Hai ngày cuối tuần, Sa Pa đón hơn 12.000 lượt khách du lịch
Chiếc xe lưu động của thị xã Sa Pa liên tục chạy quanh khu vực nhà thờ đá, sân quần phát loa kêu gọi, khuyến cáo khách du lịch không cho tiền, không mua hàng của trẻ em bán hàng rong: “Các cháu đang bị chính người thân của mình lợi dụng, bóc lột sức lao động để kiếm tiền, gây ảnh hưởng xấu đến du lịch Sa Pa. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi du khách không tiếp xúc, mua hàng hoặc cho tiền để các cháu được về gia đình vui chơi và học hành, nếu quý khách tiếp tục cho tiền, mua hàng thì vô tình lòng tốt của quý khách đặt chưa đúng chỗ, người thân các cháu vẫn bắt ép các cháu phải đi lang thang, đeo bám bán hàng rong…”.
Chiếc xe lưu động liên tục chạy quanh khu vực trung tâm thị xã Sa Pa nhắc nhở du khách ngừng mua hàng của những đứa trẻ. Có người quay trở lại Sa Pa nhiều lần, quá quen với cảnh này vờ tảng lờ coi như không quan tâm nữa, nhưng cũng có du khách mủi lòng vội trả tiền mua vài món đồ cho đám trẻ đang trần mình dưới mưa rét.
Nhưng loa phát cứ phát, còn đám trẻ vẫn cứ đeo bám, chèo kéo khách du lịch mua hàng.
Trong đám trẻ ấy, có những đứa trẻ non nớt chỉ chừng 5-6 tuổi. Sa Pa lạnh 1 độ C, nhưng những bàn tay bé bỏng đỏ rát vì rét, vì mưa vẫn chìa tay ra bên ngoài để chào mời du khách. Ai cũng mong những đứa trẻ này được nhanh trở về nhà, kể cả phải bỏ tiền ra mua hết đồ, miễn là chúng mau bán hết hàng.
Nhưng mọi người không biết rằng nếu khách cứ mua, những người lớn đưa chúng ra đường đã đứng sẵn gần đó “bồi” thêm hàng để bán tiếp.
Ở Sa Pa vẫn còn một nhóm chuyên chèo kéo du khách ở khu trung tâm. Những đứa trẻ này được các bà mẹ đưa đến thị xã rồi ngồi một chỗ canh chừng, để trẻ địu em đi bán hàng nhằm lấy lòng thương hại của du khách.
Nhóm trẻ này đeo bám, chèo kéo khách du lịch mua hàng. Nếu một em bán được hàng, lập tức 4, 5 em khác xúm lại bao vây. Có nhóm khách bị vây, phiền quá bỏ chạy, bị đuổi theo đến tận cầu thang khách sạn.
Nhiều ngày nay, nhiệt độ ở Sa Pa xuống thấp kèm mưa lớn nhưng những đứa trẻ này vẫn phải đội mưa rét buốt để đi chào mời khách mua hàng.
Chèo kéo khách du lịch, bán hàng lưu niệm đó là việc mà các em phải làm.
Ban ngày ở các khu như Thác Bạc, Hàm Rồng…ban đêm trên các phố trung tâm, các em lê la trên các vỉa hè, xung quanh sân vận động, nhà thờ đá…Và đến khi sương đã xuống, đêm đã rất lạnh các em mới được về nghỉ.
Ông Ngọc Ánh – đội kiểm tra trật tự đô thị Sa Pa nói «Chúng tôi đã nhiều lần đưa trẻ về Trung tâm bảo trợ xã hội, nhưng sáng đưa ra thì chiều chúng trèo tường trốn mất. Tối đã thấy chúng bán hàng ngoài phố».
Chị Hoàng Thị Linh (ở Hà Nội) chia sẻ trong thời tiết mưa rét 1-2 độ C, nhìn những em bé đi bán hàng rất đáng thương: “Trước đây tôi từng mua hàng, cho tiền nhưng ngay sau đó, rất nhiều em nhỏ cùng kéo đến chèo kéo nên từ đó tôi không mua hàng cho các em nữa. Tôi hy vọng tình trạng này sẽ chấm dứt để du khách được thoải mái và các em được vui chơi, học hành”.
Bà Hoàng Thị Vượng – trưởng Phòng Thông tin và văn hóa thị xã Sa Pa – cho biết dù địa phương đã tuyên truyền rất nhiều nhưng các bà mẹ vẫn cố tình đẩy con em họ ra đường để bán hàng rong, chèo kéo du khách.
“Đây là một hình thức mưu sinh của người lớn. Họ lợi dụng trẻ em để du khách thương hại, mua hàng hoặc cho tiền. Điều này khiến các em mất đi tuổi thơ và môi trường học tập tốt” – bà Vượng nói.
Việc làm của các bà mẹ càng nguy hiểm hơn trong mùa dịch COVID-19 này bởi các cháu đều không nằm trong độ tuổi được tiêm vắc xin COVID-19 mà hằng ngày tiếp xúc với rất nhiều người.
Chủ tịch thị xã Sa Pa, ông Vương Trinh Quốc, cho biết: “Việc các cháu nhỏ đi bán hàng tồn tại từ lâu do bố mẹ chứ bản thân các cháu có biết gì đâu. Dịp tết dương dịch vừa qua thời tiết Sa Pa xuống thấp nhưng các cháu vẫn bị cha mẹ đưa đi bán hàng nhìn rất đáng thương, khiến hình ảnh du lịch Sa Pa xấu đi trong mắt du khách. Riêng đợt nghỉ lễ tết dương lịch có khoảng 65.000 du khách đến Sa Pa, mỗi năm thị xã Sa Pa ước đón hơn 3 triệu du khách trong và ngoài nước”.
Ông Đặng Hoa Nam, cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội), chia sẻ sử dụng trẻ em vào mục đích xin ăn, kiếm tiền trên đường phố là hình thức sử dụng lao động trẻ em bị pháp luật nghiêm cấm bởi vì đây là làm kinh tế tạo ra thu nhập cho người lớn.
Phải làm gì đó giúp trẻ em chứ ai lại cứ đi vác loa đi ngoài đường kêu gọi hoài!
Nhập siêu kỷ lục từ Trung Quốc do hàng giá rẻ
Hàng hóa từ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam trong năm qua, khiến kim ngạch nhập cảng tăng vọt gần 110 tỉ đô, đẩy nhập siêu từ thị trường này lên mức kỷ lục, gần 54 tỉ USD.
Phụ thuộc ngày càng lớn
Năm qua, nhập cảng hàng hóa từ Trung Quốc tăng 25,77 tỉ USD, tương đương tăng 30,5% so cùng kỳ,. Trung Quốc chiếm hơn 33% tổng kim ngạch nhập cảng hàng hóa của Việt Nam trong năm vừa qua và cao gấp 2 lần so với thị trường nhập cảng lớn thứ 2 là Đại Hàn.
Đáng lưu ý, có tới 17 nhóm hàng nhập cảng từ Trung Quốc có kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên, trong đó có 2 nhóm hàng trên 20 tỉ USD. Cụ thể, riêng nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhập từ Trung Quốc đạt gần 25 tỉ USD, tăng hơn 46% so với năm trước, chiếm 53,8% kim ngạch nhập cảng nhóm hàng này của cả nước. Nhóm hàng lớn thứ 2 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 21,86 tỉ USD, tăng 18,5% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, một số nhóm hàng nhập cảng lớn khác đến từ thị trường này như: điện thoại các loại và linh kiện đạt 9,24 tỉ USD; vải hơn 9 tỉ USD. Đặc biệt, trong năm 2021, nhập cảng 22.750 xe hơi từ Trung Quốc tăng gấp 3 lần so năm trước.
Nhập siêu từ Trung Quốc tăng mạnh do Việt Nam cần nguyên phụ liệu sản xuất, Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới trong việc cung cấp nguyên liệu cho toàn cầu. Việt Nam hiện là thị trường nhập cảng hàng hóa lớn trong tốp 5 của Trung Quốc, nên khó để nói không phụ thuộc. Mỹ cũng nhập siêu hơn 500 tỉ USD từ thị trường Trung Quốc và hiện TQ là nhà cung cấp hàng hóa số 1 cho 61/220 thị trường thế giới. Vấn đề quan trọng nhất khiến cả thế giới phụ thuộc nhiều hàng hóa từ đây do giá cả của họ rẻ, rất rẻ. Chẳng hạn, ngay bộ xét nghiệm Covid-19, nhập từ Trung Quốc theo số liệu của Hải quan VN cung cấp chỉ 21.300 đồng/bộ, trong khi để nghiên cứu sản xuất trong nước, giá thành có thể cao gấp 2 – 3 lần.
“Lợi thế của Trung Quốc có quy mô sản xuất lớn, công suất cao, lao động đông, chi phí lại thấp. Bên cạnh đó, họ có nền khoa học phát triển. Hàng hóa TQ sang VN có chi phí logistics thấp hơn nhiều thị trường khác vì gần. Nhiều mặt hàng máy móc, phụ tùng, linh kiện TQ so với sản phẩm cùng loại từ các nước phát triển chỉ bằng 1/3 giá dù chất lượng có thể không tương xứng, nhưng trong khi chúng ta vẫn “đắm chìm” trong hàng giá rẻ thì nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng tăng. Điều tất yếu này lại là nguy cơ phụ thuộc, “làm biếng” của một nền sản xuất”, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng chia sẻ.
Học cách “đứng trên vai người khổng lồ”
Năm 2021, trong khi cả nước xuất siêu hơn 4 tỉ USD, thì với thị trường Trung Quốc, Việt Nam nhập siêu gần 54 tỉ USD. Trước đó, năm 2020, nhập siêu từ Trung Quốc là 35,2 tỉ USD, năm 2019 là 34 tỉ USD.
Nếu cứ tiếp tục tăng phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc, Việt Nam dễ bị lạm phát nhập cảng. Thậm chí tạo nên những cú sốc hàng hóa khi bị đứt gãy từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, với tính cách làm ăn nhanh nhạy và có nhiều phương án dự phòng của người Trung Quốc, tình trạng giảm xuất khẩu của họ chỉ xảy ra trong ngắn hạn. Ông Nguyễn Thường Lạng cảnh báo trong tháng cuối năm, khi thị trường TQ siết thông quan hàng hóa theo đường biên giới để chống Covid-19, hàng nông sản Việt Nam đã lao đao, tồn đọng 5.000 xe container. Trong khi đó, xuất khẩu hàng hóa từ thị trường này sang Việt Nam vẫn đổ sang ồ ạt. Điều này cho thấy việc đứt gãy chuỗi cung ứng từ Trung Quốc đi các nước không kéo dài.
Thái Lan, Campuchia bán hàng mạnh sang Trung Quốc, vào sâu trong nội địa, trong khi VN cứ bán men men vùng biên giới. Chỉ có tăng xuất khẩu sang Trung Quốc mới giảm nhập siêu.
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nêu 3 vấn đề. Thứ nhất, doanh nghiệp và ngành công thương cần nghiên cứu thị trường Trung Quốc sâu hơn, bài bản, chiến lược để khai thác thị trường này về dài hạn, không làm qua quýt, thời vụ, ăn xổi như hiện nay. Thứ 2, chưa đầu tư nghiên cứu sản phẩm cùng loại để giảm phụ thuộc trong dài hạn, chỉ chăm chăm mua rẻ để về sản xuất cho nhanh. Thứ 3, chưa có chiến lược thay thế dần sang các thị trường khác và tăng sự liên kết giữa các doanh nghiệp để khai thác tối ưu thị trường đó.
“Người Trung Quốc tiêu thụ mạnh lắm, vài ngàn xe container trái cây họ tiêu thụ tại 1 tỉnh vài ngày đã hết. Dân đông, sức mua mạnh, sao không vào sâu thị trường nội địa để bán hàng chất lượng cho họ, cứ bán giá rẻ tại vùng mậu biên”, ông Thường Lạng nhấn mạnh!
(tổng hợp)