Tái định cư

Saigon có nhiều chương trình xây dựng: khu công nghiệp, khu giải trí… cùng lúc thời gian qua giải tỏa nhà ven sông rạch… Các công ty lớn trong và ngoài nước cũng đua nhau ào ạt xây cao ốc cho thuê văn phòng, siêu thị…
Để mua được cả mảnh đất để xây dựng các công trình lớn như vậy đương nhiên phải giải tỏa nhà đất, bồi thường đi kèm với tổ chức tái định cư cho người dân.
Có ba hình thức áp dụng cho việc giải tỏa: giao đất nền cho dân chúng tự xây nhà, giao nhà hoặc căn chung cư cho họ vào ở ngay hay là cứ đưa tiền một lần cho gọn, tự họ muốn tìm chỗ ở đâu tùy ý.
Thật ra ở nội thành toàn giao căn chung cư hoặc nhận tiền bồi thường, còn giao đất chỉ có ở khu vực ngoại thành nơi tương đối còn đất để bồi hoàn.
Chỗ tái định cư cũng có nơi rộng rãi, mát mẻ hơn so với nhà sàn, nhà ổ chuột cũ. Một số chung cư tái định cư được coi là tốt nếu được ở gần khu vực nhà cũ với giá cả phải chăng, người dân không phải bù thêm vào nhiều quá, thuận tiện cho công việc làm ăn sinh sống, cho việc học hành của con cái. Thế nhưng việc tái định cư vẫn lộ ra nhiều vấn đề bất cập.
Chị Linh sau khi nhà bị giải tỏa, vội vàng cầm tiền bồi thường mua ngay một nền đất ở Gò Vấp. Khu này không được quy hoạch rõ, nhà cửa lộn xộn do mỗi nhà mỗi hướng tùy theo ý thích chủ nhân. Tuy toàn nhà mới xây mà trông lộn xộn hứa hẹn sẽ trở thành khu ổ chuột tương lai. Trước kia chị đi bộ mười phút ra chợ nhỏ bán rau, chồng sửa xe vỉa hè trước nhà. Nay nhà mới quá xa, chị đành chất rau lên chiếc xe ba gác nhỏ đẩy đi bán dạo, rất cực mà lời không bằng trước, chồng đổi nghề xe ôm, con cái dù đã đổi trường vẫn phải đi học khá xa.
Mỗi khu chung cư trước kia gồm nhiều lô: Thanh Đa, Ấn Quang, Nguyễn Thiện Thuật… bao giờ cũng có chợ, trường học, trạm y tế đi kèm nhưng bây giờ do tận dụng tối đa đất đai, chủ thầu thường chỉ xây cao ốc bán lấy tiền ngay mà không có nhiều tiện ích đi cùng. Vì thế dù mua nhà ở đâu, người ta vẫn muốn đổ về nơi ở cũ để đi làm, đi học… Đó cũng là một trong những nguyên nhân góp phần gây nên nạn kẹt xe trong thành phố cũng như ở các cửa ngõ dẫn vào nội thành. Vài khu đô thị mới có bệnh viện và trường quốc tế nhưng đó là bệnh viện và trường học cao cấp dành cho số ít người giàu, không dành cho số đông.
Việc mưu sinh của dân tái định cư thật khó khăn. Hầu hết người dân lao động sống bắng nghề buôn bán nhỏ. Chỉ một thau xôi cũng cho con ăn học, quán cà phê cóc đầu hẻm nuôi gia đình, bơm vá xe ngã tư cũng đủ tiền chợ…
Nhà cũ ở nội đô… tái định cư ở ven đô, ngoại thành… Nhiều khu tái định cư thường ở nơi vắng vẻ đìu hiu, xa chợ, xa trường, xa bệnh viện… nên mãi lực rất thấp. Chủ nhà đi đâu không dám về khuya vì đường xa và tối, nhiều chỗ không có đèn đường, đêm xuống chung quanh nghe tiếng cóc nhái, ễnh ương kêu, tắc kè chắc lưỡi, cây cỏ mọc um tùm mà tưởng chừng đang ở đâu đó dưới quê xa. Vì thế nhiều người tìm thuê nhà gần nơi ở cũ để tiếp tục buôn bán qua ngày.
Hồi đầu giải tỏa kênh đen. Trung bình mỗi gia đình được bồi thường khoảng mấy chục triệu thì được mua căn chung cư một trăm triệu trả góp, dân chúng cư ngụ ở đây được phân mua nhà chung cư. Ven kênh rạch toàn dân nghèo rớt mùng tơi lấy đâu ra thêm mấy chục triệu nữa để mua căn hộ dù là trả góp. Rồi còn tiền “dịch vụ” hàng tháng làm sao trả xuể, nào là điện thắp sáng cầu thang, tiền điện bơm nước, tiền đổ rác, tiền an ninh… không thể kham nổi.
Vì vậy hầu hết dân giải tỏa đều “bán lúa non”, bán trao tay suất căn chung cư giá rẻ được phân ngay cho cò lấy món tiền bỏ túi trước rồi đi tìm nơi khác ở. Cò mua đi bán lại ở giữa ăn hoa hồng ngon ơ. Để đối phó việc người dân bị giải tỏa không tái định cư tại căn hộ được phân phối đó, nhà nước bèn ra lệnh chỉ hoàn tất thủ tục chủ quyền nhà cho những người có đủ giấy tờ chứng minh bị giải tỏa. Do vậy một số người lỡ mua nhà sang tay qua cò đành mất trắng tiền.
Chung cư tái định cư thường xây khá ẩu. Người chưa kịp đến ở, nhà đã bị thấm, tường dột, trần nứt, gạch bong… thậm chí nền lún. Vì là chung cư nên dân chúng đâu có tự sửa chữa được. Nhà giao xong rồi thì chủ thầu phủi tay. Dân kiện cáo mệt mỏi mà chẳng kết quả mấy.
Ông Quý mới thật điêu đứng vì chuyện giải tỏa nhà. Tái định cư mấy lần từ mười năm nay vẫn chưa chuyển được hộ khẩu mới. Ông lo bạc đầu vì đầu tiên, sau khi nhận tiền giải tỏa căn nhà ở quận 1, không đủ tiền để mua lại nhà trong nội thành, ông kiếm môt căn bên quận 2, ở chưa ấm chỗ thì xui sao chỗ ở mới này lại bị giải tỏa, gồng gánh chuyên chở đồ đạc chạy qua huyện Nhà Bè không bao lâu lại bị một Khu công nghiệp đuổi đi xây nhà xưởng. Ông lếch thếch lui về quận 9, mém cạnh Khu công nghiệp cao, ở vậy nhưng lòng lúc nào cũng phấp phỏng không biết lúc nào ổn định. Hộ khẩu vẫn nằm nơi ở cũ bây giờ thành xa lộ chưa dám chuyển vì không biết chỗ ở mới lúc nào bị giải tỏa. Tái định cư rồi ở đâu cho an cư lạc nghiệp chứ đâu có đơn giản chỉ là một mái nhà chui ra chui vào.
Chị Nhu ở ven sông lo lắng vì nghe nói Đại Hàn sẽ mua nguyên ô khu vực nhà của chị, chung cư Nguyễn Thiện Thuật sẽ được Nhật Bản phá đi xây chung cư cao cấp, Đài Loan mua Xóm Củi làm khu thương mại… Các công ty trong nước thường mua khoảnh đất trống hoặc khu dân cư nhỏ vì ngại đền bù rất rắc rối nhưng các công ty ngoại quốc vốn nhiều, có thể đền bù giá cao để lấy nguyên một ô dân cư rộng. Nghe nói vậy nhưng các dự án thật sự ai mua, đền bù bao nhiêu, tái định cư chỗ nào thì khó biết.
Kẹt nhất là nông dân hoặc dân ven đô, ngoại thành. Người nông dân vốn sống bằng đất đai, ruộng vườn. Giá bồi thường cho đất nông nghiệp thấp hơn giá đất dân cư rất nhiều. Dù sao choáng váng vì lần đầu tiên trong đời được cầm trong tay số tiền lớn, lại không được tư vấn, hướng dẫn cách xử dụng nên cục tiền to lớn đó nhanh chóng bị phung phí cho các tiết mục ăn chơi. Chỉ trong một thời gian ngắn, tiền bạc vỗ cánh bay hết. Gia đình tan nát, người nông dân trở lại nghèo hơn bao giờ hết, nghèo hơn trước kia vì không còn mảnh đất chọi chim.
Các khu công nghiệp khi mua đất thường hứa hẹn sẽ thu nhận dân giải tỏa vào làm công nhân nhưng cuối cùng việc đó không xảy ra do nông dân chỉ quen đồng áng, không có tay nghề phù hợp cho những ngành công nghiệp mới. Một sân golf chiếm bao nhiêu hecta đất cao lắm thu nhận vài chục nhân công địa phương. Thanh niên còn bị chê kém học vấn và kỹ thuật huống hồ người trung niên chỉ quen với cày cuốc trồng trọt. Song song các resort, các khu biệt thự mau chóng hiện ra, những người dân bị giải tỏa không biết đi đâu, làm gì, đành sống vất vưởng. Hậu quả là tệ nạn xã hội gia tăng ở những thành phần tái định cư này.
Chỗ ở, cuộc sống của người dân tái định cư ra sao thả nổi. Tiền đã nhận thì tự xoay xở lấy. Dần dần, dân chúng nhận thấy nhiều bất công trong việc giải tỏa – tái định cư: Chủ đầu tư đền bù vài trăm ngàn, vài triệu một mét vuông cho dân rồi bán lại cũng cho dân với giá gấp chục lần hoặc kinh doanh ở những cao ốc đó với số lời khủng khiếp. Dân giải tỏa bỗng nhiên rơi vào cảnh không đất, không nhà, không nghề nghiệp, con cái không học hành…
Vì vấn đề giải tỏa, tái định cư rối rắm như thế nên sau này phát sinh khái niệm “đền bù giá trị vô hình” tức là những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu như mất công ăn việc làm, tốn thời gian, công sức, tiền bạc cho việc di chuyển hằng ngày sau khi mất nhà, mất đất…
Thống kê đã cho thấy năm mươi phần trăm gia đình tái định cư sống sa sút hơn trước kia. Làm sao để sau khi tái định cư, đời sống của người dân nếu không tốt hơn thì cũng phải bằng trước kia. Đó là một vấn đề đưa ra không có câu trả lời. Cho nên đằng sau những sân golf, những tòa nhà nguy nga mới mọc là đời sống bấp bênh của đám dân tái định cư.
SGCN