Nỗi xót xa và niềm phẫn uất mang tên “đăng kiểm”

Chỉ vì đồng tiền

Một hệ thống thay mặt nhà nước làm một công việc hết sức quan trọng là bảo đảm xe cộ đi lại trên đường phải an toàn, đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật đã định. Ấy thế mà chỉ vì đồng tiền, những người đứng đầu hệ thống này phớt lờ mọi quy định, ngang nhiên làm ngược các quy định của pháp luật về kiểm định xe cộ.

Muốn thành lập một trạm đăng kiểm tư nhân ư? Xe vào kiểm định đang có vấn đề về khí thải, về cơi nới trái quy đinh ư? Khỏi lo, cứ nộp tiền cho chúng tôi là mọi cái đều được phép!

Một phương châm hành động hết sức đơn giản sặc mùi tiền nong xóa đi mọi giá trị cốt lõi của hoạt động công vụ là thi hành pháp luật, phục vụ người dân và xã hội.

Sơ bộ cho thấy hơn 70.000 xe cộ không đảm bảo các điều kiện kỹ thuật đã được phù phép để vẫn lưu thông bình thường trên các nẻo đường của đất nước. Thử hỏi có nước nào trên thế giới có hệ thống kiểm định hoạt động kiểu như Việt Nam?

Bài học cho nhiều nơi

Câu chuyện Cục Quản lý Dược là một ví dụ. Ai chẳng phải có lúc uống thuốc này, thuốc kia khi ốm đau. Thuốc thật, thuốc giả, giá cả ra sao từng người bình thường không thể biết. Mà cũng không cần biết cụ thể bởi nhà nước lập hẳn ra một cơ quan là Cục Quản lý Dược để làm việc quan trọng này. Rất đáng tiếc, những sai phạm dài dài trong hoạt động của Cục Quản lý Dược đã làm giảm sút niềm tin của người dân vào hoạt động công quyền.

Lùi chút nữa về mặt thời gian để nhìn hậu quả của đại dịch Covid-19 để lại. Đó là vụ Việt Á và chuyến bay giải cứu. Không ai có thể ngờ chỉ một cơn bão Covid mà rung chuyển tận gốc rễ ít nhất là 3 Bộ: Y tế, Khoa học và công nghệ, Ngoại giao.

Một lần nữa đồng tiền tham lam lại làm mờ mắt, làm biết bao quan chức đang từ đỉnh cao quyền lực sa vào vòng lao lý.

Mãi mãi sau này, khi nhớ lại những năm 2020, 2021 và 2022 hẳn người đời không thể quên biết bao bác sỹ, y tá, điều dưỡng viên không quản hy sinh trong cuộc chiến cứu người trong đại dịch. Người ta cũng không thể quên những quan chức đã chôn vùi danh tiếng của mình với đại dịch Covid-19 bởi ma lực của đồng tiền.

Điều khiến dư luận ngạc nhiên là việc tiêu cực như tại Cục Đăng kiểm hoặc tại Cục Quản lý Dược không phải mới nảy sinh, mà đã có từ rất lâu, trải qua mấy đời cục trưởng mà không bị đưa ra ánh sáng. Hệ thống thanh tra, kiểm tra nội bộ các ngành có liên quan đều không hề phát hiện ra những khuất tất trong mấy cơ quan này.

Tìm cách khắc phục những vi phạm pháp luật của các cơ quan công quyền bao gồm nhiều biện pháp từ giáo dục, đào tạo, chính sách, kiểm tra, thanh tra, xử lý. Nhưng có một biện pháp cần làm ngay là xem xét lại việc tổ chức các cơ quan kiểu này.

Vụ việc đăng kiểm làm cho ngành giao thông mất người, mất uy tín. Do vậy cần tổ chức lại hoạt động đăng kiểm.

Yêu cầu đầu tiên là xem lại chức năng, nhiệm vụ của Cục Đăng kiểm Việt Nam tránh tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi

Theo quy định của pháp luật, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang thực hiện 2 chức năng chủ yếu:

Một là Cục quản lý nhà nước về đăng kiểm đối với xe cộ, có nghĩa là Cục cần công bố tiêu chuẩn; đánh giá hoạt động của các đơn vị đăng kiểm. Nói cách khác, Cục có chức năng hoạch định thể chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện.

Hai là Cục tổ chức đăng kiểm, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cộ, thiết bị giao thông.

Chuyện ngẫm từ vụ giám đốc đăng kiểm “lớp 3”

Đừng vì ông giám đốc không biết chữ, e ngại chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” mà thu lại chủ trương xã hội hóa đăng kiểm.

Trong thực tế 2 chức năng cơ bản này đang tạo ra những “thuận lợi‘’ cho việc sinh ra những tiêu cực, khiếm khuyết trong hoạt động của Cục Đăng kiểm Việt Nam bởi ở đây không có sự phân biệt rạch ròi giữa quản lý nhà nước và việc thực hiện các quy định được nhà nước ban hành.

Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa xây dựng thể chế trình cấp trên hoặc tự mình ban hành, rồi sau đó tự mình kiểm định xe cộ, tự mình công bố tiêu chuẩn đơn vị đăng kiểm rồi chứng nhận các đơn vị đăng kiểm hoạt động. Nói ngắn gọn, Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa đá bóng vừa thổi còi và nếu nhìn rộng ra cả hệ thống hành chính nhà nước thì đa phần các cục, tổng cục thuộc các bộ đều đang hoạt động theo kiểu này.

Muốn hoạt động đăng kiểm tốt, và chống tiêu cực triệt để thì điều kiện tiên quyết là phải tránh tình trạng này. 

Chừng nào còn nhập nhằng chức năng như hiện nay thì chừng đó các khiếm khuyết của hệ thống đăng kiểm VN còn chưa được giải quyết triệt để.

Từ những vụ kiểu Việt Á

Vụ công ty Việt Á tiếp tục làm rung chuyển cả hệ thống chính trị Việt Nam. Số cán bộ, quan chức lãnh đạo có liên quan bị bắt ngày càng nhiều và dường như chưa dừng lại, bởi chống dịch Covid-19 tỉnh nào chẳng phải mua kit test. Mới đây nhất là việc bắt tạm giam Bộ trưởng Y tế và Chủ tịch TP Hà Nội vốn một thời là Bộ trưởng Khoa học Công nghệ.

Né tránh sự thật

Đại dịch Covid-19 hóa ra lại là ngọn lửa thử vàng đối với đội ngũ nhân viên y tế từ cấp trung ương cao đến cấp thấp và sức thử của ngọn lửa này đã làm một loạt cán bộ, công chức lãnh đạo ngành y tế gục ngã.

Và cũng vẫn đại dịch này với các chuyến bay giải cứu có vẻ đầy tính nhân đạo lại dẫn đến những tiêu cực tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Có người từng ước rằng giá cứ có vài sự kiện kiểu Covid-19 lướt qua tất cả các cơ quan công quyền Việt Nam để bộc lộ ra những kẻ lãnh đạo suy thoái, bất tài từ trước đến nay vẫn âm thầm trong bóng tối, chưa bị lộ. Thế mới biết không ai có thể nói trước gì. Lúc được giao trọng trách, người nào cũng hứa hẹn đủ thứ. Nhưng sểnh ra một cái là làm liều, là vô trách nhiệm, là tham nhũng.

Trước vụ Việt Á là một loạt vụ liên quan tới lãnh đạo cấp tỉnh, cấp trung ương, cả sỹ quan cao cấp tướng tá quân đội, từ đảng viên thường tới cả ủy viên trung ương trong cả hệ thống chính trị.

Chắc chắn là vi phạm rồi. Tuy nhiên, dường như vẫn thiếu cái gì đó cụ thể hơn, đời hơn và người hơn. Cái gì chi phối người ta hành động như vậy? Cái gì khiến một ủy viên trung ương là bộ trưởng hành động như vậy? 

Vậy sự thật như thế nào, cán bộ lãnh đạo đang ra sao? Những cơ quan, những lĩnh vực nào dễ có nguy cơ tham nhũng nhất? 

Những vấn đề cần nhận rõ

Vấn đề thứ nhất: Có chạy chức, chạy quyền trong các cơ quan nhà nước.

Nếu phủ nhận, đương nhiên khó bố trí cán bộ lãnh đạo. Nếu không phủ nhận thì tỉ lệ chạy chức, chạy quyền là bao nhiêu? 

Hai ủy viên Trung ương bị khai trừ khỏi Đảng, bị tước hết chức vụ và bị khởi tố, bắt tạm giam là minh chứng cho tệ nạn tham nhũng đi sâu vào các lãnh đạo cấp cao.

Ngoài xã hội cứ vanh vách muốn lên chức chủ tịch phường thì ngần này, giám đốc sở là thế kia, hiệu trưởng đại học thuộc bộ là thế nọ và cả các chức vụ cao hơn nữa. Giả sử rằng 10-20-30% các chức vụ lãnh đạo, quản lý có được là thông qua chạy chức, chạy quyền thì hậu quả đương nhiên sẽ ra sao?

Đã chạy chọt tức phải bỏ tiền ra đầu tư nên một khi được làm lãnh đạo thì phải tìm cách gặt hái để chẳng những phải hoàn vốn ma còn phải có lãi. Có lãi mới có tiền để hy vọng chạy tiếp chức cao hơn, ngon hơn! Đây là một trong các nguồn gốc chính sinh ra ham nhũng, hối lộ trong hệ thống chính trị. 

Tiền là một con số, con số này không có điểm dừng, mà cứ gia tăng qua năm tháng theo cuộc đời lãnh đạo cho đến khi hạ cánh an toàn hoặc bị phát hiện để rồi mất tất cả. Giữa hạ cánh an toàn và bị phát hiện là cả một khoảng cách lớn. Cái khoảng cách này vẫn đủ sức hấp dẫn người ta như thiêu thân hành động vì đồng tiền. Lâu nay vấn nạn này không phải là cái gì mới mẻ, nhưng chỉ được đề cập rất chung chung. Ừ, có đấy, nhưng có tí thôi, không ảnh hưởng tới đại cục. Hoặc là đa số biết, nhưng mặc nhiên thừa nhận ngầm như là một cách thăng quan tiến chức, ai vận dụng khéo thì hên, ai xui thì hỏng. Chừng nào còn chạy chức, chạy quyền, chừng đó còn tham nhũng, hối lộ.

Vấn đề thứ hai: Có lên chức nhờ liên hệ họ hàng gia đình, quen biết? Chắc chắn là có. Hiện tượng này có vẻ phổ biến ở địa phương. Nhìn từ thực tiễn cho thấy những cán bộ lãnh đạo đi lên nhờ con cháu “hậu duệ“, nhờ liên hệ họ hàng ít bị kỷ luật, tức là ít dính đến tham nhũng, hối lộ hơn so với những cán bộ lên nhờ chạy chức, chạy quyền. 

Vấn đề thứ ba: Liệu có địa bàn, lĩnh vực công tác dễ sinh ra  tiêu cực, tham nhũng? 

10 năm qua, số cán bộ lãnh đạo dính đến đất đai bị kỷ luật nhiều nổi trội. Mà đất đai thì liên quan tới chính quyền từ xã trở lên đến huyện, tỉnh và trung ương.

Một ví dụ khác khá điển hình là nghành dược thuộc Bộ Y tế. Trong vòng 20 năm vừa qua, 2 đời Cục trưởng Quản lý dược đều lên Thứ trưởng Y tế, đều dính kỷ luật, đấy là chưa kể một số công chức lãnh đạo khác của Cục này cũng bị xử. 

Ngần ấy năm trời với những con người cụ thể bị xử đã đủ để rút ra kinh nghiệm?

Hãy xem lại một cách khách quan quá trình và quy trình lên chức lãnh đạo từ Cục trưởng, rồi Thứ trưởng của 2 nhân vật liên quan này để xem có rút ra được gì hay không? 

Hai lĩnh vực đất đai và quản lý dược khá rõ, nhưng còn biết bao lĩnh vực chưa bị chính thức lộ ra? Dân chúng quen với những nhận định chung là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sa sút về phẩm chất, thoái hóa về đạo đức, tư tưởng… Nhận định thì đúng, nhưng không giúp gì nhiều trong thực tế phân bổ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở những vị trí cụ thể.

Người đứng đầu từng cơ quan hành chính chắc chắn phải biết rõ nhất lĩnh vực nào trong cơ quan mình dễ làm lãnh đạo sa ngã, tiêu cực. Thực tiễn cho thấy ở những nơi cấp phép, thẩm định, xét duyệt như cấp sổ đỏ, giấy phép xây dựng hoặc quản lý cán bộ, công chức, viên chức như quy hoạch lãnh đạo, bổ nhiệm lãnh đạo, thi công chức, thi nâng ngạch… đều là những công việc rất dễ dẫn đến tham nhũng, phạm pháp. 

Vấn đề thứ tư: Liệu có bắt tay trong các vụ việc tham nhũng? 

Chắc chắn là có. Mấy ai có thể hoạt động một mình trong cả loạt các cơ quan liên quan, móc xích với nhau để trục lợi, kiếm tiền, tham nhũng…

Vụ Việt Á cũng là một vụ điển hình về nhóm hưởng lợi. Học viện Quân y thực hiện đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2020” vốn đã được ông Chu Ngọc Anh khi là Bộ trưởng KHCN phê duyệt vào tháng 2/2020. 

Trong quá trình thực hiện đề tài này, một số lãnh đạo bộ, ngành đã có phạm pháp khi phê duyệt, tổ chức thực hiện, ký hợp đồng, đánh giá nghiệm thu, chuyển giao… Trục quan hệ giữa Việt Á, Bộ KHCN, Học viện Quân y, Bộ Y tế là khá rõ và đây cũng chính là trục hám lợi ích của một loạt lãnh đạo, quản lý liên quan của các cơ quan này.

San Hà 

(tổng hợp)