Dư luận vốn đã ồn ào sau khi có tin bốn tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines bị tạm giữ do trong hành lý của họ có 11,4 ký ma túy, nay lại dậy sóng lúc cả bốn được trả tự do…
Đường đi của hơn 11kg ma túy
Tại buổi thông tin về vụ nhóm tiếp viên hàng không Vietnam Airlines vận chuyển trái phép chất cấm vào chiều 17/3, Cục Hải quan TP.HCM cho biết bốn nữ tiếp viên của hãng Hàng không Vietnam Airlines gồm: Nguyễn Thanh Thủy (sinh năm 1983), Đặng Phương Vân (1996), Trần Thị Thu Ngân (1993) và Võ Tú Quỳnh (1993) đã chuyển hơn 11kg ma túy từ Pháp về Việt Nam.

Sáng 16/3, Đội Thủ tục hành lý nhập khẩu (Chi Cục Hải quan Tân Sơn Nhất thuộc Cục Hải quan TP HCM) khi soi chiếu hành lý của phi hành đoàn chuyến bay mang số hiệu VN 10 từ sân bay Paris Charles de Gaulle (Pháp) về sân bay Tân Sơn Nhất, đã phát giác trong 4 vali nặng 60 kg của bốn cô này, ngoài các vật dụng cá nhân, có tổng cộng 327 tuýp kem đánh răng (chưa mở nắp, nhiều nhãn hiệu khác nhau, mỗi tuýp được đựng trong một hộp giấy riêng lẻ) và 17 chai nước súc miệng.
Trong các tuýp kem đánh răng có 157 tuýp chứa tổng cộng 11.284,57 gram ma túy các loại Ketamine và MDMA.
Sau khi bị phát giác, nhóm tiếp viên này tỏ ra sửng sốt và khai rằng khi ở Pháp, qua một đồng nghiệp làm chung hãng, đã được một người Việt nhờ xách tay một số hàng hoá về nước cho người thân và trả công hơn 10 triệu đồng (khoảng hơn 400 Mỹ kim). Phía giao hàng tại Pháp có thông báo khi về đến Việt Nam thì sẽ có người liên lạc để nhận hàng.
Do quá mệt mỏi vì vừa trải qua chuyến bay dài, họ chỉ xem qua loa vài tuýp kem, không thấy có gì bất thường. Tiếp viên trưởng Nguyễn Thanh Thủy đã chia nhỏ số hàng hóa để cất vào hành lý của từng người.
Bốn kiện hành lý này đã lọt qua an ninh sân bay tại Pháp nhưng vừa về đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thì bị phát giác.
Tất cả bốn cô chỉ cung cấp được tin nhắn trao đổi, thoả thuận giá cả với ‘người giao hàng’ tại Pháp có nội dung được trả tiền công hơn 10 triệu đồng.
Vì sao 4 tiếp viên hàng không xách ma túy được trả tự do?
Chiều 23/3, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng Tham mưu – Công an TP HCM, đã trả lời về việc trả tự do cho 4 tiếp viên hàng không mang 11,2 kg ma túy từ Pháp về Việt Nam.
Ông Hà cho biết căn cứ kết quả điều tra, ngày 21/3, các cơ quan chức năng đã họp, đánh giá toàn diện tài liệu, chứng cứ thu thập được và bước đầu xác định khi 4 tiếp viên hàng không nêu trên đang lưu trú tại Pháp thì có một người Việt nhờ chuyển hàng về Việt Nam để gửi cho người nhà.
Các tiếp viên này không biết bên trong 327 tuýp kem đánh răng nhận vận chuyển, có 157 tuýp bị đối tượng trà trộn, cất giấu ma tuý. Do vậy, chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự.
Đến ngày 22/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP HCM đã ra quyết định trả tự do cho 4 tiếp viên hàng không nêu trên.
Ông Hà cho hay hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án “vận chuyển trái phép chất ma túy” để làm rõ bản chất vụ việc, xử lý nghiêm các đối tượng liên quan theo quy định.
Giải thích thêm về việc trả tự do cho 4 tiếp viên hàng không, ông Hà cho biết muốn khởi tố bị can thì hành vi vi phạm phải bảo đảm 4 yếu tố cấu thành.
Trong trường hợp này, yếu tố lỗi về mặt chủ quan của tội phạm chưa được chứng minh và quá trình thu thập tài liệu chứng cứ không chứng minh được yếu tố này. Ông Hà phân tích nếu các tiếp viên hàng không ý thức, biết vận chuyển ma túy thì số tiền vận chuyển chắc chắn không bằng giá của hàng tiêu dùng bình thường.
Ông Hà cũng nhấn mạnh trong quá trình điều tra, công an đã thu thập, đánh giá toàn diện, toàn bộ chứng cứ. Quá trình thu thập chứng cứ từ các nguồn khác nhau, kể cả khám xét nhà bốn người này.
Khó hiểu khi thông tin báo chí quá sớm
Ngày 16/3, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an TP.HCM tạm giữ 4 nữ tiếp viên hàng không xách tay ma túy từ Pháp về Việt Nam, thì ngay chiều 17/3, Cục Hải quan TP.HCM đã tổ chức họp báo vụ này.
Cục Hải quan TP.HCM nhận định khác với Bộ Công an VN. Trao đổi với báo Thanh Niên hôm 18/3, ông Đinh Ngọc Thắng – Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM – khẳng định vụ bắt giữ 4 cô gái này không phải là chuyện tình cờ. Ông Thắng nói: “Căn cứ thông tin tình báo, các nghiệp vụ kiểm soát hải quan; căn cứ các dấu hiệu nghi vấn về tuyến, đối tượng trọng điểm, kết quả thu thập thông tin, Cục Hải quan TP.HCM đã chỉ đạo phá án”. Và đây là “nhóm đối tượng mới” và chưa có tiền lệ.
Theo tường trình của một lãnh đạo trong Cục Hải quan TP.HCM, nay sau khi kiểm tra và phát giác trong hành lý của 4 cô tiếp viên này có chứa chất cấm, Cục Hải quan đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an tiếp hành khám xét, phân loại và thống kê số lượng chất cấm trong từng va li. Tuy nhiên, ngay trong lúc các cơ quan chức năng đang phá án, thì “một tờ báo đăng thông tin này lên. Từ chỗ đó, nhóm đối tượng biết và không xuất hiện (để nhận hàng) nữa”. Ông lãnh đạo này cho đó là “điều đáng tiếc!”
Có thể đoán Cục hải quan TP.HCM phấn khích khi phát giác “nhóm đối tượng mới” với đường dây vận chuyển chặt chẽ; họ bỏ công theo dõi, sàng lọc, phân loại đối tượng,… rồi mời bên công an vào phá án, nên nhanh nhẩu công bố để lập công.

Chắc Cục này không thể ngờ cuối cùng, bên công an tuyên bố “không đủ căn cứ xử lý hình sự 4 cô gái vàng” này.
Thượng tá, tiến sĩ Đào Trung Hiếu – Chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an VN) nói: “Tôi cảm thấy khó hiểu khi việc tổ chức công bố thông tin cho báo chí sớm như vậy. Với công tác đấu tranh chuyên án thì đây là điều tối kỵ, bởi còn quá nhiều việc phải làm để có một chuyên án trọn vẹn với kẻ mua, người bán thực sự bị sa lưới pháp luật”.
Là người từng trực tiếp tham gia các chuyên án về ma túy, ông Hiếu cho hay, “Truyền thông, báo chí chỉ có thể biết đến thông tin chuyên án khi tất cả các yêu cầu, nhiệm vụ đã hoàn tất”.
Theo ông Hiếu, việc nóng vội thông tin về kết quả của một giai đoạn nào đó, có thể ảnh hưởng đến tổng thể của cuộc điều tra. Bởi vì khi thông tin được công khai, người phạm tội, kẻ liên quan có thể bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ, tìm cách đối phó với hoạt động điều tra.
“Mọi thông tin chuyên án phải được bảo mật tuyệt đối vì đó là bí mật nhà nước. Mọi hành vi để lộ lọt thông tin vô tình hay cố ý đều là vi phạm”, Thượng tá Hiếu nhấn mạnh.
Ông Đào Trung Hiếu cho rằng, lẽ ra thông tin 4 tiếp viên xách ma túy phải được bảo mật tuyệt đối, tạo cơ sở để triển khai rất nhiều việc tiếp theo. Việc phát giác ma túy chỉ là bước khởi đầu, phía sau còn rất nhiều nội dung phải làm để bóc gỡ toàn bộ đường dây.
Vì sao dư luận dậy sóng?
Việc trả tự do cho các cô tiếp viên hàng không này gây nhiều phản ứng trái chiều.
Ở góc nhìn của mình, Luật sư Trần Đại Lâm ở Hà Nội cho rằng: “Cá nhân tôi nhận định là việc trả tự do cho bốn cô tiếp viên hàng không của cơ quan điều tra công an TPHCM là hoàn toàn chấp nhận được, về mặt pháp lý và khoa học.
Đối với vụ bốn cô tiếp viên hàng không này, nếu sau này cơ quan công an không chứng minh được các cô phạm tội thì chúng ta cần coi đây là một án lệ để áp dụng tương tự cho những vụ việc tương tự đã, đang hoặc sẽ xảy ra. Bởi vì không thể nào kết án một con người một cách vội vã và chỉ mong muốn trừng phạt người ta bằng mọi giá.”
Tuy nhiên, nhiều người lại bất bình, nhìn thấy ở việc trả tự do này nhiều điều bất thường.
Đa số cho rằng, hồi nào tới giờ ở Việt Nam, một khi bị phát giác vận chuyển hay buôn bán ma túy là sẽ bị tù hoặc tử hình tùy theo mức độ, cho dù bị cáo có kêu oan, như trường hợp bà Nguyễn Thị Hiệp, một công dân Canada gốc Việt bị phía Việt Nam tử hình năm 2000 với tội buôn lậu ma túy.
Lúc bấy giờ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Canada, ông Reynald Doiron nói rằng, chính phủ ông lấy làm tiếc vì từ hai tháng trước khi bà Hiệp bị hành quyết, phía Canada đã gửi đến Chính phủ Việt Nam các bằng chứng, trong đó có cả các băng thu hình và thu âm, chứng tỏ bà Hiệp có thể đã bị lừa gạt trong việc đem ma túy lúc rời Việt Nam. Nhưng phía Việt Nam đã không nghiên cứu các chứng cớ ấy.
Không ít người đã dẫn lại một số trường hợp cũng mang giúp, vận chuyển dùm hàng hóa có ma túy và bị kết án tử hình. Đơn cử trong số đó là trường hợp của Phan Thị Huệ, tỉnh An Giang, đã bị TAND tối cao tại TP.HCM tuyên án tử hình về tội “vận chuyển trái phép chất ma túy” vào tháng 7/2012 vì mang hộ đôi dép chứa ma túy vào Việt Nam cho một phụ nữ và được trả 10 USD.
Như trường hợp bà Nguyễn Thị Hương – 73 tuổi, người Úc gốc Việt, trường hợp ông Trần Minh Đạt – 43 tuổi, người Úc gốc Việt,… bất kể sự ái ngại của nhiều người, nhiều giới về những cáo buộc này.
Chính một lãnh đạo Vietnam Airlines khẳng định với báo chí, trước giờ bay của tất cả chuyến quốc tế, tiếp viên đều bắt buộc ký cam kết không được phép mang hộ, cầm giúp bất cứ thứ gì. Cho nên chia nhau vài trăm đô có đủ lớn để các cô này dễ dàng xách dùm cả mấy chục ký hàng của một người không quen biết về Việt Nam?
Nhiều người cho rằng, chuyện các tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines, thậm chí phi công trưởng, phi công phó, buôn lậu hay vận chuyển ma túy đã từng xảy ra, nên chuyện nếu như các cô này có vận chuyển ma túy cũng không lạ. Có thể nêu một vài ví dụ:
Tháng 8 năm 2007, phi công Trần Văn Đăng của Vietnam Airlines bị bắt giữ tại Úc và bị phạt tù bốn năm rưỡi vì đã chuyển trái phép hàng triệu đô la từ Úc sang Việt Nam trong 18 lần.
Tháng 4 năm 2008, phi công Lại Quốc Việt của Vietnam Airlines lại bị bắt giữ tại Úc và bị phạt tù chín năm rưỡi do liên quan tới đường dây rửa tiền và ma túy lớn tại quốc gia này.
Tháng 5 năm 2015, phi công trưởng Nguyễn Văn Dũng và tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong đều của Vietnam Airlines phải ra tòa ở Nam Hàn do bị phát giác có 6kg vàng giấu trong đế giày. Tuy bị công tố viên đưa ra bản án tù giam, nhưng cuối cùng cả hai được hưởng án treo và bị trục xuất về Việt Nam.
Người ta chỉ lấy làm lạ là những gì bốn cô tiếp viên nói ra được công an VN tin và điều tra theo hướng có lợi cho các cô.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh nhận định: “Hình ảnh cho thấy một vụ trọng án, mà cả 4 nữ tiếp viên hàng không ngồi trong một căn phòng tạm, cùng nhau viết lời khai, giống như học sinh cấp hai vi phạm nội quy cùng viết kiểm điểm.
Luật sư Hà Huy Sơn trong một status có tên là “Công lý có bị nhạo báng?” có đặt vấn đề với tấm ảnh lấy lời khai rất lạ đó, là “Các tiếp viên hàng không được ngồi chung bàn để viết tường trình thì có “thông cung”, nghiệp vụ đấu tranh với tội phạm ở đâu?”
Có thể tạm trả lời ngay, là những phụ nữ mang 11kg ma túy đó về nước không bị coi là tội phạm, họ không bị “đấu tranh”, và họ được tin vào những gì họ nói, và viết ra”.
Ông Khanh đặt câu hỏi: “niềm tin ấy, niềm tin và tinh thần suy đoán vô tội của luật pháp tuyệt vời đó, công dân Việt Nam nào sẽ được hưởng?”. Bởi lẽ, trong biết bao vụ án oan, người ta đã khản cổ kêu oan mà chẳng ông công an nào tin cả, ngược lại, họ còn dùng đủ thứ “nghiệp vụ” để tròng cái án oan lên cổ người vô tội…
Giống như nhiều quốc gia khác, Luật Tố tụng hình sự của Việt Nam cũng xác định: Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội (Điều 15) và: Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục luật định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội (Điều 13), nhưng đó lại là điều rất hiếm gặp trong thực tế.
Cũng vì vậy, rất nhiều người không tin, lần này, bốn tiếp viên của Vietnam Airlines được phóng thích chỉ vì… chưa đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự. Như Trần Quốc Quân trào phúng: “Các bạn đừng thấy việc bốn cô tiếp viên hàng không vận chuyển ma túy bất ngờ được trả tự do mà ham. Bởi khi các bạn nổi cơn tham mà vận chuyển ma túy bị cơ quan chức năng bắt quả tang, muốn thoát tội, CÁC BẠN PHẢI CHỨNG MINH MÌNH VÔ TỘI. Trong khi bốn cô tiếp viên hàng không bị bắt quả tang vận chuyển ma túy với khối lượng rất lớn, muốn buộc tội các cô ấy, CƠ QUAN CHỨC NĂNG PHẢI CHỨNG MINH CÁC CÔ ẤY CÓ TỘI. Bản chất vụ việc tưởng giống nhau nhưng cách thức buộc tội thì rất khác nhau. Đó là bởi luật pháp ở xứ sở này là một trò chơi quyền lực. Các bạn đã hiểu chưa?”
Tịnh Khê (tổng hợp)