Quân đoàn quốc tế ở Ukraine, họ là ai?

“…tất cả công dân trên thế giới, bạn bè của Ukraine, hòa bình và dân chủ. Tất cả những ai muốn tham gia bảo vệ Ukraine, châu Âu và thế giới đều có thể đến và sát cánh với người Ukraine chiến đấu chống lại bọn tội phạm chiến tranh Nga.”

Bốn ngày sau khi những phi đạn Nga bắt đầu rơi xuống Kyiv và các màn ảnh, trang báo, mạng xã hội của cả thế giới tràn ngập diễn tiến, hình ảnh của cuộc xâm lăng, Tổng thống Zelenskiy đưa ra lời kêu gọi trên đây.

Trang Facebook của lực lượng vũ trang Ukraine viết: “Nếu bạn muốn tham gia trực tiếp vào cuộc chiến đấu cho tự do và dân chủ của Châu Âu… Đây là lúc để hành động!”

Ngày 5 tháng 3, văn phòng của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy thông báo về việc ra mắt trang web tuyển mộ tình nguyện quân ngoại quốc cho một “quân đoàn quốc tế” – International Legion of Defense of Ukraine, để chống lại quân Nga xâm lược.

Trên trang mạng này có các hướng dẫn chi tiết, từng bước cho người tình nguyện.

Chỉ một tuần sau khi cuộc xâm lược bắt đầu, tòa đại sứ Ukraine tại Washington DC cho biết đã nhận được 3.000 đơn ghi tên tình nguyện.

Trên Facebook và Reddit, lập tức xuất hiện nhiều nhóm tổ chức và hỗ trợ việc tình nguyện đi Ukraine. Nhóm đầu tiên được biết đến là “Facebook Warriors”, một nhóm nữa có tên là “Call of Duty Warriors”

Trang web tuyển mộ của Ukraine cho biết các người tình nguyện có thể ký kết hợp đồng với chính phủ khi đến Ukraine.

Tổng thống Zelenskyy đã ký một sắc lệnh, có hiệu lực từ ngày 1/3, miễn chiếu khán vào Ukraine cho các tình nguyện viên nước ngoài.

Tính đến cuối tháng 3, con số các chiến binh tình nguyện ngoại quốc trong lực lượng chống Nga là khoảng trên dưới 20 ngàn. Con số này do chính phủ Ukraine đưa ra. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới.

Nhưng không phải các chiến binh đó đều là những người đến từ ngày đầu.

Nhiều người đã trở về nước – bị từ chối, vỡ mộng, thất vọng. Nhiều người đã nằm lại trên đất Ukraine. Vài người đã rơi vào tay quân Nga.

Tình nguyện quân

Việc tham gia vào các cuộc xung đột nước ngoài như vậy bị cấm ở nhiều quốc gia. Công ước về Lính đánh thuê của LHQ năm 2001 cũng nghiêm cấm việc tuyển mộ, sử dụng, cung cấp tài chính và huấn luyện lính đánh thuê.

Chuyện tình nguyện đi sang một nước khác để chiến đấu không phải là mới có đây. Những chiến binh đã phiêu lưu từ những cuộc chiến tranh đầu tiên của thế giới.

Trong cận sử, có lẽ nổi tiếng nhất là những binh đoàn quốc tế – Brigadas Internacionales hay International Brigades, tham chiến ở Tây ban nha chống chủ nghĩa độc tài của Franco.

Hình ảnh những chàng chiến binh tình nguyện này đã được văn hào Ernest Hemingway khắc vào văn chương trong các tiểu thuyết hầu như mọi người đều đã đọc: For Whom the Bell Tolls (trước năm 1975 đã được dịch sang tiếng Việt dưới tên Chuông Gọi Hồn Ai, dịch giả Huỳnh Phan Anh) và The Sun Also Rises (Mặt Trời Vẫn Mọc)

Ngày đó, ước tính có khoảng 2.800 người tình nguyện đã từ Mỹ đến Tây ban nha để chiến đấu chống lại chủ nghĩa phát xít.

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, những người lính đánh thuê (mercenaire) – còn được gọi là “lính nửa mùa” (soldier of fortune), theo tiếng gọi của tiền bạc và ý thức hệ, đã lang thang giữa các cuộc chiến tranh thuộc địa bẩn thỉu, chiến đấu với các cuộc nổi dậy của cộng sản và trong một số trường hợp, ủng hộ các chế độ thiểu số da trắng.

Gần đây, các tình nguyện viên phương Tây đã đến Syria để tham gia cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo của người Kurd. Và có cả một số đã chiến đấu cho ISIS.

Nhưng lời kêu gọi của Tổng thống Zelensky mạnh hơn, vang xa hơn và thu hút hơn vì cuộc chiến ở Ukraine được cả thế giới chú ý và ủng hộ – trừ thủ phạm cuộc xâm lăng Nga và vài ba chư hầu, và được các hãng thông tấn thế giới tham gia góp phần cổ động.

Chiến binh và du khách chiến tranh

Luis từng phục vụ trong Quân đội Mexico chống lại các băng đảng ma túy cách đây mười năm.

Will là một cựu Thủy quân lục chiến Mỹ, sống ở North Carolina.

Martin là một nông dân, từng có kinh nghiệm gỡ bom mìn trong quân đội Đức.

Họ đang chờ trong một nhà trọ ở Lviv, một thành phố miền tây Ukraine, nơi họ đã được chính phủ Ukraine bố trí ăn ở trước khi đưa vào huấn luyện.

Cả ba người đều đến Ukraine mặc dầu chưa nhận được hồi đáp từ tòa đại sứ Ukraine ở nước của họ.

Luis quyết định đi Ukraine sau khi xem bức ảnh một phóng viên của AP chụp được ở Mariopol. Trong ảnh là một phụ nữ mang thai bị thương đang được đưa ra khỏi bệnh viện phụ sản sau một cuộc không kích của Nga. Luis nói anh nhìn thấy khuôn mặt người em gái của mình trong bức ảnh đó. “Tôi chưa có con, nhưng tôi tưởng tượng được cảm xúc của người cha, người mẹ và gia đình của đứa bé.”

Will xúc động bởi một đoạn video cho thấy một chiếc xe tăng Nga bắn tưới đạn vào một chiếc xe nhỏ của một cặp vợ chồng già người Ukraine. Họ là dân thường, trong sinh hoạt thường nhật của họ “Thật là vô lý. Đó là sự tàn bạo ở một mức độ hoàn toàn khác.” Anh nói mình không thể đứng bên lề, và bởi vì là một cựu Thủy quân lục chiến, “Tôi đã được huấn luyện, tôi có khả năng.”

Martin, 35 tuổi, nổi giận sau một tuần lễ đầy những tin tức về cuộc xâm lược của Nga trên truyền hình. “Tôi có kinh nghiệm quân sự, và tôi muốn bảo vệ Âu châu.”

Ba nhân vật có thật kể trên được nhà báo Jane Afrraf của tờ New York Times phỏng vấn. Động cơ thúc đẩy họ cũng là những động cơ của các tình nguyện viên khác, xuất hiện trong những cuộc phỏng vấn, bài tường trình tương tự của những cơ quan thông tấn quốc tế lớn.

Trong những bài viết của thông tấn VOA và RFA, người ta cũng được biết cảm nghĩ của Lê Hiếu, một cựu chiến binh Hoa kỳ gốc Việt. “… khi nghe được những lời phát biểu của [Tổng thống Ukraine] Zelensky, rằng ông ấy sẽ ở lại chiến đấu, tôi muốn mình phải làm một điều gì đó để giúp.”

Lê Hiếu ở trong quân đội Mỹ từ 2010 đến 2017, từng chiến đấu ở Afghanistan. Sau khi xuất ngũ, anh đã  trở lại đó với vai trò (nhân viên) hợp đồng chuyên về tình báo tác chiến.

Hiếu và Will, Luyis, Martin đều đã đến căn cứ huấn luyện của quân đội Ukraine sau đó.

Nhưng không phải là tất cả những người đến Ukraine theo lời kêu gọi của Zelenskyy đều có khả năng quân sự và kinh nghiệm chiến đấu như họ.

Adam, chẳng hạn. Trước khi lên đường sang Ukraine, anh thanh niên 24 tuổi cao to đang làm hai job. Nhân viên an ninh – security guard, và thâu ngân – cashier tại một dollar store ở Thousand Oaks, ngoại ô Los Angeles.

Anh có súng, từng bắn… ở trường bắn, và tập võ.

Anh đến Ukraine vì “Dân chủ và tự do là rất quan trọng đối với toàn thế giới. Những gì Putin đang làm chỉ đơn giản là sai. Và Ukraine là kẻ dưới cơ nên họ cần được giúp đỡ”.

Hoặc ngây thơ hơn như Brian, người Canada cho biết: “Tôi chẳng có bao nhiêu kinh nghiệm quân sự, nhưng tôi sẵn sàng lao vào chiến đấu và sống chết với tên này (Putin) bởi vì những người thân Ukraine của tôi đang ở đây.”

Khả năng quân sự của Brian, một nhà phân tích kinh doanh, chỉ là “từng đi săn từ bé”, nhưng anh tự hào vì đã “được chỉ định vào một đội bắn tỉa ở đây. Tôi sẽ hạ hết những… thằng Nga mà tôi có thể.”

Và những người đến Ukraine để chiến đấu cũng có nhiều động cơ hơn, khác hơn với những động lực cao quý đã thúc đẩy Luis, Will, Martin hoặc Brian.

Có những người “không muốn bỏ lỡ một cuộc chiến tranh chính nghĩa”, như một cựu thủy quân lục chiến Mỹ nói với Military Times. Ông này trước đây đã tình nguyện tham gia các đơn vị người Kurd và Yazidi chiến đấu chống ISIS.

Có những người đến vì thấy đây là cơ hội để thực sự bóp cò súng, giết người, thay vì ngồi trước màn hình với cái game pad.

Còn có cả khá nhiều những tay tân Quốc xã – thành phần mà Putin lấy làm cái cớ xâm lăng Ukraine.

Colin P. Clarke, một nhà nghiên cứu của tổ chức bất vụ lợi nghiên cứu về an ninh toàn cầu Soufan Center cho rằng có một số tình nguyện viên gây ra “tác hại nhiều hơn giá trị của họ vì thiếu kinh nghiệm, bởi vì họ về cơ bản là “khách du lịch chiến tranh”, đến đó để chụp ảnh selfie và có chuyện để kể về sau”.

Một số phàn nàn về tình trạng thiếu vũ khí và khoảng cách ngôn ngữ đã cản trở việc hòa nhập với các lực lượng Ukraine trên tiền tuyến. Clarke cho biết thêm, Ukraine đã cố gắng ngăn cản những người tình nguyện không có kinh nghiệm quân sự, một phần vì họ có nguy cơ bị bắt và bị Nga lợi dụng để tuyên truyền.

Ảo tưởng và thực tế

Cả đến những người chưa từng ở trong quân đội cũng phải biết rằng quân đội, về căn bản, bao gồm các tập hợp có tổ chức, đồng nhất, được huấn luyện, có kỷ luật.

Ở cái nhóm tình nguyện viên đổ về Ukraine này, không có những tính chất này. Đó là chưa kể trở ngại về ngôn ngữ.

Chẳng cần phải tưởng tượng người ta cũng có thể hình dung ra ngay một nhóm ô hợp.

Và những gì diễn ra sau đó cũng chẳng lãng mạn, hào hùng, hoặc ít nhất, như mong đợi của cả hai phía, chính phủ Ukraine và quân tình nguyện.

“Những người muốn gia nhập Quân đoàn Ngoại quốc của Ukraine được mời nộp đơn qua tòa đại sứ Ukraine tại quốc gia họ cư trú. Sau một cuộc phỏng vấn ngắn ban đầu, họ được dặn phải đi Ukraine qua ngả Warsaw và sau đó dùng đường bộ đến Lviv ở miền tây Ukraine. Theo một sĩ quan đặc nhiệm Ukraine mà tôi đã nói chuyện, tuyến đường trên nổi tiếng đến nỗi nó bị người Nga giám sát rất chặt chẽ. Người này lo lắng các tình nguyện viên sẽ bị người Nga nhắm vào trước khi họ đến đích. Sau Lviv, những tân binh được gửi đến một trại gần biên giới Ba Lan để tuyển chọn và huấn luyện. Việc lựa chọn dường như không theo một quy trình nào rõ ràng ngoài việc phân loại những người không có kinh nghiệm quân sự và những người có. Nhóm thứ nhất – không kinh nghiệm quân sự, sẽ qua một khóa huấn luyện dài 4 tuần. Nhóm thứ hai được trao vũ khí và đưa ra mặt trận trong các đơn vị đặc biệt cùng với một sĩ quan Ukraine. Một số ứng viên bị từ chối một cách khó hiểu trong khi những người khác – được đồng bạn của họ coi là không phù hợp, lại được giữ lại.

Andrew Milburn, một Đại tá Mỹ đã về hưu, tường trình từ Ukraine cho tạp chí mạng Task&Purpose như trên.

Ông Milburn nhận xét rằng “thể thức này có một số sai sót chết người – không ai trở thành một người lính đủ năng lực chỉ trong 4 tuần, và ngay cả những người lính có kinh nghiệm cũng cần được huấn luyện để hòa nhập. Mỗi cuộc chiến đều có những tính chất riêng có thể nguy hiểm chết người cho cả các cựu chiến binh và người mới bắt đầu nếu họ không hiểu đúng cách.”

Theo Milburn, nhóm ứng viên đầu tiên là một cái túi lộn xộn – bên cạnh mỗi người có kinh nghiệm chiến đấu lại có một nhóm Fantasists – những người theo chủ nghĩa ảo tưởng.

Hiếu Lê, anh tình nguyện quân người Mỹ gốc Việt, chẳng những đồng ý, mà còn cho rằng thủ tục tuyển quân quốc tế của Ukraine còn tệ hại hơn nữa. Anh viết trên trang Facebook của mình: “Rõ ràng là quá trình kiểm tra đối với quân đoàn quốc tế còn nhiều điều mong muốn. Anh Hiếu cho biết anh đã bị xếp chung với những tình nguyện viên huênh hoang về việc từng là thành viên các chiến dịch đặc biệt, nhưng lại chẳng có chút kỷ luật hay tác phong chuyên nghiệp nào.

Trên trang Facebook, anh Hiếu còn viết rõ thêm: “Suốt ngày họ phê – amphetamine, testosterone, steroid, và ai biết được những loại ma túy khác họ đã mang lậu vào vùng chiến sự… Về cơ bản họ tự tung tự tác và các sĩ quan quân đội Ukraine hoặc là cho phép hoặc bất lực không thể ngăn chặn.”

Ngay cả kinh nghiệm chiến đấu cũng chẳng có bao nhiêu giá trị trong cuộc chiến này, cựu đại tá Milburn nói thêm, “bởi vì đấu súng với Taliban hoặc al Qaeda hoàn toàn khác với việc thu mình trong một cái hố cá nhân lạnh cóng với hỏa lực của pháo binh giập trên đầu.”

Một cựu binh của quân đoàn quốc tế nói trên tạp chí mạng Vice: “Ngay cả những người có kinh nghiệm quân sự, bạn cũng phải nhận ra rằng lâu nay chưa từng có một cuộc chiến nào diễn ra như thế này”. Các quân nhân của quân đội Hoa Kỳ và NATO đã “hư hỏng” vì đã quen với việc chiến đấu với đầy đủ sự hỗ trợ của không quân, y tế, tiếp liệu, và tình báo. “Ở Ukraine, chúng tôi không có điều đó.”

Trong cuộc thử lửa đầu tiên của họ đầu tháng 4, các tình nguyện quân đã được gấp rút điều động để phòng thủ phía bắc thủ đô Ukraine, khi người Nga bắt đầu cuộc tấn công dữ dội vào các thị trấn nằm ở phía bắc Kyiv. Sau khi loạt hỏa tiễn chống tăng Ukraine ban đầu chặn đứng những kẻ tấn công trên đường chạy của chúng, lính Nga túa ra khỏi các xe bọc thép của họ khoảng một phần tư dặm trước mặt quân tình nguyện, và rơi vào một cơn bão lửa chặn đứng cuộc tấn công…

Mặc dù các tình nguyện quân đã giúp ngăn chặn cuộc tấn công, nhưng hiệu suất của họ vào ngày hôm đó không đồng đều. Ông Milburn nói, nhận xét qua cuộc chiến đó đã khiến người Ukraine phải thải bỏ những thành viên còn sống trong đợt tuyển quân đầu tiên.

Trong một biến cố tồi tệ hơn, khi một số tân binh, không xác định là bao nhiêu, đang được huấn luyện tại một trại gần biên giới, thì các oanh tạc cơ Tupolev, mang phi đạn hành trình Kh 101, đã tấn công phá hủy trại này. “Số người chết vẫn chưa rõ ràng, nhưng các sĩ quan Ukraine cho rằng có thể nhiều hơn 100 người.”

Cuộc tấn công mà ông Milburn kể lại được anh Hiếu, một trong những người sống sót, xác nhận.

Hầu như toàn bộ lứa tân binh đầu tiên đã được mời về nước, ông Milburn đã mô tả “không có nghi lễ hoặc thông báo chính thức nào hết.”

Những “vấn đề” với tình nguyện quân

Theo Giáo sư Amalendu Misra, dạy môn Chính trị quốc tế ở Đại học Lancaster, viết trên mạng The National Interest của Hoa kỳ, có không ít vấn đề cần cân nhắc và xem xét khi tuyển mộ người ngoại quốc cho cuộc kháng chiến chống Nga của Ukraine.

Đầu tiên là việc chỉ huy và phục tùng. Những câu hỏi khó, nhưng cần phải được trả lời. Khi các tình nguyện quân được chấp thuận chiến đấu dưới lá cờ Ukraine, ai sẽ chỉ huy họ? Nếu chỉ huy là người Ukraine, liệu họ có hoàn toàn tuân lệnh người này hay không? Điều gì sẽ xảy ra nếu các tình nguyện quân không đồng ý, và từ chối tuân theo một mệnh lệnh rõ ràng? Người chỉ huy có quyền gì đối với những tình nguyện quân trái lệnh? Tương tự, quân đội Ukraine có thể áp dụng biện pháp quân sự hoặc biện pháp nào đối với những người chống lệnh của chỉ huy? Có thể đưa họ ra tòa không?

Điều gì sẽ xảy ra nếu tình nguyện viên quyết định từ bỏ vị trí của họ? Chỉ huy có thể ra lệnh hành quyết người lính tình nguyện đó trên mặt trận khi cuộc chiến đang diễn ra mà không sợ bị truy tố không?

Điểm thứ hai, ai có thể bảo đảm rằng những tình nguyện viên này không phải là những kẻ xâm nhập? Hiện tại, các cơ sở quân sự Ukraine đang phải vất vả với vấn đề về những cảm tình viên và điệp viên hai mang của Nga trong đội ngũ của họ. Như vụ Denis Kireev, một trong những nhà đàm phán hòa bình quan trọng của họ với Nga, bị giết hồi cuối tháng 2 năm 2022. Có cáo buộc rằng ông ta bị xử tử vì làm việc cho Nga. Nếu đây là tình trạng hiện tại, làm sao quân đội Ukraine có thể tin tưởng các tình nguyện viên?

Thứ ba, lấy gì để chắc rằng những người tình nguyện sẽ không chiến đấu vì mục đích riêng của họ trong cuộc giao tranh quân sự này? Trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha, những người tình nguyện thuộc phe Cộng hòa thuộc đủ mọi nhánh ý thức hệ: từ những người theo chủ nghĩa vô chính phủ và cộng sản đến những tên sát nhân máu lạnh. Tương tự, cuộc chiến của Nhà nước Hồi giáo (ISIS) ở Trung Đông đã thu hút một số lớn những tên cuồng sát. Chẳng lẽ cuộc chiến ở mặt trận Ukraine lại không thu hút được (ít nhất là về mặt lý thuyết) những người tình nguyện có khuynh hướng và tánh tình tương tự?

Thứ tư, ngay cả khi chúng ta cho rằng các tình nguyện quân hoàn toàn trung thành với chính nghĩa của Ukraine, thế giới nên phản ứng như thế nào trong trường hợp họ giết hại dân thường Nga và lính Nga đã đầu hàng? Có thể đưa các tình nguyện quân này ra trước công lý không? Có thể cùng lên tiếng rằng hành động của họ là tội ác chiến tranh không? Hay, chúng ta sẽ lờ đi vì họ là những người đang chiến đấu ở “phía bên phải” của lịch sử?

Thứ năm, các tình nguyện viên từ nước ngoài thường là “những người đi tìm cảm giác mạnh”. Do đó, ngay cả khi chiến tranh đã giảm cường độ hoặc chính phủ mà họ đang chiến đấu dưới cờ quyết định ngừng bắn với kẻ thù hoặc ký một hiệp định hòa bình, họ vẫn có thể tiếp tục cuộc chiến đấu của riêng họ. Với biến động khó lường của cuộc chiến Nga-Ukraine, một thỏa thuận giữa hai bên – nếu có, có thể bị phá hoại nặng nề bởi các tình nguyện quân nước ngoài. Do đó, trong khi những người “lính đánh thuê ý thức hệ” này có thể giành được một số chiến thắng chiến thuật trên mặt trận, họ có thể có khả năng phá hỏng cơ hội của một kế hoạch hòa bình manh nha.

Và nếu họ rơi vào tay người Nga?

Người ta có thể hình dung ba tình huống có thể xảy ra. Thứ nhất, trong trường hợp các tình nguyện quân bị phía Nga bắt làm con tin, việc tìm cách giúp họ hồi hương và giải cứu họ là bổn phận của ai? Của Ukraine, hay của quốc gia mà họ là công dân?

Thứ hai, các chính phủ bên thứ ba – mà công dân của họ bị người Nga bắt giữ, có thể khiếu nại về tội ác chiến tranh trong trường hợp công dân của họ bị người Nga ngược đãi không?

Thứ ba, gia đình của những công dân nước ngoài bị phía Nga giết sẽ có những biện pháp pháp lý nào? Liệu chính phủ của những người chết sẽ giải quyết vấn đề này với phía Nga không? Liệu việc Ukraine đưa những tử sĩ này vào một đài tưởng niệm sau chiến tranh sẽ chấp nhận được không?

Khỏi phải lý luận, người ta thấy ngay rằng, trong khi các tình nguyện quân vui vẻ đóng vai anh hùng chống lại một chế độ độc ác, thì chế độ đó có cớ để xử trí với họ theo cách riêng của nó. Một viễn cảnh như vậy thậm chí còn trở nên thực tế hơn khi đó là chế độ của Vladimir Putin.

Hôm 3 tháng 3, Bộ Quốc phòng Nga đã tuyên bố họ coi tất cả tình nguyện quân nước ngoài ở Ukraine là “lính đánh thuê”, không ai trong số họ “có thể được coi là chiến binh theo luật nhân đạo quốc tế hoặc được hưởng quy chế tù nhân chiến tranh… Điều tốt nhất mà họ có thể mong đợi là bị truy tố như các tội phạm”.

Hoa kỳ – và nhiều chính phủ các quốc gia phương Tây khác đã ý thức được điều đó. Các giới chức chính phủ Mỹ đã dặn dò các cựu chiến binh và những người Mỹ khác không nên đến Ukraine vì nó quá nguy hiểm. Bộ Ngoại giao cảnh báo người Mỹ không nên đến Ukraine – vì bất kỳ lý do gì – vì họ phải đối mặt với “nguy cơ rất thật” là bị bắt, truy tố hình sự hoặc bị giết tại đây. Phát ngôn viên Ngũ giác đài John Kirby nói rằng cách tốt nhất mà những người Mỹ muốn giúp Ukraine có thể làm là “tìm cách quyên góp cho rất nhiều cơ quan đang cố gắng đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay ở Ukraine.”

Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace kêu gọi người Anh không tham gia cuộc chiến. Ông “không muốn thấy người Ukraine, và cũng chẳng muốn thấy người Anh bị giết”.

Các thành viên của Lực lượng vũ trang Canada đã bị cấm tham gia binh đoàn quốc tế của Ukraine. Nhưng theo Damien Magrou, người phát ngôn của lực lượng tình nguyện viên quốc tế tại Ukraine, “Canada có một tập thể người Ukraine rất đông, thế nên chúng tôi có khá đông người Canada gốc Ukraine, một số người có nhiều kinh nghiệm (chiến trường).”  Theo báo chí, số người Canada đã đông đến mức họ có một binh đoàn riêng: The Canadian Ukrainian Brigade.

Magrou cho biết các nguồn tuyển mộ hàng đầu được chấp nhận vào quân đoàn ngoại quốc là Ba Lan, các nước miền Baltic, Anh, Mỹ và vùng bán đảo Scandinavia. Số này bao gồm các cựu chiến binh trong các cuộc chiến Afghanistan và Iraq, và một số là chiến binh ở Syria.

Tuy nhiên đã có báo cáo rằng cả trăm người nước ngoài đã vào Ukraine không theo thủ tục chính thức. Asya Metodieva, một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế ở Praha, nói với thông tấn Al Jazeera. “Trong khi một số gia nhập quân đội Ukraine, chúng tôi cũng quan sát thấy các tiểu đoàn tự tổ chức hoạt động riêng lẻ và không tham gia vào các hoạt động quân sự phối hợp…”

Chuyện đã xảy ra: người Anh trong tay quân Nga

Hôm 18 tháng 4, truyền hình nhà nước Nga trình diễn hai tù binh mang quốc tịch Anh.

Trên đài truyền hình nhà nước Rossyia 24, Aiden Aslin và Shaun Pinner kêu gọi thủ tướng Anh trao đổi họ với chính trị gia thân điện Cẩm linh Viktor Medvedchuk.

Cùng ngày, Ukraine công bố một video, trong đó Viktor Medvedchuk cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự.

Aiden Aslin và Shaun Pinner là những người lính trong lực lượng Ukraine bị quân Nga vây hãm ở Mariopol. Trước đó vài ngày, họ đã thương lượng với một chỉ huy Nga để ra hàng. Họ bước ra từ nhà máy thép Azovstal ở Mariupol, nơi các chiến binh Ukraine tiếp tục cầm cự trong các đường hầm dưới lòng đất. Cả hai hiện là tù nhân chiến tranh ở Donetsk, thành phố phía đông Ukraine nằm trong tay phe ly khai thân Moscow từ năm 2014.

Medvedchuk là một trong các đồng minh chính của Putin. Ông ta đã bị quản thúc tại gia vào năm ngoái để đối mặt với các cáo buộc phản quốc và tài trợ khủng bố. Medvedchuk đã bị Ukraine bắt giữ.

Bộ trưởng Bắc Ireland, ông Brandon Lewis, tuyên bố họ đã chiến đấu “bất hợp pháp” ở Ukraine. Chính phủ Anh nói ngay từ đầu họ đã cảnh báo công dân Anh rằng không nên đến Mariupol.

Người Nga nói Aiden Aslin và Shaun Pinner sẽ không được đối xử như tù binh chiến tranh theo quy ước quốc tế vì họ là “lính đánh thuê”.

Gia đình hai người đang ồn ào phản đối. Họ lý luận rằng hai người này không phải là tình nguyện quân của binh đoàn quốc tế. 

Aslin và Pinner đã ký một hợp đồng dài hạn hợp pháp cách đây vài năm trước với Bộ Quốc phòng Ukraine và không cùng hạng với các tình nguyện viên của quân đoàn ngoại quốc, những người đã đến Ukraine sau khi Nga mở cuộc xâm lăng. Họ có nhà cử, vợ con ở đây. Shaun có vợ là người Ukraine.

Đúng là Shaun đã từng phục vụ trong quân đội Anh, nhưng anh đã đi Ukraine từ năm 2018. Gia đình anh đưa ra tuyên bố rằng Shaun đã chọn Ukraine làm quê hương từ ngày đó. Anh đã lấy vợ người Ukraine. Anh đã gia nhập Thủy quân lục chiến Ukraine. “Chúng tôi muốn nói rõ rằng anh ấy không phải là tình nguyện viên cũng không phải là lính đánh thuê, mà chính thức phục vụ trong Quân đội Ukraine theo luật pháp Ukraine.”

Mẹ của Aslin cũng quả quyết con bà không phải là lính đánh thuê, anh không phải là tình nguyện quân. Con trai bà không phải chỉ mới đến Ukraine tháng trước, “Nó đã ở đó bốn năm và là một quân nhân thủy quân lục chiến Ukraine hợp pháp.”

Nhiều tình nguyện quân khác không có được các lý lẽ như thế, và khi họ rơi vào tay người Nga, chuyện sẽ xảy ra là khó lường.

Điện Kremlin dường như ám chỉ rằng họ có thể chuẩn bị trao đổi hai tù nhân người Anh cho Viktor Medvedchuk, một chính trị gia Ukraine thân Moscow nổi tiếng. Medvedchuk bị bắt vào tuần trước khi đang cố gắng chạy trốn khỏi Ukraine.

Và nếu tù binh là một cựu binh người Mỹ thì đó sẽ là một món quà quý cho Putin để tuyên truyền. Matt Gallagher, một cựu chiến binh và tiểu thuyết gia vừa trở về sau khi giúp huấn luyện chiến đấu cho các thường dân Ukraine, viết trên tờ New York Times rằng ở đó hiện có cả ngàn người Mỹ. Họ họat động, trong cả hai lãnh vực quân sự và nhân đạo. Ông Gallagher nói không chóng thì chày sẽ có một trong số này rơi vào tay Nga và trở thành nhân vật chính trong một chuyện về cảnh giác. “

Mark F. Cancian, cố vấn cao cấp chương trình An ninh quốc tế thuộc Trung tâm về các Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS /Centre for Strategic & International Studies) cho rằng bất cứ hoạt động nào của các tình nguyện quân ngoại nhập chỉ có tác dụng chính trị. Nó cho thấy chính nghĩa của Ukraine được ủng hộ.

Theo tường trình của ông Andrew Milburn trên mạng Task and Prupose, với phần lớn lứa tình nguyện quân đầu tiên đã được giải ngũ, và nhiều người trong các đợt sau đó đã thiệt mạng hoặc bị thương, kế hoạch duy trì chương trình Quân đoàn Ngoại quốc của Ukraine là một phần chắc chắn không diễn ra tốt đẹp của nỗ lực chiến tranh của Ukraine.

Đúng thế, vào tuần lễ thứ 5 của cuộc chiến, Ukraine đã tạm thời ngừng tuyển mộ quân đoàn nước ngoài, với việc chính phủ Ukraine và nhiều nguồn khác viện dẫn lý do các quốc gia đã cấm công dân của họ nhập ngũ và Ukraine đang ngập các tình nguyện viên chẳng có bao nhiêu kinh nghiệm quân sự.

Với kết quả đáng thất vọng này, Ukraine tuyên bố sẽ giới hạn, chỉ nhận những người đã được huấn luyện quân sự hoặc y tế trước đó.

Những người không có căn bản như vậy khi đến Ukraine có thể là một trở ngại nhiều hơn là một sự giúp đỡ. “Một số người cho rằng họ sẽ đến nơi, họ sẽ được huấn luyện nhanh chóng, được cấp súng và ra mặt trận. Có đủ loại hậu quả nếu những người chưa qua huấn luyện lao vào.”

Một viên tướng Ukraine nói với Task & Purpose rằng có những người “không biết họ đang dấn thân vào cái gì – và khi họ nhận ra, họ muốn về nhà. Chúng tôi cần những kỹ năng chuyên biệt – đặc biệt là những tay súng bắn tỉa ”… “bài học mà chúng ta đang học được là chỉ nên đưa những cựu binh có kinh nghiệm tham chiến.”

Một phát ngôn viên của Quân đoàn Quốc tế Bảo vệ Lãnh thổ Ukraine cho biết Quốc hội nước này đang xem xét việc cấp quốc tịch Ukraine cho những người tình nguyện bị tước quốc tịch của nước họ vì đã tham gia cuộc chiến. Trong khi chính phủ Canada cảnh báo người dân Canada rằng việc đến Ukraine là không an toàn, nhưng Ottawa đã không đặt ra rào cản pháp lý nào đối với những người muốn chiến đấu ở đó. Ở một số nước khác, như Áo, Thụy Sĩ, Đại Hàn và Slovakia, các chính phủ đã cho rằng công dân của họ tham gia Quân đoàn Quốc tế là bất hợp pháp.

Tuy nhiên, Ukraine vẫn cần rất nhiều tình nguyện viên trong các lãnh vực khác, chẳng hạn như viện trợ nhân đạo. Họ cũng có thể hoàn thành các nhiệm vụ quân sự quan trọng đối với một đội quân chiến đấu nhưng không liên quan đến trực tiếp chiến đấu như vận chuyển thực phẩm, đạn dược và các vật liệu khác hoặc di tản thương binh khỏi chiến trường.

Đó là việc mà Quan Nguyễn, một cựu Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, từ Kaysville (Utah) đang làm ở Ukraine. Anh cùng nhiều cựu chiến binh đến để giúp tổ chức Task Force 824 (TF824.org) cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Ukraine. Tuy nhiên, gần đây anh đã giúp huấn luyện các quân nhân Ukraine được đưa đến mặt trận phía đông.

Bạn vẫn còn muốn đi Ukraine?

Cuộc chiến ở Ukaine vẫn đang tiếp diễn, và cho dù đã có tin về việc hạn chế tuyển mộ, trang mạng fightforua.org vẫn còn hoạt động. 

Để gia nhập quân đoàn quốc tế của Ukraine, những người ngoại quốc muốn tình nguyện được hướng dẫn 7 bước:

1. Nộp đơn cho Đại sứ quán Ukraine tại quốc gia của bạn với ý định tham gia Quân đoàn Quốc phòng Ukraine (hỏi Tùy viên Quốc phòng hoặc Lãnh sự. Xem trang web của Đại sứ quán để biết thêm thông tin).

2. Chuẩn bị các giấy tờ và quần áo (trang bị) bạn cần có hoặc được khuyên phải có. Giấy tờ: Giấy tờ cá nhân; passport; các giấy tờ chứng minh hồ sơ quân vụ của bạn (đã phục vụ trong các cơ quan công lực) và từng chiến đấu; Các giấy tờ khác theo yêu cầu của Tùy viên Quốc phòng hoặc Lãnh sự.  

3. Đến Đại sứ quán với các giấy tờ để dự phỏng vấn với Tùy viên Quốc phòng và thu xếp chiếu khán với Lãnh sự. Dự phỏng vấn Tùy viên Quốc phòng và thu xếp chiếu khán với Lãnh sự.

4. Nộp đơn xin nhập ngũ để phục vụ theo hợp đồng tự nguyện trong Lực lượng Vũ trang Ukraine (với sự giúp đỡ của Tùy viên Quốc phòng).

5. Nhận hướng dẫn cách đi đến Ukraine, các giấy tờ và trang bị cần thiết.

Bạn nên mang theo bộ quân trang như: Quần áo hoặc các thành phần quân phục, trang bị, mũ sắt, áo giáp, v.v…

6. Đi đến Ukraine theo một lộ trình được xác định. Đại diện của các Đại sứ quán, Lãnh sự quán Ukraine (ở nước ngoài) và lực lượng bảo vệ lãnh thổ tại Ukraine sẽ hỗ trợ trên đường đi. Chúng tôi sẽ cung cấp các địa chỉ liên lạc này tại Đại sứ quán Ukraine ở nước của bạn.

7. Khi đến điểm tập trung ở Ukraine, hãy gia nhập Quân đoàn Quốc phòng Ukraine (ký hợp đồng) và cùng với các chiến binh từ khắp nơi trên thế giới và binh sĩ Ukraine chiến đấu chống quân Nga.

Người ở Canada, có thể vào điểm mạng defendukraine.ca. Mẫu ghi danh tình nguyện ở đây rất giản dị, chỉ có ba dòng, trang mạng này hứa sẽ liên lạc với người ghi tên trong thời gian sớm nhất có thể.

Đỗ Quân 

(Nguồn tài liệu: Task&Purpose, RFA, BBC, NYT, WP, The Guardian,…)