Nhớ trò chơi trong sân trường
Xưa kia, trẻ con miền quê không mua đồ chơi mà chỉ chơi với những món chung quanh tự chế: Con trai đá banh bằng trái bưởi, trái dừa khô hay bẹ chuối bó chặt bằng dây chuối, chơi đáo lạc, bắn cu li bằng hai cây que… Con gái đánh đũa với bó đũa thảy trái chanh. Sau này trên thành phố thay bằng quả bóng pingpong, banh tennis mòn vẹt, hay ô quan vẽ trên mặt đất rải hạt mãng cầu, hạt bưởi, viên đá sỏi…
Giờ ra chơi là khoảng thời gian thích thú được chờ đợi nhất trong ngày của học sinh. Tất cả trẻ em đều ham thích chơi đùa. Nhu cầu này đối với tuổi nhỏ cũng quan trọng, cần thiết không kém gì ăn uống. Ở nhà chơi với anh chị em không thể bằng, không kể những gia đình ít con cái, trẻ phải chơi với người lớn, với cha mẹ, ông bà… tuổi tác quá cách xa. Ngoài ra ở thành phố với một thời khóa biểu học hành kín mít thì trong giờ ra chơi, được chơi đùa với các bạn đồng lứa thật là niềm vui đặc biệt.
Đầu giờ học buổi sáng, học sinh chưa chơi vì còn ngái ngủ, có khi dậy muộn chạy đến trường chưa kịp điểm tâm, sau đó là giờ dò bài đầu ngày trước khi vào lớp, nếu bài chưa thuộc kỹ thì phiền phức lắm. Hiện nay, một số trường đã bỏ việc truy bài đầu giờ. Cuối giờ quá mệt nhọc sau buổi học căng thẳng và lại đói bụng nữa, nên chỉ có giờ ra chơi vừa tỉnh ngủ, vừa cần xả hơi sau hai tiết học đầu.
Đối với học sinh tiểu học, giờ ra chơi thật quan trọng, là… mục đích chính cho bổn phận chán ngán phải cắp cặp đến trường mỗi ngày. Cho nên chúng hết sức chờ đợi khoảnh khắc ấy.
Thông thường lúc đó, học sinh đều phải ra ngoài phòng học hết, chỉ có vài học sinh trực nhật được ở lại trong lớp. Điều này để tránh leo trèo, xô đẩy bàn ghế dễ gây tai nạn hoặc việc mất cắp đồ đạc có thể xảy ra.
Khi trước, những lớp học tầng trệt đổ ra sân trường. Còn với các lớp học trên lầu, con gái chiếm lĩnh hành lang để chơi nhảy dây hoặc đánh đũa. Đám con trai không còn chỗ để chơi, đành chỉ vật nhau. Vì học sinh tản ra khắp hành lang nên sân trường rộng rãi, học sinh có thể chơi trò cút bắt, chơi u hoặc chơi năm mười tức là trò trốn tìm…
Có lần học sinh bị tai nạn ở hành lang, thò đầu vào kẽ hở song không rút ra được, leo qua mái nhà bên cạnh lượm trái cầu rớt gây trượt chân… Giám thị kiểm soát không xuể nên sau này đến giờ ra chơi, học sinh đều buộc phải xuống sân hết, không ai được ở lại hành lang hay trong lớp. Không gian thành phố chật hẹp nên khi tất cả bị lùa xuống hết thì sân trường trở nên quá chật chội, rất dễ va chạm. Nếu rượt đuổi rất dễ đụng nhau gây té ngã, không chừng gãy tay chân. Thành thử vào giờ ra chơi, học sinh bị cấm chạy hoặc chơi những trò chơi hiếu động, chỉ được đứng hoặc đi qua lại mà thôi.
Thật khó khăn để kềm hãm lũ trò nhỏ đứng yên sau hai tiết học chờ đợi để được vui đùa. Vì thế nhà trường huy động cả giám thị lẫn giáo viên ra sức trông chừng lũ trẻ con đang trong tình trạng hết sức phấn khích.
Lũ học trò trong giờ ra chơi được canh gác cẩn thận từ các giám thị, giáo viên thay phiên bung ra và cả ông bảo vệ cũng lo canh gác phần sân gần cổng ra vào.
Một giáo viên đứng trên bục cao ở chân cột cờ giữa sân để có thể nhìn bao quát khắp nơi. Cô luôn miệng nói lớn vào micro cầm tay:
– Ở góc cầu thang số 2, một em đang trượt cầu thang.
– Hai em đang chạy đuổi nhau gần phòng bảo vệ.
Cô loan báo tới đâu, thầy giám thị xuất hiện ngay lập tức dẫn những tên vi phạm vào phòng xử, không sót tên nào.
Tuyệt đối không đánh nhau, chạy đuổi… nhưng học sinh tiểu học tuổi còn nhỏ rất ham chơi, không thể không chơi thứ gì được. Trước cửa trường bán trên mẹt và xe đẩy rong rất nhiều đồ chơi hầu hết có nguồn gốc từ Trung quốc. Bọn trẻ dành tiền mua nhét đầy trong cặp, giờ ra chơi lôi ra khoe nhau. Lũ con trai thi nhau phóng phi tiêu, cắt những tấm bìa lớn in sẵn ra nhiều hình siêu nhân. Những xấp hình này dùng để chọi chứ không chồng lên cao để tạt như xưa do không đủ đất rộng đứng xa tạt, nhất là không thể tháo giầy ra tạt. Hầu hết nam sinh đều chơi trò lắp ghép hình siêu nhân phỏng theo các bộ phim, là hình tượng rất phổ biến trong giới học trò, không những có mặt trong các món đồ chơi mà còn được dán trên cặp, trên mũ, áo mưa… Những chú lính chì của Andersen từ lâu đã đổi sang vật liệu nhựa đặc nhiều màu sắc tươi sáng. Bây giờ hiếm thấy lính nữa mà thay thế bằng hình dạng của những con thú, khủng long, tê giác, đại bàng… chẳng hạn. Tuy nhiên học sinh không dùng để chơi chọi nữa mà chỉ khoe nhau những bọc thú xem ai nhiều hơn, thú nào lạ hơn…
Vài nam sinh khác không thể nép mình vào những trò chơi quá sức hiền hòa, thiếu hoạt động chân tay đó nên vẫn lén trượt xuống cầu thang trên những tay vịn, kéo nhau ra góc khuất đánh vật chớp nhoáng… Nếu không có những trò xả bớt sự năng lượng trong người, chắc là chút nữa vào lớp khó thể ngồi yên.
Học sinh trung học cơ sở từ lớp Sáu đến lớp Chín tức là cấp II chơi vui nhất trong ba cấp học vì không còn con nít quá như cấp I nhưng chưa lớn, trưởng thành như cấp III. Ở cấp này, lớp 6 và 7 còn nhỏ nên vẫn ham búng thung, bắn bi, chọi cầu… là những trò chơi tha từ tiểu học lên.
Lớp 8, lớp 9 lớn hơn nên tìm cách chơi các trò mạnh bạo hoặc phô bày khả năng hơn. Con trai nắm tóc, nắm áo thụi nhau vài cái, tụ vào góc sân biểu diễn hiphop, phân công bạn bè đứng canh chừng giám thị để vẽ graffiti lên tường ở khu vực phòng vệ sinh hay gầm cầu thang… Nhảy hay trượt cầu thang một cách điêu luyện để thể hiện ”đẳng cấp”. Đám khác hè nhau ùa vào căn-tin xô đẩy làm đổ khay bánh tráng, nhanh tay nhặt một vài gói rồi co cẳng bỏ chạy thật nhanh trước khi bị nhận mặt. Cả đám hí hửng với chiến lợi phẩm trong tay mặc chị bán hàng tuy càu nhàu nhưng chẳng bao giờ lên văn phòng mách lũ trẻ. Mỗi gói bánh rẻ tiền, vài gói giá đâu có bao nhiêu. Gói bánh nhỏ xíu ăn cũng chẳng ngon cho lắm, chỉ là phá phách vui thôi.
Giống như trường cấp I, trước cổng trường bán rất nhiều đồ chơi đa số từ Trung Quốc nhưng ở tuổi lớn hơn, đồ chơi cũng mạnh hơn. Các đồ chơi vũ khí dù bằng nhựa vẫn bị cấm trong phạm vi trường học. Dù sao chúng vẫn giấu diếm nằm kín trong cặp táp. Súng bắn nước được học sinh lén chơi, có khi độc địa đổ vào đó nước mắm hay xà bông pha loãng. Thứ này thường bắn lên thân cây hay bãi cỏ, bắn vào người là có chuyện to ngay. Thật ra trừ phi bị giám thị bắt quả tang, không thì chẳng ai đi mách. Bắt quả tang hiếm lắm vì học sinh báo động cho nhau từ xa.
Suốt thời gian dài, các món đồ chơi Trung Quốc bị mang tiếng chứa nhiều chất độc hại nên hầu hết các trường học đều cấm hàng rong bán trước cổng trường. Không còn các món đồ chơi lặt vặt rẻ tiền ở đó nữa. Học sinh được cha mẹ dẫn mua đồ chơi trong các tiệm sách.
Món đồ chơi thông dụng nhất cho các cấp học cả nam lẫn nữ là điện thoại đi động mà hiện nay đã trở nên quá phổ biến. Điện thoại nhiều loại nhiều giá tiền và nhiều chức năng hấp dẫn. Không kể chỉ cần hòa mạng là được khuyến mãi ngay điện thoại giá rẻ cộng với sim có sẵn tài khoản nên trẻ em dễ dàng sở hữu ít nhất một cái. Nhà trường cấm mang điện thoại vào trường, nếu bắt gặp sẽ tịch thu. Ngược lại, phụ huynh muốn trang bị điện thoại cho con em để dễ theo dõi, kiểm soát. Giờ ra chơi, lũ trẻ mang điện thoại ra so với nhau. Chat, bắn nhạc qua bluetooth, gởi tin nhắn… Đó là cả một thế giới bí mật mà người lớn chẳng bao giờ xâm nhập vào được.
Sân trường quá hẹp nên nếu không có những trò chơi ngồi một chỗ như điện thoại di động thì biết chơi gì. Hoàn toàn không thể đánh cầu lông, đá cầu theo nhóm… Ngay cả những trò đơn giản như cút bắt, năm mười, u mọi… cũng bị cấm vì học sinh xô đẩy, đụng chạm gây tai nạn.
Các trò chơi cũng diễn ra theo mùa. Mùa gió chơi thả dù. Trò này giống ngày xưa: Mỗi mảnh dù buộc vào một chú lính nhựa tung lên không. Dù bung ra, bọc gió bay là là xuống xem cái nào cao nhất. Trời mưa ngồi trong nhà xếp hạc hay ngôi sao may mắn, mùa khô ra sân chơi thảy đô-la nhựa…
Chơi mải mê đến hết giờ ra chơi, nạp đầy đủ năng lượng, đám học sinh mướt mồ hôi lên lớp đầy thỏa mãn.
Lên tới trung học, học sinh ít chơi những trò vận động tay chân nhiều. Đối với những lớp nữ sinh mặc váy thì học sinh còn chơi đá cầu chút ít, nhưng với những trường học sinh mặc áo dài thì không khí giờ ra chơi hoàn toàn không còn sôi động như lớp dưới.
Nếu không vào căn-tin thì học sinh lo ăn sáng, ngồi ôn bài cho giờ học kế tiếp, thơ thẩn sân trường, ngồi gốc cây, ghế đá tán dóc hoặc nghe nhạc. Câu chuyện cũng mở rộng hơn về đủ thứ chuyện trong nước, ngoài nước ngoại trừ chuyện học. Học sinh bàn về ca sĩ, ban nhạc và scandal quanh thần tượng, thời trang, về cầu thủ và các trận đá banh, về buổi hẹn cuối tuần… Tiệm sách và quán trà teen là những nơi hò hẹn.
Mặc dù giờ tan học, hình ảnh gặp ngoài cổng trường là nhiều nữ sinh dắt vạt áo vào lưng quần, xắn tay áo lên tận khuỷu và mở cúc cổ vì quá nóng nhưng trong sân, áo dài buộc tề chỉnh. Với tà áo dài, nữ sinh không thể chơi đùa mạnh mà chỉ có thể đi lại tha thướt, mồm miệng có đanh đá nhưng cử chỉ trở nên nhẹ nhàng. Dĩ nhiên trước tình cảnh đó, nam sinh cũng không thể chạy nhảy, la hét đẫm mồ hôi được. Anh chàng đứng dựa cửa, nhìn trời qua cửa sổ hay cầm cây đàn với vẻ lãng tử biết rằng cả thế giới đang nhìn mình. Giờ ra chơi đã bắt đầu biết đến Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư…
Hầu như không còn trường mặc áo dài đi học vì quá lướt thướt. Kiểu áo dài bây giờ dài gần chấm gót chứ không phải như ngày xưa. Nữ sinh cả ba cấp đều mặc váy culotte gọn gàng, thuận tiện cho việc đi lại. Mỗi trường có đồng phục riêng của mình không trường nào giống trường nào.
Các trò chơi gởi lại trường cũ cùng bé thơ. Không khí giờ ra chơi ở trường trung học rõ ràng đằm thắm, yên ả rất nhiều với một ít tình yêu học sinh bắt đầu nảy nở. Một cô ngồi gốc cây thẹn thùng đợi anh bạn mua hai que kem mang đến, chưa kịp nói gì thì chuông vào học đã vang lên, rời khỏi gốc cây thật luyến tiếc. Trên giấy tờ, kỷ luật không cấm nam nữ học sinh nắm tay nhưng trong thực tế, không thể nắm tay trước mặt giáo viên và giám thị. Cả hai đi sát nhau, nắm tay vào lớp không để ai nhìn thấy trừ… đám bạn. Với những trường kỷ luật nghiêm khắc, những tình yêu học sinh đầu đời đó sẽ là kỷ niệm đẹp nhưng nếu kỷ luật kém cùng lúc ảnh hưởng xấu từ phim ảnh, từ Net… họ sẽ trở nên lố bịch và tình cảm có thể lạc lối…
Từ lâu, các trò chơi cổ truyền đã dần dần thất truyền. Nu na nu nống, dung dăng dung dẻ, mèo bắt chuột… dần dần chỉ còn thấy trong các cuốn băng video bài hát thiếu nhi. Vì thế một vài trường tiểu học trong thành phố đang cố gắng khôi phục lại các trò chơi dân gian cũng như bài hát dân ca. Trong thực tế, các trò chơi này đã được trẻ em cải biến rất nhiều. Ô quan được đặt tên mười hai con giống vào mỗi ô, nhảy dây vẫn giữ tên ấy nhưng cách chơi khác, đánh đũa cũng vậy…
Vào giờ ra chơi, học sinh chỉ có thể chơi ở một số trường có sân rộng, số ít trường may mắn còn có gốc cây, bồn cỏ nhưng đa số trường học thành phố đều chật chội. Rất nhiều trường sân hẹp tới nỗi học sinh chỉ đứng đã nghẹt, lấy chỗ đâu mà chơi đùa. Thậm chí nhiều trường không có cả sân, chỉ là căn nhà lầu mấy tầng, giờ ra chơi học sinh chen chúc ở hành lang hoặc lố nhố trong lớp chứ đi xuống thật ngại. Xuống sân mua một gói kẹo, leo cầu thang trở lên lớp là vừa hết giờ ra chơi. Đành chơi ca rô, búp bê… Không được chơi. Thế mà vẫn có những đề tập làm văn tả cảnh sân trường giờ ra chơi và học sinh tha hồ vẽ vời theo bài văn mẫu. Coi như phát triển óc tưởng tượng của học sinh vậy!
Dù sao, không gian có hạn hẹp cách mấy thì giờ ra chơi vẫn không ngăn cản được lũ học sinh vui đùa trong thế giới phong phú vô biên của tuổi thơ.
Hàm Anh