Tại sao Mỹ-Philippines ban hành định hướng phòng thủ song phương?

Hoa Kỳ và Philippines đồng thuận đưa ra các hướng dẫn mới cho Hiệp ước phòng thủ chung 1951, sau những yêu cầu của Manila muốn làm rõ các điều kiện mà Washington sẽ bảo vệ Philippines.

Tại sao Philippines muốn làm rõ?

Mặc dù Hoa Kỳ đã trấn an Philippines rằng quan hệ đối tác quốc phòng của họ là “sắt đá”, nhưng Manila đã lập luận rằng hiệp ước có tuổi đời 7 thập niên cần được cập nhật để phản ánh một môi trường an ninh toàn cầu khác.

Thúc đẩy lần này của Philippines dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., người có mặt tại Washington trong tuần này, được đưa ra trong lúc Philippines than phiền về thái độ hung hăng ngày càng tăng tại Biển Đông của các tàu tuần duyên và tàu đánh cá Trung Quốc tình nghi là dân quân biển.

Philippines, quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng, cũng muốn bắt đầu khai thác trữ lượng khí đốt tự nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ mà Trung Quốc cũng nhận chủ quyền.

Để biết rõ ràng về thời điểm nước cai trị thuộc địa cũ của họ sẽ đến giải cứu, Philippines muốn có một cam kết rõ ràng từ đồng minh của mình và để Trung Quốc rút lui.

Các định hướng do Ngũ Giác Đài ban hành hiện đề cập cụ thể rằng các cam kết phòng thủ chung sẽ được viện dẫn nếu có một cuộc tấn công vũ trang vào một trong hai quốc gia “ở bất kỳ đâu trên Biển Đông”. Một bổ sung khác xác định rằng các tàu tuần duyên nằm trong số những thực thể được bảo vệ.

Định hướng cũng đề cập đến sự cần thiết phải làm việc cùng nhau để xem xét “chiến tranh bất đối xứng, hỗn hợp và bất thường và các chiến thuật vùng xám”.