Những tình cảm kỳ lạ không giống ai

Bà Ngọc (bên trái) và bà Thủy

Hơn 30 năm bên nhau của cặp đồng tính nữ

Đến bây giờ bà Ngọc vẫn không ngờ lời hứa “sẽ luôn yêu thương và chăm sóc nhau, bất kể khó khăn” khi tỏ tình với bà Thủy đã giúp họ vượt qua 30 năm bão giông.

Bà Phạm Minh Ngọc (65 tuổi) sinh ra ở Sóc Trăng. Từ năm 11 tuổi bà đã nhận ra mình là người đồng tính vì thích cắt tóc ngắn, mặc đồ con trai và sẵn sàng bỏ ngoài tai những lời trêu chọc của hàng xóm láng giềng. Dẫu vậy, bà chưa từng dám tỏ tình với một cô nào cả mặc dầu rất muốn.

Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, năm 1993 bà rời quê lên Sài Gòn làm nghề nhặt ve chai, tình cờ đến ăn cơm bình dân tại quán mà Thủy đang làm người hầu bàn ở đấy.

“Ông” Ngọc khoe tấm ảnh cưới của hai “vợ chồng”

Vài câu chuyện làm họ thấy gần gũi  nhau. Thủy kể cho Ngọc nghe hoàn cảnh nghèo nàn của gia đình mình và  chỉ biết cắm mặt làm thuê, chưa từng quen biết ai. Để nối dài câu chuyện, Ngọc đến quán ba lần trong ngày, len lén ngắm Thủy từ xa. Cuộc sống cùng vật lộn mưu sinh ở vỉa hè và hoàn cảnh thiếu vắng ba mẹ khiến họ tìm được những điểm chung, xích lại gần nhau hơn.

Giáng sinh năm 1993, Thủy xin phép chủ ngày mai cho nghỉ một bữa, lên  Sài Gòn chơi một lần cho biết “thành phố”. Sự thật là Thủy cùng đi với Ngọc. Họ ngồi hồi lâu dưới tán cây xa xa phía trước Nha thờ Đức Bà. Ngọc cầm tay Thủy và ngỏ lời: “Tui thương em nhiều lắm”. Sau này bà Thủy kể rằng lúc ấy người mình run lên như bị điện giựt, chỉ biết nắm chặt tay “người yêu”, không nói gì cả. Sau bữa đó, họ bàn tính với nhau, hùn tiền mướn một căn nhà trọ nhỏ xíu đủ cho hai người ở, hết 300 ngàn đồng mỗi tháng, còn cơm thỉ ăn cơm dư ở quán , có gì ăn nấy , chung sống với nhau nửa như hai người bạn, nửa như vợ chồng. 

Vài tháng sau, bà Thủy nghỉ việc, đẩy xe thuốc lá đi bán dạo, nhưng Sài Gòn vào mùa mưa rất ít người mua. Bán ế, “vợ chồng” không đủ tiền mướn  nhà trọ, đành dọn ra vỉa hè, ngủ cạnh tủ thuốc lá. Một đêm, chị Thủy đang say giấc thì bị mấy thằng thanh niên trộm tủ thuốc. Chị mở mắt, cùng “chồng” chạy đuổi theo nhưng chỉ giằng lại được chiếc tủ không, còn thuốc thì mất hết. Không tiền, không nhà, họ ngồi nhờ trên bậc thềm dưới mái hiên của một cửa tiệm thuốc tây đóng kín. Ngọc thấy “vợ” ngủ ngồi bèn lấy chiếc áo cũ khá dầy đắp lên vai vợ. Chị  Thủy vẫn nhắm mắt như người ngủ nhưng nhẹ nhàng cầm tay chồng như muốn nói lời cám ơn. Ngọc thì thầm: “Thấy em khổ quá. Chỉ tại tui làm em khổ”. Và Ngọc nói thêm: “Hay tụi mình chia tay nhau cho rồi…”. Chị Thủy nói: “Chia tay làm gì, tại cái số nó như thế, thà cứ sống chết có nhau còn hơn…”. Bà ngả đầu vào vai ông và ngủ tiếp nhưng nước mắt ứa ra.

Gắng gượng sống ở đất Sài Gòn được gần chục năm, họ dắt nhau về xã Tân Phú, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, quê hương của bà Thủy. Ban đầu, mọi người tưởng bà Ngọc là đàn ông. Rủ nhậu được một hai lần, họ biết đó là phụ nữ. Một người chị họ kéo tay bà Thủy trách sao không lấy chồng đàng hoàng mà lại sống với đàn bà, rồi con cái sẽ tính sao đây? Bà Thủy gạt đi, trả lời: “Tui cũng nửa nếp nửa tẻ chớ có khác gì, trời đày thế nào thì phải chịu, miễn sao thương nhau là được”.

Sau hôm đó, bà Ngọc dành dụm tiền, ra tiệm thuê cho bà Thủy chiếc váy màu hồng, bó hoa trắng, còn bản thân bà thì thuê áo vest để chụp ảnh kỷ niệm. Không có lễ cưới nào diễn ra nhưng họ xem nhau như vợ chồng mới cưới.

Câu chuyện hai người phụ nữ yêu nhau nhanh chóng lan rộng khắp ấp Tân Quy Hạ. Bà con trong vùng từ tò mò chuyển sang thương cảm. Cặp vợ chồng đồng tính dựng chòi ở tạm nhiều nơi, cuối cùng mượn được mảnh đất nằm khuất sâu trong nghĩa trang của ấp. Bà Thủy làm cỏ, bà Ngọc cuốc đất, hàng xóm người cho lá, người cho cọc tre, người cho mảnh tôn để dựng chòi, ròng rã cả tháng mới hoàn thành.

Tuy nhiên, cuộc sống của họ vẫn quay quắt trong đói nghèo. Thập niên 2000, bà Ngọc ngày ngày đạp xe đạp 40 km từ huyện Đức Hòa lên chợ Cầu Ông Lãnh, Sài Gòn,  để bán rau củ rồi nhặt nhạnh ve chai, sắt vụn và nhũng thứ người ta bỏ đi, về bán cho “chành”.  Trong khi đó  bà Thủy ở chòi lo việc cơm nước, chăm sóc các chậu hành, rau thơm, bà Ngọc đem đi bán cũng kiếm được chút tiền.

Lần nọ, cả hai về quê bà Ngọc làm giúp việc đám giỗ. Về đến Sóc Trăng, làm được hôm trước thì hôm sau  bà Ngọc bị té khá nặng, gãy chân phải nằm bệnh viện. Để có tiền lo cho “chồng”, bà Thủy nhận lời chăm sóc bệnh nhân ở giường bên cạnh cho đến khi nào “chồng” được xuất viện về nhà.

Chăm sóc bà cụ cả tuần lễ rồi bà Thủy mới biết bà cụ bị bệnh kêu là “tâm thần phân liệt”. Lúc bình thường, cụ rất hiền lành, ngọt ngào. Nhưng lúc  hoang tưởng, như đang đút cơm cho cụ chẳng hạn, tự nhiên cụ nhổ phì cơm vào mặt chị Thủy và chửi om sòm: “Mày là thứ con dâu hư đốn, trời đánh thánh đâm. Bao nhiêu kim cương hột xoàn của gia đình tao mày ăn trộm rồi bỏ trốn theo trai. May mà công an họ bắt được mày, tra khảo ra được một ít chớ nếu không gia đình tao cũng hoá  tay trắng vì mày”. Cũng có khi cụ nhổ toẹt nước miếng vào mặt chị: “Thứ đồ vô lương tâm! Đứa cháu nội của tao quý như vàng do chính mày đẻ ra mà mày phụ với thằng kia bắt cóc nó, đòi tiền chuộc. Tụi bay đòi một lúc cả mấy chục tỷ đồng thì gia đình tao làm gì có tiền? Tụi bay đe dọa giết nó. Công an bỏ tù tụi bay thiệt đáng đời”.  Bà cụ còn chửi mắng, kể lể nhiều nữa. Chị Thủy chẳng hiểu gì về gia đình cụ mà cũng chẳng hiểu “đứa  con dâu hư đốn” là chuyện có thiệt hay chỉ do cụ bị tâm thần mà sinh ra. Nhất là những khi bị cụ phun cơm canh hay nước miếng vô mặt, dãi nhớt tùm lum lại phải đi rửa, chỉ sợ bị người ta hiểu lầm. Nhưng chị nghĩ, mình kiếm được đồng tiền là để lo cho “chồng” nên cũng không buồn hay thấy nhục nhã.

Anh Nguyễn Thanh Tùng sống cách nhà “ông bà” Thủy chừng 300 mét, nói cặp vợ chồng này đã sống với nhau ở đây hàng chục năm nay, dù nghèo nhưng rất hòa hợp, thường nhường nhịn nhau, ít khi cãi cọ . Họ từng dựng chòi ở tạm trong mé nghĩa địa thuộc ấp Tân Quy Hạ, sau khu đó bị chủ đất kiện tụng với chánh quyền xã, lấy lại để cho người ta mướn trồng trọt, làm chuồng nuôi bò. Hai “vợ chồng” đó bị đuổi đi, không có chỗ ở, phải ở nhờ trong chùa. Sau, xã cứu xét, cấp cho họ miếng đất ỏ đây. Hàng xóm thương tình, người có tre giúp tre, người có tôn giúp tôn, phụ họ dựng được căn nhà tuy nhỏ nhưng cũng đủ sống, thỉnh thoảng có người giúp họ gạo hay tiền nữa.

Tình yêu lạ lùng của người phụ nữ yêu người nhỏ hơn 20 tuổi

Ngày  Oanh đưa Tuấn về ra mắt gia đình cũng là ngày coi như cô “tình nguyện” bị xóa tên khỏi sổ hộ khẩu và ra đi với hai bàn tay trắng.  

Đó là một ngày đầu năm 2007, trước khi họ lên kế hoạch kết hôn. Nhớ lại lúc đó, Huỳnh Thị Kim Oanh (sinh năm 1963 tức lúc đó 44 tuổi còn Tuấn 24) nói cả gia đình khi đó đều phản đối, cho rằng cô lấy trai trẻ vì ham hố “chuyện ấy”.

“Nhưng không phải ai cũng biết, Tuấn khó quan hệ vợ chồng và vô sinh bởi mười một  khối u trong cơ thể” – Oanh nói.

Tấm hình Tuấn và Oanh chụp chung tại Thủ Đức

Kim Oanh xuất thân trong một gia đình đông con tại quận Thủ Đức, Sài Gòn. Năm 1986 , 23 tuổi, cô đi xuất khẩu lao động sang Liên Xô. Cô gái Việt khi đó từng có mối tình với một người đàn ông Nga nhưng không thành do người này bị mất vì ung thư.

Hết thời  hạn 4 năm, cô về Việt Nam. Gánh nặng gia đình cộng thêm nỗi đau về mối tình đầu dang dở khiến cô không còn thiết tha gì tới hạnh phúc riêng tư. Lúc nhìn lại thấy  mình đã quá lứa lỡ thì. Dù vậy, người phụ nữ này vẫn sống lạc quan và coi đó là số mệnh.

Năm 2003, 40 tuổi, trong lần đưa mẹ đi vật lý trị liệu, Oanh gặp một cô gái bị liệt. Thấy người này đi một mình, chị tình nguyện đưa về nơi cô tá túc là một Mái ấm Tình thương chuyên cưu mang người cơ nhỡ, bệnh tật, tại quận Thủ Đức. Ở đây, chị gặp chàng trai khiếm thị Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1983, kém chị 20 tuổi.

“Ấn tượng đầu tiên về chàng trai này là nụ cười rất tươi. Dù mắt không nhìn rõ nhưng lại nhiệt tình giúp đỡ mọi người trong khả năng của mình”, chị Oanh nhớ lại.

Anh Tuấn cũng sinh ra ở Sài Gòn, từ nhỏ sống với bà ngoại do mẹ mất sớm, bố lấy vợ khác. Lên 8 tuổi, vì bà quá nghèo anh phải đi ở đợ để được nuôi cơm. Lên 14 tuổi, Tuấn sang Campuchia sống với cha, sau đó một mình trở lại Việt Nam để mổ u não. Ở tuổi 18, anh mất dần thị lực. (Xin lưu ý, đây là khiếm thị do các dây thần kinh thị giác hay do trung khu thị giác nên trông mắt vẫn như người bình thường .- ĐD).

Trở thành người khiếm thị, bà ngoại – chỗ dựa duy nhất của Tuấn cũng qua đời. Không muốn làm phiền họ hàng, anh ra đường xin ăn, ngủ gầm cầu xó chợ, sau được đưa về mái ấm để chữa bệnh.

Chị Oanh biết ở mái ấm đang có chương trình thực dưỡng để chữa bệnh nên xin ở lại vài ngày thử xem có tác dụng gì với bệnh tim của mình không. Vì chế độ ăn uống thay đổi nên nhiều lúc chị thấy mệt mỏi. Tuấn lặng lẽ giúp đỡ, chăm sóc người chị không quen biết như người thân trong nhà. “Tôi chưa từng được người đàn ông nào đối xử chân thành và thực tâm đến vậy”, chị Oanh kể.

Thấy mọi người sống tại đây đều có hoàn cảnh éo le, Oanh xin ở lại làm tình nguyện viên. Cũng từ đó chị và anh Tuấn trở nên thân thiết.

Khi sức khỏe ổn định hơn, Tuấn không còn phù hợp ở lại mái ấm nữa. Sợ chàng trai khiếm thị sẽ lại lang thang đầu đường xó chợ như trước, Oanh nộp tiền để anh ở lại. Nhưng thời hạn chỉ được thêm hai năm. Năm 2005, Oanh gửi Tuấn đến nhà một mạnh thường quân chuyên giúp đỡ người yếu thế.

Một lần hai người chở nhau bằng xe máy. Khi Tuấn vừa vịn vào eo Oanh để lên xe, chị bỗng run bắn, cảm giác như có một luồng điện rất mạnh chạy qua người. “Tôi chưa bao giờ có cảm giác như vậy. Lúc đó chỉ muốn Tuấn vịn thêm một lần nữa”, Oanh nhớ lại. Từ hôm đó, chị thích mặc đẹp mỗi khi gặp Tuấn, dù người thanh niên này không nhìn thấy gì.

Một lần Tuấn chuẩn bị đi xa, đúng lúc sắp lên đường thì Oanh đến. Chàng trai thổ lộ: “Em nhớ chị”. Họ trở thành một đôi kể từ ngày đó.

Năm 2007, Oanh muốn cả hai ra ngoài thuê trọ sau khi đăng ký kết hôn và tổ chức đám cưới. Tin này truyền đến gia đình, cả nhà chị phản đối gay gắt.

Dù không được người thân chúc mừng nhưng đám cưới của họ vẫn diễn ra vào tháng 10/2007. Đến cuối buổi lễ, vì quá thương con, mẹ Oanh mới ghé qua nhưng chỉ hỏi thăm vài câu rồi về.

Sau đám cưới, gánh nặng kinh tế dồn lên vai người vợ. Để chữa bệnh cho chồng và duy trì cuộc sống, Oanh lăn lộn đủ thứ nghề, từ chạy xe ôm, giúp việc cho tới giao hàng. Nhiều ngày chị ra khỏi nhà từ sáng sớm, trở về khi đồng hồ điểm không giờ.

Khi sức khỏe còn tốt, anh Tuấn học xoa bóp bấm huyệt và làm việc tại cơ sở massage người mù. Tuy nhiên ở lần mổ não thứ ba năm 2008, người đàn ông này rơi vào trạng thái thực vật, bác sĩ tiên lượng sau này tỉnh cũng không thể đi lại được.

Không chấp nhận số phận, Oanh bỏ hết công việc, ở nhà chăm sóc và tập luyện cùng chồng. Ngày nào chị cũng nâng đỡ rồi dìu anh tập đi, động viên nhau không gục ngã, dù thế nào cũng phải đứng dậy.

Nhờ sự giúp đỡ của vợ, sau một năm Tuấn có thể đứng dậy và tập tễnh đi như một phép màu. Nhưng những ngày trái gió trở trời, khối u não lại hành hạ khiến người đàn ông này nổi điên, thường tự đập đầu mình vào tường, có lần còn đuổi đánh vợ.

Nhiều lần vì quá mệt mỏi, Oanh muốn giải thoát cho cuộc hôn nhân này. Nhưng nhìn xung quanh, thấy những hoàn cảnh éo le hơn mà mọi người vẫn yêu thương và đùm bọc nhau, chị không đành. Rồi mỗi khi chồng tỉnh táo, nhìn thấy nụ cười tươi rói của anh, người vợ rút lại ý định.

Cưới nhau một thời gian, căn bệnh u não của Tuấn có hy vọng chữa trị khi trường hợp của anh được sang Mỹ phẫu thuật. Nhưng sợ mất vợ, anh quyết tâm ở lại Việt Nam. “Tôi chấp nhận cả đời không nhìn thấy gì còn hơn mất đi một người vợ tốt như cô ấy”, Tuấn nói.

Cả hai cũng mong muốn có một đứa con cho vui cửa vui nhà cũng như làm chỗ dựa khi về già nhưng bác sĩ từng cảnh báo, trường hợp của Tuấn khó sinh hoạt vợ chồng và cũng chẳng thể có con. Hai vợ chồng chấp nhận thực tế và coi đó như sự an bài của số phận.

Nhiều năm chứng kiến hôn nhân của hai người, chị Thúy Liễu, bạn chị Oanh nhận xét “đây là một câu chuyện hiếm có”. “Không chỉ tôi mà rất nhiều người khuyên Oanh dừng đám cưới với Tuấn vì nghĩ chẳng thể có được hạnh phúc. Nhưng giờ họ vẫn sống bên nhau hạnh phúc, tôi vừa vui vừa bất ngờ”, chị Liễu chia sẻ.

Bốn năm trước, để giúp chồng đỡ buồn chán khi chỉ quanh quẩn trong nhà, chị Oanh rủ anh làm kênh YouTube, chia sẻ cuộc sống thường nhật cũng như những món ăn họ chế biến hàng ngày. Có thêm nhiều bạn bè mới từ đây, cuộc sống của họ trở nên vui vẻ, phong phú hơn. Anh Tuấn từng mong, đến một ngày kênh riêng của hai vợ chồng sẽ đạt được nút bạc, nút vàng.

Nhưng mong ước của người đàn ông này khó thành hiện thực. Gần đây, bệnh của anh tái phát, lại thêm biến chứng của tiểu đường nên đi lại khó khăn. Chị Oanh cũng bị ung thư vòm họng, tay chân run rẩy nên khó cầm được điện thoại lâu để quay video.

“Dù vậy hai vợ chồng vẫn động viên nhau ăn uống và tập luyện. Khi nào khỏe hơn sẽ tiếp tục quay video, giao lưu với mọi người để thực hiện được ước mơ của anh Tuấn”, người phụ nữ 60 tuổi nói.

Hoàng tử Cóc” cưới vợ

Trong xóm người ta gọi Quốc là “thằng Cóc” vì hình dáng bên ngoài đầy khuyết tật của Quốc. Vậy mà cũng có ngày chàng Cóc cưới vợ, lạ lùng hơn vợ Cóc là một cô gái vừa lành lặn, vừa xinh đẹp. Đám cưới của họ, với nhiều người, hệt như câu chuyện cổ tích đang diễn ra giữa đời thường: đám cưới của “hoàng tử Cóc”…

Sáng 23/6 vừa rồi căn nhà nhỏ trên đường Trần Cao Vân, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) của hai vợ chồng giáo viên có đứa con trai tật nguyền tên Huỳnh Bá Lương Quốc đông vui chưa từng có. Cả trăm người ở khắp nơi trong thành phố, có người ở xa cũng rủ nhau đi… coi đám cưới! Ai cũng muốn đến để chia vui, chúc mừng đôi vợ chồng trẻ ngay tại hôn lễ và cũng để tin vào sự kỳ diệu của tình yêu…

Đám cưới trong mơ…

Chú rể chỉnh tề trong bộ com-lê, đeo cà vạt màu hồng phấn được cha và cô dâu dìu từng bước đi về phía bàn thờ gia tiên. Vành môi chú rể đã bớt méo nhờ hàm răng giả, nhưng anh vẫn cố ghìm để môi không bị lệch. Có lẽ do phải cố gắng nhiều mới có thể đi đứng lâu trong hôn lễ, mặt chú rể ướt đẫm mồ hôi. Khi nhìn cô dâu khó khăn lắm mới gỡ được mấy ngón tay đang co quắp của chú rể để cha mình đeo nhẫn, nhiều người nước mắt lưng tròng: “Thương quá! Mong hai đứa mãi hạnh phúc và điều kỳ diệu này không chỉ là giấc mơ…”

Đến ngày cưới của con, ông Huỳnh Bá Kỷ – cha Quốc – vẫn không dám nghĩ con trai mình có được ngày vui hôm nay. Quốc 26 tuổi nhưng có đến hơn 20 năm ông Kỷ và vợ thay nhau đút cho con trai ăn. Quốc chỉ mới tự mình ăn mấy năm gần đây. Ông Kỷ vẫn nhớ như in những lời tâm sự của con trai một ngày giữa hè năm trước: “Ba mẹ già rồi, sau này con chỉ mong có được một người bạn thân gần gũi trò chuyện…”. Thương con, ông động viên: “Con đừng quá lo lắng. Trai lớn lên có vợ, gái lớn phải có chồng. Người vợ của con vẫn đang ở đâu đấy.”

Đôi bạn Lý và Quốc trong ngày cưới

Dù khuyên con, nhưng bụng ông không chút vững dạ. Người cha luôn trăn trở, lo lắng cho tương lai của đứa con trai duy nhất của mình. Bởi hơn ai hết, ông hiểu những khó khăn của con trai khi đi tìm “một nửa”: cả chân và tay Quốc đều lèo khoèo, nói năng ngọng nghịu không rõ tiếng, miệng méo xệch… do hậu quả của những biến chứng lúc Quốc mới chào đời. Nếu cô gái nào thương Quốc, hẳn phải có trái tim đa cảm và lòng dũng cảm vượt qua nghịch cảnh này. Ông tâm sự: “Nhiều lúc tôi nghĩ cả cha và con tôi có đốt đuốc đi tìm cũng khó tìm được vợ cho con”. Nhưng vợ chồng ông Kỷ vẫn cố nuôi ước mơ, có phép lạ nào đấy trong tình yêu sẽ đến với gia đình ông.

“Cái bụng đã thương thì phải nói…”

Rồi vào một ngày hè 2008, bên quán nước gần nhà Quốc bỗng xuất hiện một cô gái da trắng trẻo, dáng người tròn trịa, độ chừng mười tám đôi mươi phụ bán sinh tố. Quốc mấy lần sang uống nước, về nhà thủ thỉ với ba: “Quán nước bên cạnh có cô bé dễ thương lắm ba ơi, nhưng con không dám làm quen”. Còn với cô gái bán sinh tố Phạm Thị Thiên Lý, người dân tộc Mường (xã Mỹ Tân, huyện Ngọc Lạc, Thanh Hóa), từ ngày gặp chàng trai “không bình thường” bỗng đâm nghĩ vẩn vơ. Mỗi lần thấy Quốc sang uống nước, gương mặt Lý lại ửng hồng càng khiến các chị trong quán ghép đôi.

Thiên Lý bảo: “Nhờ mọi người trong xóm em mới biết và hiểu thêm được hoàn cảnh của anh ấy… tự dưng thấy thương thương. Cái bụng dân Mường chúng em vốn nghĩ sao nói vậy. Khi biết mình thương anh Quốc thật rồi mà không nói ra được thấy khó chịu lắm”. Vậy là làm liều, Lý chạy sang nhà bộc bạch nỗi niềm với Quốc và gia đình anh. Cũng từ ngày Lý thưa chuyện tình cảm, cả Quốc và ba mẹ như mở hội trong lòng.

Khi cả hai quyết định sẽ tiến tới hôn nhân, Lý gọi điện thoại báo với ba mẹ. Lý phải gọi đi gọi lại nhiều lần về nhà chỉ để giải thích cho ba mẹ hiểu rõ hoàn cảnh, tình trạng sức khỏe của người yêu. Nghe con gái kể, trong lòng thấy không yên, đang làm công nhân ở Bình Dương, ông Phạm Văn Oanh-cha Lý – vội vàng khăn gói đón xe ra Quảng Nam, đến nhà Quốc ở hai ngày hai đêm với “thằng nhỏ, con Lý chấm” để tìm hiểu Quốc. Ông Oanh thú thật: “Ngày đầu nghe con nói tôi không hiểu gì hết. Qua ngày hôm sau mới dần dần hiểu ra. Cái thằng tay chân khuyết tật mà ăn nói tình nghĩa lắm!”. Thế là ông gật!

Rồi nhà trai quyết định lên đường ra Thanh Hóa hỏi vợ cho Quốc. Sự vắng mặt của chú rể vì lý do sức khỏe được công bố cho bà con trong làng biết để cảm thông. Một tuần trước ngày cưới Quốc nói ba sắm cho con quả tạ tâp tay, rồi về nhà anh chàng tự mày mò tập “cho khỏe để cưới vợ”. Không những thế, Quốc còn hì hục tập…giặt đồ để chứng tỏ mình đủ sức làm chủ gia đình.

Sau ngày cưới Quốc đã lên kế hoạch cho tương lai hai vợ chồng. “Thời gian đầu hai đứa sẽ phụ ba mẹ Quốc trông đại lý điện thoại. Khi quen việc sẽ chỉ bảo nhau cùng làm việc, xây dựng mái ấm nhỏ của riêng tụi mình…”, Quốc từng nói về dự định sắp tới với niềm vui không chút giấu giếm. Cô vợ trẻ Thiên Lý ôm chồng vào lòng tràn đầy hạnh phúc, rồi khoe: “Anh Quốc có chứng chỉ tin học rồi đấy. Anh ấy hướng dẫn em cách tính tiền trên máy tính. Hai vợ chồng em sẽ cố gắng làm ăn phụ giúp ba mẹ.”

Đoàn Dự