Qua Bữa Đói Lòng

Thành phố Sài Gòn là trung tâm công thương nghiệp, dịch vụ nên đông người lao động chân tay. Những người này thường làm công việc thời vụ, phải di chuyển nhiều, xa nơi ở. Rời nhà từ sáng đến chiều tối mới về ăn cơm nhà. Bữa điểm tâm sáng và bữa ăn trưa thường ăn qua quýt ngoài đường.

Thành phố cũng là nơi tập trung những bệnh viện đầu ngành của thành phố, của vùng, của trung ương. Vì thế cũng đông bệnh nhân nghèo lẫn thân nhân đi theo chăm sóc.

Do vậy có nhiều nhóm hoặc cá nhân mỗi người tổ chức phát miễn phí bữa cơm, bữa cháo… hoặc phát một số tiền nhỏ tương trưng giúp những người lao động nghèo qua bữa đói lòng
Khoảng thập niên 60, một số quán cơm xã hội được mở ra ở những khu đông dân cư như chợ Nancy, Tân Định… Thức ăn có giới hạn nhưng nồi cơm thật to đặt giữa phòng, ai cần bao nhiêu tha hồ xới. Dân nghèo, người lỡ độ đường, giới phu phen, xích lô… thường ghé đấy ăn.

Rồi quán cơm xã hội mất dấu. Mãi sau này, tại một số bệnh viện, nhiều bệnh nhân và người nhà nuôi bệnh từ tỉnh lên túng thiếu quá. Thời gian nằm chữa bệnh lâu, tiền thuốc men đã khó khăn lại thêm ăn uống thật không kham nổi. Vì thế một số người hảo tâm họp nhau lại, tự đứng ra tổ chức, thoạt tiên phát miễn phí nước sôi và cháo trắng điểm tâm, dần dần mở rộng thêm sữa đậu nành và cơm cho bệnh nhân và thân nhân của họ. Các bệnh viện lớn tập trung nhiều người bệnh nghèo và thời gian nằm chữa bệnh lâu dài đều được cung cấp bữa ăn miễn phí do các nhóm từ thiện đứng ra tổ chức giúp đỡ khá nhiều cho gia đình bệnh nhân trong cơn hoạn nạn.

Từ bữa cơm phát trong bệnh viện, các mạnh thường quân chú ý tới bên ngoài bệnh viện, còn có rất nhiều người khác cũng cần đến bữa ăn miễn phí. Đó là sinh viên trọ học xa nhà, bán hàng rong, vé số, nhặt ve chai, thợ thuyền, người già neo đơn, người nuôi bệnh… Ít có dân đạp xích lô, ba gác… như xưa vì loại xe này đã bị cấm hoạt động. Cũng không có ăn xin. Do bị dẹp thẳng tay nên số ăn xin thật sự ở thành phố không nhiều, phần lớn dân hành nghề chuyên nghiệp thuộc về đầu nậu, vả bây giờ họ ưa ngồi chỗ cố định, thường chọn cột đèn giao thông đông đúc hay bám theo du khách ngoại quốc, không đi lang thang xa nên không thể buổi trưa tìm tới quán ăn từ thiện được. Nói chung hầu hết là dân buôn gánh, bán bưng, người tha hương khốn khó từ miền Bắc, miền Trung, miền Tây… Vì thế quán cơm từ thiện được mở rải rác khắp nơi.

Có một điều thấy rất rõ chỉ người nghèo mới vào quán cơm từ thiện. Ai khá hơn một chút, khi có thể trả tiền dù một đĩa cơm bình dân đều không vào đó tranh phần.

Quán cơm chay nổi tiếng gần bệnh viện Từ Dũ nên có một số nhân viên y tế ra ăn. Đó là tiệm chay buffet nhưng đặc biệt không bán vé mà để thực khách trả tiền tùy tâm.

Sinh viên của trường Khoa học tự nhiên, Đại học Sài Gòn, Cao đẳng phát thanh truyền hình 2 thì vào Vạn Thiện…

Chuỗi quán cơm Nụ Cười giá 2.000 đồng

Quán cơm chay Tùy Tâm giá 2.000 đồng vậy thôi chứ ai muốn trả cũng được, không trả cũng được,..

Hoặc đôi vợ chồng già mỗi ngày nấu 100 phần cơm chay bày trước cửa nhà kèm tấm bảng “Cơm rau quả 0 đồng”.

Trừ Bảo Hòa phát phiếu ăn tháng cho bệnh nhân có bệnh án và giấy tờ tùy thân, quán cơm xã hội khác chỉ dành cho giới trẻ em lang thang. Các quán ăn từ thiện còn lại đều không phân biệt, khách vãng lai ai muốn ghé đều được.

Thỉnh thoảng có nhà hảo tâm trong và ngoài nước nhờ người nấu rồi phát cơm hộp và nước uống gần bệnh viện, chợ…

Nhiều người bán rong chỉ đi bán quanh quẩn khu vực có phát cơm từ thiện để buổi trưa kịp ghé vào. Ăn ở đấy, họ tiết kiệm được khỏi tốn bữa cơm. Cuối tháng cộng lại cũng là một số tiền dư ra chi tiêu cho việc khác. Rất nhiều người cuộc sống trông cậy vào các bữa cơm từ thiện mà đã làm nhẹ khá nhiều trong gánh nặng kiếm sống hằng ngày.

Vào những dịp đặc biệt như kỳ thi đại học hay tháng Bảy, đều có cơm hộp miễn phí phát cho sĩ tử và người nghèo nhưng ngày thường, các quán ăn từ thiện hoạt động đều quanh năm.

Cơm từ thiện có thể do nhóm hảo tâm, của cá nhân đứng ra tự tổ chức hoặc các bếp từ thiện nằm trong khuôn viên của các tự viện. Ai không biết chỗ, cứ hỏi ông xe ôm đầu đường, thế nào cũng được chỉ tới một địa chỉ cơm từ thiện.

Tùy từng nơi, các quán cơm này mang tên Quán cơm từ thiện, quán cơm cộng đồng hay quán cơm xã hội… Chữ dùng khác nhau đôi chút nhưng đều là cơm miễn phí cho người nghèo. Có quán thu tượng trưng một hay hai ngàn đồng một bữa, nơi khác đặt thùng tùy hỉ để ai có lòng thì tùy tâm bỏ vào chút ít.

Có quán vốn là quán nhậu và hát với nhau. Tiền lời của món gà vườn được đưa sang nuôi quán cơm từ thiện. Có quán được doanh nhân bảo trợ… Các quán cơm từ thiện khác tồn tại nhờ sự đóng góp của các nhà hảo tâm, kẻ ít người nhiều…

Đa số các quán ăn từ thiện hoạt động đều quanh năm. Có nơi bán theo thứ lẻ hay chẵn trong tuần, nơi bán theo ngày chay…

Quán cơm xã hội trước kia phát cơm ngày hai bữa, sau gom lại một. Thông thường quán cơm từ thiện chỉ phát bữa trưa nhưng cũng có nơi phát cả hai bữa. Thành thử người nghèo ở thành phố không sợ đói. Ngày lẻ đến quán này, ngày chẵn đến quán kia, cuối tuần đến chỗ nọ, rằm một thì khá nhiều nơi…

Thường các bếp cơm từ thiện đến tận chợ đầu mối để mua sỉ thực phẩm. Nhiều chủ vựa cũng góp phần bằng cách bán rẻ hơn hoặc tặng không lấy tiền. Có vựa chở rau đến tận nơi tặng hoặc cơ sở từ thiện tới các chợ bán lẻ vào buổi trưa để xin rau củ còn lại của các sạp tiểu thương. Nhiều công ty, xí nghiệp hay cá nhân tặng tiền hoặc chở đến tận nơi gạo, muối, các thùng nước tương, mì gói, bánh ngọt… Không kể vẫn có người thỉnh thoảng ghé đến gửi ít tiền, thả xuống bao gạo, bao đường. Góp gió thành bão. Tất cả hình thành nên những bữa cơm nóng sốt giúp đỡ rất nhiều cho người nghèo.

Hầu hết cơm từ thiện đều là cơm chay. Rau đậu dù sao giá thành cũng thấp nên có thể phân phát được nhiều phần. Trong lúc còn khó khăn thì việc chia sẻ cần đến số lượng. Tuy vậy cũng có một số quán cung cấp bữa ăn mặn. Dù cơm từ thiện nhưng phần ăn bao giờ cũng đầy đủ món kho, món xào, món canh. Nếu là chay thường là đậu kho, rau xào và canh. Món mặn cũng thế: thịt kho, rau và canh… Có khi cả tráng miệng là trái chuối hay miếng dưa hấu. Thực đơn thay đổi và thực phẩm luôn được chế biến sao cho với số tiền ít ỏi, thức ăn vẫn tương đối đủ chất dinh dưỡng và ngày càng ngon miệng hơn. Cơm mặn vẫn có mặt thịt, cá, gà, cơm chay có nấm… xào nấu đủ kiểu.

Cơm từ thiện không vì miễn phí mà tổ chức luộm thuộm. Trái lại, tỏ rõ sự tôn trọng người ăn, các quán đều rất sạch sẽ và trật tự. Đa số đều trang trí trên tường các câu ca dao, châm ngôn, pháp cú… mang ý nghĩa bác ái. Thức ăn được dọn trong khay, trong chén bát đàng hoàng. Quang cảnh của quán giống hệt như các quán cơm thường thấy với bàn ghế mới xếp đặt ngay ngắn. Trên bàn có khi trải khăn đặt ống đũa muỗng, cả chai nước tương và chén ớt trái. Nước uống hoặc trà đá trong bình. Người ăn tự đến quầy lấy khay thức ăn hoặc nhận cơm đĩa mang ra bàn ngồi, có thể gọi người dọn cơm ra. Nhân viên toàn người có tâm đến làm việc tự nguyện, không vì phát miễn phí cho người nghèo mà cử chỉ nói năng nặng nề. Ngược lại cung cách tiếp đãi rất ân cần, niềm nở.

Ăn uống xong có nhân viên của quán rửa ráy hoặc tự mang rửa. Ở bệnh viện, bệnh nhân mang gà-mên của mình đến nhận phần hoặc cơm và thức ăn được xới vào hộp xốp kèm theo bịch canh, chu đáo cả bịch nước tương và trái ớt, tất cả đặt trong bao xốp cẩn thận. Có người sau khi dùng bữa, còn xin thêm một phần xách về cho người thân ở nhà.

Do tổ chức tốt nên các quán ăn từ thiện tránh được cảnh chen lấn, xô đẩy. Người đến ăn thường phải xếp hàng nhận phiếu. Số phiếu phát ra vừa đủ chỗ ngồi trong quán. Chỗ trống đến đâu, phiếu mới được phát thêm đến đấy. Thức ăn được tính toán cho đủ nên người đứng chờ chỗ không sợ muộn hết phần cơm. Quán từ thiện ven đô cũng thu hút khoảng trăm người trong khi đợi giờ cơm, ngồi trò chuyện với nhau vui vẻ xem chừng toàn khách quen mỗi ngày, quán phổ biến khoảng hai, ba trăm người mỗi bữa, sau lên đến bốn trăm, quán khác đến năm trăm người… Có quán cơm vừa mở đã đông nghẹt ngay ngày khai trương, càng lúc càng đông mỗi ngày nấu khoảng một tạ gạo khiến nhân viên cũng bất ngờ. Quán nọ thoạt tiên ít ai biết, ông chủ phải đi bến bãi, gầm cầu để mời từng người đến ăn. Sau đông dần, có hôm khách đến muộn, hết phần, ông chủ phải đi mua thêm thức ăn hoặc dẫn đi ăn phở! Mỗi lần quán nấu bảy mươi ký gạo.

Không có đất để mở quán nên nhiều bếp từ thiện chỉ phát phần ăn cho mọi người mang về.

Quán cơm từ thiện nhân thể cũng giúp đỡ nhiều trường hợp cần thiết. Như giúp xe lăn, xe đạp, cấp vốn buôn bán nhỏ cho người nghèo. Quán này cho nhân viên đi xác minh ngay khi một người khách chìa tờ giấy thân nhân đang nằm bệnh viện xin giúp đỡ. Nhóm khác tặng bệnh nhân tiền thuốc men, tàu xe…

Những nhóm từ thiện nhỏ, không đủ sức mở bếp ăn từ thiện riêng nên rủ nhau mỗi người nấu một món: nồi kho, nồi canh… ra trước lề đường đông phát cho người nghèo vãng lai hoặc kéo nhau gia nhập vào những nhóm lớn. Nhiều người sau khi về hưu, con cái phương trưởng, không còn lo lắng sinh kế cùng chọn hoạt động ở quán cơm từ thiện. Có người sau cơn bệnh thập tử nhất sinh, hướng tâm chọn việc thiện ở quán cơm miễn phí. Tất cả tham dự chỉ thấy đó là việc cần làm chứ không vì lý do nào khác, hoàn toàn không vì những ngôn từ lớn lao…

Không phải chỉ có những người lớn tuổi hoặc giàu có ở thành phố mới phát tâm. Trong lãnh vực này có đủ mọi tuổi tác, ngành nghề. Họ là kỹ sư, sinh viên, viên chức, người buôn bán… Cũng có nhiều dân tỉnh hành nghề tự do hoặc nông dân vào mùa nông nhàn thỉnh thoảng lên thành phố định kỳ vài tuần để làm công quả cho các bếp ăn từ thiện. Họ đi từng người hoặc từng nhóm, mỗi nhóm mười mấy người luân phiên nhau. Cứ canh đến phiên thì bỏ việc nhà đi làm từ thiện. Rất nhiều người trẻ tuổi làm thiện nguyện cũng như vào viện mồ côi săn sóc trẻ em hay vào dưỡng lão thăm người già… Vào các bếp ăn lớn, người ta không ngạc nhiên khi thấy thường xuyên có mặt vài thanh niên, thiếu nữ ngoại quốc, khi biết đến công việc từ thiện này, đã xin gia nhập. Họ cũng ngồi chồm hổm lẫn lộn với những người khác để nhặt rau, xắt đậu, rửa cà… Do làm công quả nên số người tham dự tuy đông đúc nhưng thường thay đổi. Vì thế có nơi phải thuê một người chuyên nấu bếp, còn lại toàn bộ các công việc khác: phụ bếp, phân phối thức ăn, dọn dẹp… đều là các nhân lực tự nguyện đến từ khắp nơi. Một số khách đến ăn xong cũng ở lại tiếp tay dọn dẹp, rửa ráy.

Lạm phát, giá thực phẩm tăng mạnh, đời sống khó khăn nên sự ra đời của bữa cơm từ thiện đã giúp đỡ rất nhiều cho người nghèo thành phố. Năm ngoái đại dịch nếu không có các nơi phát cơm miễn phí, không có các xe chở cơm miễn phí phát rong, và khi thành phố bị phong tỏa, không có cơm hộp phát tận nhà thì không biết người dân còn khốn khổ đến mức nào
Kẻ góp của, người góp công chung tay ban phát tấm lòng hào phóng giữa con người với nhau. Nhất là sự tham dự của giới trẻ cho thấy ngoài số vô tâm, đua đòi, ăn chơi, vẫn còn những thanh niên có tâm hồn nhân ái.

Bởi vì bản chất của từ thiện cho cũng chính là nhận. Niềm vui có được từ sự đồng cảm, xẻ chia cũng bằng, thậm chí lớn hơn cả niềm vui của người được nhận lấy…

Hàm Anh