Sinh con trai

Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô.
Dù một con trai cũng tính là có, đến mười con gái vẫn coi như pha! Quan niệm từ ngày xửa ngày xưa xem ra dù ngày nay thời đại tân tiến vẫn còn tồn tại trong khá nhiều gia đình.
Trước kia, phụ nữ chỉ biết vâng lời. Tư tưởng Khổng giáo in đậm trong xã hội VN. Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng tòng phu, phu tử tòng tử. Ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết tiếp tục hầu hạ con rồi cháu, chẳng bao giờ được làm chủ cuộc đời của mình. Lấy chồng như… đánh bạc vì dù phu quân tốt hay xấu đều may nhờ rủi chịu, người phụ nữ phó thác cuộc đời cho số phận không thể có sự lựa chọn, thay đổi. Thân em như hạt mưa sa. Hạt vào đài các hạt ra ao bèo là vậy. Làm gì có điện thoại, bưu điện, internet; làm gì bình đẳng để thường xuyên liên lạc với thế giới bên ngoài, để được quyền đi lại chăm sóc mẹ cha. Nên chi nhớ về gia đình ruột thịt một thời, con gái chỉ đành Chiều chiều ra đứng ngõ sau. Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Vì phong tục như vậy nên nuôi con gái thường bị coi là… vô ích, như… vịt trời đâu có giữ trong ao nhà được, nuôi nấng ngày nào biết ngày ấy rồi sẽ theo chồng vỗ cánh bay xa. Vu quy là ngày có khi không cầm được nước mắt tiễn con về nhà người! Chỉ có con trai ở lại mãi, đón con gái người khác về làm con mình nên chi Dâu là con, rể là khách vì thế. Dâu vào ở luôn trong nhà trở nên người của gia đình.
Con trai theo quan điểm phong kiến được lý giải là người làm việc chính để kiếm ra tiền mặc dù điều này cần phải xem xét khi nhìn lại, các bà vợ ngày xưa toàn những “bà Tú” tháo vát Quanh năm buôn bán ở mom sông, nuôi đủ năm con với một chồng. Ăn với chồng một bữa, ngủ với chồng nửa đêm… một tay đảm đang gánh vác chèo chống giang san nhà chồng. Chính việc mang họ cha nối dõi tông đường khiến đàn ông giữ địa vị độc tôn đến nay khiến có trường hợp không con trai đã phải “chữa cháy” bằng cách chọn một cháu ngoại mang họ mẹ để làm đích tôn nối dõi cho bên ngoại.
Hiện nay, đối với người Hoa vẫn giữ phong tục cổ, khi người quá cố không có con trai, sẽ phải mượn cháu trai chống gậy nhưng nhiều gia đình VN ở thành phố thì không, con gái vẫn bưng bát hương và chống gậy mà không cần nhờ vả đến họ hàng. Bởi sau công việc nhờ cậy đó để chụp hình quay phim, người ta nhìn vào cho đúng tục lệ thì cúng bái giỗ chạp vẫn trở về đảm đương con gái ruột.
Miền Nam tinh thần phóng khoáng nên vấn đề trọng nam khinh nữ có phần nhạt dần đi, nhất là ở khu vực thành phố. Thế nhưng tại miền Trung và miền Bắc, nhất là nông thôn Bắc bộ, tư tưởng này vẫn còn nặng nề trong quan niệm của đa số người dân. Từng có án mạng thương tâm, còn bạo hành thì xảy ra nhiều khi người vợ cứ sinh mãi một bề con gái. Người chồng bị áp lực từ gia đình và dòng họ nặng nề chịu không nổi, lại trút hết áp lực ấy lên vợ. Đánh đập, ly dị, ngoại tình, vợ hai, vợ ba, vợ tư… sao cho lòi ra một thằng cu mới thôi. Người đàn bà không sinh được con trai ngậm đắng nuốt cay ôm nỗi khổ đầy mặc cảm “tội lỗi” của mình. Bị áp lực sinh con trai không phải chỉ vương phi Michiko của hoàng gia Nhật Bản mà vô số phụ nữ Á đông cùng cảnh ngộ. Thật khổ khi phụ nữ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những tác phẩm của… tạo hóa, cho con trai hay gái ra đời là tùy ý trời sao cứ nhè phụ nữ mà đổ lỗi không biết. Mặc dù y khoa tiên tiến hiện nay cũng phần nào can thiệp vào chuyện sinh con nam hay nữ theo ý muốn nhưng hầu hết đành… thuận thiên!
Thành thử khi con trai duy nhất bị khuyết tật, cha mẹ lo cuống tuyệt tự, một số người vẫn cương quyết tìm cách cưới vợ ép cho con bất chấp sự bất hạnh mang tới cho người vợ và di chứng có thể xảy ra cho đứa cháu không lành lặn về sau này. Đó cũng là trường hợp phổ biến xảy ra cho nhiều cô dâu lấy chồng Á Đông ngoại quốc khi những người đàn ông tàn tật hoặc tâm thần không lấy được vợ bản quốc đành tìm cách kết hôn phương xa. Khi các cô dâu VN biết thì đã muộn, muốn trở về quê hương như tìm đường trên trời.
Để có con trai lắm khi thật đau đầu. Ngày nay có nhiều phương pháp để… may ra sinh con theo ý muốn, vừa lời khuyên do các nhà khoa học đưa ra, vừa phong tục dân gian, vừa kinh nghiệm truyền nhau tam sao thất bổn…, đại khái muốn sinh con trai thì ăn mặn và uống… cà phê, còn muốn sinh con gái thì ít ăn muối và nên chén nhiều đồ ngọt. Chắc bởi thế nên khi trưởng thành, đàn ông mới khoái ngồi đồng quán cà phê và đàn bà tuy ngọt ngào, dễ thương nhưng lại ưa xề vào… hàng quà! Bế một đứa bé bất kỳ đặt trên bàn, nếu bé đặt một chân xuống bàn là thai phụ sẽ sinh con gái, đặt hai chân là con trai; gọi giật lại bà bầu quay mặt bên phải sẽ sinh con gái, quay mặt bên trái sinh con trai… Khoa học tuy vậy vẫn có xác suất sai nên mặc dầu đã tích cực tuân theo kỹ lưỡng các mách bảo, chỉ dẫn mà kết quả vẫn không được như ý. Trung Quốc nổi tiếng vì các vụ phá bỏ thai nhi nữ hoặc lỡ sinh con gái rồi đem bỏ rơi, để dành một suất khai sinh quý báu cho con trai theo quy định nhà nước đề ra mỗi gia đình chỉ có một con.
Cho nên nhiều gia đình cứ sòn sòn tính đầu con gái tam đa rồi tứ quý, ngũ long công chúa, rồi lục phú, thất hiền, bát tiên ráng hoài cho đến khi nào được mụn con trai nối dõi tông đường mới thôi, chưa được thì tha hồ thầy bà cúng kiếng cầu tự dai dẳng. Một gia đình nhiều trai thiếu gái không sao nhưng nhiều gái thiếu trai dường như vẫn hơi… thiếu thiếu. Một chị có bốn con gái xinh xắn, giỏi giang nhưng lúc nào cũng nơm nớp không yên bởi ông chồng cứ qua mượn thằng cu năm tháng của hàng xóm về nựng nịu hoài không chán. Điệu này có mòi đi tìm con thêm con rớt ở đâu thật phiền toái nên mặc dù nhà nghèo rớt mồng tơi, cô nhất quyết kiếm thêm đứa nữa. Vả lại ông thầy bói nói chắc như đinh đóng cột sẽ sinh con trai và cậu con này ra đời khiến gia đình thịnh vượng. Nhiều người tin tưởng một đứa con ra đời xung hoặc hợp sẽ gây ảnh hưởng khiến cuộc đời của cha mẹ “lên” hay “xuống” rõ rệt. Lời thầy phán cộng với bao nhiêu công phu lễ bái bao nhiêu miễu Bà, đền Cậu… Thế mà chẳng hiểu sao đứa con thứ năm được chờ đợi với rất nhiều kỳ vọng lại vẫn là gái (!). Vừa thất vọng vì sinh con không được như ý lại thêm miệng ăn nên cả nhà buồn hiu vì chị trưởng nữ đành hy sinh bỏ học ngang xương, xin phụ bán quán. Vợ chồng ít học đành chịu chứ tại một phòng mạch, ngay chính hai vợ chồng đều là bác sĩ rất thích con trai mà vẫn sinh một hơi mấy cô con gái đành chịu thua ngưng luôn.
Chưa có con trai thì cầu con trai cho y người ta nhưng có con trai rồi lại mong con gái. Chị công chức đã đủ hai con theo “tiêu chuẩn” và không được sinh con thứ ba, nhưng khao khát có đứa con gái để có người hủ hỉ sớm hôm, chăm lo săn sóc ly nước, chén cháo khi đau ốm, nâng giấc lúc về già nên chị quyết định “hy sinh” sự nghiệp đổi lấy cô con gái niềm mơ ước thật sự. Ông nọ từng được quy hoạch vào chức “phó” nhưng bị hạ xuống một bậc sau khi ông sinh thằng con thứ ba dưới hai chị gái. Có điều đó chỉ là hành động xoa dịu dư luận lui một bước để vẫn tiến hai bước vì sau bữa tiệc thôi nôi của công tử đãi tại nhà hàng với đầy đủ mặt chức sắc, ông được thăng hai bậc, đề bạt lên chức “chánh”.
Khi cậu quý tử được tìm kiếm đầy khó khăn như thế, và do vị trí đặc biệt được đặt vào, con trai nghiễm nhiên trở thành những ông hoàng con. VN cũng đề ra chính sách mỗi gia đình chỉ có một hay hai con trong thời gian dài cộng với tình hình kinh tế khó khăn nên cũng giống như Trung Quốc, “ông” con trai trong gia đình trở thành ông vua con được không những cha mẹ, mà tất cả gia đình hai bên nội ngoại đều chiều chuộng không giới hạn. Vì thế không lạ khi hầu hết những đứa trẻ đó đều có tinh thần yếu đuối, ỷ lại và hư hỏng được coi là dễ hiểu.
Thật ra, do xã hội mở cửa, tư tưởng khoáng đạt Âu Mỹ thâm nhập nên tình hình này thay đổi rất nhiều, con gái được coi trọng và việc nối dõi tông đường không còn “bức xúc” như trước nữa. Cứ xem gương bà Indira Gandhi được trọng vọng tới mức trở thành bà mẹ Ấn Độ, làm rạng danh cho cha mà đâu có cần mang họ của ông Nehru, thì mới thấy nối dõi tông đường theo ý nghĩa mang họ chỉ là một ý niệm mang tính ước lệ.
Kết quả của việc “trọng nam khinh nữ” này là tỷ lệ giới tính của dân VN hiện nay theo điều tra dân số giữa kỳ vào năm 2020 là 112,1 bé trai/100 bé gái. Số liệu của Saigon từ sơ sinh đến mười bốn tuổi thì nữ chiếm khoảng bốn mươi tám phần trăm. Cả nước cứ một trăm mười hai bé trai mới có một trăm bé gái. Cứ xem bảng thống kê mà cả nhà lo lắng cho số phận thằng đích tôn đang học mẫu giáo. Gia đình không giàu và lỡ trong tương lai, thằng cháu học dốt chắc ế chết, làm sao cưới được vợ đây không biết. Đài Loan, TQ sang VN tìm vợ còn thằng cháu không lấy vợ VN nổi biết đi đâu góc biển chân trời, Kampuchia hay Lào chăng? Chẳng biết tới lúc đó, những nước này có còn thừa nữ cho đám nam giới láng giềng sang cầu hôn. Một chị sống yên ổn ở Nhật có nhà có xe, hiện có ba con gái. Vợ chồng chị quyết định bỏ công ăn việc làm ổn định, xin di dân qua Canada chấp nhận tay trắng làm lại từ đầu nhằm tránh các con khỏi lớn lên trong một xã hội tuy tiến bộ nhưng vẫn nhiều bảo thủ, trong đó con gái chịu lắm thiệt thòi do bất bình đẳng nam n vẫn tồn tại đây đó trong xã hội.
Quả cũng như các nước lân cận đang phát triển, con gái thành phố bây giờ có học và ý thức tự chủ hơn trước kia, quan điểm về nam nữ đã thay đổi rất nhiều. Các cô không buộc phải nương nhờ một bóng tùng quân mà ngược lại xảy ra hiện tượng chồng theo vợ. Thời nay có con trai như không vì đa số toàn theo vợ. Một số bà mẹ than thở. Đám cưới con dâu rước về nhà mình. “Nó”, ý nói con dâu, dậy từ sáng sớm ra ngoài điểm tâm để kịp giờ đi làm, trưa ăn cơm ở sở, chiều về nhà ngoại ăn tối, tắm rửa vui chơi chán chê đến tối mịt mới về chui thẳng vào phòng riêng đóng cửa lại. Tới ngày ở cữ lấy cớ về nhà cho mẹ đẻ chăm sóc rồi ở lại đó luôn. Con mình lóp ngóp theo “nó”. Thế là mất toi thằng con trai quý báu!
Những bà mẹ độc thân muốn có con nhưng không thích lấy chồng đều ao ước mụn con gái. Con gái bao giờ cũng gần gụi và gắn bó với cha mẹ hơn con trai. Có con mà lấy chồng gần. Có bát canh cần nó cũng mang cho. Thành thử mở báo ra xem không ngạc nhiên khi thường xuyên nhận thấy ở thôn quê, theo đúng tinh thần nàng Kiều, khá nhiều tình trạng con gái lấy chồng Đài Loan, thậm chí trở thành gái bán hoa chỉ để đổi lấy những món tiền đưa về cha mẹ nhằm “trả hiếu”.
Cuối cùng, không phân biệt giới tính, vượt qua rào cản của định kiến ngàn năm, con gái đang dần dần tìm thấy vị trí xứng đáng cho những giá trị của riêng mình. Và con trai đích thực cũng lấy làm hoan hỉ điều ấy, sẵn sàng nhường bước. Tranh cãi với chị em của mình những điều hiển nhiên ấy làm chi!

SGCN