Quay về với truyền thống cũ

Nhiều ngàn năm trước, con người ta thường sống chung trong những nhóm nhỏ độ hai ba chục người, sau đó liên kết với vài chục nhóm nhỏ khác để lập thành một bộ lạc. Những người trong các nhóm sinh hoạt theo tập thể: họ cùng nhau đi tìm thực phẩm rồi đem về ăn chung với nhau. Họ cùng săn bắn chung, chiến đấu chung, may khâu quần áo chung, thay phiên trông coi con cái của nhau. Trong tất cả mọi ý nghĩa của cuộc sống, người thời đó sống dựa vào đại gia đình và những người thân thích của họ.
Có điều họ định nghĩa hai chữ thân thích khác với chúng ta thời nay. Thông thường khi chúng ta nói tới thân thích, chúng ta nghĩ tới sự liên hệ máu mủ. Nhưng trong hầu hết chiều dài lịch sử của nhân loại, không hẳn cứ phải máu mủ ruột thịt mới được gọi là thân thích mà mối quan hệ đó có thể được tạo ra bằng cách kết thân với những người không cùng huyết thống, rồi sống chung, rồi chia sẻ với nhau tất cả mọi thứ cần thiết trong cuộc sống như người ruột thịt trong gia đình vậy.
Nói cách khác, trong phần lớn lịch sử của nhân loại, con người ta từng sống trong đại gia đình bao gồm không chỉ những người ruột thịt mà luôn cả với những người dưng mà họ chọn để cùng chia sẻ trong cuộc sống tập thể. Một nhóm nghiên cứu quốc tế mới đây làm một cuộc phân tích di truyền của những xác người thời cổ được chôn chung với nhau – và do đó được cho là đã từng sống chung với nhau – 34,000 năm trước trong một khu vực nay là nước Nga. Các nhà nghiên cứu thấy rằng những người được chôn chung với nhau này nhưng lại không có sự liên hệ huyết thống.
Thời tiền sử đó đã qua lâu rồi. Nay người ta coi trọng giá trị của sự riêng tư và tự do cá nhân nên rất khó để có lối sống tập thể như thế nữa. Mà nếu có cơ hội chắc cũng chẳng ai muốn trở lại sống như người thời đó – phải tự đi săn hái để kiếm thức ăn thì cực quá.
Mà con người nói chung thường rất tham lam. Người ta vừa muốn có một gia đình ổn định, vững chắc, lại vừa muốn một cuộc sống tự do, sung túc. Người ta muốn được sống gần gũi với gia đình, nhưng lại không muốn bị gò bó với những kỷ luật chung. Rốt cuộc người ta chỉ thấy một xã hội với cấu trúc gia đình lỏng lẻo dễ đổ vỡ.
Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu gần đây cho thấy rất có thể có một mô hình gia đình mới đang thành hình. Một số bằng chứng gần đây cho thấy đây có lẽ là hành động để phản ứng lại với tình trạng chao đảo trong gia đình và người ta muốn đặt lại giá trị gia đình lên thành ưu tiên hàng đầu. Nhiều người Mỹ đang thử nghiệm một số hình thức mới về mối quan hệ thân thích và lối sống đại gia đình để tìm lại sự ổn định cho xã hội.
Và điều này đang xảy ra quanh chúng ta – một phần là vì tình thế bắt buộc nhưng một phần khác là do người ta chọn. Kể từ thập niên 1970, và đặc biệt kể từ cuộc suy trầm năm 2008, do áp lực kinh tế đã đẩy nhiều người Mỹ về sống với gia đình. Bắt đầu khoảng năm 2012, số con cái sống với cha mẹ bắt đầu tăng lên. Và sinh viên đại học giữ được mối liên lạc với cha mẹ gần gũi hơn so với một thế hệ trước đó. Hiện tượng này nếu xảy ra trước đây thì thường bị chê là do cha mẹ chăm sóc con cái kỹ quá, hoặc chiều chuộng quá mức đến nỗi chúng không muốn dọn ra mà cứ ở bám lại. Nhưng có điều thực tế rằng việc học ngày nay kéo dài và tốn kém hơn trước, do đó người trẻ ngày nay sống dựa vào cha mẹ lâu hơn so với trước đây.
Năm 1980, chỉ có 12 phần trăm người Mỹ sống trong những gia đình đa thế hệ. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008 đã làm cho số gia đình đa thế hệ tăng vọt. Ngày nay có khoảng 20 phần trăm người Mỹ – tương đương 64 triệu người, là con số kỷ lục – sống trong những gia đình đa thế hệ.
Sự trở lại của lối sống đại gia đình chủ yếu là vì những người trẻ ngày nay có xu hướng dọn về ở với cha mẹ. Năm 2014, có tới 35 phần trăm đàn ông Mỹ tuổi từ 18 đến 34 sống với cha mẹ. Chiều hướng thay đổi này cho thấy đây là hiện tượng tích cực, và sự thay đổi không chỉ vì nhu cầu kinh tế mà còn là vì động lực có lợi cho xã hội.
Một lý do khác nữa của sự trở lại lối sống đại gia đình là do nhiều cha mẹ lớn tuổi chuyển về sống chung với con cái của họ. Tỷ lệ người cao niên sống một mình đạt mức cao nhất là vào khoảng năm 1990. Nay hơn một phần năm người Mỹ 65 tuổi trở lên sống trong những gia đình đa thế hệ. Đó là chưa kể một phần khá lớn những người cao niên dọn về ở gần với con cháu của họ nhưng không sống chung nhà.
Các di dân và người da màu – nhiều người trong nhóm này phải đối diện với những khó khăn kinh tế và xã hội – có nhiều khả năng sống trong những đại gia đình. Hơn 20 phần trăm người gốc Á châu, người da đen, và người Mỹ Latinh sống trong đại gia đình, so với 16 phần trăm người da trắng. Khi nước Mỹ với dân số ngày càng trở nên đa dạng hơn thì lối sống đại gia đình cũng ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Sự trở lại của lối sống đa thế hệ đã và đang làm thay đổi lối kiến trúc xây nhà ở Mỹ hiện nay. Một cuộc khảo sát năm 2016 bởi một công ty tư vấn về bất động sản cho thấy 44 phần trăm người mua nhà đang tìm kiếm một căn nhà phù hợp với cha mẹ già của họ, và 42 phần trăm muốn một căn nhà phù hợp với con cái trưởng thành của họ – để dự trù trong trường hợp những người này có thể dọn về sống chung với họ. Để đáp ứng với nhu cầu trên, các công ty xây cất đã cho xây những căn nhà mà công ty Lennar gọi là “hai nhà dưới cùng một mái”. Những căn nhà này được xây với lối kiến trúc mà các thành viên trong gia đình có thể dễ dàng sinh hoạt chung với nhau nhưng đồng thời vẫn có được sự riêng tư cho họ. Nhiều trong số những căn nhà mới xây này có chung phòng giặt, phòng sinh hoạt, nhưng phòng tắm và đôi khi nhà bếp riêng biệt. Những căn nhà với kiến trúc đặc biệt này đương nhiên là mắc hơn những căn nhà bình thường và không phải ai cũng có đủ điều kiện để mua – nhưng chúng nói lên một sự thật: Các thành viên trong gia đình cho dù khác nhau về thế hệ vẫn luôn cần hỗ trợ lẫn nhau và không gì bằng được sống chung dưới một mái nhà.
Điều thú vị nhất của lối sống đại gia đình là khi người ta chấp nhận sống chung với nhau mặc dù là không có chút liên hệ huyết thống nào cả. Trong độ vài năm qua đã cho thấy có sự gia tăng của lối sống mới mà những thành viên trong gia đình tuy không phải ruột thịt nhưng vẫn đối xử với nhau như người thân thích. Trên trang mạng CoAbode, những bà mẹ độc thân có thể tìm đến những bà mẹ độc thân khác để cùng sống chung dưới một mái nhà. Người ta có thể tìm thấy những dự án về sống chung ở khắp nơi trên nước Mỹ, là những nhóm người sống chung với nhau như những thành viên trong một đại gia đình, với phòng ngủ riêng và khu vực sinh hoạt chung. Một công ty phát triển bất động sản có tên Common được thành lập năm 2015, hiện đang điều hành hơn 25 cộng đồng sống tập thể tại sáu thành phố nơi mà những người trẻ độc thân có thể sống chung cùng với những người trẻ khác.
Công ty Common gần đây đã hợp tác với một nhà đầu tư và phát triển là Tishman Speyer để thành lập Kin, là một cộng đồng sống tập thể dành cho những cha mẹ trẻ. Trong cộng đồng này, mỗi gia đình được chia ra khu vực sống riêng và một khu vực để sinh hoạt chung. Những thử nghiệm này cho thấy mặc dù sự riêng tư và tự do cá nhân vẫn là những ưu tiên hàng đầu, nhưng đồng thời người ta cũng quan tâm tới lối sống chung với những giá trị gia đình và tập thể của riêng nó.
Tại một cộng đồng ở Oakland, California, có tên là Temescal Commons với 23 thành viên, có độ tuổi từ 1 tới 83, sống trong một khu tập thể với chín đơn vị gia cư. Những căn chung cư này khá nhỏ và người sống ở đây thuộc thành phần trung lưu và giới lao động. Họ có chung một khoảng sân và một khu nhà bếp khá rộng rãi nơi những người sống chung tại đây cùng chuẩn bị những bữa ăn tập thể vào những tối thứ Năm và Chủ nhật. Công việc dọn dẹp, vệ sinh khu tập thể là trách nhiệm chung. Những người lớn thay phiên nhau trông coi các trẻ nhỏ, và các thành viên có thể mượn của nhau chút đường, sữa từ một thành viên khác khi cần. Các bậc cha mẹ lớn tuổi chỉ bảo kinh nghiệm cho những người trẻ hơn. Khi một thành viên nào đó trong đại gia đình này bị thất nghiệp hay đau ốm thì cả đại gia đình cùng quây quần lại để giúp đỡ tuỳ theo khả năng của mỗi người.
Sự tương trợ và đùm bọc lẫn nhau này không thể mua được bằng tiền bạc. Người ta chỉ có thể tìm thấy những tình cảm này sau khi sống trong một đại gia đình qua một thời gian cùng với những nỗ lực cá nhân.
Xu hướng sống tập thể trong một đại gia đình đang thành hình ở Mỹ thực ra không có gì là mới mà đã từng có từ trước lâu rồi và đã bị người ta bỏ không dùng tới trong một thời gian. Do đó, trong mấy thập niên qua, các gia đình ở Mỹ ngày cứ một nhỏ đi và những bữa cơm gia đình đông đủ cũng vì thế ngày một hiếm hoi. Phải chăng đây là lúc người ta cần đem lối sống tập thể theo truyền thống cũ vào trong mỗi gia đình ?

Huy Lâm