Những người hạnh phúc

Theo một cuộc thăm dò gần đây cho thấy những người hạnh phúc nhất nước Mỹ có một vài đặc điểm chung: Họ coi trọng giá trị cộng đồng và các mối quan hệ cá nhân thân thiết. Họ có xu hướng tin vào thượng đế. Nói chung họ là những người lớn tuổi và thường là trong độ tuổi về hưu.
Kết quả cuộc thăm dò do nhật báo Wall Street Journal và Trung tâm Nghiên cứu Quan điểm Quốc gia (NORC) của Đại học Chicago cho biết một nhóm nhỏ người Mỹ – khoảng 12% – mô tả bản thân họ không chỉ hạnh phúc mà là “rất hạnh phúc”.
Nếu đem so sánh với một số dân tộc khác trên thế giới thì người Mỹ không phải là nhóm người có chỉ số hạnh phúc cao, và 12% được ghi nhận là tỷ lệ nhỏ nhất của những người tự nhận mình là “rất hạnh phúc” trong các kết quả khảo sát xã hội của trung tâm NORC kể từ năm 1972. Trong số tổng cộng 1,019 người trưởng thành tham gia cuộc khảo sát, đa số cho biết họ cảm thấy bi quan về nền kinh tế và triển vọng cho thế hệ tiếp theo.
Khoảng 30% đánh giá bản thân họ ở mức hạnh phúc thấp nhất, nói rằng họ “không mấy hạnh phúc”. Và phần đông nhất, khoảng 56%, cho biết họ “khá hạnh phúc”.
Tất cả những điều nói trên cho thấy nhóm nhỏ những người được gọi là “rất hạnh phúc” nổi bật hẳn lên. Vậy những người này đã làm gì khiến cho họ rất hạnh phúc mà những người Mỹ khác thì không?
Một điều đặc biệt là những người rất hạnh phúc coi trọng các mối quan hệ bền chặt. Khoảng 67% của nhóm người này nói rằng hôn nhân là rất quan trọng đối với họ, cho dù họ có gia đình hay chưa và tình trạng hôn nhân của họ đang như thế nào, so với 43% trong tổng số người tham gia cuộc khảo sát.
Họ có xu hướng nói rằng niềm tin vào thượng đế là điều quan trọng. Hai phần ba tự mô tả họ là những người rất hoặc tương đối sùng đạo, so với chưa đến một nửa trong tổng số người trưởng thành nói chung trong cuộc khảo sát.
Việc tham gia hoạt động cộng đồng, đối với nhóm người rất hạnh phúc, được coi là quan trọng hơn so với những người nói rằng mức độ hạnh phúc của họ ở mức thấp hơn. Và trong khi nhiều người trong nhóm tự nhận là rất hạnh phúc hài lòng với tài chính cá nhân của họ, và hơn nữa họ không quá coi trọng tiền bạc.
Như bà Mary Ann DePasquale, một thư ký đã nghỉ hưu, là một thí dụ. Bà DePasquale nói rằng bà sống nhờ tiền an sinh xã hội và một ít tiền hưu bổng khác. Với số tiền nhỏ nhoi đó, tiền chi tiêu phải tính theo từng tháng. Nhưng bà nói bà không cần nhiều vì không muốn có thêm bất cứ thứ gì khác.
Nhiều người rất hạnh phúc nói rằng họ theo dõi tin tức chính trị và cảm thấy buồn phiền trước tình trạng của đời sống công dân, trong số đó bao gồm cả cử tri bảo thủ lẫn cấp tiến, và không có đảng chính trị nào được xem là chiếm tỷ lệ đa số trong nhóm những người rất hạnh phúc. Điều này cho thấy quan điểm chính trị cá nhân không đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hạnh phúc.
Tuy nhiên, không phải là những người rất hạnh phúc không có những thử thách của riêng họ. Một số đang phải đối mặt với một vài vấn đề cá nhân, chẳng hạn như giúp đỡ và hỗ trợ những đứa con trong gia đình đang gặp khó khăn về sức khoẻ hoặc về cuộc sống gia đình.
Trong các cuộc phỏng vấn, nhiều người trong số họ nói rằng họ cảm thấy hạnh phúc của họ một phần được hình thành trong cá tính của họ, một phần khác là từ những chọn lựa mà họ đã thực hiện trong cuộc sống hàng ngày. Một sở thích chung được nhận thấy là họ thích tập thể dục.
Những người rất hạnh phúc thường là lớn tuổi. Những người tuổi từ 60 và hơn chiếm khoảng 30% trong số những người được khảo sát nhưng lại chiếm tới 40% trong nhóm người hạnh phúc nhất.
Những điều khám phá này có vẻ hợp lý bởi vì trong các cuộc nghiên cứu khác cho thấy nhiều người càng về già thì lại càng cảm thấy hạnh phúc hơn. Mà tâm lý chung là như vậy. Khi người ta già, người ta nhận ra rằng cái chết là một điều có thật, thay vì chán nản, thì tại sao không sống vui vẻ hạnh phúc và coi đó như là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống.
Cũng trong cuộc khảo sát, phụ nữ nhiều hơn nam giới khi tự mô tả rằng họ rất hạnh phúc. Điều này có thể giải thích là do phụ nữ sống thọ hơn nam giới.
Trong một cuộc nghiên cứu của Đại học Harvard kéo dài trong nhiều thập niên, một trong những phát hiện quan trọng của cuộc nghiên cứu là mối dây liên hệ giữa người và người trong cuộc sống chính là yếu tố hàng đầu mang đến hạnh phúc và sức khoẻ tốt. Trong khi cuộc nghiên cứu không tìm thấy tôn giáo là yếu tố trọng tâm của hạnh phúc, nhưng lưu ý rằng cả hôn nhân và tôn giáo đều mang lại cho người ta cảm giác thân thuộc.
Sau đây là một vài bí quyết để trở thành người rất hạnh phúc:
Tập trung vào công việc cộng đồng
Cụ bà Andrea Rankin, 80 tuổi, từng làm việc 25 năm trong vai trò giám đốc của một phòng khám bệnh chuyên về sức khoẻ phụ nữ. Khi về hưu, bà tiếp tục tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng.
Bà Rankin cho biết những khi không có một dự án gì để làm thì bà cảm thấy không vui. Bà từng giúp xây dựng nhà ở dành cho những nạn nhân của bạo hành gia đình. Bà coi đây là một thành tựu lớn trong đời vì đã góp phần hoàn tất một dự án rất có ảnh hưởng đối với cộng đồng vì đã cắt giảm tình trạng mang thai của các em gái tuổi vị thành niên nơi bà ở.
Bà còn nói thêm là bà đã sống một cuộc sống đầy đủ, tuyệt vời và nếu giả sử bà qua đời vào ngày mai thì mà cũng mãn nguyện vì đã hoàn thành những công việc có ý nghĩa.
Tìm mục đích trong cuộc sống
Ông cụ Larry Old, 77 tuổi, tự mô tả là một người cô độc và có thể sống quanh quẩn ở nhà một mình trong nhiều ngày mà không gặp ai cả.
Ông Old vẫn sống trong ngôi nhà nơi ông lớn lên và ông gọi đó là nguồn gốc của sự hài lòng. Trong ngôi này ông còn giữ lại rất nhiều kỷ niệm, như khi còn nhỏ, ông thường phải dậy lúc 4 giờ sáng để cho gà ăn và vắt sữa bò.
Sau khi ly dị thì ông sống độc thân. Ông kể thay vì có thật nhiều bạn thì ông chỉ có một người bạn duy nhất nhưng rất thân.
Ông Old cho biết ông vẫn cầu nguyện hàng đêm. Nếu chẳng may có vấn đề về sức khoẻ thì ông lại tìm tới thượng đế. Mục đích trong cuộc sống đối với ông là giúp đỡ người khác. Đôi khi đó chỉ là những việc làm rất đơn giản, chẳng hạn như chăm sóc chú chó cưng cho người em trai khi cần. Ông nói rằng nếu sống một mình mà cứ ru rú ở trong nhà thôi thì sẽ khổ sở vô cùng.
Chỉ nên lo lắng về những gì mình có thể kiểm soát được
Cô LaTasha McCorkle, 35 tuổi, là một nhà hoạt động cộng đồng. Cô tin rằng người ta có thể học hỏi để được sống hạnh phúc.
Cô McCorkle kể rằng cô không được sống gần với những người hạnh phúc. Lúc nhỏ, quanh cô là những người nghiện rượu và thuốc lá. Cô cũng bị nhiễm những thói xấu đó nhưng sau bỏ được.
Cô luôn cố gắng tránh xa những sự bất bình của người khác, chẳng hạn như tránh không đối đầu với một người đang lên cơn thịnh nộ trong khi đang lái xe trên đường.
Kim chỉ nam để sống hạnh phúc của cô McCorkle là: “Chỉ lo lắng về những gì mình có thể kiểm soát.”
Cô McCorkle không phải là một người sùng đạo như ông Old ở trên, nhưng cô hiểu rằng với sự có mặt của cô ở trên trái đất này thì đó đã là một trải nghiệm tâm linh rồi. Cô sẽ làm cuộc hành trình đi cho hết cuộc đời này và chiêm nghiệm, học hỏi những gì mà cuộc đời mang lại.

***

Nói tóm lại, mỗi người đều có những bí quyết riêng cho mình để được sống hạnh phúc: giúp đỡ người khác, sống có mục đích và đừng lo lắng tới những điều không đâu. Và có lẽ điều quan trọng nhất là phải biết yêu thương: yêu thương thiên nhiên, yêu thương đồng loại, và yêu thương chính mình.
Huy Lâm