TIỀN CHUNG HAY TIỀN RIÊNG

Đối với các cặp vợ chồng, mở chung một trương mục ngân hàng không hẳn là một việc đơn giản, nói là làm được ngay, mà trên thực tế có lắm điều nhiêu khê. Cho dù đó là các cặp vợ chồng mới cưới hay các cặp vợ chồng đã lấy nhau trong một thời gian thì việc mở chung với nhau một trương mục là một quyết định quan trọng. Dù lý do là gì và thời gian họ lấy nhau là bao lâu, việc gom tiền bạc vào chung một trương mục có thể làm nảy sinh ra nhiều vấn đề tâm lý phức tạp có thể khó lường trước được.

Lẽ đương nhiên, các cặp vợ chồng có đủ mọi lý do để muốn kết hợp tiền bạc của họ vào chung với nhau. Đối với một số cặp vợ chồng, giữ tiền riêng là điều quá phức tạp, nhất là một khi họ có con với nhau. Đối với một số cặp khác, sự tin tưởng lẫn nhau về tài chính là một phần quan trọng của đời sống hôn nhân, và gom chung tiền bạc giúp họ cảm thấy giống như một cặp vợ chồng thực sự hơn là hai người bạn ở chung phòng.

Đối với tất cả các cặp vợ chồng, cái khó là làm sao đạt được những lợi ích của sự kết hợp tài chính trong khi giảm thiểu hoặc tránh được những cảm xúc đi kèm với nỗi sợ bị mất đi sự tự do và không hoàn toàn kiểm soát được phần tài chính của mình.

Mặc dù có những trở ngại về tâm lý, nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy các cặp vợ chồng (hoặc các cặp sống chung) gộp chung các trương mục đầu tư, thẻ tín dụng và ngân hàng với nhau về lâu về dài sống hạnh phúc hơn và nhận thấy rằng việc gom chung các nguồn tài chính của họ lại với nhau giúp dọn đường đưa họ đạt được những dấu mốc quan trọng về tài chính như mua nhà và tiết kiệm để nghỉ hưu,

Các cặp vợ chồng kết hôn nắm giữ phần tài sản nhiều gấp bốn lần các cặp sống chung nhưng không có hôn thú, và các nhà nghiên cứu chỉ ra cho thấy việc gom chung tiền bạc là một trong những lý do tại sao được như vậy.

Vậy thì tại sao cho đến nay vẫn không có nhiều cặp vợ chồng cùng mở chung các trương mục?

Theo một cuộc khảo sát năm 2022 của CreditCards.com, 43% các cặp vợ chồng cho biết họ có trương mục ngân hàng chung. Cũng trong cuộc thăm dò trên cho thấy có tới 34% các cặp vợ chồng cho biết họ có trương mục chung và riêng, và 23% nói tiền bạc của ai người nấy giữ.

Sự lựa chọn chung hay riêng thường là từ việc người ta đánh giá giữa lợi và hại. Nếu như trong trường hợp hai người bỏ nhau hay ly dị, những cặp có chung trương mục có thể gặp khó khăn hơn trong việc giải quyết chia tài sản, và tiền kiếm được khó nhọc của một người có thể bị thất thoát khi đưa lên bàn cân để xem đâu là “của mình” và đâu là “của họ”.

Nhưng theo nghiên cứu từ nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Cornell và Đại học Colorado tại Boulder, thực ra có một số lợi điểm khi hợp nhất trương mục của hai người lại với nhau. Kết quả nghiên cứu cho thấy các cặp vợ chồng xài chung một trương mục cũng khoe rằng họ hài lòng trong mối quan hệ nhiều hơn. Ngoài những lợi ích của việc chung trương mục thì họ thấy tài sản của họ bao giờ cũng nhiều hơn, việc kết hợp tài chính dẫn đến cảm giác là cả hai có trách nhiệm hơn, vì nửa này có thể quan sát thói quen chi tiêu và tiết kiệm của người kia một cách chặt chẽ hơn, và ngược lại.

Các nhà nghiên cứu trên đã thử xem xét các quyết định về tiền bạc của từng mỗi cá nhân thay đổi như thế nào trong việc họ chi tiêu từ các trương mục riêng hay các trương mục chung với người bạn tình của họ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy là những người chi tiêu từ một trương mục chung thì ít có khả năng mua các món hàng chỉ vì họ thích và thay vào đó họ quyết định mua những món hàng thực dụng hơn. Thí dụ, kết quả một nghiên cứu cho thấy những người tham gia chi tiêu từ một trương mục chung thường chọn mua một cái cốc để uống cà phê – được coi là một món hàng hợp lý hơn – thay vì một thùng bia, vốn được coi là lựa chọn kém hợp lý hơn.

Cuộc nghiên cứu cũng chứng minh cho thấy có trách nhiệm nhiều hơn về tiền bạc không có nghĩa là có khả năng đưa tới xung khắc nhiều hơn. Lý do là vì khi người ta càng có thể nâng cao tính minh bạch và nhận thức về hành vi của nhau thì điều đó có thể giúp cả hai người cùng phối hợp và đi đúng hướng hơn.

Tuy nhiên, không phải cặp nào cũng đều sẵn sàng bỏ tiền vào chung một trương mục.

Như anh Nathan Gallagher, 30 tuổi sống tại Brooklyn, không có chung trương mục với người bạn tình của anh. Nhưng mỗi tháng, hai người lại ngồi xuống để nói chuyện về trương mục riêng của họ, chia sẻ các món chi tiêu và những tiến bộ về tài chính trong việc chi tiêu và để dành được trong thời gian chung sống với nhau. Họ chia tiền mướn nhà và những món chi tiêu khác trong nhà, và nếu một trong hai người cần giúp đỡ khi gặp khó khăn về tài chính thì người kia không chần chừ và sẵn sàng giúp trang trải các món chi tiêu còn lại.

Đây là cách chọn lựa quản lý tiền bạc của nhiều người trẻ thời đại ngày nay. Họ giữ riêng tiền của họ giống như hai người xa lạ. Thậm chí khi cả hai đi ăn nhà hàng, khi trả tiền họ cũng trả riêng phần ăn của họ.

Nhưng cũng có sự lựa chọn trung dung, như anh Jessee Cramer, sống tại Rochester, New York, cho biết đó là cách anh đang thực hành. Trong khi anh dự tính một ngày nào đó sẽ cùng đứng chung trương mục với người vợ mới cưới của anh, nhưng vào lúc này thì họ chưa. Tuy nhiên, cả hai đã có những cuộc đàm luận về mục tiêu chia sẻ chung tiền bạc. Họ đồng ý thảo luận khi nào thì họ sẽ chia sẻ các món chi tiêu chung và khi nào thì giữ việc mua sắm cho riêng mình theo cách hợp lý.

Có nhiều người gặp khó khăn về tiền bạc và họ mang khó khăn đó vào trong quan hệ tình cảm khiến cho mối quan hệ đó gặp trục trặc ngay từ buổi đầu. Do đó người ta phải thật khéo léo và tế nhị trong việc dung hoà giữa vấn đề tình cảm và tiền bạc, đừng để rủi ro của cái này gây ra rủi ro cho cái kia.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng lợi ích của việc chia sẻ chung tiền bạc thì nhiều hơn so với những những rủi ro nói trên, đặc biệt đối với những người không có nhiều tiền. Các nhà nghiên cứu giải thích dựa trên vấn đề tâm tâm lý: Nếu là người có thu nhập thấp hơn và gộp chung tiền với nhau, người ta có thể có cảm giác như có được nhiều tiền hơn, trong khi nếu là hai người thực sự giàu có và gộp chung với nhau, thì họ vẫn là những người siêu giàu.

Người Mỹ thực dụng nên họ có thể thẳng thắn đặt vấn đề tiền bạc và tình cảm lên bàn thảo luận để tìm xem lợi hại ra sao. Ngược lại, người Việt mình thường tế nhị nên không mấy khi chúng ta thẳng thắn và trực tiếp bàn về những vấn đề ấy, và đôi khi còn xem đó là điều cấm kỵ dễ gây ra hiểu lầm khiến cho người kia nghĩ rằng họ không may quen phải một người coi trọng tiền bạc hơn tình cảm. Tuy nhiên, phần đông các gia đình Việt Nam có thể nói cho đến nay vẫn theo truyền thống cũ: người đàn ông đi làm mang tiền về cho gia đình, chuyện tiền bạc thì để cho người đàn bà trong gia đình quán xuyến, chi thu ít hay nhiều thì ráng sao cho đủ để gia đình được yên ấm. Và cách này có lẽ là hay nhất vì bản chất tự nhiên của người đàn bà thường chi li và để ý tới những cái nhỏ nhặt: đồng mắm, đồng đường, bó rau, lọ cà. Và phải chi li như thế thì mới có thể nói là quản lý giỏi tiền bạc trong nhà. Vậy thì các đàn ông Việt Nam phải nên vui mừng, vì ít ra là sẽ đỡ bị nhức đầu với những con số cộng trừ lặt vặt là điều mà đa số các ông rất dở.

Huy Lâm