Người Mỹ có quá nhiều quần áo đến nỗi mặc không hết là chuyện hết sức bình thường. Một cuộc thăm dò năm 2021 cho biết chỉ có 14 phần trăm người Mỹ là hoàn toàn thoả mãn với những gì họ có trong tủ quần áo của họ. Còn lại những người khác thì muốn bỏ đi ít nhất một vài thứ để còn lấy chỗ treo những thứ khác. Cùng lúc, nhu cầu về quần áo mới của người dân Mỹ đã tăng lên nhanh chóng trong hai thập niên qua, do quần áo ngày càng trở nên rẻ hơn, nhiều hơn và dễ mua hơn bao giờ hết, phần lớn nhờ vào sự lan rộng của loại thời trang nhái và mua sắm trên mạng.
Mua quần áo mới mang về thì những thứ đang nằm trong tủ đương nhiên trở thành đồ cũ và bắt buộc người ta phải giải quyết mớ quần áo cũ đó. Nhưng câu hỏi là giải quyết như thế nào đây?
Nếu giải quyết một cách đơn giản là mang quần áo cũ vứt vào thùng rác thì không khó, nhưng nếu muốn giải quyết bằng cách nào đó để không làm hại đến môi trường trái đất hoặc tỏ ra có chút trách nhiệm với xã hội thì lại là điều không dễ làm. Tuy nhiên cũng không hẳn là người ta thiếu sự lựa chọn. Trong khi người Mỹ thải ra một số lượng quần áo cũ ngày càng nhiều – theo ước tính gần đây nhất của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) là 11.3 triệu tấn vào năm 2018, tăng từ 1.7 triệu tấn vào năm 1960 – thì người ta cũng đã tạo ra những dịch vụ ngày càng mở rộng, hứa hẹn sẽ giúp loại bỏ những quần áo cũ trong khi chủ nhân của chúng không cảm thấy tội lỗi vì đã mua quá nhiều.
Ngoài các cách truyền thống như quyên góp cho từ thiện và mang ký gửi tại các cửa hàng đồ cũ, người ta còn có thể đưa quần áo cũ của mình để tái chế, có thể là mang đến cho một chương trình xã hội của thành phố hoặc cho một công ty bán lại quần áo cũ. Các thùng quyên góp được đặt ở một số nơi công cộng, có một số là của tổ chức từ thiện và một số khác thuộc sở hữu của các công ty lợi nhuận đang tìm kiếm hàng tồn kho miễn phí để bán lại với số lượng lớn, và vì vậy những thùng quyên góp này ngày càng xuất hiện ở rất nhiều nơi trong thành phố cũng như ở vùng ngoại ô. Nền kinh tế bán đồ cũ cũng phát triển mạnh và người ta có thể tìm thấy nhiều người đi tìm mua quần áo cũ trên các trang mạng và ứng dụng bán lại, như eBay, Poshmark, Depop và Facebook Marketplace.
Tất cả các dịch vụ này đều hứa hẹn rất nhiều về tính bền vững và giảm thiểu rác thải, nhưng điều họ không thể hứa là quần áo cũ cuối cùng có đưa ra bãi rác hay không. Và rất có thể, rất nhiều – nếu không muốn nói là hầu hết – quần áo cũ sẽ được đưa ra bãi rác. Trong lĩnh vực may mặc, ngay cả khi sản xuất theo lối công nghiệp, là một quá trình sử dụng rất nhiều sức lao động. Cho đến nay, không có máy móc nào có được sự khéo léo như bàn tay con người khi ngồi vào bàn máy may. Một khi quần áo được sản xuất rồi, việc loại bỏ chúng ra khỏi thế giới này thậm chí còn khó khăn hơn là khi tạo ra chúng.
Vấn đề quần áo cũ là một vấn đề của thời hiện đại. Trong suốt lịch sử của nước Mỹ, hầu hết quần áo được may tại nhà và hầu hết người dân không thấy có nhu cầu là phải có thật nhiều quần áo.
Sự ra đời của quần áo được sản xuất theo lối công nghiệp vào cuối thế kỷ 19 có nghĩa là quan niệm cũ cần phải được thay đổi. Loại quần áo may sẵn bỗng dưng được bán với giá thật rẻ và nhiều hơn bao giờ hết, và các công ty may mặc bắt đầu tìm cách tạo ra nhu cầu là trong nhà cần phải có những chiếc tủ quần áo lớn hơn. Nhưng ngay cả khi thói quen mua sắm thời hiện đại ra đời vào cuối thế kỷ 19, tính tiết kiệm của một số đông người thì vẫn còn.
Và đó là lý do mà các cửa hàng bán đồ cũ ra đời. Trong khi thị trường hàng may mặc được công nghiệp hóa, quần áo cũ cũng bắt đầu được các tổ chức từ thiện chuyên bán đồ cũ như Goodwill Industries và Salvation Army nhận quyên góp quần áo và các đồ gia dụng khác đã qua sử dụng rồi đem bán lại cho công chúng để lấy tiền tài trợ cho các chương trình từ thiện của họ. Những tổ chức nói trên đã thay đổi cách người Mỹ cảm nhận về quần áo cũ của họ. Thứ nhất, họ khiến việc loại bỏ đồ cũ trở thành một việc làm mang tính đạo đức, vì người cho đã không lãng phí tài nguyên mà đưa chúng tới cho những người kém may mắn hơn. Thứ hai, họ đã thay đổi cách cảm nhận của công chúng về việc mua quần áo đã qua sử dụng, điều này đã mở rộng thêm tiềm năng của thị trường bán đồ cũ và biến mô hình kinh doanh bán đồ cũ thành một ngành kinh doanh mang tính bền vững.
Ngày nay, mô hình bán đồ cũ của các tổ chức từ thiện vẫn phát triển mạnh – chỉ riêng Goodwill đã có hàng ngàn cửa hàng trên khắp khu vực Bắc Mỹ. Các công ty bán đồ cũ ráng làm cho tiến trình thu gom và bán lại một cách gọn gàng và đơn giản nhất có thể: Người ta mang tới bỏ những túi đồ chưa được phân loại, nhận một hoá đơn để khai thuế và sau đó lái xe về với cảm giác như mình vừa làm được một điều gì tử tế.
Quần áo mới mỗi năm được sản xuất quá nhiều và không bao giờ có đủ người để mua cho hết được, đó là chưa kể còn nhiều thứ không cần thiết khác đang treo trong tủ quần áo của nhiều người. Trong đó một phần lớn những quần áo được quyên góp lại là những thứ chẳng ai muốn, mà tâm lý chung là có nhiều người cứ nghĩ rằng rác của họ là kho báu của người khác và thường không phân biệt được đâu là quần áo tốt, có thể sử dụng được và đâu là rác thực sự khi đổ đầy vào thùng quyên góp. Nếu người ta không chịu giặt sạch vết bẩn và sửa chữa đường may trên quần áo của họ trước khi cho đi, rất có thể món đồ đó sẽ không bao giờ được đưa lên kệ hàng để bán, ngay cả khi nó vẫn còn khá mới. Và nếu một bộ quần áo không bán được nhanh chóng – thường là trong vòng một tháng, nhưng đôi khi chỉ trong độ một tuần – quần áo đó có thể sẽ bị lôi ra khỏi kệ và đưa tới một trung tâm đại lý khác, là nơi dừng chân cuối cùng trước khi chúng bị vứt vào bãi rác. Sau hết, những đồ được quyên góp thì vẫn tiếp tục đổ về không ngừng nghỉ và người ta bắt buộc phải giải quyết bằng cách này hay cách khác.
Có khoảng 80 phần trăm những thứ được quyên góp sẽ không bán cho công chúng Mỹ. Chúng có thể được bán làm giẻ lau chùi, vứt đi hoặc đóng thành kiện hàng để bán cho những quốc gia nghèo. Một khi quần áo được xuất cảng bán sang cho khách hàng mới ở những quốc gia nghèo và điều gì xảy ra với những lô quần áo cũ này thì khó có thể theo dõi và kiểm soát. Có nhiều lý do chính đáng để tin rằng phần lớn những gì ban đầu là đồ quyên góp từ thiện sẽ đi vào thùng rác: Những quốc gia nhập một lượng lớn quần áo cũ từ Hoa Kỳ, chẳng hạn như Ghana và Chile, hiện đang phải đối mặt với vấn đề số lượng rác quần áo quá nhiều của họ.
Với tất cả những gì trình bày ở trên thì điều quan trọng đối với hầu hết mọi người là khi cho đi những quần áo cũ, ai cũng muốn biết chúng có đến tay được những người thực sự đang cần hay không. Trong trường hợp này, không phải tất cả các đồ quyên góp đều giống nhau. Theo một số nhà nghiên cứu, việc trao tặng cho các tổ chức nhỏ ở địa phương có nhiều khả năng những quần áo cũ đó sẽ đến tay chủ sở hữu mới, là những người thực sự có thể sử dụng chúng, bởi vì những tổ chức này làm việc trực tiếp với những người đang cần quần áo để đi làm, giày để mang hoặc áo khoác mùa đông đủ để giữ ấm. Nhưng những tổ chức nhỏ này không có khả năng để tiêu thụ thật nhanh như những cửa hàng bán quần áo cũ loại lớn được. Người ta không thể lái xe tới rồi để lại một đống túi chứa đủ mọi thứ trong đó. Các tổ chức này có thể từ chối nhận một số hoặc tất cả những gì mà người cho mang tới nếu những hàng đó có phẩm chất kém hoặc không phù hợp với khách hàng mà họ phục vụ. Thay vì nhờ nhân viên của cửa hàng phân loại, người cho phải tự làm việc đó – cũng như phải thành thật với chính bản thân mình rằng những gì mình cho đó không phải là kiểu cho ép người khác.
Nghành công nghiệp may mặc cũng giống như bất kỳ ngành kinh doanh nào, mục tiêu chính của họ là kiếm lời và tăng trưởng liên tục. Để đạt được điều này thì họ cần phải làm bằng mọi cách để lôi kéo khách hàng mua ngày càng nhiều hơn, cho dù khách hàng đã có những quần áo đó trong tủ áo hay chưa. Rồi khi những quần áo đó cũ và cho đi, chúng biến mất khỏi tầm mắt và người ta quên đi, nhưng thực ra chúng vẫn chưa hẳn biến mất mà nằm đâu đó trên các kệ hàng của tiệm bán đồ cũ hoặc đang trên một chuyến tàu chở tới những nơi thật xa xôi.
Huy Lâm