Những câu chuyện hơi lạ ở trong nước

Cưới vợ mới cho con rể

Đầu tháng 9/2023 vừa rồi, người dân thôn Viên Nam, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai Hà Nội, bất ngờ khi bà Lê Thị Sáu tổ chức đám cưới cho con… rể lấy vợ khác ngay tại nhà mình.

Đặc biệt hơn, gia đình mới của anh Nguyễn Văn Lịch và ba đứa trẻ trong đó có một bé con riêng của người vợ mới vẫn ở lại nhà bà Sáu. «Từ lâu tôi coi Lịch như con trai nên nó lấy vợ khác thì vẫn ở tại nhà tôi chứ đi đâu”  – bà Sáu (59 tuổi) giải thích.

Anh Lịch, 33 tuổi và con gái bà Sáu kết hôn 10 năm trước. Bà Sáu nhà neo người nên đề nghị anh Lịch ở rể, anh con rể đồng ý.

Những năm đầu hôn nhân, cặp vợ chồng trẻ lần lượt sinh hai đứa con, đủ nếp đủ tẻ. Anh Lịch làm thợ mộc, cuộc sống dù không dư dả nhưng hạnh phúc. Ngoài việc  làm thợ, về nhà anh rất siêng năng, cấn mẫn, giúp vợ chăm sóc con cái, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Mười năm sống chung nhà, bà Sáu coi anh như con ruột. 

Ba năm trước, cuộc sống gia đình nhỏ bắt đầu xáo trộn khi vợ anh Lịch mở cửa hàng làm đẹp, quan niệm sống của hai vợ chồng ngày càng khác biệt. Mâu thuẫn phát sinh, người phụ nữ này đơn phương nộp đơn ly hôn. Biết là con gái mình có lỗi, bà Sáu liên tục khuyên nhủ nhưng không thành.

“Vợ chồng chia tay, Lịch định đưa một con rời đi nơi khác, một con ở lại với bà cho bà đỡ buồn, nhưng tôi khuyên nên nghĩ tới hai đứa nhỏ, không nên để anh em chúng phải lìa nhau”, bà Sáu kể lại. Thương con, người đàn ông này ở lại nhà vợ cũ. Con gái bà Sáu bỏ nhà đi làm ăn xa, tháng về thăm con một hai lần.

Ngày vợ chồng con gái chính thức ly hôn, bà Sáu tuyên bố nhận Lịch làm con trai. Trong di chúc, bà cũng để lại tài sản cho anh cùng hai đứa cháu. Suốt mấy năm sau, thấy anh Lịch hàng ngày lặng lẽ chăm sóc bọn trẻ, bà khuyên đi thêm bước nữa. Ban đầu anh Lịch từ chối, sợ các con khổ vì cảnh mẹ kế con chồng, nhưng bà Sáu lại khuyên “Có vợ, có thêm người cùng chăm sóc con cái. Mẹ cũng cần có chỗ dựa khi về già”.

Đầu năm 2023, anh Lịch quen một phụ nữ đơn thân ở Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Sau vài tháng tìm hiểu, họ tính đến chuyện cưới hỏi.

Anh Lịch và bà Sáu

Khi ahh Lịch trình bày với bà Sáu, bà khuyên anh nên thưa chuyện với bố mẹ ruột rồi mang lễ đến xin dâu. Nhưng Lịch nói luôn coi bà như mẹ đẻ, muốn nhận được sự đồng ý của bà trước rồi mới thưa chuyện với gia đình mình. Bố mẹ đẻ anh Lịch cũng ủng hộ con trai, muốn để bà Sáu toàn quyền quyết định đám cưới. 

Đám cưới lần này, bà Sáu lên danh sách khách mời, đôn đáo chuẩn bị cỗ bàn, lo liệu mọi việc để ngày vui diễn ra trọn vẹn. Mọi chi phí đám cưới, từ drap đệm, giường tủ mới cho đến cỗ bàn, phông rạp, tổng chi phí hơn 150 triệu đồng đều do bà Sáu lo. Bà không mời làng xóm mà chỉ báo tới họ hàng nội ngoại, cùng người nhà anh Lịch ở Yên Trung, Thạch Thất cách đó 14 -15 km đến chung vui. Lúc ăn hỏi rồi xin dâu, bà Sáu cùng đại diện nhà trai mang trầu cau thưa chuyện cưới hỏi theo đúng phong tục.

Vào ngày cưới, khi lên trao quà cho hai con, người phụ nữ này không nén nổi xúc động. Trong lời nhắn nhủ tới con rể cũ, bà gửi gắm: “Mẹ mong hai đứa sống thật hạnh phúc”.

Việc bà Sáu tổ chức đám cưới cho con rể đi lấy vợ khác khiến bà con lối xóm ai cũng bất ngờ. Ông Bùi Văn An, trưởng thôn Viên Nam nói thấy nể phục vì hành động của người phụ nữ này. “Ở xã, đây có lẽ là trường hợp đầu tiên cũng như là duy nhất cho đến thời điểm hiện tại mà mẹ vợ cũ làm đám cưới cho con rể”, ông An nói.

Với bà Sáu, khi quyết định tổ chức đám cưới cho Lịch, bà không nghĩ sau này nhận được sự đền đáp mà chỉ tâm niệm phải yêu thương đối xử với anh như con cái trong nhà. Dù vậy, cũng có người trách bà không thương con gái, không chỉ cưới vợ mới cho con rể cũ mà còn sống chung dưới một mái nhà. Bà Sáu bộc bạch, nếu tương lai con gái đi bước nữa, cũng sẽ lo chu toàn như đám cưới của Lịch. Tuy nhiên, bà sẽ không ở chung với gia đình mới của con gái để đôi bên tránh va chạm.

Từ ngày cha lấy vợ, hai con của Lịch cũng rất quấn quýt mẹ kế, điều mà bà Sáu cảm thấy may mắn và mãn nguyện.

Cô dâu Việt được hạnh phúc nhờ mẹ chồng người Anh

 Đang tuyệt vọng vì bị người yêu cắt đứt mọi liên lạc khi nhân được tin “ con yêu quý của chúng ta đang hình thành trong bụng em” thì cô nhận được thư từ mẹ của “chàng”.

Huyền Trân  kể rằng trong email, bà mẹ chàng viết: “Tôi rất lo lắng, nhưng sẽ nói chuyện với con trai về việc này”, bà Julie Hale, 59 tuổi, ở London, nhắn cho cô gái Việt tên Nguyễn Huyền Trân là người yêu của Thomas Hale – con trai út của bà. Nhưng Huyền Trân không còn tin vào bất cứ điều gì liên quan đến Thomas.

Bà Julie và đứa cháu nội cưng

Đó là câu chuyện của năm 2015, khi Huyền Trân, 22 tuổi, đang làm kế toán cho một công ty ở Sài Gòn. Cô và Thomas quen nhau qua  Facebook rồi hẹn gặp nhau. Ngày đầu gặp gỡ cũng là ngày cuối cùng chàng trai người Anh ở lại Việt Nam sau một tháng du lịch. Cuộc gặp ngắn ngủi nhưng sự hồn nhiên của cô gái bản xứ đủ khiến Thomas rung động. Vừa về nước, chàng trai đã đặt vé để một tháng sau quay lại Việt Nam.

Sự lãng mạn, ga lăng của Thomas đã chinh phục hoàn toàn trái tim cô gái Việt. Suốt thời gian Thomas sang Việt Nam lần thứ hai, đôi trẻ thường xuyên quấn quýt bên nhau. Một tháng sau, cô gái lo lắng báo tin cho Thomas rằng mình đã có thai. Từ London, Thomas trả lời: “Anh không xác định gì cả. Anh với em ở quá xa nhau nên không thể cưới xin được». Lúc đó, thu nhập của anh chỉ đủ đáp ứng cuộc sống một mình với đam mê du lịch. Thomas nói mình còn quá trẻ, chưa sẵn sàng lập gia đình và không dám nói chuyện này với bố mẹ. Huyền Trân chết lặng.

“Em không muốn con mình có một gia đình không hoàn hảo. Nếu anh đã quyết định như vậy, em sẽ bỏ cái thai”, cô gái Việt nhắn để thử lòng bạn trai. “Anh tôn trọng mọi quyết định của em”, Thomas trả lời. Tuyệt vọng, cô quyết định bỏ con.

Cái thai hơn bốn tuần tuổi, Huyền Trân một mình đến bệnh viện Từ Dũ định bỏ. Nhưng cứ đến cổng bệnh viện cô lại khóc, quay về. Sau ba lần như thế, Huyền Trân quyết định làm mẹ đơn thân. “Nỗi lo lớn nhất của tôi là làm thế nào nói sự thật với bố mẹ”, cô gái  kể.

Mãi đến khi cái thai bốn tháng, bố mẹ Huyền Trân mới biết. Tưởng “giông tố” sẽ ập xuống đầu, nhưng vợ chồng ông Nguyễn Văn Dứng nói với con gái: “Nó không nuôi thì bố mẹ sẽ cùng con nuôi cháu”. Trút được gánh nặng nhưng đêm nào cô cũng khóc vì thương bố mẹ phải chịu điều tiếng không lành và nghĩ đến tương lai của đứa con không cha. “Đó là những ngày đen tối nhất đời tôi”, Huyền Trân nhớ lại. Đã có lúc cô nghĩ đến việc lén sinh con rồi gửi nhà chùa hoặc đem cho.

Trong lúc bế tắc, Trân tìm địa chỉ Facebook của anh trai Thomas để kể sự tình. Tin nhắn đó được chuyển đến bà Julie Hale – mẹ của anh. Biết tin, người phụ nữ vội gặp con trai út nói chuyện.

“Thomas nói rất buồn nhưng không biết phải làm sao. Tôi bảo ‘con sắp làm cha và phải thực hiện trách nhiệm đó nghiêm túc. Mẹ không thể sống khi biết cháu mình bị bỏ rơi’”, bà Julie kể. Nghe câu nói đó, Thomas ôm chầm lấy mẹ và nói cám ơn mẹ, con mừng lắm.

Bà Julie và con trai đều chủ động nhắn tin cho Huyền Trân. Thomas hỏi thời gian dự sinh để sắp xếp công việc bay sang, còn bà Julie xin địa chỉ nhà để gửi tã lót, sữa, đồ dùng cho đứa cháu sắp chào đời.

Ngày trở lại Việt Nam, ẵm con trên tay, Thomas thốt lên khi nhìn thấy con giống mình “như đúc” với đôi mắt màu xanh, sóng mũi cao và mái tóc vàng. Để chuộc lỗi với vợ, đêm đêm anh thức cùng Trân pha sữa, thay tã cho con. Chỉ một cái cựa mình của bé Freya, cũng khiến ông bố trẻ giật mình lo lắng.

“Hóa ra anh không phải người xấu như mình vẫn nghĩ”, Huyền Trân xét lại. Cô nhận ra thời gian họ bên nhau chưa nhiều, cũng không hứa hẹn điều gì. Đứa trẻ chính là mối duyên kết nối hai người ở hai đất nước xa lạ.

15 ngày sau, vợ chồng bà Julie cũng bay tới Việt Nam thăm gia đình thông gia và cháu nội. Cái ôm ấm áp của người phụ nữ lần đầu gặp đã xóa nhòa mọi khoảng cách và lo lắng của cô gái Việt.

Một tuần ở Việt Nam, bà Julie săn sóc, giặt giũ cho cháu nội và vun vén tình yêu cho con trai. Bà kể với Huyền Trân, Thomas đã buồn bã và lo lắng cho mẹ con cô thế nào trong những ngày xa nhau. Qua bà Julie, cô mới biết chồng đã “mít ướt” rất nhiều khi cô phải mổ lúc sinh con. «Hóa ra trong những ngày tôi lo lắng, hoảng sợ và cô đơn, anh cũng rất đau khổ. Cách yêu thương chân thành của anh và giờ là những lời kể của mẹ đã làm trái tim tôi ấm lại», cô tâm sự.

Rời Việt Nam khi cháu nội và Huyền Trân vẫn ở lại khiến bà Julie buồn lòng. Người mẹ quyết định tìm mọi cách giúp các con đoàn tụ. Việc đầu tiên, bà xin phép bố mẹ Huyền Trân được đón hai mẹ con cô sang Anh.

Ông Nguyễn Văn Dứng, bố Huyền Trân, kể: «Để chúng tôi yên tâm, bà ấy chụp rất nhiều ảnh ngôi nhà, thị trấn nơi mình sống để tôi biết con gái sẽ ở đâu. Bà ấy hứa khi sang Anh, Trân có cuộc sống hạnh phúc nhất có thể». Thấy các con thương yêu nhau thật lòng, gia đình Thomas tử tế, chân thành, vợ chồng ông gật đầu.

Sau một năm hoàn tất thủ tục, mẹ con Thomas đón Huyền Trân và Freya sang đoàn tụ. “Giờ con tôi đã có cha, tôi còn có người chồng yêu thương và mẹ chồng tốt bụng, trách nhiệm”, cô gái Việt lúc này đã đổi tên thành Celeste Nguyen, nói.

Khi Huyền Trân sang Anh đôi vợ chồng trẻ được dọn về nhà riêng, cách gia đình chồng 30 phút lái xe.

Cuộc sống ở nơi xứ người không dễ bắt nhịp. Nhưng đúng như lời hứa, bà Julie luôn cố gắng để con dâu “hạnh phúc nhất có thể”.

Huyền Trân và Thomas nối lại tình yêu nhờ bà mẹ chồng Julie

Mọi đồ đạc trong ngôi nhà của vợ chồng Celeste đều do mẹ chồng sắm sửa. Thấy con dâu ăn mì Ý với nước mắm, lần nào đến thăm, bà cũng xách theo vài chai. “Nước mắm chất đầy nhà, đến nỗi tôi phải bảo mẹ đừng mua bà mới thôi”, cô dâu Việt kể. Đến siêu thị, cứ thấy đồ ăn “made in VietNam” là bà lại “khuân” về.

Con gái được ba tuổi, Huyền Trân gửi nhà trẻ để đi làm từ 9h sáng đến 7h tối tất cả các ngày trong tuần. “Con bé rất chăm chỉ và ngọt ngào”, bà Julie nói lý do mình yêu quý con dâu. 

Huyền Trân chăm dọn dẹp, vun vén tổ ấm, nhưng Thomas – lúc này đã là kỹ sư thiết kế nội thất – lại lười việc nhà. Nhiều hôm đi làm về nhìn nhà cửa bừa bộn, cô nổi cáu với chồng. Hai người lại “chiến tranh lạnh”. Bà Julie biết chuyện, trong lúc con dâu đi làm, bà xin nghỉ, cùng con trai dọn dẹp nhà cửa sạch bóng. Bà dặn anh mua hoa rồi giữ cháu để vợ chồng Thomas đi ăn tối làm lành. Người mẹ luôn nhắc con “Wife happy, life happy” (Vợ hạnh phúc, cuộc sống mới hạnh phúc).

“Nhiều khi tôi thấy mẹ chiều cô ấy quá”, chồng cô nói vui.

Ngày Huyền Trân trở dạ sinh đứa con thứ hai, nhận điện thoại trong đêm, mẹ chồng cô mặc đồ ngủ, “đầu bù, tóc rối” lái xe đến. Nghe tin cô phải mổ cấp cứu,  bà bất tỉnh vì lo lắng. Đến lúc con ra viện, cứ đi làm về, bà lại lật đật sang dọn dẹp, mang quần áo, tã lót của con dâu và cháu nội về nhà mình giặt. Bà mẹ chồng người Anh còn tìm hiểu phong tục Việt Nam để tổ chức lễ đầy tháng cho cháu nội.

“Tôi thương con dâu vì không có người thân nào ở Anh. Lúc nào tôi cũng khuyến khích con bé kết bạn với người Việt”, bà Julie nói. 

“Mẹ luôn nói anh Thomas thật may mắn khi cưới được tôi, nhưng tôi lại thấy mình mới là người may mắn – vì được làm con dâu của mẹ. Không có bà, tôi chẳng có được hạnh phúc trọn vẹn như bây giờ”, cô vòng tay ôm hai con, cười rạng rỡ.

Đoàn Dự