Mong ước tìm mẹ của hai chị em sinh đôi bị bỏ rơi
Đang sống hạnh phúc bên chồng và các con nhưng lòng bà Trần Thị Lan chưa một ngày thôi day dứt về nguồn cội của mình. Từ khi vừa chào đời, bà đã bị cho đi và lưu lạc qua vài gia đình nhận nuôi, cuối cùng được ông bà Ba Cầm ở Cái Bè, Tiền Giang đón về nuôi, thương như con đẻ. Có điều, cha mẹ nuôi không biết bà Lan sinh ra từ đâu, cha mẹ đẻ tên họ gì.
“Ba má không chút phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi nhưng tui luôn buồn tủi vì không có gốc gác”, bà nói. Có lúc bà đã tin cả đời sẽ không thể lý giải mái tóc xoăn tít, chất giọng khác lạ của mình di truyền từ ai.
Nhưng cách đó hơn 300 km, ở Sông Ray, Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Hồng Lệ biết câu trả lời. Năm 16 tuổi, bà đã được mẹ nuôi kể mình được sinh ra ở bệnh viện Nha Trang và có một người chị song sinh.

Năm 1970 (hoặc 1971), mẹ nuôi bà Lệ bỏ cái thai hỏng và tình cờ biết có cô gái 16 tuổi có nguyện vọng cho hai đứa con song sinh nên quyết định ẵm một bé về nuôi. Người phụ nữ chọn đứa chị vì thấy cứng cáp hơn nhưng trong lúc về nhà thu dọn đồ để quay lại bệnh viện thì đã có người khác ẵm mất. Bà đành bế đứa còn lại về, yêu cầu người mẹ đẻ đưa giấy chứng sinh. Cuộc sống nhiều xáo trộn, tờ giấy năm xưa không còn, nhưng những gì mẹ nuôi kể bà Lệ vẫn thuộc lòng.
Theo lời kể, mẹ đẻ bà tên Phan (hoặc Phạm) Thị Đào, sinh năm 1954 (hoặc 1955), quê ở Vĩnh Long. Khi được hỏi lý do bỏ con, người mẹ nói đây là kết quả của mối tình với một người lính Đại Hàn nhưng người này đã về nước, mất liên lạc. Một mình bà Đào không thể lo cho hai đứa trẻ song sinh.
“Má nuôi dặn tui, nếu trên đời này gặp người nào giống con y chang thì đó chính là chị gái ruột”, bà Lệ nhớ lại. Luôn muốn tìm lại chị, nhưng cuộc sống với nỗi lo cơm áo gạo tiền tạm vùi lấp ước mơ.
Có lần, một đoàn hát từ Cái Bè, Tiền Giang đến Sông Ray biểu diễn, bà Lệ cũng đi xem. Một người trong đoàn hát bất ngờ vỗ vai bà Lệ thắc mắc “Ủa, chị Lan, sao chị tới đây chi vậy?”, bà Lệ bảo “Tui tên Lệ, không phải Lan”.
Nhớ lời kể của mẹ nuôi, bà hỏi cô gái tên Lan đó là con nuôi hay con đẻ, người kia đáp “là con nuôi của một ông tên Ba Cầm”. Nhưng vì nghĩ trên đời nhiều người giống nhau, lại bận rộn vì vừa sinh con nhỏ, bà Lệ để câu chuyện trôi qua.
Năm 2000, ở Cái Bè, một người đàn ông bỏ mối cà phê gõ cửa nhà bà Lan mời mua. Nhìn thấy bà, người này ngạc nhiên “Sao chị Lệ ở đây?”. Nữ chủ nhà tưởng lừa đảo nên đáp gọn “Tui tên Lan, không phải Lệ”. Người kia khẳng định gần nhà mình có một người giống bà Lan y hệt, hứa sẽ mang ảnh tới cho xem.
Người đàn ông ấy là hàng xóm của gia đình bà Lệ. Ông về Đồng Nai kể chuyện với mẹ nuôi bà Lệ. Ở tuổi gần đất xa trời, ước muốn tìm người ruột rà thân thích cho con gái nuôi trỗi dậy, người mẹ âm thầm đi tìm, hỏi thăm đến nhà bà Lan.
Tới nơi, chỉ có chồng bà Lan ở nhà nhưng nhìn tấm hình cưới trên tường, mẹ nuôi bà Lệ biết đã tìm được chị ruột cho con. Bà kể chuyện cho chồng bà Lan biết, hẹn sẽ có ngày đoàn tụ. Nhưng chỉ ngày hôm sau, mẹ nuôi cùng vợ chồng bà Lệ đến nhận ruột thịt.
“Chị tui trong ngõ ngóng ra, tui từ ngoài vào, nhìn nhau mà tưởng mình trong gương. Khóc quá trời khóc. Hai bên đường, người kéo đến xem đông lắm, ai nhìn cũng biết đúng là chị em”, bà Lệ kể.
“Cứ tưởng tượng 30 năm liền nghĩ mình mồ côi, không người thân thiết nay đột nhiên có một đứa em ruột thịt, giống từ giọng nói, dáng đi đến mái tóc, hạnh phúc kể sao hết”, bà Lan nhớ lại cảm xúc khi đó.
Hai chị em sống ở hai nơi nhưng luôn giữ liên lạc, trò chuyện mỗi ngày. Nhà người này có việc không bao giờ vắng mặt người kia. Tuy vậy, tổn thương trong quá khứ vì bị bỏ rơi khiến họ không có dũng khí và khát khao đủ lớn để tìm mẹ.
Chị Quế Thanh, 31 tuổi, (con gái bà Lan) kể từng nhiều lần hỏi mẹ có muốn tìm ngoại không, nhưng mẹ hờ hững. Bà Lan nói đang sống với cha mẹ nuôi nhưng yêu thương, sao phải đi tìm một người bỏ rơi mình.
Ít năm sau khi chị em họ tìm được nhau, mẹ nuôi bà Lệ nhắm mắt. Năm 2013, bố mẹ nuôi của bà Lan cũng lần lượt qua đời. Lúc đó, khoảng trống trong lòng hai chị em mỗi lúc một rộng. Tuổi càng cao, họ càng muốn buông bỏ những oán giận và tìm lại cha mẹ đẻ.
Đầu tháng 6 năm nay, khi con gái đi công tác Đà Nẵng gọi về, bà Lan buột miệng: “Thanh đang ở Đà Nẵng thì tiện đường về Nha Trang tìm mẹ cho mẹ đi!”. Bà nói rồi hai mẹ con bật khóc.
“Tôi biết đó là câu nói mẹ dồn nén mấy chục năm, nay mới đủ dũng khí để thốt ra”, người con nói. Chị Quế Thanh đăng bức thư của mẹ và dì lên mạng xã hội, đồng thời kết nối với các kênh tìm người thân, hy vọng tìm được bà ngoại.
“Bây giờ, hai chị em con ai cũng có một gia đình riêng hạnh phúc rồi má. Bây giờ, tụi con đã 52 tuổi rồi, có cháu ngoại, cháu nội luôn rồi. Xin lỗi má tại tới bây giờ tụi con mới nói được mấy lời nầy”, hai người con viết trong thư.
Bà Lệ nay đã chuyển về Bình Dương làm ăn, nhưng dự định vài năm nữa sẽ về Cái Bè, Tiền Giang làm nhà, sống cạnh chị gái. “Chỉ có hai chị em với nhau, đâu có ai nữa đâu, phải ở cạnh nhau khi hoạn nạn”, bà Lệ nói.
Đêm đêm, từ xa, bà vẫn hay gọi chị gái rủ xem chương trình tìm người thân trên mạng xã hội. “Biết đâu một ngày nào đó, chị em mình lại thấy mẹ đang tìm chúng ta trên này”, họ nói với nhau trong hy vọng.
Khoảng giữa tháng 6, bà Trần Thị Lan và người em song sinh Nguyễn Thị Hồng Lệ nhờ con gái đăng một bức thư lên mạng xã hội tìm mẹ đẻ, người đã bỏ rơi họ 53 năm trước.
“Tại sao hồi trước tụi con không tìm má? Tụi con xin trả lời là vì tới ngày hôm nay, sau 50 năm, tụi con mới có thể tha thứ cho ba với má vì đã bỏ rơi tụi con lúc mới chào đời. Nếu mà ông trời không cho tụi con gặp má trong kiếp nầy, tụi con cũng mong má với ba, nếu có một lần nhớ tới tụi con, hãy an lòng”, họ viết trong thư.
Cuộc hội ngộ của hai đứa trẻ đầu tiên thụ tinh trong ống nghiệm
Lưu Tuyết Trân và Mai Quốc Bảo, hai trong ba đứa trẻ đầu tiên tại Việt Nam ra đời nhờ thụ tinh trong ống nghiệm, hội ngộ tại Bệnh viện Từ Dũ sáng 27/4/2023, sau 25 năm.
Ba “em bé ống nghiệm” ngày nào, gồm hai gái một trai, nay bước sang tuổi 25. Chỉ có Trân và Bảo gặp nhau tại Lễ kỷ niệm 25 năm ngày ra đời của trẻ thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam – nay đã mở rộng việc làm IVF (In vitro fertilization: sụ thụ tinh trong ống ngiệm) tại Bệnh viện Từ Dũ. Em bé thứ ba là Phạm Tường Lan Thy, vắng mặt.
Quốc Bảo cao hơn Tuyết Trân một cái đầu, đều lớn lên khỏe mạnh, có công ăn việc làm ổn định. Hai gia đình ngồi cạnh nhau trò chuyện rôm rả sau thời gian dài không gặp mặt do dịch bệnh Covid-19. Mấy chục năm qua, họ vẫn giữ liên lạc với nhau, trò chuyện qua mạng xã hội. Mỗi năm, vào ngày sinh nhật, Tuyết Trân đều dành những lời chúc tốt đẹp cho hai người bạn đặc biệt của mình.
Tuyết Trân được các y bác sĩ Từ Dũ khen là dịu dàng, xinh đẹp. Cô là một trong số ít nữ sinh viên vừa tốt nghiệp khoa công nghệ thông tin trường Đại học Tiền Giang. Trân đang làm việc tại Trung tâm đào tạo và sát hạch giao thông thủy bộ của tỉnh Tiền Giang.
Quốc Bảo cao gần 1,8 m, làm việc tại bộ phận quản lý chuỗi cung ứng của một doanh nghiệp ở quận Tân Bình, Sài Gòn. Bảo là lao động chính trong gia đình, ba đã về hưu, mẹ bệnh qua đời vài năm trước.
30/4/1998 là ngày đáng nhớ của rất nhiều người, không chỉ ba gia đình trong cuộc và các y bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ: ngày ba đứa trẻ chào đời từ việc thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam.

Mẹ của Tuyết Trân, bà Trần Thị Bạch Tuyết cho biết, 25 năm trước bà 33 tuổi, vợ chồng điều trị hiếm muộn suốt 5 năm không có kết quả. Tình cờ biết Bệnh viện Từ Dũ tổ chức chương trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đợt đầu tiên, vợ chồng quyết định thử mặc dù khó biết trước kết quả.
Bà kể: “Lúc đó thử máu có kết quả dương tính, coi như đã thụ thai, vợ chồng tôi mừng lắm”, bà Tuyết nhớ lại. Tuyết Trân được một tuổi thì bố mất, một mình bà Tuyết nuôi con khôn lớn, cho ăn học nên người.
Tuyết Trân được coi trở thành “em bé ống nghiệm” đầu tiên là sự may mắn và niềm tự hào. Mẹ vẫn giấu em điều này. Đến năm học cấp 2 Trân mới biết được sự đặc biệt của bản thân. “Hồi còn nhỏ thì e ngại, sợ phiền, lớn hơn biết suy nghĩ thì cảm thấy vui, muốn khoe cho mọi người biết nhiều hơn”, cô gái tâm sự, thêm rằng bố không còn, cô được mẹ yêu thương nhiều hơn nên mong được lo lắng, bù đắp cho mẹ.
Còn Quốc Bảo ra đời khi ba mẹ đều ngoài 40 tuổi, sau gần 20 năm hiếm muộn. Bảo cho biết “luôn cảm thấy bản thân đặc biệt” và mong những đôi vợ chồng đang điều trị hiếm muộn kiên trì, không từ bỏ ý chí của mình.
Ông Mai Công Phơn, ba của Quốc Bảo, cảm ơn các bác sĩ và ngành y tế đã dày công tìm tòi, nghiên cứu kỹ thuật điều trị hiếm muộn để nhiều gia đình có được hạnh phúc lớn lao như ông và bà Tuyết hôm nay. Những năm qua, khi ông mất đi vợ, bà Tuyết mất đi chồng, cuộc sống của hai gia đình vẫn ấm áp, hạnh phúc nhờ sự có mặt của Bảo, Trân.

cho việc làm TT trong ống nghiệm tại Bệnh Viện Từ Dũ, Sài Gòn
GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, người tiên phong của ngành điều trị hiếm muộn tại Việt Nam, góp công lớn trong sự ra đời của ba đứa trẻ IVF đầu tiên. Bà nói rằng mỗi khi nhớ đến cảnh bà Tuyết Trân chắp tay vái lạy sau khi con ra đời, đều không kềm được nước mắt.
30 năm trước, nhiều gia đình tan vỡ vì hiếm muộn. Theo bác sĩ Phượng, khi biết thế giới có kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, bà cùng các cộng sự cố gắng thành lập một khoa để hỗ trợ sinh sản, nghiên cứu thực hiện kỹ thuật này. 5 năm sau, những đứa trẻ đầu tiên chào đời.
“Khi những đứa bé đầu tiên được thụ tinh và sinh ra thành công, không thể diễn tả lại được cảm xúc của chúng tôi lúc đó”, bác sĩ Phượng nói.
Khoảng một triệu cặp vợ chồng tại Việt Nam đang bị vô sinh, hiếm muộn. Tỷ lệ vô sinh ngày càng tăng và trẻ hóa.
Bác sĩ Trần Ngọc Hải, phó giám đốc điều hành Bệnh viện Từ Dũ, cho biết từ khi thành lập khoa Hiếm muộn đến nay, Bệnh viện Từ Dũ đã đón hơn 16.300 em bé thụ tinh trong ống nghiệm ra đời. Số lượt khám hiếm muộn mỗi năm 55.000 đến 60.000. Tỷ lệ thai lâm sàng IVF hơn 45%.
“Mỗi em bé ra đời là niềm hạnh phúc to lớn của gia đình cũng như đội ngũ y bác sĩ”, bác sĩ Hải nói./.
Ca nương trẻ nhất Việt Nam qua đời vì tai nạn giao thông
Đặng Tú Thanh – 14 tuổi, từng nhận Kỷ lục Việt Nam là “ca nương nhỏ tuổi nhất” – qua đời vì tai nạn giao thông, sáng 1/7.
Khoảng 10 giờ sáng, Đặng Tú Thanh, ngồi sau xe máy do chị gái chạy trên tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn phường Minh Đức, quận Đồ Sơn, thì va chạm với xe hơi năm chỗ.

Đoạn đường xảy ra tai nạn thuộc dự án đường bộ ven biển Hải Phòng – Thái Bình với chiều rộng 24 m, mới làm xong lớp nhựa mặt đường, chưa cho phép phương tiện giao thông qua lại, trừ xe công vụ và xe phục vụ công trình. Tuy nhiên, người dân thường xuyên đi vào dù chủ đầu tư và nhà thầu thi công đã cảnh báo.
Theo đại diện Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng – chủ đầu tư dự án, đoạn đường qua quận Đồ Sơn và huyện Kiến Thụy dài 10 km, có rất nhiều lối mở dân sinh cắt ngang, khó kiểm soát việc ra vào của người dân.
Sau vụ tai nạn, Tú Thanh tử vong vì đa chấn thương, mất nhiều máu. Chị gái của em bị thương nặng, được đưa lên Hà Nội cấp cứu. Đầu xe hư hỏng nặng phía bên ghế lái. Thời điểm xảy ra tai nạn, đường ít phương tiện qua lại, trời nắng, tầm nhìn xa tốt.
Đặng Tú Thanh xuất hiện trong nhiều chương trình như Người hùng tí hon, Biệt tài tí hon, Gương mặt thân quen. Năm 2016, cô bé được Hội kỷ lục gia Việt Nam công nhận là Nghệ sĩ hát nhạc dân tộc nhỏ tuổi nhất.
Những năm gần đây, Tú Thanh được cha mẹ cho học thêm về cách hát dân ca, hạn chế biểu diễn ở các sự kiện mang tính thương mại, chủ yếu tham gia biểu diễn nghệ thuật ở địa phương, nhất là các chương trình từ thiện.
Mẹ Tú Thanh từng cho biết khi năm tuổi, một lần Tú Thanh xem tivi và thấy Thiện Nhân – quán quân Giọng hát Việt nhí 2014 – hát Cô đôi thượng ngàn, từ đó thích thú học theo. Ngày nào cô bé cũng mày mò tập hát theo các video trên mạng.
Tú Thanh còn yêu thích các tiết mục hát xẩm, hát xoan của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu. Từng tham gia nhiều game show tìm kiếm tài năng nhí, Tú Thanh hát thuần thục nhiều làn điệu cổ truyền như: Xẩm, chèo, xoan, ca trù, vọng cổ.
Đoàn Dự