THỜI ĐẠI NYLON
Trước kia gói hàng, người ta thường dùng lá chuối và giấy cũ, sau nữa mới dùng đến bao nylon và túi xốp.
Lá chuối gói hàng ngoài chợ. Vì là món ăn sạch sẽ nên bà bán xôi dùng giẻ ẩm… lưu niên lau mặt lá chuối rồi xới xôi vào đó. Các loại hàng hóa khác, thịt, rau, đậu, cá tươi, cá khô… thường gói bằng giấy cũ hay lá chuối buộc sợi lạt.
Dần dần những bao gói hàng này bộc lộ sự bất tiện. Tốc độ đô thị hóa mau chóng đẩy cây chuối ngày càng đi xa. Ven đô, ngoại thành không còn nhiều chuối nữa. Lại thêm lá chuối hái ngày nào dùng ngày đó, khó để dành vài ngày. Để lâu hơn lá bị héo khô, úa vàng và ùn ùn dễ rách tưa ra. Lá chuối trở nên ít và đắt, không dùng phổ biến như trước kia. Tới nỗi bây giờ vào các nhà hàng lớn mới có mảnh lá sen gói cơm hấp, lá chuối xanh lót đĩa gọi là trang trí. Đất đai còn dùng để trồng lương thực và nhà cửa mọc lên, đâu sẵn đất trồng cây chuối lấy lá làm bao gói.
Giấy càng ít dùng hơn nữa. Giấy gói hàng trước kia thường là giấy báo cũ, tập cũ học sinh hay giấy từ văn phòng các cơ quan thải ra. Người bán hàng mua ký lô về xé ra dùng gói hàng. Một thời gian dài giấy khan hiếm, ngay cả sách vở cũng phải in bằng giấy tái chế thô ráp, ngả màu xám đen. Trẻ con lượm rác hay len lỏi vào rạp ciné, rạp hát cuối buổi chiếu phim, đóng kịch, ca nhạc, sân vận động… để lượm rác là giấy báo, giấy vụn… bán lại cho mấy bà hàng xôi, hàng bánh… gói hàng.
Giai đoạn đó qua đi khi các nguyên liệu chế biến bao bì ngày càng phong phú, dễ dàng hơn. Sau này giấy cũ trực tiếp gói hàng như thế bị coi là không sạch sẽ do trải qua nhiều thời gian, nhiều giai đoạn sang tay chất đống, chứa kho… bụi bặm, dơ bẩn trước khi mang ra dùng gói hàng, nhất là gói thực phẩm. Bụi giấy hoặc mực thôi ra ẩm ướt dính vào thực phẩm rõ ràng không tốt. Vì thế cũng như lá chuối, giấy cũ gói hàng mất đi lúc nào không biết, chẳng ai dùng nữa.
Bao nylon xuất hiện vô cùng tiện lợi. Không thấm nước, không bị rách, đủ loại, đủ hình dáng, rộng hẹp, to nhỏ, dày mỏng, màu sắc như ý cho đủ mọi thứ hàng hóa.
Do sự tiện dụng của nó nên bao xốp, bao nylon, bao nhựa… gọi chung bao nylon mặc nhiên thay thế giấy và lá chuối, trở nên gắn chặt vào đời sống con người, thống lĩnh toàn bộ thị trường bao gói.
Vào thời kỳ khó khăn, không sẵn nguyên liệu, thiên hạ dùng bao nhựa tái sinh màu đen xỉn, hôi rình và lợn cợn sạn nhưng dần dần, kinh tế thị trường mở rộng, cần gì có nấy. Nguyên liệu hạt nhựa được nhập khẩu tự do khiến bao bì nylon tràn lan khắp nơi, trở nên một mặt hàng có vẻ bình thường nhưng hết sức quan trọng, không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày. Bất cứ hoại hàng hóa gì cũng đều cần tới bao nylon.
Loại màu mè sặc sỡ in hoa lá, hình ảnh, kiểu cọ dùng cho hàng trang trí, loại đơn giản để gói hàng bình thường, loại nylon tái sinh cho rau cỏ, cá mú… Màu đen dành cho những món hàng cần kín đáo; bao hình vuông, hình chữ nhật, hình dài đựng ly chè, chai nước, loại miệng rộng hay có quai xách đi lủng lẳng tiện lợi, không cần phải ôm trước ngực túi to, túi nhỏ.
Vì nylon rẻ, người bán hàng một lúc mua cả ký nên nó được dùng rộng rãi. Hai ngàn đồng ớt đựng trong một túi nylon, mười ngàn sữa đậu nành đựng trong một túi, túi sữa này lại bỏ trong một bao xốp có quai khác cho người ta dễ xách. Tương tự mấy trăm gram tôm bỏ vào một túi, túi tôm tanh bỏ trong một bao khác xách cho sạch tay. Tức là một món hàng thường phải đựng trong một hay hai túi nylon. Đã thế, mua tới cửa hàng thứ ba, cô bán hàng nhanh nhảu nói chị xách nhiều túi quá dễ rớt, để em đưa chị chiếc bao to bỏ hết vào xách cho gọn. Thành thử bà nội trợ ngày nay đi chợ, đi cửa hàng mua sắm hầu như không ai xách giỏ, xách làn như xưa cho lôi thôi. Vào chợ chỉ với hai tay không hay cầm chiếc ví nhỏ. Ra chợ đầy hai tay. Nào là bịch thịt, bịch rau, bịch trứng, trái cây riêng rẽ bịch thanh long, bịch dâu da, bịch chanh, bịch tỏi, bịch hành… Về tới nhà, bày thức ăn ra, rửa ráy xong, lại sang qua những túi nylon sạch khác bỏ tủ lạnh. Còn nylon gói hàng từ chợ thì bỏ vào thùng rác một đống. À quên, gọi là thùng rác theo quen miệng chứ “thùng rác” thường khi cũng vẫn là một bao nylon lớn mà thôi. Bao này khi đầy xách ra ngoài đầu hẻm chứ dùng thùng rác mất công cọ!
Buổi sáng đi làm, đi học, khách hàng mua gói xôi lót trên mặt bao nylon lồng mảnh giấy cho cứng, ổ bánh mì gói mành giấy ngang để giữ nóng buộc thung, lại bỏ vào một bịch nylon… Buổi trưa, chạy ra hàng cơm bình dân ngoài lề đường mua một phần ăn. Treo lủng lẳng ở ghi-đông xe là một túi nylon cơm, một túi nylon thịt kho, một túi rau muống xào, một túi canh bí, một túi nylon nước mắm. Tất cả để vào bịch to. Thêm một túi nước mía giải khát và một túi mận tráng miệng nằm trong bịch khác. Buổi chiều tan sở, ghé quán xách về “đĩa” mì xào dòn gồm một túi nylon mì xào, một túi nước xốt, một túi nước tương, một túi tương ớt, một túi nylon ớt băm hay sa tế… Về nhà trút ra chén đĩa còn lại một đống bao nylon thồn vào bịch rác. Đi sắm sửa gì gì đi nữa bộ quần áo, cây bút, quyển sách, cái kéo… tất cả đều phải gói gọn bằng bao nylon. Bánh, kẹo, muối, đường… dù đã được đóng kín trong gói, trong hộp thì khi trao cho khách hàng vẫn đặt vào một bao nhựa cho đàng hoàng, lịch sự. Các cửa hàng đông khách còn để sẵn xấp bao ngay quầy để khách muốn dùng bao nhiêu tha hồ rút lấy. Bao nylon đã trở thành nhu cầu cần thiết, thói quen không thể bỏ trong cuộc sống hàng ngày.
Đối với thức ăn, đựng trong bao nylon là hộp xốp cùng muỗng chén bằng nhựa. Túi nylon bằng nguyên liệu chính gốc tính kỹ ra thì cũng… hơi mắc nên nhiều nơi tiết kiệm tối đa bằng cách dùng trở lại bao tái sinh. Thứ này cũng đủ màu từ đen đậm đến màu tươi in hoa văn, từ trong ít đến đục nhiều. Chỉ tội là còn mùi hôi của nhựa tái sinh, khi bỏ vào tủ lạnh xông lên nồng nặc mùi nhựa hôi. Nhiều người tặc lưỡi tự an ủi thôi kệ mình dùng thức ăn đựng trong hộp xốp chứ cái bao nylon tái sinh chỉ móc tay cầm ngoài thì đâu… có sao!
Vì dùng quá đỗi thông dụng nên chỗ nào cũng có rác nylon vứt bừa bãi khắp nơi: Trên mặt đường, gốc cây, hàng quán, công viên… Một phần do thói quen xả rác bừa bãi của dân chúng, phần khác do nhẹ nên đầu tiên chắc chúng cũng được vất đúng chỗ nơi nào đó, rồi sau đó cứ theo gió thổi cuốn bay là là khắp nơi, nhìn chỗ nào trên đời cũng có bao nylon… Những hôm gió lộng, đi ngang đống rác đầu hẻm, lề đường… những chiếc túi trống rỗng hoặc nhẹ bỗng vì ít rác bay là đà trên mặt đất hoặc đột ngột thốc lên, rác trong túi xổ ra. Hôm nào trời mưa to, dân trong xóm bảo nhau mang gậy móc lôi ra từng nùi to bịch nylon chắn hết lỗ cống ven đường, thảo nào cứ mưa là ngập không kể nơi mo6t số kênh rạch, từng giề nylon quấn chặt giống như lục bình che kín mặt nước. Lục bình còn có màu xanh thảo mộc chứ đống nylon đó mới thực sự đống rác kinh hoàng.
Bao nylon cũng như lon nhôm, thùng carton… là thứ tái sinh được nên người lượm rác gom hết. Một vựa phế liệu cho biết mỗi ngày mua hàng tấn bao nylon. Họ bán lại cho người giặt bao. Những người này giặt rửa bao, đổ ra phơi trên mặt đất cho nắng gió làm khô, rồi mới phân loại. Các bãi phơi bao làm khổ người dân chung quanh vì mùi hôi tỏa ra chu vi hàng cây số chung quanh… Cuối cùng đến các cơ sở thủ công nghiệp tái chế lại. Các công đoạn thường làm thủ công hoặc bán thủ công giảm thiểu tối đa chi phí nên không thể nào bảo đảm vệ sinh được. Báo chí từng đưa tin hàng trăm tấn rác y tế được tái chế thành đồ nhựa gia dụng. Những thứ này có thể gây nguy hiểm do quá trình tái chế không diệt hết mầm bệnh.
Bao bì nylon đang được mọi người tận hưởng sự tiện dụng thì bỗng nhiên bị lôi ra ánh sáng bao nhiêu sự độc hại. Nào là nylon chỉ tự tiêu hủy hoàn toàn sau năm trăm đến một ngàn năm, còn chôn xuống đất thì chỉ mất khoảng… năm mươi năm gây ô nhiễm. Cảnh báo túi nylon, hộp xốp ở nhiệt độ cao tỏa chất độc gây hại cho sức khoẻ. Còn thức ăn nóng đựng trong túi nylon thì tiết ra chất… gây bệnh ung thư. Thảo nào độ này đi đâu cũng nghe mọi người kể chuyện ung thư, và toàn gặp bệnh nhân ung thư. Vừa đi thăm cô cháu bị bệnh ung thư dạ dày lại nghe báo anh bạn chớm bệnh ung thư gan, còn ông hàng xóm hay gặp ngoài quán cà phê buổi sáng bị ung thư ruột trầm trọng vừa mới hai năm mươi sáng hôm qua…!
Rác không được phân loại nên phân hữu cơ cung cấp cho nhà vườn gồm đủ mọi thành phần từ chất mùn cho đến xi măng, sắt thép trộn lẫn… Nhổ lên một bụi đậu phọng trái èo uột nhỏ xíu mới phát giác bộ rễ bị quấn chặt bởi mảnh nylon. Hỏi vậy làm sao hạt đậu phọng nở to, béo bùi cho nổi.
Nhiều biện pháp cứu vãn đưa ra. Nào là bao bì tự phân hủy, mua hàng trong siêu thị có hóa đơn trên hai trăm ngàn được tặng một bao bì “xanh” nghĩa là bao bì không phải chất nylon, bà con cô bác không nên dùng cái thứ nylon đó nữa…
Dân chúng được hô hào không dùng bao nylon. Độc hại thì hiển nhiên nhưng cũng… thật khó vì đi đâu mua sắm ngẫu nhiên, khách hàng không thể lúc nào cũng kè kè sẵn một cái giỏ hay túi to bên mình. Một số siêu thị phát bao tự hủy hoặc bao dùng nhiều lần, siêu thị khác huy động nhân viên ngồi dán giấy báo, lịch cũ, tạp chí thành bao giấy để phát cho khách hàng. Tuy nhiên đó chỉ là những hoạt động có tính chất phong trào bởi vì với số lượng khách đông nghẹt ở siêu thị nói riêng và thị trường hàng hóa nói chung, không thể nhân viên của từng cơ sở ngồi cong lưng xếp túi, dán túi giấy thủ công được, cũng như không thể phát miễn phí bao bì có giá thành cao.
Hay là ống hút làm bằng rau muống, lục bình… bao bì làm từ bã mía, xơ dừa… Chỉ có điều các vật liệu thân thiện làm từ vật liệu thiên nhiên này lại có giá thành cao. Vì thế người tiêu dùng không chấp nhận.
“Giả sử trung bình mỗi người dân Việt Nam dùng một túi nylon/một ngày nghĩa là 1 ngày có 86 triệu chiếc túi được dùng, một năm tổng số túi nylon được dùng là 31,4 tỉ chiếc, có khối lượng tương đương với một triệu tấn nhựa”. Do thải khí độc, khó bị phân hủy… Rác nylon không những làm ô nhiễm môi trường mà ngay cả khi là mặt hàng mới ra lò đưa vào xử dụng, nó cũng không phải là mặt hàng “thân thiện”. Tin tức về bao nylon, hộp xốp đựng thực phẩm… có thể gây độc hại dấy lên sự e ngại nơi người tiêu dùng. Có điều cũng giống như bánh phở có formol, kẹo ngậm Trung quốc của trẻ em có chất độc… om xòm lên một thời gian rồi đâu cũng vào đó, dư luận lắng xuống rồi người lớn vẫn ăn phở ào ào, trẻ con mỗi ngày vẫn mút đủ thứ kẹo tầm bậy tràn lậu qua biên giới bán trước cổng trường…
Vả lại nếu không dùng túi nylon thì chưa có loại bao bì nào thay thế. Nhu cầu đòi hỏi một ngành công nghiệp cung cấp bao bì chuyên nghiệp trước khi xóa bỏ thói quen tiêu dùng cũ. Cũng giống như khi trước, dân chúng toàn quốc phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy nhưng lại không có đủ mũ cung cấp khi lệnh bắt buộc ban hành. Thế là mũ dỏm cấp thời lan tràn khắp nơi. Xe ba bánh cấm lưu hành nhưng không có loại xe nào thay thế, lại thêm xăng dầu tăng giá tung cơ hội hiếm có cho xe tải nhẹ Trung quốc ồ ạt tràn vào VN. Cuối cùng lệnh cấm xe ba bánh đành hoãn thời gian thi hành mấy lần, chỉ tội nghiệp mấy ông xích lô, ba gác vội vã bán ve chai chiếc xe câu cơm của mình rồi ngồi bó gối khóc.
Quả thật đến giờ này chưa có loại bao bì nào tiện lợi, gọn, “nhẹ”, giá thành thấp thay thế được cho bao nylon. Gặp hàng gỏi khô bò, hàng chè chuối, nước sâm… muốn mang về cho cả nhà thưởng thức thì đâu có sẵn gà-mên mà đựng. Thôi thì cứ mỗi món một bịch nylon. Mấy ông nhậu làm biếng cứ để nguyên bịch hay hộp thức ăn đó, bẻ gập mép bịch xuống hay mở nắp hộp ra cứ thế gắp, chút nữa ăn xong vứt bỏ, khỏi mất công rửa chén, rửa đĩa…
Sau này “tiến bộ” hơn một chút, thức ăn không chứa trong bịch nylon nữa mà đựng trong hộp xốp. Ăn liền trong chiếc hộp gọn gàng đó chứ khỏi đổ từ bịch ra dĩa ra tô. Loại hộp này quá tiện và quá rẻ. Thật ra loại bao bì này có thể gây ung thư nơi người và cũng khó phân hủy
Còn tác hại thì… xa xôi quá! Bộ ăn tô cháo vừa trút trong bịch nylon ra mà chết ngay à. Có mắc bệnh thì cũng năm, mười năm nữa còn lâu! Mà ung thư cũng từ nhiều nơi đưa đến chứ đâu phải từ bịch nylon mà đổ “tội” cho nylon. Nào là không khí bị ô nhiễm, nước uống từ nhà máy, từ bình nước “tinh khiết” chưa chắc sạch, tiếng ồn đô thị, đồ hộp quá đát…
Vậy nên đành vẫn dùng bao nylon, chờ đến khi nào có loại bao bì nào rẻ như nó, lợi như nó, “nhẹ” như nó… thì mới thay!
Hàm Anh