Đám cưới trở lại tuổi thơ ở Hà Nội
Trong lễ cưới của Nguyễn Quốc Khánh và Vũ Nguyệt Ánh hôm 27/11, khách mời phải mặc áo trắng, quần đen, đeo khăn quàng đỏ (giống như học sinh tiểu học) và ăn ô mai (trong Nam gọi là xí-muội, hơi ngọt ngọt và mặn, nay gần như không ai ăn nữa), và kẹo bông (kẹo quay bằng đường, xốp, rất nhẹ, trông giống như bông)…
Lễ thành hôn với chủ đề “Reply 1996” (có lẽ là Return to 1996 chăng? – ĐD) của Nguyễn Quốc Khánh và Vũ Nguyệt Ánh -cùng 35 tuổi- được tổ chức trong một tổ hợp giải trí ở phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nợi. Hơn 200 quan khách đến dự, ngay khi qua cửa, tất cả đều được phát khăn quàng đỏ.

Trong sân, không gian tổ chức tiệc được thiết kế nhằm tái hiện khung cảnh cổng trường tiểu học vào giờ tan tầm của năm 1996, với những món quà vặt gợi nhớ “một trời tuổi thơ” với ô mai , bim bim cua, xe kẹo kéo, kẹo bông. Quầy bánh giò, trứng vịt lộn, cháo sườn, quẩy nóng và tào phớ (đậu hũ non múc ra bát, cho nước đường có gừng .- ĐD) hút khách nhất. Gánh bỏng ngô (bắp rang.- ĐD) cũng được nhiều người ghé thăm.
Sân khấu chính có dòng chữ “Lễ sơ kết học kỳ I, chuỗi học kỳ hôn nhân của Nguyễn Quốc Khánh và Vũ Nguyệt Ánh».
Đúng giờ «hoàng đạo», toàn thể khách mời cùng cô dâu chú rể được mời đứng dậy làm lễ chào cờ, hát quốc ca như trong các buổi lễ chào cờ của các trường tiểu học.
Trên sân khấu, cô Ứng Thị Ngọc Dung, giáo viên chủ nhiệm thời lớp 4 trường tiểu học Chu Văn An của chú rể Quốc Khánh và cô dâu Nguyệt Ánh cũng được mời tham dự với vai trò là một trong những khách mời chính. Cô Dung chia sẻ rất vui vì được gặp lại những phụ huynh và học sinh của mình 26 năm về trước.
Cô Dung kể: “Một hôm có cậu học sinh vóc người nhỏ mà giọng rất to, đứng phía cuối lớp 4B hét lên: “Nguyệt Ánh, anh yêu em!”. Cô và các bạn cười ầm. Sau đó lớp bỗng im bặt, chờ đợi cô la bạn học sinh, mà cũng có thể cô rầy cả lớp, nhưng cô chỉ cười”.
Cậu học trò ấy chính là Nguyễn Quốc Khánh và cô bạn được la lớn “tỏ tình” trong lớp là cô dâu hiện tại. Quốc Khánh cho biết, thời đó thích Nguyệt Ánh vì cô bạn rất xinh, vui tính, đáng yêu. Khánh “tán” cô bạn sát đất và luôn muốn tuyên bố «chủ quyền» dù mới 8 – 9 tuổi, đang học lớp 4 . Cứ hễ bạn trai nào mon men đến gần Ánh là Khánh gây sự, đánh nhau.
Về phần Nguyệt Ánh, nhớ lại những ngày ấy, Ánh nói rằng mình cũng thích cậu bạn đẹp trai, theo đuổi mình rất ác liệt. Cứ cách ngày Khánh lại bỏ trong ngăn bàn chỗ mình ngồi một bức thư dài , có lỗi chính tả, rất… sến. Cũng có lần Ánh vứt thẳng vào sọt rác ngay trước mặt cậu bạn, dù sau này đôi khi nhớ lại cũng hối hận.

Người bạn thân nhất của Nguyệt Ánh tên là Tâm Lan. Chị kể rằng hồi đó Khánh ngồi bàn phía sau Nguyệt Ánh, thường bí mật vuốt tóc Nguyệt Ánh. Vì Khánh là tổ trưởng, dọa sẽ trừ điểm thi đua nên Tân Lan không dám mách bạn.
Một lần năm lớp 6, Khánh nhìn thấy Nguyệt Ánh đi ăn chè với một bạn nam khác, tối về liền gọi điện thoại cho Ánh để tra hỏi. Ánh giận, cúp điện thoại không trả lời, hôm sau Khánh phải xin lỗi.
Lên lớp 10, có lần Ánh đang chờ xe bus để tới trường thì Khánh đạp xe đạp đi ngang qua, bèn dừng lại ngỏ ý chở giùm, Ánh đồng ý. Từ hôm ấy bữa nào Khánh cũng đi sớm đến trạm xe bus để chở Ánh mặc dầu lên cấp 3, hai người đã học hai trường khác nhau vì được phân chia theo khu vực. Khánh học trường Phạm Hồng Thái còn Nguyệt Ánh học trường Amsterdam.
Nhưng rồi một hôm Khánh bỗng biến mất, không thấy đến trạm xe bus đón Nguyệt Ánh nữa. Những hôm sau cũng vắng teo. Hỏi thăm các bạn học cùng lớp với Quốc Khánh bên trường Phạm Hồng Thái, họ nói họ cũng không biết, “hình như gia đình Quốc Khánh chuyển vào trong Nam”.
Tuổi học trò là như thế, tình cảm sôi nổi, bồng bột nhưng rồi cũng mau chóng nhạt phai. Họ không biết tin tức gì của nhau trong một thời gian rất dài.
Năm 2020, trong group Facebook của lớp 4B trường Chu Văn An ngày xưa, một người bạn đăng tấm hình kèm theo dòng chữ: “Mấy chục năm rồi, vô tình lắm hỡi tên Qu. Kh. Nếu tấm ảnh cũ này tới tay, chắc bạn Ng. A. là người thổn thức nhất”.
Ngay lập tức, Quốc Khánh gửi email về group trên Facebook liên lạc với tác giả, rồi Nguyệt Ánh cũng mail về. Có địa chỉ riêng, Khánh và Nguyệt Ánh trao đổi email riêng cho nhau. Từ miền Nam, Khánh mau chóng bay ra Hà Nội để gặp Nguyệt Ánh.
“Tình yêu sống lại ở đôi bạn nay đều đã 35 tuổi và trải qua mỗi người một lần đổ vỡ hôn nhân. Càng chuyện trò, tâm sự, họ càng thấy “như đã hẹn nhau từ kiếp trước”. Mọi vết thương lòng, mọi suy nghĩ thầm kín nhất đều có thể tâm sự với nhau. “Chúng tôi thường xuyên buôn chuyện tới 2-3 giờ sáng. Ở bên nhau, chúng tôi thấy vui vẻ, thoải mái, mỗi đứa đều được là chính mình».
Thỉnh thoảng Khánh hay than thở “Tại sao mình không gặp lại nhau sớm hơn?”. Nguyệt Ánh phản biện: “Chưa chắc gặp lại nhau sớm đã là tốt. Phải đợi đến khi hai đứa đều trải qua nhiều thăng trầm, vấp ngã, mới nhận ra giá trị cuộc sống là gì, mình ở đâu, mình cần một người như thế nào để đồng hành, từ đó mới biết trân quý người ở cạnh, mới đủ nỗ lực vượt qua những điều khác nhau để dung hòa, thích nghi và bên nhau bền vững được”.
Trong bữa tiệc “nhớ lại thời 1996”, rất nhiều “chứng nhân lịch sử” chuyện tình yêu của dâu rể cũng có mặt ôn lại kỷ niệm. Con trai và gái của Ánh và Khánh chúc bố mẹ: «Trăm năm hạnh phúc giống như bây giờ».
Vợ chồng anh Quốc Khánh cho biết, hôn lễ này là hiện thực hóa những gì đã ấp ủ từ lúc hai người ở bên nhau. Mỗi một chi tiết trong đám cưới, họ đều rất kỳ công chuẩn bị. Lấy chủ đề “Trở về 1996”, họ đã sưu tầm từ chiếc máy đánh chữ, con lật đật của Nga, cái mền con công, chiếc khăn trải bàn bằng nilon xanh đỏ…
“Mình tâm đắc nhất là chiếc ống bơ để đựng bi ve bày ở khu vực decor chụp ảnh cho bữa tiệc. Nó được một gia đình nhà hàng xóm dùng để đong gạo từ mấy chục năm trước cho đến nay, nên nhìn rất nhuốm màu thời gian. Chính sự bình thường, giản dị của nó lại làm nên giá trị đặc biệt mà những món đồ decor mới mẻ, đắt tiền không so sánh được”, Ánh nói.
Các món ăn của bữa tiệc cũng được lên kịch bản và lựa chọn tỉ mỉ. Họ mời đến bữa tiệc của mình xe dầu cha quẩy chuyên nghiệp để lăn bột, rán tại chỗ như xưa. Hàng cháo sườn, bánh giò, trứng vịt lộn là một tiệm đồ ăn vặt online lâu năm, nổi tiếng. Quầy kẹo bông, kẹo kéo cũng được làm tay trực tiếp tại chỗ. Họ mời cả bác bán tào phớ rất mịn và thơm hơn 30 năm ở phố Quán Thánh, nơi mà tuổi thơ hai người thường đến ăn.
“Sau nhiều ngày lòng vòng Hà Nội, chúng mình cũng tìm được một người bán bỏng ngô bằng quang gánh ở khu Hồ Gươm. Trả cô ấy 1,3 triệu đồng để mang gánh hàng đến bữa tiệc của bọn mình, mà cô còn tưởng bị lừa. Chúng mình phải thuyết phục mãi cô mới đồng ý để đi ôtô đến tận nơi đón cô cùng chiếc quang gánh đến điểm tổ chức”, Nguyệt Ánh cười kể.
Hôn lễ để lại ấn tượng với khách tham gia. Nhiều người nói chưa từng được trải qua đám cưới nào đặc biệt đến vậy. Có lúc họ được cười nghiêng ngả, có lúc lại bồi hồi, rưng rưng vì những kỷ niệm cũ.
Khách mời Đặng Phương Linh cho biết, đây là đám cưới đầu tiên và có lẽ là duy nhất “dress code” (quy tắc trang phục) khách mời bị yêu cầu là áo sơ mi trắng, quần/váy đen và phải đeo khăn quàng đỏ suốt buổi tiệc. Đây là đám cưới đặc biệt khi không có tiết mục cắt bánh, chúc rượu vang hay tung hoa, trao nhẫn. Tất cả chỉ đơn giản là “ba điều bạn yêu nhất của đối phương, ba điều chưa hài lòng ở đối phương và ba điều tuyên thệ cho những học kỳ sắp tới của đôi bạn cùng tiến”. Đây cũng là đám cưới “dị”, khi menu tiệc không có xôi, gà, canh bóng, càng không phải nem công chả phượng. Tất cả chỉ đơn giản là những món ăn vặt mà bất cứ ai từng trải qua đời học sinh không thể nào quên.
“Cám ơn đám cưới có một không hai. Nhờ Quốc Khánh và Nguyệt Ánh mọi người đã được trở về tuổi thơ, sống lại cảm giác nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò. Chúc chàng trai 9 tuổi năm nào dõng dạc tỏ tình trước lớp sẽ mãi nắm tay cô bạn bàn trên không rời”, Đặng Phương Linh nói.
Chuyện tình yêu của cặp vợ chồng không chăn gối
Hơn 5 năm kể từ lần đầu gặp nhau, Thái Duy Đức, 31 tuổi và Bùi Thị Chinh, 30 tuổi, đã nên vợ chồng.
“Khi hai đứa làm đám cưới, mọi người bảo chắc gì một người khỏe mạnh như cô ấy chịu sống với tôi lâu”, Đức cười nói, tay xoa lên bụng bầu của vợ.
Khi bị tai nạn lao động, ngã từ công trình cao 8 mét xuống đất năm 2015, Đức từng nghĩ cuộc đời mình đã chấm hết. Từ bụng xuống chân anh bị mất cảm giác, vệ sinh không chủ động, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào mẹ và bạn gái cũ. Nhưng biết Đức không còn cơ hội phục hồi, bạn gái ở gần nhà cũng tránh mặt anh.
“Nó bảo với tôi ‘chắc con chết thôi mẹ ạ’. Hai mẹ con cứ thế ôm nhau khóc. Tôi bảo nó ngoài kia nhiều người mất tiền tỷ để được sống, sao con lại muốn chết?”, bà Trần Thị Lương, 60 tuổi, mẹ Đức kể.
Đức bỏ ngoài tai lời mẹ, tuyệt thực 10 ngày, nhưng vẫn sống. “Không chết được, tôi nghĩ mình phải vươn lên mà sống cho tử tế”, Đức nhớ lại. Một năm sau tai nạn, anh bắt đầu để ý đến ăn uống, sinh hoạt điều độ giúp vệ sinh có giờ giấc hơn, tập chủ động chăm sóc bản thân để không còn phụ thuộc mẹ. Lên mạng xã hội, Đức thấy có nhiều người khuyết tật khổ hơn mình, anh kêu gọi mọi người giúp đỡ bạn.
Chàng trai còn chạy xe ba bánh 12 km từ huyện Đơn Dương đến huyện Đức Trọng thăm một người bạn bị liệt tứ chi. Thấy bạn lở loét nằm một chỗ không người chăm sóc, anh kêu gọi trên mạng xã hội, đồng thời xin mẹ kinh phí, ngồi xe lăn đưa bạn đến bệnh viện ở Sài gòn chữa trị. Về sau, mẹ con Đức đón người bạn liệt về nhà mình chăm sóc suốt hai tháng. Câu chuyện xúc động được nhiều tờ báo đưa tin, giúp anh thấy mình sống có ý nghĩa nên lạc quan, quên mình là người khuyết tật.
Ở Hà Nội, cô công nhân Bùi Thị Chinh được một người bạn cho xem những bài viết và phóng sự về Đức. Cô gái Phú Thọ mất mẹ từ nhỏ, luôn thấy mình bất hạnh, chẳng mấy khi cười.
“Hồi đó tôi 24 tuổi nhưng chẳng thiết yêu đương, cứ hay buồn bã, suy nghĩ tiêu cực”, Chinh kể. Người bạn bảo với cô: “Nhìn người ta mà xem. Anh ấy liệt còn sống vui vẻ, biết giúp đỡ người khác thế này, mày lành lặn, khỏe mạnh, có gì mà phải chán nản”.
Tò mò, Chinh kết bạn trên mạng xã hội với Đức, bài viết nào của anh cũng bấm “like”, bình luận. “Tôi thấy anh khuyết tật nhưng viết gì cũng vui vẻ, hài hước. Đọc xong tôi cứ tủm tỉm cười”, Chinh kể. Thấy cô gái chăm bình luận bài viết của mình, Đức chủ động “tấn công” qua tin nhắn.
“Ngày nào anh cũng nhắn tin hỏi thăm, nhắn nhiều lắm. Tui nghĩ thầm cha này hâm, nói gì mà nói lắm vậy”, cô nói, mắt nhìn chồng đang cười. Nhưng Chinh thừa nhận, đọc tin nhắn, trò chuyện với Đức trở thành thói quen, giúp cô vui cười mỗi ngày rồi yêu lúc nào chẳng hay. “Hồi đó, con trai của giám đốc công ty cũng có ý với tôi, hay rủ đi chơi nhưng tôi không thích, chỉ muốn nói chuyện với anh Đức”, Chinh nói.
Qua tin nhắn, chàng trai cảm nhận Chinh là cô gái dễ thương và vô tư. “Nụ cười của cô ấy như luồng gió mát giúp những cơn đau của tôi dịu lại”, Đức nói.
Sau ba tháng nhắn tin, Đức hẹn bạn gái sẽ ra Hà Nội thăm, nhờ đón ở sân bay. Lần đó, Chinh xin nghỉ làm một tuần để đưa Đức đi chơi. Nhưng hết một tuần, cô gái muốn xin nghỉ hẳn, vì muốn ở bên chàng trai cả đời.
Một tuần ra Hà Nội, dù đã chủ động trong sinh hoạt nhưng vẫn có những bất tiện một người ngồi xe lăn như Đức không thể xử lý. Anh thuê phòng nghỉ, nhưng nhà tắm không có lối cho xe lăn đi vào. Thấy bạn trai loay hoay, Chinh bế anh vào nhà tắm không chút đắn đo, ngượng ngùng. “Khoảnh khắc đó, tôi biết cô ấy thương mình thật lòng, nhưng lo sợ. Một người từng yêu mình hai năm còn sẵn sàng bỏ rơi khi mình tai nạn dễ gì một cô gái vừa xuất hiện trong tình cảnh này muốn gắn bó với mình cả đời”, anh nghĩ.
Đức đề nghị Chinh về quê mình sống cùng vài tháng để hiểu sống với người khuyết tật khó khăn thế nào. Anh cũng nói rõ để Chinh hiểu mình không còn khả năng đàn ông.
Bất chấp những điều bạn trai chia sẻ, cô gái xin thôi việc, gọi điện thông báo với gia đình quyết định của mình. Mọi người đều phản đối. Bố Chinh cho con gái hai lựa chọn “hoặc là tao hoặc là thằng đó”. Khi hai người xin về thưa chuyện, ông bảo “mày thích thì về, nhưng thằng đó không được về”.
Cô gái nhiều đêm rơi nước mắt, nhưng chọn đi theo tiếng gọi của tình yêu. “Tôi tin nếu mình hạnh phúc, bố và các anh chị em sẽ thay đổi suy nghĩ”, Chinh nói.
Về nhà Đức, cô gái theo mẹ anh ra đồng cắt cỏ, phụ vắt sữa cho bò. Chinh không nề hà chăm sóc bạn trai những lúc anh không thể kiểm soát. “Nhìn cách mà Chinh chăm sóc con tôi, cố gắng hòa nhập với cuộc sống ở đây, tôi tin vào tình cảm của hai đứa”, bà Trần Thị Lương nói.
Chinh mất mẹ từ bé, xa quê lâu ngày nên khi được mẹ Đức chăm chút, được ăn bữa cơm ba người, cô vui như về nhà. “Anh và mẹ như mảnh ghép còn thiếu trong cuộc đời tôi”, Chinh nói.
Chỉ hai tháng sau thử thách làm dâu, hai người chính thức nên duyên vợ chồng. Đám cưới chỉ có người nhà trai. Lấy vợ, Đức bắt đầu công việc kinh doanh để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Nàng dâu phụ mẹ chồng nuôi bò lấy sữa.
“Nhiều người nghĩ tôi lấy anh là thiệt thòi nhưng tôi thấy ngược lại. Tôi chỉ việc sống cuộc sống vô ưu, khỏe thì làm, mệt thì nghỉ. Những việc lớn trong nhà, anh và mẹ đều lo toan, gánh vác thay”, Chinh nói.
Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ được bệnh viện Mỹ Đức (ở Saigon) hỗ trợ làm thụ tinh trong ống nghiệm để sinh con. Chinh đang mang thai tháng thứ 6.
ang bầu, hai tháng liền Chinh phải nghỉ ngơi, hạn chế vận động. Mẹ bận chăm lo đàn bò nên trên chiếc xe lăn, Đức nấu cơm, giặt giũ, lo mọi việc trong nhà. “Anh lúc nào cũng gọi vợ, bảo ăn hết thứ này đến thứ khác, cần gì đáp ứng tận tay. Nhiều người lấy chồng khỏe mạnh, chắc gì đã được yêu chiều, chăm chút như tôi”, cô nói.
Năm ngoái, đôi vợ chồng, với sự giúp sức của mẹ, đủ tiền xây ngôi nhà mới đủ tiện nghi và trang trại bò sữa, sau 5 năm chăm chỉ làm việc.
Bà Lương cho biết, từ ngày Chinh về làm dâu, con trai bà vui vẻ, lạc quan, biết vun vén hơn cho gia đình. “Sau đám cưới của các con, mọi thứ trong gia đình tôi đều tốt đẹp lên. Là người mẹ, tôi mãn nguyện lắm”, bà nói.
Nhìn con gái có cuộc sống êm đềm, đủ đầy, bố và các anh chị em của Chinh đã dần thay đổi suy nghĩ. Năm ngoái, chàng rể Lâm Đồng lần đầu cùng vợ về Phú Thọ ra mắt, ăn bữa cơm đoàn tụ.
Bạn bè khuyết tật ngưỡng mộ Đức và hỏi anh bí quyết gìn giữ hôn nhân. Đức nói với họ, khi quyết tâm vực dậy, anh xác định phải quên mình là người khiếm khuyết, sống, suy nghĩ như một người bình thường thì mới mạnh dạn và chủ động trong tình yêu lẫn cuộc sống.
Vợ chồng anh quan niệm tình dục rất quan trọng trong hôn nhân, nhưng không phải thứ duy nhất quyết định hạnh phúc. “Với chúng tôi, chỉ cần ôm nhau, hôn nhau, dành sự chăm sóc, yêu thương chân thành cho nhau thì đã đủ hạnh phúc rồi”, anh Đức miệng nói, tay đỡ cốc nước cam vợ vừa pha cho, nhìn cô trìu mến.
Cô dâu Vĩnh Long trở thành “chú rể” ở Khánh Hòa
Sau khi ly hôn với người chồng Nhật Bản, cô dâu gốc Vĩnh Long trở thành “chú rể” trong đám cưới đặc biệt ở Khánh Hòa (Nha Trang).

Trần Thị Tố Băng (32 tuổi, ngụ tại xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cho biết gia đình hai bên vừa tổ chức đám cưới cho mình và Nguyễn Thị Tuyết Vân (38 tuổi, ngụ tại xã Vạn Hưng, huyên Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) tại nhà vào ngày 20/2 vừa qua.
Đây được coi là đám cưới đặc biệt, bởi vì Tố Băng và Tuyết Vân đều thuộc nhóm LGBT (L:lesbian:đồng tính nữ; G:gay:đồng tính nam; B:bisexual: bán nam bán nữ; T: transgender: người chuyển giới).
Tố Băng chia sẻ, từ năm học lớp 11 đã thấy trong cơ thể có nhiều đặc biệt, chỉ có cảm tình với các bạn nữ cùng lớp, còn các bạn nam chỉ xem như huynh đệ. “Hồi học phổ thông là mình đã thấy khác rồi, chỉ thích các bạn nữ, và có thương thầm một bạn nữ trong lớp. Nhưng hồi đó, giới tính “thứ 3” của mình không được nhiều người chấp nhận nên cố giấu, cố tỏ ra có nữ tính, để tóc dài, ăn nói nhỏ nhẹ..vv..Nhưng khi tốt nghiệp phổ thông xong, mình lên Sài Gòn làm việc thì bắt đầu công khai giới tính: cắt tóc ngắn, mặc đồ nam…, Tố Băng tâm sự.
Băng cho biết, từ khi biết giới tính thật của con gái, gia đình Băng cũng nhẹ nhàng khuyên nhủ và coi như phút bồng bột của tuổi mới lớn nên cũng không mấy băn khoăn, cứ nghĩ sau này lớn con mình sẽ trở lại bình thường.
“Thấy mình vậy nhưng ba mẹ cứ nghĩ mình còn nhỏ, nông nổi, suy nghĩ chưa chín chắn, nên nói sau này lớn hơn sẽ khác. Rồi sau đó tôi sang Nhật làm việc theo diện du học sinh. Khoảng thời gian bên đó, tôi có quen và tiến tới hôn nhân với một chàng trai Nhật , do đã từng làm việc và biết tiếng Nhật. Gia đình tôi rất đồng ý chàng rể ngoại. Đám cưới mà tôi là cô dâu cũng được tổ chức tại quê nhà Vĩnh Long. Việc này cũng làm gia đình tôi nở mày nở mặt với xóm giềng bởi tôi là con một trong nhà.
Thời điểm đó, Tố Băng đã định sẽ định cư và làm việc với gia đình chồng ở đất nước “mặt trời mọc”. Những tưởng việc lấy chồng sẽ giúp giới tính thật trở lại, nhưng sau một thời gian không hợp nhau, cô dâu Việt và chàng rể Nhật chính thức chia tay.
“Thời điểm đó, tôi cảm nhận được là mình phải sống thật với giới tính của mình. Mặc kệ xã hội, vì mình sống cho mình chứ có làm điều gì trái pháp luật đâu, tại sao cứ phải giấu giếm?. Và cũng đúng thời điểm đó, tình cờ trong một chuyến bay đi Cam Ranh (thuộc tỉnh Khánh Hòa) tôi gặp Tuyết Vân, và cuộc gặp gỡ đó khiến hai đứa chúng tôi trở thành yêu nhau.
Ngồi cạnh chồng, Tuyết Vân cho biết, thời điểm đó Tố Băng bên Nhật, Vân ở Việt Nam. Do khoảng cách địa lý nên cả hai chỉ tâm sự được với nhau qua mạng xã hội và điện thoại. Và từ đó, tình yêu của hai người đồng giới bắt đầu “nở hoa”. “Hồi trước, tôi cũng đã có một đời chồng là người Mỹ, sau gần 2 năm chung sống, khi hoàn tất giấy tờ, chuẩn bị xuất cảnh, nhập tịch là cô dâu Mỹ, tôi lại ngưng, bỏ tất cả vì chỉ muốn sống thật với giới tính của mình nên quyết định ly hôn với người chồng ngoại quốc, ở Việt Nam mở tiệm thẩm mỹ để sống là chính mình.
Băng cho biết, sau đám cưới, cả hai sẽ về Sài Gòn tiếp tục công việc kinh doanh, mặc dù Băng đã có Visa không thời hạn ở đất nước mặt trời mọc.
Đoàn Dự (ghi chép)