hoại tử da. Sau gần một tuần lọc máu liên tục, hỗ trợ thở máy, bệnh nhân tạm qua cơn nguy kịch.
Tính từ năm 2018 cho đến nay, bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận hàng chục trường hợp bệnh nhân tương tự. Trong đó có 1 trường hợp tử vong dù các bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu. Các bệnh nhân này đều từ tuyến dưới chuyển lên và trong tình trạng khá nặng, phải liên tục lọc máu mới có thể giữ được tính mạng.
Theo bác sĩ Trương Dương Tiển, loại thuốc nam được truyền tai là “thần dược” mà bệnh nhân bệnh tiểu đường sử dụng, được bào chế dưới dạng viên nhiều màu bắt mắt như hồng, vàng, nâu, xanh lá… tùy theo mức độ đường huyết trong máu của người bệnh. Các loại thuốc này do các thầy lang tự pha chế hoặc nhập từ Trung Quốc.
Điều nguy hiểm là các loại “thần dược” này chủ yếu được pha chế thêm các hoạt chất như phenformin, metformin, biguanides… Đây là những hoạt chất kiểm soát đường huyết tốt nhưng bị cấm sử dụng bởi tỉ lệ biến chứng nhiễm acid lactic quá cao.

Theo bác sĩ Tiến thì “Thời gian đầu thuốc có hiệu quả tốt trong kiểm soát đường huyết nhưng sau một thời gian sử dụng, bệnh nhân thường có triệu chứng buồn nôn, ói, chán ăn, đau bụng giống như viêm dạ dày. Việc người bệnh không biết nguyên nhân vẫn tiếp tục sử dụng thuốc khiến rơi vào tình trạng ngộ độc phenformin hoặc metformin, biguanides gây toan máu và tăng lactate máu”.
Để tránh tiền mất tật mang, bác sĩ Tiển khuyến cáo người bệnh tiểu đường cần thăm khám định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín, đồng thời tuân thủ phác đồ điều trị bác sĩ đưa ra. Đặc biệt không nên tin vào các loại thuốc truyền miệng không rõ nguồn gốc hoặc các loại thực phẩm chức năng, bởi trong đó có thể chứa chất cấm hoặc hàm lượng vượt mức cho phép gây ảnh hưởng đến sức khỏe.